Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Công tác nghiên cứu khoa học của Bộ tiếp tục gắn với phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội
Sáng 8/4, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo Tọa đàm “Triển khai kế hoạch công tác nghiên cứu khoa học của Bộ Ngoại giao năm 2024 và định hướng thời gian tới”.
Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt đã chủ trì buổi Tọa đàm. Tham dự Tọa đàm có các thành viên Hội đồng Khoa học Bộ; đại diện lãnh đạo các đơn vị trong Bộ và một số chuyên gia, cố vấn như: nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, PGS.TS. Đại sứ Đặng Đình Quý; GS.TS. Đại sứ Nguyễn Vũ Tùng.
Qua báo cáo của Hội đồng Khoa học Bộ, năm 2023, Bộ Ngoại giao đã thực hiện đa dạng các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học với khối lượng công việc nhiều hơn các năm trước. Bộ đã chủ trì 2 và phối hợp thực hiện 5 nhiệm vụ cấp quốc gia; 19 nhiệm vụ cấp Bộ, 6 nhiệm vụ cấp cơ sở, 1 nhiệm vụ cấp tỉnh, 2 nhiệm vụ Quỹ Nafosted, 7 nhiệm vụ cấp Học viện, 57 Chuyên đề khoa học, 12 Hội thảo tọa đàm khoa học các cấp,…
Tất cả các nhiệm vụ nghiên cứu được hội đồng kiểm tra, nghiệm thu, đánh giá vượt trội về nội dung nghiên cứu, thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng và khối lượng sản phẩm.
Đóng góp ý kiến tại Tọa đàm, các đại biểu khẳng định, công tác nghiên cứu tiếp tục gắn và phục vụ công tác của Bộ, gắn với các vấn đề đối ngoại lớn mà Bộ chú trọng triển khai. Công tác nghiên cứu của Bộ cũng ngày càng bài bản, theo đúng quy trình quy chuẩn do Bộ Khoa học và Công nghệ đề ra. Sản phẩm nghiên cứu đa dạng hơn, quy mô lan tỏa rộng hơn, mang chiều sâu đặc thù và thế mạnh của Bộ.
Nhiều sản phẩm nghiên cứu có chất lượng và được đánh giá cao, đặc biệt là các báo cáo gửi Lãnh đạo cấp cao và các Bộ ngành khác, các đề án đối ngoại về quan hệ với các đối tác hoặc theo chủ đề, chuyên đề…
Các đại biểu cho rằng, có được kết quả như trên là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ đối với công tác nghiên cứu, đặc biệt ngày 15/3/2023 Ban cán sự Đảng Bộ Ngoại giao đã ra Nghị quyết số 01-NQ/BCSĐ về tăng cường công tác nghiên cứu, tham mưu đối ngoại. Các đơn vị đã cụ thể hóa và triển khai Nghị quyết công tác nghiên cứu. Việc xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học của Bộ năm 2024 đã có những bước chuyển lớn bằng việc xây dựng và triển khai 3 Chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp Bộ giai đoạn 2024-2025.
Các đại biểu cũng đề xuất nhiều biện pháp nhằm tăng cường công tác nghiên cứu lý luận, nghiên cứu động thái và nghiên cứu chiến lược… Trong bối cảnh biến đổi nhanh chóng tình hình thế giới hiện nay, cần tăng cường công tác nghiên cứu chuyên đề; tăng cường công tác tuyên truyền; sớm xây dựng danh mục các công tác nghiên cứu, khuyến khích các nghiên cứu phát hiện vấn đề và nghiên cứu “đặt hàng” của các đơn vị trong Bộ; tăng cường công tác nghiên cứu ở các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài…; tính toán kỹ đối tượng nghiên cứu, quy hoạch cán bộ làm công tác nghiên cứu…
Phát biểu chỉ đạo tại Tọa đàm, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã đánh giá cao những kết quả nghiên cứu đạt được trong năm qua đặc biệt kể từ khi triển khai Nghị quyết 01 của Ban cán sự đảng Bộ về công tác nghiên cứu và tham mưu chiến lược.
Bộ trưởng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công tác nghiên cứu đối với cán bộ ngoại giao và hoạt động đối ngoại. “Cán bộ ngoại giao là phải làm công tác nghiên cứu, đặc biệt là công tác nghiên cứu cơ bản… từ đó mới có thể làm tốt cho công tác chuyên môn, công tác tham mưu”.
Bộ trưởng cũng cho rằng công tác nghiên cứu của Bộ ngày càng đi vào nề nếp, bài bản hơn, lan tỏa đến các công chức, viên chức trong Bộ, thu hút nhiều hơn sự tham gia của các đơn vị, cá nhân nghiên cứu; hình thức nghiên cứu phong phú, đa dạng; đối tượng nghiên cứu rộng rãi; chất lượng nghiên cứu và công tác phổ biến kết quả nghiên cứu cũng tốt hơn.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng nhấn mạnh, công tác nghiên cứu khoa học cần phải tập trung vào một số nội dung chính sau. Về loại hình, gắn nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chiến lược với nghiên cứu động thái nhằm tăng cường chất lượng tham mưu cho Đảng và Nhà nước.
Về nội dung, cụ thể hóa thành chương trình nghiên cứu cấp Bộ liên quan đến cục diện thế giới, lý luận về ngoại giao Việt Nam, tổng kết lịch sử ngoại giao Việt Nam, các nước lớn, các nước láng giềng, đối ngoại đa phương, xây dựng ngành, đồng thời chú ý phục vụ nhiều hơn cho địa phương và các doanh nghiệp.
Về mục tiêu, công tác nghiên cứu cần phục vụ cho xây dựng văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIV, rà soát chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030; đáp ứng thay đổi nhanh của tình hình thế giới đặc biệt là đánh giá về điều chỉnh chính sách, kinh tế xã hội, khoa học công nghệ của các nước; xây dựng và phát triển năng lực nghiên cứu và đóng góp cho công tác giảng dạy; cụ thể hóa và xây dựng và phát triển ngành ngoại giao.
Về đối tượng tham gia nghiên cứu, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng, bên cạnh việc thu hút các đồng chí là nguyên Lãnh đạo Bộ, Đại sứ, chuyên gia, cần tạo điều kiện, khuyến khích, phát huy vai trò của cán bộ trẻ tham gia công tác nghiên cứu và huy động các cán bộ nghiên cứu ra nước ngoài công tác tiếp tục công tác nghiên cứu trong nước.
Về cơ chế phối hợp, cần tăng cường hơn nữa phối hợp giữa các đơn vị trong Bộ, giữa các đơn vị trong Bộ với cơ quan đại diện ở nước ngoài, giữa Bộ Ngoại giao với các cơ quan nghiên cứu của các bộ/ngành, địa phương, doanh nghiệp. Về phổ biến kết quả nghiên cứu, cần tiếp tục số hóa trong phổ biến, tuyên truyền, chia sẻ kết quả nghiên cứu.
Đồng tình với các ý kiến đóng góp của các đại biểu, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh đặt hàng vẫn phải theo hai hướng, từ trên xuống dưới (đặt hàng của Lãnh đạo Bộ và Hội đồng Khoa học Bộ) và từ dưới lên trên (các đơn vị chủ động đề xuất với Lãnh đạo Bộ) và phải gắn với thực tiễn của đơn vị, của ngành để nâng cao chất lượng đầu ra của sản phẩm.
Ngoài ra, cần tiếp tục cải tiến cơ chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hoàn thiện các quy chế, quy trình đặt hàng, đánh giá, ứng dụng và phổ biến các sản phẩm nghiên cứu khoa học, nhằm tạo điều kiện để các cán bộ có thể được đào tạo, phát huy thế mạnh, ổn định và gắn bó lâu dài với công tác nghiên cứu.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn và Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt đặc biệt nhấn mạnh tới việc tăng cường vai trò chỉ đạo định hướng công tác nghiên cứu của Lãnh đạo Bộ, Hội đồng khoa học Bộ, Học viện Ngoại giao, Vụ Chính sách đối ngoại, Vụ Tổng hợp kinh tế và các đơn vị chủ chốt, cần tăng số lượng các buổi sinh hoạt định kỳ trong Hội đồng Khoa học Bộ nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu, thể hiện vai trò dẫn dắt, tư vấn của Bộ Ngoại giao tiếp tục phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Anh Sơn/ baoquocte.vn