Cần cơ chế hoàn thiện, thực chất hơn trong thu hút nguồn lực kiều bào
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc cho rằng các địa phương Việt Nam phải có chính sách hết sức cụ thể, có chế độ ưu đãi cho các trí thức kiều bào, huy động nguồn lực này để đóng góp cho đất nước.
Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 đang diễn ra với nhiều nội dung trọng tâm của công tác ngoại giao trong thời gian tới và đóng góp thiết thực vào thực hiện mục tiêu, khát vọng phát triển đất nước.
Thu hút và trọng dụng
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc cho biết số lượng trí thức người Việt ở Mỹ hiện có khoảng 200.000 người. Đây là cộng đồng có học vấn rất cao trong những cộng đồng nhập cư ở Mỹ, với 55% có trình độ đại học và tương đương, 23% trình độ thạc sỹ (cao hơn tỷ lệ trung bình ở Mỹ) và 10% là tiến sỹ.
Ngoài ra, rất nhiều trí thức người Việt có tên tuổi ở Mỹ, đặc biệt trong các lĩnh vực như khoa học, kỹ thuật cơ bản, vật lý, vũ trụ, công nghệ thông tin... Đây là một nguồn lực rất lớn, có thể tận dụng đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Theo Đại sứ Hà Kim Ngọc, vừa qua, một số trí thức người Việt tại Mỹ đã về nước, hợp tác đào tạo về giáo dục, thực hiện những dự án về khởi nghiệp. Tuy nhiên, đó chỉ là bước khởi đầu, tiềm năng còn rất lớn, cần tiếp tục huy động nguồn lực này để đóng góp cho đất nước.
“Bản thân những trí thức người Việt ở Mỹ cũng muốn được đóng góp cho quê hương. Gần đây, tôi có gặp một trí thức trẻ gốc Việt làm về tài chính mà cách đó chỉ một tuần, công ty của bạn đã được định giá 1 tỷ USD. Bạn này rất mong muốn đóng góp cho quê hương. Nhiều bạn nói rằng họ có thể đầu tư ở Hàn Quốc, Brazil... thế nhưng vẫn quyết định đầu tư ở Việt Nam, bởi đó là quê hương. Do đó, điều quan trọng là làm sao chúng ta tạo được môi trường, phương tiện, cơ sở vật chất làm việc để có thể hấp dẫn, thu hút người Việt ở nước ngoài," Đại sứ Hà Kim Ngọc chia sẻ.
Đại sứ cho rằng các địa phương Việt Nam phải có chính sách hết sức cụ thể, có chế độ ưu đãi cho các trí thức kiều bào. Đại sứ nhấn mạnh tới sự "trọng dụng" bởi những trí thức này sẵn sàng từ bỏ địa vị giàu sang để đồng cam cộng khổ với đồng bào trong nước.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Singapore Mai Phước Dũng, hiện nay, tại Singapore có nhiều trí thức người Việt, trong đó có Phó giáo sư, tiến sỹ Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore), từng là thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.
Giáo sư Khương hiện là Trưởng nhóm hành trình Việt, tập hợp các trí thức Việt Nam nổi tiếng tại Singapore, trong đó có nhiều trí thức trẻ. Họ luôn hướng về đất nước, muốn đóng góp cho quê hương, mong muốn tham gia các dự án nghiên cứu phát triển của Việt Nam. Giáo sư Khương thường xuyên gửi về Việt Nam các nghiên cứu của mình để đóng góp cho quê hương.
“Singapore có những bạn trẻ người Việt làm trong nhiều lĩnh vực, bao gồm công nghệ thông tin và họ rất giỏi. Chúng ta thu hút được nguồn lực này sẽ rất tốt, đặc biệt là sắp tới Việt Nam-Singapore hợp tác về chuyển đổi số, nếu tận dụng được nguồn chất xám này thì rất tuyệt vời. Nhà nước ta có nhiều chính sách thu hút chất xám Việt Nam ở nước ngoài tốt rồi, nhưng quan trọng là phải cụ thể hóa các chính sách này bằng những dự án, chương trình phù hợp", Đại sứ Mai Phước Dũng nêu ý kiến.
Cần đặt hàng cụ thể cho các trí thức kiều bào
Đánh giá về những đóng góp của trí thức kiều bào Việt ở nước ngoài cho đất nước, ông Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết trong nhiều năm qua, kiều bào đã có những đóng góp hết sức thực chất và hiệu quả vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt trên hai lĩnh vực tài lực và trí lực. Tài lực ở đây là số lượng ngày càng nhiều doanh nghiệp kiều bào đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.
Riêng về đầu tư, tính đến cuối năm 2020, kiều bào đã đầu tư trên 360 dự án với tổng số vốn 1,6 tỷ USD.
Việt Nam luôn đứng trong top 10 quốc gia nhận kiều hồi lớn nhất thế giới. Ngân hàng Thế giới dự báo lượng kiều hối gửi về Việt Nam trong năm 2021 ước đạt 18,06 tỷ USD, tương đương 5% GDP của Việt Nam.
Về trí lực, lực lượng trí thức, chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên về nước cộng tác với các viện nghiên cứu, trường đại học, các bộ, ngành, địa phương để hiến kế, đóng góp cho sự phát triển nền khoa học công nghệ Việt Nam.
Đặc biệt, trên địa bàn có đông người Việt Nam sinh sống và học tập đã hình thành nên những mạng lưới, cũng như các câu lạc bộ tri thức ở nước ngoài và gắn bó hết sức chặt chẽ với trong nước. Đó là Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) có trụ sở tại Pháp, quy tụ trên 200 thành viên, hay nhóm sáng kiến Việt Nam ở Mỹ, các mạng lưới diễn đàn tri thức khoa học công nghệ của người Việt tại Nhật Bản, Hà Lan, Phần Lan, Đức, Ba Lan, Mỹ...
Để thu hút chất xám Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, nhiều chính sách đã được vận dụng. Theo ông Lương Thanh Nghị, mới đây, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã phối hợp cùng Bộ Khoa học và Công nghệ ra mắt Mạng lưới các hội trí thức kiều bào hỗ trợ đổi mới sáng tạo và thương mại hóa công nghệ, quy tụ hơn 20 chủ tịch của các diễn đàn tri thức người Việt ở nước ngoài.
Ngoài ra, hằng năm, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức các diễn đàn, hội thảo về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, thu hút nhiều ý kiến, đóng góp hết sức tâm huyết của các trí thức, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài cho việc xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Chính từ những hội thảo, diễn đàn như vậy, cùng với sự vào cuộc của rất nhiều bộ, ngành…, Việt Nam đã xây dựng được một hệ sinh thái khởi nghiệp tương đối có chất lượng, thu hút sự tham gia đông đảo của các nhà trí thức công nghệ trong và ngoài nước.
Ông Lương Thanh Nghị bày tỏ mong muốn các cơ quan có liên quan cùng với Bộ Ngoại giao xây dựng cơ chế chính sách hoàn thiện, thực chất hơn để thu hút ngày càng đông đảo sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia người Việt ở nước ngoài, đặc biệt là phải xây dựng được môi trường để các nhà khoa học tự do sáng tạo, đóng góp vào sự phát triển của khoa học công nghệ trong nước.
Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương cần có những chính sách đặt hàng cụ thể đối với các chuyên gia, nhà khoa học; đồng thời, cần có sự tham gia trực tiếp của các chuyên gia, trí thức người Việt ở nước ngoài vào các dự án, đề án cụ thể ở trong nước.
Một điều quan trọng, theo ông Lương Thanh Nghị, phải xây dựng được cơ chế phản hồi, tiếp thu ý kiến ở trong nước đối với các chuyên gia trí thức người Việt ở nước ngoài./.
Phương Diệp / TTXVN/Vietnam+