Tọa đàm ‘Tư tưởng Hồ Chí Minh về giai cấp nông dân và thúc đẩy giao lưu giữa nông dân Bangladesh-Việt Nam’
Nhân dịp kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-2024) và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2024), ngày 11/5, Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh phối hợp với Nhóm học giả Bangladesh nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm “Tư tưởng Hồ Chí Minh về giai cấp nông dân và thúc đẩy giao lưu giữa nông dân Bangladesh-Việt Nam” tại tỉnh Manikganj, khu vực Dhaka.
Nhân dịp kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-2024) và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2024), ngày 11/5, Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh phối hợp với Nhóm học giả Bangladesh nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm “Tư tưởng Hồ Chí Minh về giai cấp nông dân và thúc đẩy giao lưu giữa nông dân Bangladesh-Việt Nam” tại tỉnh Manikganj, khu vực Dhaka.
Tọa đàm có sự tham dự của các nhà nghiên cứu, học giả từ các viện nghiên cứu, trường đại học lớn; đại diện các hội đoàn nông dân cùng đông đảo bà con nông dân Bangladesh có tình cảm đặc biệt đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và đất nước, con người Việt Nam.
Phát biểu tại Tọa đàm, Đại sứ Nguyễn Mạnh Cường điểm lại một số nét chính về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng những công lao vĩ đại của Người trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, mang lại độc lập, tự do và hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam.
Những công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh được tái hiện chân thực qua các cuộc kháng chiến giành thắng lợi vẻ vang của toàn quân và dân ta, đặc biệt là Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, Chiến dịch Điện Biên Phủ là mốc son quan trọng, có ý nghĩa lịch sử đặc biệt đối với Việt Nam và thế giới.
Với Việt Nam, Chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi đã chính thức đập tan âm mưu xâm lược của thực dân Pháp, buộc Pháp ký Hiệp định Geneva, kết thúc chiến tranh ở Đông Dương.
Ở phạm vi toàn cầu, Chiến thắng Điện Biên Phủ là bản anh hùng ca thể hiện lòng yêu nước, ý chí kiên cường, sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam chống lại ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân phương Tây, thắp lên ánh sáng hy vọng, cổ vũ các dân tộc chịu áp bức trên khắp thế giới vùng lên đấu tranh giành lại độc lập và tự do trên chính quê hương của mình.
Có thể nói, Chiến thắng Điện Biên Phủ chính là “thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới” đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định.
Tại sự kiện, Đại sứ chia sẻ về những giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước Việt Nam xuyên suốt chiều dài lịch sử. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm đặc biệt và luôn khẳng định vị trí, vai trò cực kỳ quan trọng của giai cấp nông dân đối với cách mạng Việt Nam.
Tháng 4/1946, trong thư gửi cho các điền chủ nông gia Việt Nam, Người viết “Việt Nam là nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc”, “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”. Tháng 5/1953, trong thư gửi “Hội nghị Nông vận và Dân vận toàn quốc” (5/2/1953), Người tiếp tục nhấn mạnh “Nông dân lao động là một lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất vững chắc của giai cấp công nhân. Muốn kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công ắt phải dựa vào quần chúng nông dân”.
Đại sứ khẳng định, cho đến nay, Tư tưởng Hồ Chí Minh về giai cấp nông dân và nông nghiệp vẫn còn nguyên giá trị, là di sản vô giá của nhân dân Việt Nam, được Đảng và Nhà nước Việt Nam kế thừa, phát huy và vận dụng sáng tạo trong mọi chủ trương, chính sách. Nhờ đó, trong thời gian qua, năng suất sản xuất và chất lượng đời sống của bà con nông dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.
Thời gian tới, trên cơ sở quan hệ hữu nghị truyền thống bền chặt giữa hai dân tộc, Đại sứ mong muốn các hoạt động giao lưu nhân dân, kết nối hội đoàn nông dân từ các địa phương của hai nước, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp… sẽ được tiếp tục tăng cường triển khai, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai nước.
Trong khuôn khổ Tọa đàm, các học giả, nhà nghiên cứu, đại diện hội đoàn nông dân Bangladesh đã tích cực phát biểu, đóng góp ý kiến. Nhiều nhà nghiên cứu bày tỏ lòng kính trọng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và tình cảm đặc biệt dành cho đất nước, con người Việt Nam.
Chia sẻ về thời khắc nhân dân Bangladesh xuống đường tuần hành ủng hộ Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay sau khi Bangladesh giành lại độc lập năm 1971, các nhà nghiên cứu khẳng định hai nước có nhiều nét tương đồng trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và cho đến nay vẫn luôn là những người bạn thân thiết, ủng hộ lẫn nhau trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Một số học giả từ các trường đại học sở tại đã chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ về Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như bày tỏ sự ngưỡng mộ trước những thành tựu kinh tế - xã hội, khoa học kỹ thuật to lớn của Việt Nam trong thời gian qua, nhất là về lĩnh vực nông nghiệp.
Chia sẻ những hiểu biết về chính sách khuyến nông và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 của Việt Nam, các học giả tin tưởng rằng, với những kết quả đạt được, Việt Nam sẽ sớm trở thành một quốc gia phát triển có nền nông nghiệp tiên tiến, là hình mẫu để Bangladesh học hỏi kinh nghiệm về phát triển nông thôn và hiện đại hóa nền nông nghiệp trong nước.
Bên cạnh các bài phát biểu, một số học giả, đại diện hội đoàn nông dân Bangladesh đã gửi tặng Đại sứ những cuốn sách, bài thơ tự chắp bút ngợi ca Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ nghĩa anh hùng cách mạng và lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Nhiều khách mời sở tại tham dự Tọa đàm đã bày tỏ niềm hy vọng sớm được sang thăm Việt Nam để trực tiếp tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa và cuộc sống thường nhật của người Việt Nam.
Có thể nói, Tọa đàm “Tư tưởng Hồ Chí Minh về giai cấp nông dân và thúc đẩy giao lưu giữa nông dân Bangladesh-Việt Nam” nhân dịp kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã thành công tốt đẹp, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho tất cả bè bạn Bangladesh tham dự sự kiện.
Đây là niềm động viên lớn để Đại sứ quán tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình, hoạt động tuyên truyền, giới thiệu, tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, với cộng đồng quốc tế.
(Tin từ Đại sứ quán VN tại Bangladesh)