Thông tư số 2-1998/TT-BKH ngày 16-3-1998 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Thi hành Khoản 3, Điều 41, Nghị định số 7-1998/NĐ-CP ngày 15 tháng 1 năm 1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) (sau đây gọi tắt là Nghị định số 7-1998/NĐ-CP), Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư như sau:
I. HỒ SƠ XIN CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ƯU ĐÃI ĐẦU TƯ VÀ CƠ QUAN TIẾP NHẬN HỒ SƠ
Để được cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, các đối tượng áp dụng Luật Khuyến khích đầu tư trong nước quy đinh tại Khoản 1, 3, 4, 5, Điều 3, Nghị định số 7-1998/NĐ-CP gửi hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo quy định dưới đây:
1. Dự án đầu tư của các cơ sở sản xuất, kinh doanh hiện có
1.1. Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư:
- Đơn xin cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư;
- Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp Nhà nước, công ty, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hoặc Giấy phép kinh doanh đối với cá nhân, nhóm kinh doanh hoạt động theo Nghị định số 66-HĐBT ngày 2 tháng 3 năm 1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ);
- Dự án đầu tư;
- Bản sao hợp lệ Quyết định đầu tư hoặc Giấy phép đầu tư của cấp có thẩm quyền theo quy định tại Điều 7 Điều lệ Quản lý đầu tư và xây dựng (ban hành kèm theo Nghị định số 42-CP ngày 16 tháng 7năm 1996 của Chính phủ) và một số điều khoản sửa đổi, bổ sung Điều lệ Quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 42-CP ngày 16 tháng 7 năm 1996 của Chính phủ (ban hành kèm theo Nghị đinh số 92-CP ngày 23 tháng 8 năm 1997của Chính phủ).
1.2. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ:
1.2.1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư của các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp của các tổ chức chính trị - xã hội, Hội nghề nghiệp do:
- Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập;
- Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền hoặc được phân cấp quyết định thành lập.
1.2.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Sở Kế hoạch và Đầu tư), nơi cơ sở sản xuất, kinh doanh đặt trụ sở chính hoặc nơi cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện dự án đầu tư tiếp nhận hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư của:
- Doanh nghiệp Nhà nước, doanhnghệp của các tổ chức chính trị, chính trị-xã hội, Hội nghề nghiệp do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quyết định thành lập;
- Doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần (kể cả doanh nghiệp của người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc của người nước ngoài cư trú lâu dài tại Việt Nam đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo Luật Khuyến khích đầu tư trong nước);
- Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
- Cá nhân, nhóm kinh doanh hoạt động theo Nghị định số 66-HĐBT ngày 2 tháng 3 năm 1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).
1.2.3. Ban Quản lý khu công nghiệp cấp tỉnh nơi cơ sở sản xuất, kinh doanh đặt trụ sở chính hoặc nơi cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện dự án đầu tư tiếp nhận hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư của cơ sở sản xuất, kinh doanh nói tại Điểm 1.2.2, Mục I của Thông tư này có dự án đầu tư vào khu công nghiệp.
2. Các dự án đầu tư gắn với việc thành lập mới cơ sở sản xuất, kinh doanh.
2.1. Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư:
- Đơn xin cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư;
- Dự án đầu tư;
- Bản sao hợp lệ Quyết định đầu tư hoặc Giấy phép đầu tư của cấp có thẩm quyền theo quy định tại Điều 7, Điều lệ Quản lý đầu tư và xây dựng (ban hành kèm theo Nghị Định số 42-CP ngày 16 tháng 7 năm 1996 của Chính phủ) và một số điều khoản sửa đổi, bổ sung Điều lệ Quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 42-CP ngày 16 tháng 7 năm 1996 của Chính phủ (ban hành kèm theo Nghị định số 92-CP ngày 23 tháng 8 năm 1997 của Chính phủ).
2.2. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ:
- Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc Ban Quản lý khu công nghiệp cấp tỉnh nơi cơ sở sản xuất, kinh doanh dự định đặt trụ sở chính tiếp nhận hồ sơ xin phép thành lập doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, cả trường hợp thuộc diện ưu đãi đầu tư hoặc không thuộc diện ưu đãi đầu tư. Trường hợp thuộc diện ưu đãi đầu tư thì Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc Ban Quản lý khu công nghiệp cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ xin phép thành lập doanh nghiệp cùng với hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư;
- Sở Kế hoạnh và Đầu tư hoặc Ban Quản lý khu công nghiệp cấp tỉnh nơi doanh nghiệp dự định đặt trụ sở chính tiếp nhận hồ sơ xin phép thành lập doanh nghiệp do người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài cư trú lâu dài tại Việt Nam đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, doanh nghiệp do công dân Việt Nam cùng thành lập với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, với người nước ngoài cư trú lâu dài tại Việt Nam theo Luật Khuyến khích đầu tư trong nước cùng với hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư;
- Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi liên hiệp hợp tác xã hoặc hợp tác xã kinh doanh những ngành nghề quy định tại Khoản 1, Điều 13, Nghị định số 16-CP ngày 21 tháng 2 năm 1997 của Chính phủ về chuyển đổi, đăng ký hợp tác xã và tổ chức hoạt động của liên hiệp hợp tác xã (sau đây gọi tắt là Nghị định số 16-CP dự định đặt trụ sở chính tiếp nhận hồ sơ đăng ký kinh doanh của các cơ sở này. Trường hợp thuộc diện ưu đãi đầu tư thì Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận hồ sơ đăng ký kinh doanh cùng với hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư.
II. TRÌNH TỰ XÉT CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ƯU ĐÃI ĐẦU TƯ
1. Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư của các doanh nghiệp nói tại Điểm 1.2.1, Mục I của Thông tư do Bộ kế hoạch và Đầu tư xem xét, quyết định việc cấp hay từ chối cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư sau khi đã lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Tài chính.
2. Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư của các cơ sở sản xuất, kinh doanh nói tại điểm 1.2.2, mục I của Thông tư này do Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc Ban Quản lý khu công nghiệp cấp tỉnh xem xét, lấy ý kiến bằng văn bản của Cục Thuế, Cục Đầu tư pbát triển trước khi trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư.
3. Hồ sơ xin phép thành lập doanh nghiệp tư nhân, công ty không thuộc các ngành nghề quy định tại Điều 5 của Luật Doanh nghiệp tư nhân, Điều 11 của Luật Công ty, do Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc Ban Quản lý khu công nghiệp cấp tỉnh xem xét, lấy ý kiến bằng văn bản của Sở quản lý ngành; nếu có hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư thì lấy ý kiến bằng văn bản của Cục Thuế, Cục Đầu tư phát triển và các cơ quan liên quan khác khi cần thiết trước khi trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cấp hoặc từ chối cấp giấy phép thành lập cùng một lúc với việc quyết định cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp tư nhân, công ty.
4. Hồ sơ đăng ký kinh doanh của liên hiệp hợp tác xã kinh doanh những ngành nghề không quy định tại khoản 1, Điều 13, Nghị định số 16-CP nếu gắn với hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, thì Sở Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến bằng văn bản của Sở quản lý ngành, Cục Thuế, Cục Đầu tư phát triển trước khi trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cùng một lúc với việc quyết định cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư cho liên hiệp hợp tác xã.
5. Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư của các dự án đầu tư gắn với việc thành lập doanh nghiệp tư nhân, công ty kinh doanh những ngành, nghề quy định tại Điều 5 Luật Doanh nghiệp tư nhân, Điều 11 Luật Công ty, ngoài việc phải thực hiện theo quy định hiện hành về trình tự thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân, công ty, Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc Ban Quản lý khu công nghiệp cấp tỉnh phải lấy ý kiến bằng văn bản của Cục Thuế và Cục Đầu tư phát triển trước khi trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cấp hoặc từ chối cấp Giấy phép thành lập cùng một lúc với việc quyết định cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp tư nhân, công ty.
6. Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư của các dự án đầu tư gắn với hồ sơ đăng ký kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã kinh doanh những ngành nghề quy định tại khoản 1, Điều 13 Nghị định số 16-CP, ngoài việc phải thực hiện theo quy định tại Thông tư số 4-BKH/QLKT ngày 29-3-1997 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (hướng dẫn việc chuyển đổi và đăng kí hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo Nghị định số 16-CP), Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc Ban Quản lý khu công nghiệp cấp tỉnh phải lấy ý kiến bằng văn bản của Cục Thuế và Cục Đầu tư phát triển trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh cùng một lúc với việc quyết định cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
7. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh nói tại Điểm 1, Mục 1 của Thông tư này, nếu có yêu cầu đăng ký bổ sung ngành, nghề kinh doanh thì thực hiện việc đăng ký bổ sung ngành, nghề kinh doanh tại cơ quan đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép kinh doanh. Các doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nếu có yêu cầu đăng ký bổ sung ngành, nghề kinh doanh thì được thực hiện cùng một lúc với việc cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp.
III. THỜI HẠN XÉT CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ƯU ĐÃI ĐẦU TƯ
1. Việc xét cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư đối với các trường hợp nói tại Điểm 1 và Điểm 2, mục II của Thông tư này phải thực hiện trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày cơ quan tiếp nhận hồ sơ nhận được hồ sơ hợp lệ.
2. Việc xét cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư và Giấy phép thành lập doanh nghiệp tư nhân nói tại Điểm 3 và Điểm 5, mục II của Thông tư này phải thực hiện trong thời hạn 30 ngày đối với trường hợp không thuê đất và 60 ngày đối với trường hợp có thuê đất, kể từ ngày cơ quan tiếp nhận hồ sơ nhận được hồ sơ hợp lệ, cả đối với trường hợp có thuê đất cũng như không thuê đất.
3. Việc xét cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư và Giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh đối với các trường hợp nói tại Điểm 4, mục II của Thông tư này phải thực hiện trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày cơ quan tiếp nhận hồ sơ nhận được hồ sơ hợp lệ.
4. Việc xét cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư và giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh đối với các trường hợp nói tại Điểm 6, mục II của Thông tư này phải thực hiện trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày cơ quan tiếp nhận hồ sơ nhận được hồ sơ hợp lệ.
5. Hồ sơ hợp lệ là hồ sơ có đầy đủ các yếu tố nói tại Điểm 1.1 hoặc tại Điểm 2.1, mục I của Thông tư này.
Hồ sơ không hợp lệ là hồ sơ không bao gồm đủ các yếu tố nói tại Điểm 1.1 hoặc Điểm 2.1, mục I của Thông tư này. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải thông báo yêu cầu bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ cho cơ sở sản xuất, kinh doanh đã gửi hồ sơ.
Thời điểm nhận hồ sơ hợp lệ được tính từ ngày cơ quan tiếp nhận hồ sơ nhận được hồ sơ hợp lệ nếu hồ sơ được trực tiếp đưa đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ hoặc tính từ ngày nhận theo dấu của bưu điện nơi gửi nếu hồ sơgửi qua bưu điện.
Thời hạn cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, Giấy phép thành lập doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được tính từ ngày cơ quan tiếp nhận hồ sơ nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp từ chối cấp Giấy phép thành lập doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải thông báo rõ lý do cho đương sự biết.
6. Các cơ quan được cơ quan tiếp nhận hồ sơ hỏi ý kiến về thành lập doanh nghiệp, về ưu đãi đầu tư, về chứng nhận đăng ký kinh doanh nói tại mục II của Thông tư này có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản hỏi ý kiến; quá thời hạn này mà không có văn bản trả lời thì coi như đồng ý.. .
IV. XỬ LÝ CÁC TRƯỜNG HỢP BỔ SUNG
1. Các dự án đầu tư đang hưởng ưu đãi đầu tư theo Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư cấp trước ngày Nghị định số 7-1998/NĐ-CP có hiệu lực vẫn tiếp tục được hưởng các ưu đãi đầu tư cho đến hết thời gian còn lại theo Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư đã cấp.
2. Các dự án đầu tư đang hưởng ưu đãi đầu tư theo Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư đã cấp trước ngày Nghị định số 7-1998/NĐ-CP có hiệu lực, nếu cơ sở sản xuất, kinh doanh xét thấy đủ điều kiện để có thể hưởng các ưu đãi bổ sung về miễn, giảm tiền thuê đất quy đinh tại Điều 27, Điều 28; ưu đãi về thuế nhập khẩu quy đinh tại Điều 37; ưu đãi về giảm thuế tài nguyên quy định tại Điều 38 của Nghị đinh số 7-1998/NĐ-CP thì gửi văn bản đề nghị đến cơ quan đã cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư để được xem xét cấp hay từ chối cấp các ưu đãi đầu tư bổ sung theo quy định tại Điều 50 của Nghị định số 7-1998/NĐ-CP.
V. BÁO CÁO TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÁC NỘI DUNG TRỢ GIÚP VÀ ƯU ĐÃI ĐẦU TƯ
Định kỳ 6 tháng một lần (vào ngày 20 tháng 6 và 20 tháng 12), Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý khu công nghiệp cấp tỉnh báo cáo tình hình cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, tình hình thực hiện trợ giúp và ưu đãi đầu tư trên địa bàn, kiến nghị những vấn đề phát sinh cần xử lý gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo lên Chính phủ.
VI. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau15 ngày kể từ ngày ký. Thông tư này thay thế Thông tư số 6-UB/QLKT ngày 27 tháng 9 năm 1995 của Uỷ banKế hoạch Nhà nước quy định trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư theo Luật Khuyến khích đầu tư trong nước và Văn bản số 2367-BKH/QLKT ngày 27-5-1996 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn bổ sung sửa đổi một số điểm trong Thông tư số 6-UBQLKT.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, các cơ sở sản xuất, kinh doanh kịp thời phản ánh để Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung những nội dung đã hướng dẫn cho phù hợp.
BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
TRẦN XUÂN GIÁ