A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất thành công tốt đẹp

Sáng nay (23/11), sau hai ngày làm việc với tinh thần khẩn trương, tích cực, Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất đã bế mạc, đạt kết quả và thành công tốt đẹp.


Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm phát biểu tổng kết Hội nghị

Đến dự Lễ Bế mạc có Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng; Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm; Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc và Tiến sĩ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Thanh Sơn cùng sự tham dự của gần 900 đại biểu kiều bào từ 52 quốc gia và vùng lãnh thổ và hơn 500 đại biểu đại diện cho lãnh đạo của các cơ quan từ trung ương đến địa phương.

Hội nghị có nhiều giải pháp, đề xuất có ý nghĩa thiết thực

Trong hai ngày 21-22/11/2009, dưới chủ đề bao trùm của Hội nghị “Vì một cộng đồng đoàn kết vững mạnh, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng đất nước”, Hội nghị đã phân thành 4 hội nghị chuyên đề và tập trung thảo luận sâu rộng, toàn diện về tất cả những vấn đề liên quan đến việc xây dựng một cộng đồng đoàn kết vững mạnh, thành đạt, hòa nhập vào xã hội sở tại trong khi vẫn giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc, đồng thời luôn hướng về đất nước, cùng phấn đấu cho mục tiêu chung “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Với sự tham gia của gần 900 đại biểu kiều bào từ 52 nước và nhiều đại diện của các cơ quan quản lý nhà nước, các ban, ngành và địa phương, Hội nghị đã thảo luận rất sôi nổi, cởi mở trong bầu không khí dân chủ và xây dựng. Đã có gần 150 tham luận và ý kiến phát biểu với nội dung rất phong phú, thẳng thắn và tâm huyết, cho thấy bức tranh toàn cảnh và sinh động về cộng đồng hiện nay, vừa chia sẻ những bài học thành công vừa chỉ ra những mặt còn hạn chế và kiến nghị các phương hướng, giải pháp thiết thực.


Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn báo cáo tổng kết
các phiên thảo luận của 4 hội nghị chuyên đề

Phát biểu tổng kết và bế mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã điểm lại một số nét chính nổi bật của Hội nghị: Đó là tầm vóc và ý nghĩa to lớn của Hội nghị. Cuộc gặp gỡ này là biểu hiện sinh động ý chí và nguyện vọng của gần 4 triệu NVNONN trên toàn thế giới cùng đoàn kết phấn đấu vì mục tiêu xây dựng cộng đồng vững mạnh và hướng về quê hương đất nước. Hội nghị còn là một mốc dấu quan trọng trong công tác đối với NVNONN của Đảng và Nhà nước.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Ý nghĩa, tầm vóc của Hội nghị còn được thể hiện ở những nội dung mà Hội nghị đã bàn bạc, thảo luận. Đó là những vấn đề cơ bản, hết sức thiết thân đang đặt ra đối với cộng đồng NVNONN và công tác vận động cộng đồng. Những nội dung này được Ban Tổ chức chia thành 4 nhóm vấn đề để tổ chức đi sâu thảo luận: Xây dựng cộng đồng đoàn kết vững mạnh và hướng về đất nước; Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá và truyền thống dân tộc; Vai trò của chuyên gia, trí thức kiều bào góp phần xây dựng đất nước; và Vai trò của doanh nhân kiều bào góp phần xây dựng đất nước.

Nét nổi bật nữa của Hội nghị là về các kết quả đạt được của Hội nghị, trong đó có nhiều giải pháp, đề xuất có ý nghĩa thiết thực nhằm tạo động lực và bước đột phá cho công tác NVNONN thời gian tới. Hội nghị đã tạo được không khí thảo luận sôi nổi, cởi mở và dân chủ, thực sự là diễn đàn mở để các đại biểu trong và ngoài nước trao đổi ý kiến với nhau, giúp cho Hội nghị có được kết quả làm việc cao nhất.

Bên lề Hội nghị, Ban Tổ chức Hội nghị chuyên đề đã cùng với Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Đảng ủy ngoài nước đã tổ chức các buổi giao lưu, gặp gỡ thân mật với các đại biểu kiều bào. Tại đây, bà con đã có dịp hàn huyên, trao đổi tâm tình, tham quan Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, thăm Hội chợ du lịch, văn hoá Quảng Nam, thăm tỉnh Bắc Ninh, thăm những cơ sở kinh tế, khoa học công nghệ và thưởng thức những giai điệu nghệ thuật và văn hóa ẩm thực của quê hương.

Vai trò của tổ chức hội đoàn trong xây dựng cộng đồng vững mạnh và hướng về đất nước

Cũng trong sáng nay, trước Lễ Bế mạc Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất là phiên họp toàn thể. Tại đây các đại biểu đã nghe ông Hoàng Đình Thắng, đại biểu kiều bào ở Séc trình bày tham luận về vai trò của tổ chức hội đoàn trong xây dựng cộng đồng vững mạnh và hướng về đất nước.


 Ông Hoàng Đình Thắng

Ông Thắng cho biết: “Trong những năm qua, Hội người Việt Nam tại Séc nhận thức và rút ra bài học rằng xây dựng tổ chức là một khâu rất trọng yếu. Đối với chúng tôi, vận động được những người tâm huyết, hết lòng vì bà con là một cố gắng, nhưng duy trì sự đóng góp của anh chị em làm cho các hội, đoàn thể, không chán nản trước những khó khăn thách thức càng khó hơn. Hội người Việt Nam tại Séc đã nhận thức sâu sắc điều đó, không ngừng tự động viên nhau làm vô điều kiện cho cộng đồng, các cá nhân lấy nhiệt huyết về tinh thần, đóng góp tiền tài vật chất của mình để gây dựng phong trào cộng đồng, tổ chức các hoạt động và phát triển các chi hội, đoàn thể chỉ hướng tới mục tiêu là giúp được bà con trong hoàn cảnh xa quê hương, đất nước, gia đình, người thân vẫn có gắn bó, giữ tình người Việt Nam là một cộng đồng có tổ chức, yêu quê hương, yêu Tổ quốc, phấn đấu làm sao cho hội nhập vào xã hội Séc tốt.

Hội người Việt Nam tại Séc nhận thức sâu sắc quan điểm “lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tinh thần, nội dung Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác về người Việt Nam ở nước ngoài và với tinh thần đại đoàn kết dân tộc; hiểu rõ vị trí và tầm quan trọng của việc xây dựng các tổ chức cơ sở trong cộng đồng nên trong những năm qua Đại sứ quán Việt Nam và Trung ương Hội người Việt Nam tại CH Séc đã đặc biệt quan tâm và tích cực chỉ đạo công tác xây dựng tổ chức cơ sở, tổ chức các hoạt động thiết thực và đạt kết quả khích lệ”.

Ông Thắng đã nêu lên một số kiến nghị, đề xuất như: Kiến nghị với Chính phủ có chính sách hỗ trợ vốn sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu cho các doanh nghiệp của Việt kiều; lập chi nhánh của một số Ngân hàng thương mại ở bên ngoài để giúp thanh toán, chuyển tiền theo thông lệ chung; xem xét khả năng lập ra các trung tâm thương mại, phòng trưng bày sản phẩm hàng hóa Việt Nam, lập kho ngoại quan (do Nhà nước, các doanh nghiệp trong nước và cộng đồng liên kết), đại lý bán hàng cho các doanh nghiệp trong nước; thanh toán theo phương thức trả chậm; xây dựng cơ chế kiểm tra, thẩm định, bảo lãnh đảm bảo sự tin cậy giữa các đối tác… Nhà nước cần có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho các công ty, tổ chức và cá nhân đầu tư trở lại vào nước sở tại để cắm rễ, bám trụ lâu dài và tạo thêm công ăn việc làm cho bà con ở nước ngoài; góp phần giúp cộng đồng ổn định, hội nhập và phát triển.

Để nâng cao vai trò cầu nối của doanh nghiệp cộng đồng, ông Thắng đề nghị Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài kiến nghị với Nhà nước và các Bộ ngành cho phép các doanh nghiệp lớn của cộng đồng được cùng đoàn doanh nghiệp trong nước dự các kỳ họp của Ủy ban liên Chính phủ về Kinh tế - Thương mại, Khoa học – Kỹ thuật, Giáo dục… Triệu tập các cuộc họp trong nước có cự tham gia của đại diện cộng đồng các nước để bàn những vấn đề cụ thể, bảo hộ công dân, giúp đỡ cho cộng đồng Việt Nam trong quá trình hội nhập với nước sở tại…

Cũng trong phiên họp toàn thể, ông Võ Duy Khương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Tp. Đà Nẵng trình bày tham luận về công tác vận động kiều bào của địa phương. Và ông Nguyễn Hồng Thao, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia – Bộ Ngoại giao trình bày báo cáo về vấn đề biên giới.



Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm trao
Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho các đại biểu kiều bào


 Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn trao Kỷ niệm chương của Ủy ban Nhà nước
về người Việt Nam ở nước ngoài cho các tập thể và cá nhân kiều bào

Phần cuối cùng của Phiên họp toàn thể là Lễ trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Kỷ niệm chương của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho 21 tập thể và cá nhân kiều bào đã có thành tích xuất sắc trong công tác vận động xây dựng cộng đồng và đóng góp xây dựng đất nước.

Phát biểu cảm tưởng sau khi được nhận bằng khen, Bà Nguyễn Thị Thật, đại biểu kiều bào ở Pháp xúc động bày tỏ: Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất là một Hội nghị lớn lao và đầy ý nghĩa. Bà Thật sống ở nước Pháp từ năm 1959, tuy sống xa quê hương đã 50 năm rồi, nhưng bà luôn cố gắng để làm hãnh diện cho quê Cha đất Tổ. Bà đã gửi lời cảm ơn tới Ban tổ chức với tất cả tấm lòng yêu mến chân thành và đơn sơ của bà với quê hương Việt Nam. Bà mong sao khi tất cả các đại biểu chia tay sau những ngày Hội nghị này sẽ được nhiều niềm tin và phấn khởi thêm hơn để góp sức quy tụ chung với nhau, cố gắng tiếp tục hoạt động chặt chẽ, góp phần sự nghiệp xây dựng đất nước từ những người con xa xứ.


 Bà Nguyễn Thị Thật phát biểu trong niềm xúc động

Kết thúc Lễ Bế mạc với thành công tốt đẹp, các đại biểu kiều bào ai nấy đều hân hoan, tay bắt mặt mừng, và cùng nhau chụp những tấm hình làm lưu niệm. Hoà chung niềm vui ấy, nhiều đại biểu đã bày tỏ những cảm xúc thật chân thành.

Là Chủ tịch Hội người Việt Nam tại tỉnh Sakeo, huyện A Răn, Thái Lan, ông Lê Văn Dinh tâm sự: Đây là lần đầu tiên Nhà nước tổ chức Hội nghị quy tụ hàng nghìn kiều bào về cùng nhau thảo luận đưa ra những ý kiến, nguyện vọng của mình để cùng xây dựng quê hương Việt Nam giàu mạnh.. Ông Dinh mong muốn sau Hội nghị lần thứ nhất này, sẽ lại có những Hội nghị tiếp sau được tổ chức để phát huy nhịp cầu nối giữa kiều bào với đất nước. Ông Dinh cũng cho biết, bà con kiều bào tỉnh Sakeo luôn sống trong tình đoàn kết và luôn phát huy truyền thống văn hoá dân tộc Việt Nam. Đó là việc duy trì dạy và  học tiếng Việt cho con em để các em tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam của cha ông.


Bà Trần Thị Mùi (thứ 3 từ bên phải) cùng các đại biểu kiều bào
lưu luyến trước giờ phút chia tay

Vui mừng trước sự thành công của Hội nghị, bà Trần Thị Mùi, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Slovakia chia sẻ: Hội nghị lần này có 4 chuyên đề các đại biểu kiều bào đi sâu thảo luận., chuyên đề nào bà cũng muốn được tham dự. Vì thế, bà đã tham gia cả 4 chuyên đề, nên không tham dự trọn vẹn được chuyên đề nào. Bà cho biết, các buổi thảo luận chuyên đề rất ý nghĩa và bổ ích, các đại biểu kiều bào đã học hỏi ở nhau rất nhiều, ví như cách tổ chức sinh hoạt trong cộng đồng cũng được đưa ra để cùng học hỏi và cùng hướng về quê hương đất nước bằng cả trái tim mình.


Kết thúc Lễ Bế mạc, các đại biểu nữ cùng hát vang bài hát
"Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" 


Lưu lại tấm hình làm kỷ niệm và cùng nhau hẹn gặp lại Hội nghị sau

Phương Thuận


Các tin khác

Tin tiêu điểm