Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài

Nằm trong khuôn khổ Hội nghị NVNONN lần thứ nhất, trong hai ngày 21-22/11 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thảo chuyên đề này nhằm đưa ra những giải pháp để hỗ trợ cộng đồng NVNONN phát huy tối đa năng lực sáng tạo của mình, góp phần vào việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

 

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn chủ trì hội nghị

 

Tham dự có Ông Trần Chiến Thắng -Thứ trưởng bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ông Đỗ Quý Doãn - Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông và đại biểu kiều bào đến từ khắp nơi trên thế giới.

Với 15 tham luận và 11 ý kiến đóng góp nhiệt tình sôi nổi, Hội thảo đã diễn ra trong bầu không khí thắm thiết và xây dựng. Hầu hết các đại biểu tham dự đều mong muốn đóng góp ý kiến cũng như kinh nghiệm của mình về vấn đề mình tâm huyết.

Nhìn chung, bà con đều cho rằng, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là cộng đồng có nhiều đặc thù, không bị đồng hóa với các cộng đồng khác. Ở nhiều nơi, bà con luôn có tinh thần hướng về Tổ quốc, với những hoạt động tích cực để quảng bá hình ảnh đẹp về đất nước, con người Việt Nam và các hoạt động để liên kết cộng đồng NVNONN.

Tuy nhiên, việc tiếp tục duy trì những nét văn hoá truyền thống Việt đang phải đối mặt với nhiều thách thức do kiều bào phải thích nghi với môi trường mới hoàn toàn xa lạ. Dạy và học tiếng Việt là một đề tài được đông đảo kiều bào quan tâm do tình trạng phổ biến là người Việt thế hệ thứ 2, 3 ở nước ngoài không thành thạo tiếng Việt. Nhu cầu sinh hoạt tâm linh của bà con cũng được đề cập đến nhiều trong hội thảo này.

Các đại biểu nhất trí kiến nghị Đảng và Chính phủ đẩy mạnh các hoạt động, chính sách hỗ trợ việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá và truyền thống dân tộc như tổ chức giao lưu hai chiều, thành lập các hội nghệ thuật biểu diễn ở nước ngoài hoạt động bằng ngân sách nhà nước, tổ chức các câu lạc bộ tiếng Việt, nơi sinh hoạt tâm linh...

Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc qua văn hóa nghệ thuật, ẩm thực và qua các hoạt động tâm linh

Theo ông Nguyễn Ngọc-Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại vùng Kansai, Nhật Bản, sự hậu thuẫn của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài góp phần quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc.

Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Phú Bình chụp ảnh lưu niệm với kiều bào. 

Cộng đồng người Việt Nam ở Nhật Bản, được sự hỗ trợ của Đại sứ quán, Lãnh sự quán đặt ở nước sở tại tạo điều kiện, khuyến khích các hoạt động giao lưu, giới thiệu văn hoá, lịch sử đất nước vào những dịp lễ hội truyền thống của dân tộc Việt Nam cho cộng đồng và con cháu người Việt Nam hiểu biết về cội nguồn, tạo cơ hội cho người dân bản xứ tiếp nhận và biết về thuần phong mỹ tục, điều hay lẽ phải của dân tộc Việt Nam. Nhờ đó, người dân bản xứ đã lưu tâm và hiểu hơn về người Việt Nam, nhiều người thích thú tìm hiểu về đất nước, con người, bản sắc văn hoá của dân tộc Việt Nam.

Ở Nhật Bản, hầu hết người dân bản xứ đều rất yêu thích chiếc áo dài – trang phục truyền thống của người Việt Nam. Tà áo dài thướt tha của người phụ nữ Việt Nam được người Nhật mặc vào những dịp lễ hội giao lưu quốc tế, hay các bạn sinh viên Nhật thích mặc trong dịp lễ tốt nghiệp đại học hoặc tiệc cưới của bạn bè v.v...; hầu như mọi du khách Nhật đến Việt Nam đều ấn tượng bởi màu áo trắng của nữ sinh Việt Nam. Ngoài ra, gỏi cuốn, chả giò, bánh mì, cà phê cũng góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa ẩm thực của Việt Nam trong lòng người dân Nhật.

Tại các trường học của Nhật Bản, các em học sinh Việt Nam được sắp xếp giờ để học tiếng mẹ đẻ, có ngân sách mua sách giảng dạy tiếng Việt, lập tủ sách trong nhà trường, trưng bày đồ chơi dân gian, nhạc cụ, băng nhạc để các em học sinh học hát, múa... Đã có rất nhiều thành phố khuyến khích truyền dạy cho các em học sinh Việt Nam tiếng Việt trong giờ học bảo tồn văn hoá dân tộc ở các nhà trường. Ngoài ra, múa lân truyền thống của Việt Nam cũng được đưa vào hoạt động giới thiệu các nền văn hoá của các quốc gia trong ngày lễ hội thể thao văn hoá hàng năm cuả thành phố sở tại.

Hoạt động văn học nghệ thuật là thế mạnh của cộng đồng người Việt tại Nga

Ông Châu Hồng Thủy - Chủ tịch Hội văn học
nghệ thuật LB Nga
 

Ông Châu Hồng Thủy - Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Việt Nam tại LB Nga cho biết, cộng đồng người Việt tại Nga hiện có nhiều website như: http://hoinguoiviet.ru (Cơ quan ngôn luận của Hội người Việt Nam tại LB Nga), http://nguoibanduong.net  (chuyên về văn học nghệ thuật, cơ quan ngôn luận của Hội văn học nghệ thuật tại LB Nga), http://Mekongnet.ru (chuyên về tin tức Nga và cộng đồng). Ngoài ra các trường đại học cũng có nhiều website của sinh viên.

Hoạt động văn học nghệ thuật tại LB Nga đã góp phần làm cầu nối giữa các nhà văn Nga và Việt Nam, góp phần củng cố tình hữu nghị vốn có truyền thống lâu đời giữa hai quốc gia. Bằng các quan hệ hoạt động xã hội, các quan hệ ngoại giao thường xuyên, các nhà văn Việt Nam tại Nga đã góp phần thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị giữa hai dân tộc. Từ 11 năm nay, tết nguyên Tiêu đã trở thành đêm giao lưu thơ ca giữa các nhà văn Việt Nam với các nhà văn Nga ở Matxcơva.

Quan tâm tới đời sống văn nghệ quần chúng, những năm gần đây, Đại sứ quán và Hội người Việt Nam tại Nga đã phối hợp tổ chức các cuộc thi tiếng hát cộng đồng phát hiện nhiều tài năng trẻ mới; tổ chức mời các ca sĩ trong nước sang biểu diễn phục vụ cộng đồng nhân dịp Quốc khánh 2/9, Tết âm lịch... Các chi hội người Việt ở các thành phố xa như Ekaterinburg, Upha cũng có những hoạt động tương tự để kết nối cộng đồng được bà con rất quan tâm. Hàng năm, các Trung tâm thương mại, các phụ huynh học sinh đã đứng ra tổ chức Tết Trung thu cho các em thiếu nhi để các em hiểu được truyền thống văn hóa dân tộc, tạo sự gắn kết với cội nguồn; tổ chức trao giải thưởng cho các em đạt kết quả cao trong học tập tại các trường trung học của Nga, kích thích lòng tự hào dân tộc cho các em…

Trung tâm Văn hóa của người Việt tại Đức - nơi bảo tồn và truyền bá văn hóa Việt Nam 

Ở Đức đã hình thành một số trung tâm văn hóa như Trung tâm Văn hóa Viethaus của ông Trần Mạnh Hùng, Trung tâm Văn hóa và Thương mại Cửu Long do TS Phạm Thị Như Anh sáng lập, trang thông tin cộng đồng http://nguoiviet.de do ông Thế Hưng quản lý cũng là địa chỉ được bà con rất quan tâm.

TS Phạm Thị Như Anh, Chủ tịch Hội Văn hóa
Cửu Long

TS Phạm Thị Như Anh-Chủ tịch Hội Văn hóa Cửu Long cho biết, Trung tâm Văn hóa và Thương mại Cửu Long ra đời với mục đích bảo vệ và truyền bá văn hóa truyền thống của các nước ASEAN. Nơi đây hiện đang trưng bày những hiện vật đặc sắc tượng trưng cho các vùng miền của Việt Nam như: ngôi nhà sàn gần 50 năm tuổi biểu tượng của núi rừng Điện Biên, Khuê Văn Các biểu tượng của Hà Nội nghìn năm văn hiến, ngôi nhà cổ truyền gần 100 năm từ cố đô Huế của con cháu tể tướng Hồ Đắc Trung… được trưng bày bên cạnh những hiện vật của Thái Lan, Lào, Campuchia làm sống động thêm vẻ đẹp ấn tượng của nền văn hóa cổ truyền các dân tộc. Đây cũng là nơi truyền bá các loại hình nghệ thuật và văn hóa ẩm thực đặc sắc của Việt Nam cho bạn bè quốc tế. Ngoài ta Hội Văn hóa Cửu Long còn tổ chức những diễn đàn, các câu lạc bộ về văn hóa trong cộng đồng người Việt ở Đức và kêu gọi phong trào sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật bằng tiếng Việt nhằm đoàn kết các Việt kiều trong việc trau dồi tiếng Việt cùng hướng về đất nước.

Hiện nay bà Như Anh đang có ý tưởng  thành lập một Trung tâm giới thiệu, truyền bá, đào tạo và giáo dục các ngành nghề văn hóa và các nghề gia truyền của các nước Đông Dương tại Châu Âu. Ý tưởng xuất phát từ mong muốn giáo dục và đào tạo những ngành nghề văn hóa truyền thống dân tộc cho giới trẻ Việt Nam sinh ra và lớn lên tại Châu Âu, là cách để gìn giữ và truyền bá những tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đây là dự án đầu tiên trong cộng đồng NVNONN khi văn hóa cổ truyền của Việt Nam được truyền bá không chỉ qua những cuộc biểu diễn và triển lãm, mà còn qua việc đào tạo văn hóa cho những NVNONN.

Ông Nguyễn Xuân Nhung – Phó Tổng biên tập báo Quê Việt – Ba Lan cho biết: Cộng đồng người Việt ở Ba Lan có trên 20 tổ chức hội đoàn đáp ứng nhiều đối tượng. Người Việt ở Ba Lan  rất coi trọng sinh hoạt tâm linh. Vì vậy một ngôi chùa như chùa Thiên Việt tại Vacsava cũng làm vơi đi nỗi nhớ nhà, nhất là những ngày lễ tết.

Do biết khơi dậy nguồn cảm hứng sáng tác văn thơ của nhiều tài năng cộng đồng mà phong trào văn thơ khá phát triển, 2 người trở thành hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Có nhà thơ vừa sáng tác thơ, vừa dịch thơ vừa rong ruổi khắp Ba Lan, Châu Âu hát thơ, đem nét đẹp của văn hóa Việt Nam hòa nhập với văn hóa xứ người. Việt Nam trở thành cường quốc dịch thuật văn học Ba Lan ở châu Á. Trẻ em Việt Nam ở Ba Lan được giáo dục khá tốt. Dù học ở trường Pháp, Mỹ, Anh hay trường Ba Lan mỗi năm có hàng chục em dành được các xuất học bổng cao tại các trường đại học ở nước ngoài.

Truyền thống hiếu học mang từ quê hương luôn luôn được thắp sáng. Trẻ em Việt Nam tự tin rằng sẽ thuộc vào tầng lớp ưu tú ở đất nước mà họ trưởng thành. Cộng đồng người Việt ở Ba Lan có trình độ học vấn khá cao. Có hàng trăm tiến sĩ hàng nghìn cử nhân, kỹ sư, bác sĩ  và trình độ tương đương đại học. Chính số này là rường cột của cộng đồng, có uy tín, là nhân tố đem lại sự thành công.

Tạ Phạm Bích Thủy - Chủ tịch hội Phụ nữ Việt Nam tại Séc: Nhu cầu tâm linh của bà con rất lớn. Những ngôi chùa  đang mọc lên ở tất cả các quốc gia thể hiện rõ nhu cầu và khát vọng đó. Ở hải ngoại, ngôi chùa không chỉ thuần túy là nơi dâng hương lễ phật. Đó còn là ngôi nhà Việt, nơi bà con gặp gỡ giao lưu, nơi dạy con cháu tiếng Việt, là Trung tâm đoàn kết và vận động từ thiện. Đó cũng là nơi người Việt ta giới thiệu văn hóa, truyền thống và bản sắc Việt  với các bạn nước ngoài.

Bà Thủy nhận xét ở cộng hòa Séc có rất nhiều hội đoàn: Hội người Việt Nam, Hội Doanh nghiệp, Hội phụ nữ, thanh niên, Hội Văn học nghệ thuật….. Nhưng chưa có một hội nào mới thành lập 2 năm  đã có mấy ngàn hội viên, đã quyên góp được nửa triệu đô la Mỹ mua được 12.000 m2 đất để xây chùa tại thủ đô Praha.

Đúng là:

Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông


Đó chính là bản sắc và truyền thống dân tộc Việt Nam ta. 

Mong muốn làm một điều gì đó cho quê hương, xứ sở

Đến từ Brasil, bà Lê Thị Bích Hương cho biết: từ nhiều năm nay bà vẫn thường xuyên giúp đỡ Đại sứ quán trong các hoạt động đối ngoại và truyền bá văn hóa Việt Nam tại Italia và Brasil, gần đây nhất là giới thiệu về cuộc chiến tranh ở Việt Nam và vai trò của phụ nữ Việt Nam trong quá khứ cũng như trong hiện tại.

Bà Lê Thị Bích Hương - kiều bào Brasil 

Qua sự giới thiệu của bà, người dân Brasil đã được thấy những hình ảnh sống động về các cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, về những đau thương mất mát của người dân Việt Nam trong chiến tranh cũng như những hậu quả còn để lại của chất độc màu da cam. Một Việt Nam đầy niềm kiêu hãnh với những chiến thắng hào hùng của dân tộc nhỏ bé nhưng thắng được một Đế quốc mạnh nhất thế giới, với những nhà quân sự lỗi lạc như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, với Lãnh tụ Hồ chí Minh và những người con bất khuất như các chị trong “đội quân tóc dài” của 11 cô gái đã ngã xuống khi lấp đường (ngã ba Đồng lộc), của những người mẹ tóc đã bạc trắng (mẹ Suốt) vẫn chèo thuyền chở bộ đội, của nữ bác sĩ trẻ một mình bắn trả lại giặc cho đồng đội rút lui được an toàn (Đặng Thùy Trâm) và của bao nhiêu phụ nữ khác với lòng quyết tâm đánh giặc “còn cái lai quần cũng đánh”. Các bạn Brasil cũng được thấy một Việt Nam trữ tình với những làn điệu dân ca, điệu múa, áng thơ, với các thiếu nữ duyên dáng trong bộ áo dài dân tộc thấp thoáng sau vành nón trắng, với các cô thôn nữ yếm thắm kín đáo mà không kém phần say đắm...

Nói về kinh nghiệm của mình, bà Hương cho biết:  Để truyền bá văn hóa của nền văn hóa quôca gia này sang quốc gia khác phải có những hiệp định, những chương trình giao lưu văn hóa được ký kết bởi Bộ Văn hóa của mỗi nước. Hiện nay các hoạt động này ở các nước châu Mỹ La tinh còn hạn chế.

Giao lưu văn hóa có thể được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau: hội chợ giới thiệu sản phẩm, triển lãm giới thiệu sách báo, văn hóa phẩm, các festival nghệ thuật, giới thiệu các hình thức nghệ thuật dân gian như rối nước, quan họ, nhạc cung đình, chèo v.v... Để làm được điều đó, Bộ Văn hóa phải có kế hoạch cụ thể để làm cơ sở cho người Việt ở nước sở tại có cơ hội tham gia đóng góp.

Việc truyền bá thông tin trong các hoạt động văn hóa ở nước ngoài cần có sự chọn lọc kỹ càng. Phải có những cán bộ có trình độ ngoại ngữ giỏi, đồng thời phải am hiểu chuyên môn để đảm bảo tính chính xác trong khi truyền tải các thông tin giữa hai ngôn ngữ.

Dự định của bà Hương trong năm tới sẽ cộng tác với Đại sứ quán VN tại Brasil tổ chức triển lãm ảnh và chiếu phim tại thành phố Belo Hozioznte và giới thiệu nghệ thuật múa rối nước, dân ca quan họ Bắc Ninh ở các trường đại học Brasil. Đó là những nét đẹp văn hóa của Việt Nam mà bà rất tự hào.

Bà Hương tâm sự: "Dù Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, dù con người Việt Nam vẫn còn nhiều điều phải cố gắng trong công cuộc đổi mới đất nước để sánh vai với bạn bè năm châu nhưng đối với tôi, Việt Nam-đất nước nơi tôi sinh ra và lớn lên, nơi anh chị em tôi đang sống và làm việc và nhất là bố mẹ tôi, tuổi đã già nhưng vẫn đầy nhiệt huyết, luôn luôn là nơi trái tim tôi hướng về, là mục đích để tôi sống và làm việc tốt. Tất cả những gì tôi đã làm cho đất nước đều xuất phát từ sự biết ơn của đứa con đối với cha mẹ, đối với người sinh thành ra mình, dù bố mẹ, dù quê hương còn nghèo, còn khó khăn như thế nào đi chăng nữa vẫn là bố mẹ tôi, quê hương tôi mà suốt cuộc đời tôi sẽ khó có thể đền đáp lại được."

Tâm sự của bà Hương cũng chính là tâm sự của rất nhiều kiều bào khác dù làm việc ở lĩnh vực nào, ở bất cứ nơi đâu nhưng ở nơi sâu thẳm tâm hồn đều mong ngóng hướng về đất nước với một lý do đơn giản vì đó là nơi mình đã sinh ra và lớn lên, là quê hương của mình, ai cũng mong muốn làm một điều gì đó cho những người thân yêu của mình và cho đất nước.

Minh Vũ


Các tin khác

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm