Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đại Nhạc hội “Việt Nam quê hương tôi” đậm nét văn hóa dân tộc

Đại Nhạc hội “Việt Nam quê hương tôi” chào mừng “Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất” và Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Ban Việt kiều Trung ương (tiền thân của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài) là hoạt động nghệ thuật nhằm tôn vinh nền văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam.


Tiến sĩ - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn phát biểu tại buổi Gặp gỡ báo chí

Sáng nay (17/11), Ban Tổ chức Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất đã tổ chức buổi gặp gỡ báo chí để thông tin về Đại Nhạc hội “Việt Nam quê hương tôi” do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Ủy ban), Bộ Ngoại giao phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Công ty cổ phần Truyền thông HTV và các nhà tài trợ tổ chức. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban đã chủ trì buổi Gặp gỡ, cùng tham gia có nhạc sỹ Trương Ngọc Ninh, Tổng đạo diễn chương trình; nhà soạn nhạc Nguyễn Thiên Đạo (Việt kiều Pháp); ông Đoàn Tiến Dũng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam.

Đại Nhạc hội sẽ diễn ra trong các ngày 22, 23 và 24/11/2009 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình và được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam vào ngày 23/11/2009. Chương trình với những tác phẩm nổi tiếng của nền khí nhạc Việt Nam do nhiều nghệ sĩ nổi tiếng hàng đầu của nền âm nhạc Việt Nam thể hiện. Các ngôi sao ca nhạc trong nước và kiều bào cùng biểu diễn trên một sân khấu chính thống.

Phát biểu tại buổi Gặp gỡ, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn cho biết: Đại Nhạc hội “Việt Nam quê hương tôi” mang ý nghĩa sâu sắc, thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam  luôn luôn được gìn giữ không những ở trong nước mà còn ở ngoài nước, trong đó có sự đóng góp rất to lớn của kiều bào. Thông qua nhịp cầu âm nhạc, Đại Nhạc hội góp phần thắt chặt thêm tình cảm cũng như sự gắn bó của các nghệ sĩ người Việt nói riêng và những người con của quê hương Việt Nam trên toàn thế giới nói chung, khẳng định người Việt Nam dù sống, lao động và học tập tại bất cứ đâu trên toàn thế giới vẫn luôn hướng về nguồn cội. Ngoài ra, Đại Nhạc hội còn có mục đích quyên góp giúp đỡ cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn thông qua “Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam” và “Quỹ Hỗ trợ, vận động cộng đồng”.

Đặc biệt, tham gia chương trình có sự hiện diện của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện ngoại giao và các Tổ chức quốc tế tại Việt Nam, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và lãnh đạo các tỉnh thành, đại biểu kiều bào và đông đảo nhân dân trong nước.

Về Chương trình Đại nhạc hội, nhạc sỹ Trương Ngọc Ninh cho biết Đại nhạc hội được dàn dựng công phu, mang tính chất nghệ thuật cao và được chia làm hai phần.

Phần một với chủ đề Hồn thiêng sông núi gồm các tác phẩm của dòng nhạc thính phòng, dàn nhạc giao hưởng với sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới như nhà soạn nhạc Nguyễn Thiên Đạo, nhạc trưởng Lê Phi Phi, nghệ sĩ đàn Piano Tôn Nữ Nguyệt Minh. Trong phần này có tác phẩm Hồn thiêng sông núi của nhà soạn nhạc Nguyễn Thiên Đạo với khoảng 80 đến 90 nhạc công biểu diễn và tác phẩm Làng tôi của nhạc sĩ Văn Cao, được chuyển sang nhạc khí do Tôn Nữ Nguyệt Minh biểu diễn, chỉ huy là nhạc trưởng Lê Phi Phi.

Phần hai gồm các tác phẩm ca ngợi quê hương đất nước với sự góp mặt của các nghệ sĩ, ca sĩ, nhóm nhạc trong nước như: NSND Quang Thọ, NSUT Thanh Lam, ca sĩ Mỹ Linh, Trọng Tấn, Lan Anh, Mỹ Tâm, Hồ Quỳnh Hương, Tùng Dương, nhóm Cỏ Lạ, nhóm Mặt trời mới và Ban nhạc Sao Mai. Đặc biệt có các ca sĩ kiều bào cùng tham gia chương trình như Lệ Thu, Hương Lan, Phi Nhung và Jimmi Nguyễn. Ở phần này, các ca khúc được chia thành bốn nhóm, đó là: Giai điệu kinh kỳ; Hòa âm quê Mẹ; Phách nhịp quê hương và Sắc Xuân. Kết thúc chương trình là hai tác phẩm dạt dào hình ảnh quê hương đó là Xuân quê hương (lời của Tiến sĩ – Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn, nhạc của Trần Phương) và Việt Nam quê hương tôi của nhạc sĩ Đỗ Nhuận.

Nói rõ hơn về tác phẩm Hồn thiêng sông núi của mình, nhà soạn nhạc Nguyễn Thiên Đạo bày tỏ: bản Hồn thiêng sông núi là một tổ khúc giao hưởng muốn nói lên khí thế hào hùng của dân tộc, trong đó có nét trữ tình để đưa người nghe vào những giấc mơ. Tác phẩm Hồn thiêng sông núi được xen vào một số giai điệu mang tính truyền thống dân tộc nhưng với ngôn ngữ hiện đại.

Đại Nhạc hội “Việt Nam quê hương tôi” vừa thể hiện tình cảm của các nghệ sĩ trong nước và ngoài nước, vừa thể hiện tình cảm bà con kiều bào thông qua những tác phẩm nghệ thuật của những trí thức kiều bào, những người luôn mong muốn đóng góp, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Phương Thuận


Các tin khác

Tin tiêu điểm