Những kết quả quan trọng trong công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài kể từ Hội nghị NVNONN lần thứ nhất đến nay
Kể từ Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) lần thứ nhất năm 2009 đến nay, tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp, khủng hoảng kinh tế thế giới và những bất ổn chính trị ở một số khu vực ảnh hưởng không nhỏ tới cộng đồng NVNONN, nhưng công tác đối với NVNONN tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng trong các lĩnh vực: công tác nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện chính sách công tác vận động cộng đồng và công tác thông tin tuyên truyền. Đây là những nhiệm vụ chủ yếu đã được chỉ ra trong Nghị Quyết 36/NQ-TW ngày 26/03/2004 của Bộ Chính trị về công tác NVNONN.
|
Công tác nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện chính sách đối với NVNONN tiếp tục có những chuyển biến quan trọng
Cho đến nay, ta đã hình thành được một hệ thống khung luật pháp và chính sách đáp ứng tốt hơn những lợi ích thiết thân của NVNONN như: luật về quốc tịch, đất đai, nhà ở, đầu tư, doanh nghiệp, pháp lệnh về ngoại hối, quy chế miễn thị thực nhập xuất cảnh cho NVNONN, về cư trú, hồi hương… Cùng với đó, ta đã chủ động đàm phán, ký kết nhiều điều ước quốc tế, hiệp định lãnh sự, hỗ trợ tư pháp và tác động ở cấp cao trong quan hệ với nhiều nước, tạo thuận lợi hơn cho bà con ổn định cuộc sống và gắn bó với quê hương. Các quy định và chính sách này ngày càng được hoàn thiện đáp ứng tốt hơn những lợi ích chính đáng của bà con.
Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 10/2012/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều Quy chế về miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Theo Quyết định, kiều bào có giấy miễn thị thực, sau thời hạn tạm trú 90 ngày ở Việt Nam cho mỗi lần nhập cảnh có thể làm thủ tục xin gia hạn tạm trú, mỗi lần không quá 90 ngày tại Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh hoặc ngay tại Phòng Quản lý Xuất Nhập cảnh nơi mình tạm trú, đồng thời rút ngắn thời gian cấp giấy miễn thị thực từ 7 ngày xuống còn 5 ngày. Bà con kiều bào rất phấn khởi trước Quy định mới này vì không phải làm thủ tục xin thị thực khi hết hạn tạm trú 90 ngày như trước đây, nhất là với những kiều bào về nước tạm trú ở các địa phương xa Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh là những nơi có cơ quan quản lý xuất nhập cảnh của Bộ Công an có chức năng cấp thị thực cho kiều bào.
Để các luật, chính sách đối với kiều bào thực sự đi vào cuộc sống, hiện các bộ, ngành hữu quan đang tích cực nghiên cứu, sửa đổi các văn bản hướng dẫn liên quan để đơn giản hóa thủ tục, hạn chế tối đa những bất cập trong quá trình triển khai thực hiện như trong vấn đề đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam, xác nhận gốc Việt Nam, các thủ tục mua nhà ở, đất ở tại Việt Nam…
|
Công tác vận động cộng đồng thu được nhiều kết quả khả quan
Công tác vận động kiều bào đã được triển khai tích cực với nhiều hình thức, nội dung phong phú, gắn với các sự kiện chính trị, xã hội lớn của đất nước. Các hoạt động như: chương trình “Xuân Quê hương”, Quốc giỗ Vua Hùng, Quốc khánh 2/9, “Trại hè Việt Nam”, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa... được tổ chức hằng năm. Nhiều Hội nghị chuyên đề được tổ chức như: Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất tháng 11/2009 với sự tham dự của gần 1000 kiều bào từ 52 nước và vùng lãnh thổ, Hội nghị tổng kết 6 năm thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW cuối năm 2010, Hội thảo “Bảo tồn bản sắc văn hoá Việt Nam, giữ gìn tiếng Việt” tháng 9/2011…
Công tác hội đoàn và hỗ trợ cộng đồng được tăng cường một bước. Thời gian qua, Ủy ban Nhà nước về NVNONN - Bộ Ngoại giao đã tập trung chỉ đạo củng cố các Hội người Việt Nam truyền thống ở Pháp, Lào, Campuchia, Thái Lan… đồng thời hỗ trợ, khuyến khích phát triển đa dạng các hình thức tổ chức hội đoàn với phương châm nơi nào có kiều bào, nơi đó có tổ chức. Tháng 11/2011, Ủy ban đã tổ chức thành công Hội nghị “Lãnh đạo các tổ chức NVNONN” với sự tham gia của hơn 100 đại biểu kiều bào là lãnh đạo của các tổ chức hội đoàn NVNONN với nhiều đề xuất, kiến nghị có giá trị nhằm xây dựng cộng đồng NVNONN ngày càng ổn định, đoàn kết, phát triển.
Trong công tác từ thiện, nhân đạo, kiều bào tích cực tham gia đóng góp cho các hoạt động xã hội giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, ủng hộ Quỹ vì người nghèo, nạn nhân dioxin, y tế, giáo dục cho người nghèo... Hiện bà con đang tích cực tham gia cuộc vận động “Vì chiến sỹ, nhân dân biển đảo” với số tiền quyên góp hàng tỷ đồng.
|
Cùng với việc đẩy mạnh công tác vận động, công tác khen thưởng NVNONN được quan tâm triển khai và thành nền nếp thường xuyên nhằm ghi nhận những cống hiến của kiều bào trong các cuộc kháng chiến và xây dựng Tổ quốc, xây dựng cộng đồng và đất nước. Hiện ta đã hoàn tất đợt 2 việc khen thưởng kiều bào Thái Lan có công trong hai cuộc kháng chiến; truy tặng nhiều liệt sỹ kiều bào ở Thái Lan, Lào, Campuchia.
Thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, ta tiếp tục giải quyết tốt các vấn đề do lịch sử để lại. Tiếp theo việc cho phép những nhân vật là quan chức, sỹ quan cấp cao chế độ Sài Gòn cũ được về nước, dân sự hóa nghĩa trang Bình An (tỉnh Bình Dương)..., ta đã tạo điều kiện giúp tìm kiếm, cải táng hài cốt những người thân diện HO chết trong thời gian học tập, cải tạo.
Công tác hỗ trợ về mặt tư pháp, giải quyết các đơn thư, khiếu nại của kiều bào tiếp tục được chú ý, thực sự tạo được niềm tin và chỗ dựa cho kiều bào khi gặp những khó khăn, vướng mắc. Thời gian qua, Ủy ban đã tiếp nhận hàng trăm đơn thư khiếu nại của kiều bào đề nghị giúp giải đáp, hướng dẫn thủ tục pháp lý hoặc đề nghị hỗ trợ can thiệp, thúc đẩy các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của kiều bào, trong đó có những vụ việc tồn đọng, kéo dài nhiều năm.
Trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thu hút “chất xám”, kiều bào tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của mình trong việc ổn định và phát triển nền kinh tế xã hội ở trong nước. Tính đến hết năm 2011 có khoảng 3.546 dự án đầu tư của cộng đồng NVNONN về trong nước với tổng số vốn khoảng 8,4 tỷ USD. Kiều hối gửi về nước tăng trung bình 10-15% năm (từ mức 6,8 tỷ USD năm 2009, 8,6 tỷ USD năm 2010 và đạt con số kỷ lục 9 tỷ USD - chiếm gần 1/10 GDP - đưa Việt Nam trở thành quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất năm 2011 -- số liệu của Ngân hàng Thế giới), đóng góp quan trọng vào việc ổn định cán cân kinh tế vĩ mô của đất nước. Năm 2012, mặc dù nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn nhưng theo dự đoán sẽ tiếp tục đạt con số khả quan như những năm trước.
Trung bình hằng năm có hàng trăm lượt chuyên gia, trí thức kiều bào về tham gia nghiên cứu, giảng dạy ở trình độ đại học và trên đại học, hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đóng góp chuyên môn. Nhiều ý kiến tâm huyết và có giá trị khoa học thực tiễn của trí thức kiều bào về các vấn đề như khai thác bô-xít, xây dựng nhà máy điện nguyên tử, đường sắt cao tốc Bắc-Nam, vấn đề biên giới lãnh thổ… đã được chuyển tới lãnh đạo cấp cao.
|
Công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ cộng đồng có những đột phá mạnh mẽ
Thời gian qua, công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ kiều bào đã được đẩy mạnh, nhiều cơ quan báo chí trong nước đã thực sự coi trọng việc đưa tin liên quan kiều bào. Mới đây, thông qua đối tác là đài truyền hình Mhz, từ tháng 8/2012, kênh Truyền hình đối ngoại VTV4 được phát trên hệ thống truyền hình cáp Mỹ, bước đầu đáp ứng được nhu cầu thông tin trong nước của một bộ phận kiều bào ta tại Mỹ và những người dân Mỹ yêu thích Việt Nam.
Tháng 9/2011, lần đầu tiên ta tổ chức thành công Hội thảo “Bảo tồn bản sắc văn hóa Việt Nam, giữ gìn tiếng Việt” tại Hà Nội với sự tham gia của đông đảo kiều bào làm công tác truyền thông ở Mỹ, Pháp, Đức, Nga, Ba Lan, CH Séc, Lào… Đây là dịp để các đại biểu trong và ngoài nước trong lĩnh vực truyền thông cùng nhau chia sẻ các vấn đề liên quan đến bảo tồn văn hóa Việt, giữ gìn tiếng Việt; xác định vai trò của báo chí truyền thông tiếng Việt, sự phối hợp giữa trong và ngoài nước và giữa cộng đồng người Việt ở các nước khác nhau nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng.
|
Tiếp theo thành công của Hội thảo trên, tháng 4/2012, Ủy ban Nhà nước về NVNONN - Bộ Ngoại giao cùng với các cơ quan hữu quan lần đầu tiên tổ chức thành công Đoàn đại biểu kiều bào đi thăm quân dân huyện đảo Trường Sa. Có thể nói, đây là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt đối với kiều bào ta đang sống xa quê hương, được tận mắt chứng kiến chủ quyền lãnh thổ đang được quân dân Huyện đảo ngày đêm canh giữ. Đáng chú ý, trong Đoàn có đại diện của 3 cơ quan truyền thông của người Việt tại Mỹ là Phố Bolsa TV, Vietweekly và KBC hải ngoại được trực tiếp tác nghiệp, góp phần giúp kiều bào ta tại Mỹ có được những thông tin chính xác, trung thực về tình hình biển đảo, phản bác lại những luận điệu xuyên tạc của số người Việt cực đoan ở Mỹ hiện nay.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về NVNONN Trần Đức Mậu (bên trái) |
Những kết quả quan trọng đạt được trong công tác đối với NVNONN từ Hội nghị NVNONN lần thứ nhất đến nay thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với kiều bào, là sự nỗ lực, quyết tâm của các cơ quan hữu quan trong và ngoài nước và của kiều bào ta ở nước ngoài. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đó còn có nhiều hạn chế, bất cập cần tháo gỡ, xóa bỏ, nhất là trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, để kiều bào ta thực sự là một bộ phận không tách rời và là nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Trong bối cảnh đó, việc tổ chức Hội nghị NVNONN lần thứ hai với chủ đề “Tầm nhìn đến năm 2020 – Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hội nhập và phát triển cùng đất nước” có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, là dịp đánh giá đầy đủ và sát thực hơn tình hình, xu hướng phát triển của NVNONN, cũng như hiệu quả của các chủ trương, chính sách đối với kiều bào. Từ những đánh giá đó, việc hoạch định chính sách đối với kiều bào trước mắt và lâu dài sẽ được tiến hành, nhằm phát huy hơn nữa vai trò của kiều bào trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tạ Nguyên Ngọc
Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu - Tổng hợp
Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài