Nâng cao hiệu quả dạy tiếng Việt và văn hoá Việt cho kiều bào tại Thái Lan
Mặc dù đã nhận được sự quan tâm giúp đỡ từ phía Nhà nước ta và sự hưởng ứng của bà con, song phong trào dạy tiếng Việt và văn hóa Việt diễn ra mang tính tự phát, lẻ tẻ, thiếu đồng bộ và không bền. Riêng tại địa bàn Thái Lan, việc dạy học chủ yếu diễn ra tại nhà, do cá nhân đứng ra tổ chức. Cũng có nơi đã được nhà nước ủng hộ kinh phí mở trường học tiếng Việt riêng biệt, nhưng đi vào giảng dạy lại không thể mở lớp vì thiếu hoặc không có học sinh.
Trong những năm chống thực dân Pháp đấu tranh giành độc lập, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã dặn rằng:
“Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.
Và sinh thời Bác cũng từng nói: “Tiếng Việt của ta giàu và đẹp lắm, mỗi từ mỗi câu là một nốt nhạc trầm bổng”.
Ngày nay, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã và đang thực hiện lời dạy đó của Người.
Tuy nhiên, hiện nay, do nhiều lí do và hoàn cảnh khác nhau, nhiều kiều bào, đặc biệt là thế hệ thứ ba, thứ tư trở đi vẫn còn xa lạ với tiếng Việt và văn hóa của dân tộc.
Những khó khăn trong việc gìn giữ tiếng Việt và văn hóa Việt ở nước ngoài
Thứ nhất, do hoàn cảnh sống trên đất khách quê người, nên việc giao tiếp chủ yếu diễn ra bằng ngôn ngữ nước sở tại, tiếng Việt ít được dùng đến.
Thứ hai, khi các thế hệ con cháu được sinh ra, ngoài việc phải giao tiếp bằng ngôn ngữ bản địa hàng ngày, thì họ cũng ít được các bậc ông bà, cha mẹ dạy, nói cho nghe về tiếng Việt cũng như văn hóa Việt. Vì thế, họ vốn đã không biết, lại càng không biết hơn.
|
Thứ ba, có gia đình lại cho rằng, con cháu học hành trong các trường học bản xứ nơi mình sinh sống trên đất bạn, nên chỉ cần học và biết tiếng bạn là đủ. Chính quan niệm sai lầm đó, đã làm mất đi ý thức về tổ tiên con Lạc cháu Hồng trong họ. Tiếng Việt đối với con cháu Việt trở thành một thứ ngoại ngữ như bao ngôn ngữ khác mà họ chưa hề hay biết.
Ngoài ra, cũng cần phải nói đến quỹ thời gian của bà con phần nhiều dành cho làm ăn buôn bán, phát triển kinh tế, chứ ít khi quan tâm, để ý đến việc truyền dạy tiếng Việt cho con cháu.
Bên cạnh đó là tâm lí e ngại, tự ti của một số người – nhất là lớp trẻ – khi phải học và nói tiếng Việt tại nơi mình sinh sống.
Tất cả, đã và đang từng ngày nới rộng khoảng cách giữa con em kiều bào với tiếng Việt và văn hóa Việt của chúng ta.
Mặc dù đã nhận được sự quan tâm giúp đỡ từ phía Nhà nước ta và sự hưởng ứng của bà con, xong phong trào dạy tiếng Việt và văn hóa Việt diễn ra mang tính tự phát, lẻ tẻ, thiếu đồng bộ và không bền. Riêng tại địa bàn Thái Lan, việc dạy học chủ yếu diễn ra tại nhà, do cá nhân đứng ra tổ chức. Cũng có nơi đã được nhà nước ủng hộ kinh phí mở trường học tiếng Việt riêng biệt, nhưng đi vào giảng dạy lại không thể mở lớp vì thiếu hoặc không có học sinh. Hơn nữa giáo viên đứng lớp vẫn là giáo viên tự túc, chưa có trình độ bài bản cũng như không có bằng cấp để dạy trong các trường tại Thái Lan. Thêm vào đó chương trình giáo dục chưa được thống nhất, mỗi nơi dạy theo một chương trình khác nhau.
Trong những năm gần đây Đảng, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Ngoại giao đã có nhiều quan tâm đến công tác hỗ trợ tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài. Đó là việc tiến hành mở các lớp tập huấn cho giáo viên dạy tiếng Việt tại Thái Lan qua hai bộ sách: “tiếng Việt vui” và “Quê Việt”. Nó vừa thể hiện sự quan tâm, chăm lo đến đời sống văn hóa của kiều bào vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển tiếng Việt của Đảng và Nhà nước ta.
Tuy vậy, như đã nói ở trên, việc dạy học đang diễn ra tự phát, riêng lẻ mà chưa đưa vào trong hệ thống giáo dục chung của nước bạn. Đối tượng học sinh cũng không toàn diện. Cho nên, việc dạy học chỉ mang tính chất tạm thời.
Kinh nghiệm từ việc dạy tiếng Việt và văn hóa Việt tại Thái Lan
Muốn xây dựng và phát triển lâu dài tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài cũng như phát triển ngôn ngữ Việt Nam trên đất Thái thì cần phải có kế hoạch, chiến lược cụ thể, khoa học và sát thực. Mỗi một chúng ta cần nhận thức được vai trò, vị trí, tầm quan trọng của ngôn ngữ và văn hóa Việt đối với kiều bào. Ngược lại, bà con kiều bào nên ý thức được trách nhiệm của mình trong việc truyền dạy tiếng mẹ đẻ và văn hóa dân tộc cho con cháu và quảng bá Văn hóa ngôn ngữ Việt Nam đến với nhân dân bạn.
Việc dạy học tiếng Việt và văn hóa Việt cần trở thành việc làm chung của toàn cộng đồng, chứ không của riêng ai. Mọi người không chỉ đóng góp tiền của, mà cả công sức và tinh thần trách nhiệm nữa. Chúng ta phải biết nhắc nhở, động viên, khuyến khích con cháu mình tham gia các buổi sinh hoạt chung, các lớp học tiếng Việt.
Để đạt hiệu quả cao và lâu dài, không còn cách nào tốt hơn là chúng ta phải đưa tiếng Việt vào trong hệ thống giáo dục chung của nước sở tại và dạy học như một môn học bắt buộc, thì lúc đó tiếng Việt mới có điều kiện phát triển và đứng vững. Điều này đã được thực hiện tại một số trường vùng Đông Bắc Thái Lan và tiêu biểu tại trường Pathumthepwitthayakarn, Nong Khai, Thái Lan và thu được kết quả thật mĩ mãn. Từ chỗ phải dạy học đơn lẻ tại từng gia đình, tiếng Việt đã bước chân vào một trường Trung học cấp hai, cấp ba bậc nhất tại Nong Khai. Ban đầu chỉ có khoảng 35 học sinh, thì giờ đây, qua nhiều năm phát triển mỗi năm có trung bình 100 học sinh từ lớp 7 đến lớp 12. Bên cạnh đó, một trung tâm ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam khang trang, đẹp đẽ đã được xây dựng tại ngôi trường này bằng kinh phí của bà con kiều bào Nong Khai. Cũng chính từ đây, tiếng Việt và văn hóa Việt được mọi người biết đến, đón nhận và quảng bá trên khắp các phương tiện thông tin công chúng.
Song điều đáng nói hơn, là bộ môn tiếng Việt đã được Bộ Giáo dục nước bạn công nhận, khuyến khích mở rộng trên phạm vi cả nước và trở thành một môn học chính khóa giảng dạy lâu dài. Hiện nay trong thời điểm chuẩn bị cho hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015, Thái Lan đang xúc tiến nghiên cứu, tìm hiểu sâu về văn hóa, phong tục tập quán và ngôn ngữ của các nước thành viên ASEAN, trong đó nổi bật là nhu cầu học tiếng Việt và tìm hiểu về văn hóa Việt Nam trong quá trình hợp tác, hội nhập và xây dựng cộng đồng ASEAN. Cũng vì thế hiện nay, nhiều trường học tại Thái Lan đang có nhu cầu cao về học tập văn hóa, phong tục tập quán của Việt Nam. Đây là thời cơ hiếm có để phổ biến tiếng Việt cho kiều bào, giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam trên đất bạn. Bên cạnh đó, đây cũng là thách thức mới vì hiện nay đội ngũ giáo viên dạy tiếng Việt được đào tạo chính quy đang còn thiếu, chưa đáp ứng đủ nhu cầu tại Thái Lan. Có nơi có giáo viên nhưng không có giáo trình giảng dạy hoặc giáo trình chưa thống nhất, giáo viên chưa đủ trình độ.
Nếu vẫn chỉ dừng lại ở đó thì sẽ khó tạo nên hiệu quả thiết thực, mà nhiệm vụ thiêng liêng và cao quí trên cần nhận được sự quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ nhiều hơn nữa từ phía Đảng, Nhà nước, và nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo để việc dạy học tiếng Việt sẽ được thực hiện trên phạm vi rộng hơn, phổ cập hơn, toàn diện hơn từ bậc tiểu học đến đại học. Phải cố gắng làm sao để đưa tiếng Việt vào trong hệ thống giáo dục nước sở tại và giảng dạy trong trường học của bạn, trở thành một môn học chính khóa lâu dài. Có như vậy chúng ta mới gặt hái được thành công.
Dạy tiếng Việt và văn hóa Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài là một việc làm lâu dài và khó khăn, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực, kiên trì. Bởi lẽ, đây không phải là một công việc giản đơn, bình thường mà là trách nhiệm, là nhiệm vụ thiêng liêng, cao quí, góp phần xây dựng, phát triển cộng đồng vững mạnh, đoàn kết và hướng về quê hương đất nước.
Phan Quốc Lợi
Giáo viên tại Thái Lan