Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ hai: Cùng đất nước hội nhập và phát triển

Với chủ đề “Tầm nhìn đến năm 2020 - Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hội nhập và phát triển cùng đất nước”, Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ hai đã chính thức Khai mạc sáng nay (27/9) tại TP. Hồ Chí Minh. Sau Lễ Khai mạc là phiên họp toàn thể.

Các đại biểu đã nghe tham luận của Bộ Khoa học – công nghệ về “Phát huy vai trò của trí thức trong và ngoài nước cho sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa”; Tham luận của Bộ Công thương về “Doanh nghiệp, doanh nhân kiều bào trong Chiến lược đầu tư, phát triển, giao thương quốc tế và một số tham luận của đại biểu kiều bào.

Hợp lực cùng đất nước

Vận động chuyên gia, trí thức kiều bào đóng góp chất xám cho đất nước

Trong phiên họp, Tiến sĩ Trần Hà Anh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khoa học Kỹ thuật người Việt Nam ở nước ngoài tại TP HCM đã nêu một vài ý kiến và đề xuất một số giải pháp để Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài có điều kiện đóng góp nhiều hơn và hiệu quả hơn vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ đất nước, xây dựng quê hương giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Về những việc cần làm để vận động chuyên gia, trí thức kiều bào đóng góp chất xám cho đất nước, Tiến sĩ Trần Hà Anh nêu một số kiến nghị như: Nhà nước cần ban hành chính sách thu hút mạnh mẽ và sử dụng rộng rãi trí thức kiều bào tham gia đóng góp kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn, quản lý và chuyển giao công nghệ, kỹ thuật hiện đại cho trong nước; Nhà nước cần tổ chức những đợt vận động trí thức về nước dài hoặc ngắn hạn để tham gia đóng góp theo yêu cầu của trong nước. Chỉ tiến hành vận động khi thực sự có nhu cầu và có khả năng bảo đảm điều kiện thực hiện, và phải kèm theo sự cam kết về chế độ, chính sách sau khi thỏa thuận với các đương sự; Chính phủ, các Bộ, ngành, các địa phương và các cơ quan có chức năng liên lạc với kiều bào nên tổ chức trao đổi, đóng góp ý kiến trên mạng về những vấn đề nóng sốt”đang đặt ra với đất nước hoặc một địa phương trong nước, qua đó phát hiện những người có năng lực, kinh nghiệm và sẵn sàng đóng góp chất xám về những vấn đề đó; Nhà nước cần tích cực xúc tiến cải cách nền hành chính quốc gia, bao gồm cải tổ luật pháp và nâng cao chất lượng cán bộ, để đơn giản hóa và thu ngắn thời gian giải quyết các thủ tục đối với bà con trong nước và kiều bào; Xã hội cần có thái độ đối xử đúng mực với người trí thức, đặc biệt có thái độ dân chủ, biết lắng nghe và tôn trọng các ý kiến khác biệt so với những ý kiến thường được xã hội chấp nhận.

Những đóng góp của văn hóa Việt cho thế giới

Về những đóng góp của văn hóa Việt cho thế giới, Gs.Ts. Nguyễn Thuyết Phong, Danh nhân Di sản Quốc gia của Hoa Kỳ đã nêu rõ:

Người có nguồn gốc Việt xem tiếng Việt và những biểu hiện văn hóa Việt là cội nguồn của nhiều thế hệ sống xa tổ quốc Việt Nam; đi đâu cũng mang theo ngôn ngữ, tập tục, phong cách sống, tín ngưỡng, tôn giáo, và nhất là tính dân tộc và tình yêu tổ quốc.     

Đóng góp của người Việt trong cộng đồng của mình, cũng như đối với nước sở tại là không nhỏ khi mà lực lượng trí thức hòa nhập vào xã hội theo từng thế hệ mới và mới hơn, trưởng thành trong môi trường học vấn ngang bằng với người bản xứ. Những tấm gương hiếu học đưa đến những thành tựu và đóng góp không nhỏ cho đất nước sở tại.

Văn hóa Việt được thể hiện qua nhiều khía cạnh rất đa dạng: ẩm thực, âm nhạc, điện ảnh, sách, báo chí, nhà xuất bản, nghiên cứu… bằng tiếng Việt lẫn tiếng bản ngữ.

Tại Hoa Kỳ, ngoài các sách báo bằng tiếng Việt, các tạp chí nghiên cứu và sách bằng tiếng Anh đã đi vào vùng “mainstream” (dòng nước chính) của xã hội Mỹ như The Tale of Kieu (Truyện Kiều), From Rice Paddies to Temple Yards: Traditional Music of Vietnam (Từ ruộng lúa đến sân đình: Âm nhạc truyền thống Việt Nam), và các tạp chí có ảnh hưởng lớn như Journal of Vietnamese Studies, Journal of Vietnamese Music... do chính người Việt chủ biên. Ngành Việt Nam học phát triển cùng lúc với sự hỗ trợ của các thư viện lớn ở các đại học như Cornell, University of California at Los Angeles, và rất nhiều các thư viện công cộng khác. Phong Nguyen Collection là một sưu tập lớn về văn hóa và âm nhạc Việt Nam hiện được lưu trữ tại Trung tâm giáo dục toàn cầu thuộc đại học Hobart and William Smith (New York) và Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ (Washington, D.C.).  

Hội sinh viên người gốc Việt ở các đại học đã hết lòng hoạt động vì mục đích phổ biến văn hóa dân tộc mình. Nghệ thuật trình diễn nhạc, múa, hội họa, nhiếp ảnh, điện ảnh, ẩm thực trong cộng đồng người Việt đã mang đến những sắc màu, tô điểm thêm vẻ đẹp cho nếp sống di dân. Đại hội điện ảnh Việt Nam như ở đại học Irvine, California, những dạ hội được tổ chức hoành tráng, sang trọng, những lễ cổ truyền như Tết Nguyên đán, Phật Đản, giổ Quốc tổ Hùng Vương đầy màu sắc người Việt luôn gìn giữ.

Vai trò của Trung tâm thương mại Việt Nam ở nước ngoài

Ông Lê Trường Sơn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Incentra-LB Nga đã chia sẻ về những cơ hội và thách thức mà cộng đồng người Việt ở LB Nga đang phải đối mặt cũng như những cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam nếu muốn thâm nhập thành công vào thị trường rộng lớn này.

Ông Lê Trường Sơn cũng nêu rõ, để đưa các hàng hóa chất lượng cao của Việt Nam vào thị trường Nga, thì các trung tâm thương mại Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các thủ tục hải quan, vấn đề thanh toán, tiếp thị, tìm kiếm khách hàng, xây dựng và mở rộng hệ thống phân phối.

Ông Lê Trường Sơn cho biết, Dự án Trung tâm Văn hóa, Thương mại (đa chức năng) và Khách sạn Hà Nội – Mátxcơva đã được hình thành dựa trên những yêu cầu bức thiết của doanh nghiệp ở trong và ngoài nước. Nơi đây sẽ thực hiện nhiệm vụ quảng bá hình ảnh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm hàng hóa Việt Nam tại Liên bang Nga, xúc tiến thâm nhập và phát triển các kênh phân phối sản phẩm hàng hóa của Việt Nam trong toàn lãnh thổ Liên bang Nga, xúc tiến hoạt động trao đổi, giao lưu văn hóa nghệ thuật, du lịch giữa hai nước.

Tâm nguyện của kiều bào với quê hương

Bên lề Hội nghị, chúng tôi đã trao đổi với một số đại biểu kiều bào tham dự hội nghị. Các đại biểu đã bày tỏ những suy nghĩ, ý kiến, nguyện vọng của mình với đất nước trong nhiều lĩnh vực.


Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh (giữa) chụp ảnh lưu niệm
cùng ông Sơn Thành (thứ 2 từ trái) và bà con kiều bào Anh tại Hội nghị

Đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Anh, ông Sơn Thành, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Anh chia sẻ: Trong bối cảnh suy thoái toàn cầu và trong nước đang có nhiều khó khăn về kinh tế, việc tổ chức Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ hai này với gần 1.000 đại biểu kiều bào từ khắp nơi trên thế giới về tham dự chứng tỏ sự quan tâm của Nhà nước đối với NVNONN, cũng như nỗ lực rất lớn của Ủy ban Nhà nước về NVNONN cùng các Bộ, ngành trong nước. Là những người Việt Nam sống xa Tổ quốc, Việt kiều Anh luôn hướng về quê hương, đất nước, luôn theo dõi mọi sự đổi thay của đất nước và mong muốn đất nước mình ngày càng phát triển, thịnh vượng. Hội nghị là nơi các đại biểu trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động của cộng đồng, ngoài ra còn được biết them các chủ trương, chính sách mới của Nhà nước đối với NVNONN. Ông Thành mong muốn các chính sách đã đề ra được thi hành cụ thể, như chính sách Việt kiều được mua và đứng tên nhà đất; chính sách hỗ trợ tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN…

TS. Nguyễn Đài Trang, Giám đốc Trung tâm Thương mại Canada-ViệtNam bày tỏ: Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ hai đem lại sự phấn khởi cho kiều bào ở nước ngoài vì thấy được sự quan tâm và đánh giá cao của đất nước đối với kiều bào. Hội nghị mang ý nghĩa quan trọng, vì đây là dịp để kiều bào ở nước ngoài và đồng bào trong nước gặp gỡ, trao đổi các vấn đề có liên quan đến việc hội nhập và phát triển đất nước.

Để phát huy việc thu hút trí thức kiều bào, theo chị, thứ nhất, việc cung cấp thông tin cho bộ phận tri thức về nhu cầu của đất nước là rất cần thiết để họ định hướng sự đóng góp của mình cho phù hợp. Thứ hai, cần có sự tổ chức rộng rãi và chặt chẽ hơn nữa trong cộng đồng kiều bào, tăng cường phối hợp với Đại sứ quán, các cơ quan ban ngành trong nước, và các cơ quan, các trường đại học và cao đẳng bản xứ để vận động sinh viên, du học sinh, bộ phận trí thức ở nước ngoài tham gia vào các công tác có lợi cho việc phát triển đất nước. Việc tổ chức và vận động này bao gồm cả việc tạo động cơ cần thiết và hỗ trợ thiết thực để tạo điều kiện cho bộ phận trí thức tham gia đóng góp.

TS. Nguyễn Đài Trang hy vọng sẽ được biết thêm về các thành tựu mà kiều bào đạt được trong việc hội nhập và đóng góp phát triển đất nước cùng các thuận lợi cũng như thách thức và các giải pháp, phương hướng nhằm tạo điều kiện để kiều bào phát huy sự đóng góp của mình cho quê hương. Cụ thể đối với Trung tâm Thương mại Canada-Việt Nam, chị hy vọng là qua Đại hội Hiệp hội doanh nhân NVNONN sẽ  tìm hiểu thêm về tiềm năng trao đổi thương mại, thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác về kinh tế, liên kết các doanh nghiệp giữa hai nước qua tham quan tìm hiểu thị trường và tăng cường mạng lưới thông tin cho các doanh nghiệp. Đồng thời, chị cũng muốn tìm hiểu thêm về vấn đề du học sang Canada để hỗ trợ cho các em trong việc tìm học bổng, chọn ngành nghề thích hợp, tiết kiệm các chi phí, tư vấn học tập.

Bác sỹ Đặng Văn Mỹ, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại tỉnh Kongpong Speu, Campuchia có tâm tư, mong muốn Đảng và Nhà nước chú trọng và đầu tư thật nhiều vào an sinh xã hội. Ông hy vọng sau Hội nghị lần thứ hai này, Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài sẽ được luật hóa, đưa ra pháp lệnh, thông tư, nghị định về cuộc sống của người Việt Nam ở nước ngoài cũng như hoạt động đầu tư kinh doanh của bà con trong nước. Việc luật hóa cũng hỗ trợ những người hồi hương, muốn nhập lại quốc tịch Việt Nam… được thuận lợi hơn để tiếp tục cuộc sống ở quê nhà.

Bên cạnh đó, Bác sỹ Đặng Văn Mỹ cho rằng, nhân Hội nghị này, bà con kiều bào ở các nước hội tụ về đây nên duy trì mối quan hệ với nhau để cùng hỗ trợ và giúp đỡ nhau về kinh nghiệm hoạt động hội, tổ chức xây dựng các công việc từ thiện, phúc lợi liên quốc gia, nâng cao các kỹ năng cần thiết khác trong hoạt động xã hội, trao đổi các vấn đề trong giáo dục thế hệ con em kiều bào tiếp nối giữ gìn bản sắc văn hoá, truyền thống dân tộc và làm cầu nối với bạn bè quốc tế.

Phương Thuận


Các tin khác

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm