Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nơi gặp gỡ, chia sẻ của những người lính

Sống xa quê hương, những người đã từng mang trên mình màu xanh áo lính nay ở tại Berlin và một số thành phố lân cận của CHLB Đức, đã tập hợp nhau lại trong tổ chức Hội Cựu chiến binh Việt Nam tại Berlin để cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn và hướng về quê hương, đất nước. Họ vẫn luôn giữ trong mình phẩm chất quý báu của người lính Cụ Hồ, dù trong hoàn cảnh nào vẫn luôn vươn lên trong cuộc sống và giữ nghĩa tình đồng đội mãi thắm tươi. Phóng viên Tạp chí Quê Hương đã có buổi trao đổi với ông Mai Ngọc Yên, Chủ tịch Hội, về hoạt động của Hội trong thời gian qua.

Ông Mai Ngọc Yên (bên trái) thông qua Ủy ban Nhà nước về NVNONN trao tiền ủng hộ
của Hội Cựu chiến binh VN tại Đức tới quân dân đảo Trường Sa

 

PV: Xin ông cho biết về quá trình thành lập và hoạt động của Hội trong thời gian qua?

Ông Mai Ngọc Yên: Hội Cựu chiến binh VN tại Berlin được thành lập vào năm 2006, nhưng đến năm 2009 Hội mới tổ chức Đại hội lần thứ nhất. Hiện nay, Hội chúng tôi có gần 300 thành viên, đã cấp thẻ hội viên cho khoảng 150 người. Hội viên của Hội là những cựu quân nhân, cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân quân du kích sang công tác, học tập tại Đức ở lại. Chúng tôi đang tiếp tục mở rộng mời bà con tham gia Hội. Hy vọng, số lượng hội viên của Hội ngày càng tăng và Hội sẽ trở thành “mái nhà chung” cho anh chị em cựu chiến binh trên nước Đức.


 Giao lưu với chị Tenesa người Ba Lan (thứ 3 trái qua), con dâu Việt, bố chồng là liệt sỹ

Biểu diễn văn nghệ trong Lễ kỷ niệm 65 năm
Ngày Thương binh Liệt sĩ

 


Từ khi thành lập đến nay, Hội hoạt động thường xuyên với nhiều hoạt động ý nghĩa và thiết thực. Hàng năm, chúng tôi đều tổ chức các cuộc gặp gỡ, giao lưu, đặc biệt là vào những ngày lễ lớn của đất nước như 30/4, 1/5, 27/7, Quốc khánh,… để mọi người chung vui, chia sẻ và cùng giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Ngày 28/7 vừa qua, Hội chúng tôi đã phối hợp với các hội đoàn người Việt tại Berlin tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ để tri ân và tưởng nhớ các thương binh, liệt sĩ đã hy sinh xương máu của mình cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước. Những ngày Lễ kỷ niệm như thế này đối với người lính chúng tôi rất thiêng liêng và ý nghĩa.

 

Trong Hội của chúng tôi có một số người xây dựng gia đình với người Đức. Trong quá trình tham gia các hoạt động của Hội, họ thấy rất vui, lành mạnh, tuân thủ theo quy định pháp luật nên họ rất tích cực tham gia, ủng hộ các phong trào.

PV: Hội đã có những hoạt động cụ thể gì trong việc giúp đỡ, hỗ trợ các hội viên? Trong hoạt động của mình, Hội có liên hệ với Hội Cựu chiến binh Việt Nam và đồng đội trong nước?

Ông Mai Ngọc Yên: Từ khi Hội thành lập đến giờ, tinh thần của anh chị em hội viên vẫn luôn giữ vững phẩm chất bộ đội Cụ Hồ. Chúng tôi luôn động viên các thành viên trong gia đình cũng như bà con cộng đồng hướng về quê hương, đất nước. Đặc biệt, chúng tôi luôn quan tâm giáo dục con em mình về lịch sử, truyền thống, văn hóa của dân tộc, nhất là việc dạy và học tiếng Việt. Hội cũng có những quy định cụ thể như thăm hỏi anh chị em hội viên lúc ốm đau, vui buồn... Dù sống xa quê hương, đất nước nhưng chúng tôi vẫn luôn quan tâm, hướng về Tổ quốc thân yêu, nơi có những người thân và ban thờ ông bà tổ tiên ở đó.

Hội chúng tôi có mối quan hệ chặt chẽ với Hội Cựu chiến binh VN, Hội Doanh nghiệp, Hội Cựu chiến binh thành phố Đà Nẵng… Các hoạt động kỷ niệm ngày lễ lớn của đất nước, chương trình giao lưu… chúng tôi đều liên lạc với nhau thường xuyên. Có những hoạt động chúng tôi cử người về tham dự và mời các đại biểu trong nước sang dự. Ngoài ra, các Hội viên khi về nước cũng có nhiều hoạt động tích cực giúp đỡ anh em, đồng chí và bà con trong nước như việc xây dựng nhà tình nghĩa, chia sẻ với anh em thương bệnh binh, bà mẹ Việt Nam anh hùng, các cháu không may bị phơi nhiễm chất độc da cam,…

Vừa qua, Hội chúng tôi rất vui khi nhận được 185 bộ quân phục do Hội Cựu chiến binh Đà Nẵng gửi tặng anh chị em hội viên để mặc trong những ngày lễ. Chúng tôi cảm thấy tự hào, có nhiều người đã rất xúc động khi được khoác trên mình bộ quân phục đã từng mặc năm xưa.

PV: Như ông vừa nói, dù sống xa Tổ quốc, nhưng với phẩm chất của người lính Cụ Hồ, Hội vẫn luôn hướng về quê hương. Ông có thể giới thiệu một số hoạt động của Hội hướng về đất nước?

Ông Mai Ngọc Yên: Hội chúng tôi rất tích cực tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo ủng hộ các phong trào trong nước. Năm 2009, nhân Kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân VN, Hội đã tổ chức chương trình “Ủng hộ các chiến sĩ biên cương hải đảo” và đã quyên góp được số tiền khoảng 5000 USD, số tiền trên chúng tôi đã thông qua Bộ Tư lệnh Hải quân ở Hải Phòng nhờ chuyển tới các chiến sĩ. Năm 2011 vừa qua, Hội chúng tôi tiếp tục phát động chương trình “Vì mái ấm biên cương biển đảo” và đã quyên góp được 120 triệu đồng. Chúng tôi đã mang số tiền trên về tới Đà Nẵng trao 105 triệu đồng cho Hải  quân vùng 3, còn 15 triệu chúng tôi ủng hộ các cháu bị chất độc da cam con em các cựu chiến binh Đà Nẵng. Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 37 năm ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng, chúng tôi đã ủng hộ các bà mẹ Việt Nam anh hùng 10 triệu đồng. Và nhân dịp về nước dự hoạt động thăm Trường Sa do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức (tháng 4/2012), chúng tôi cũng đã thông qua Ủy ban gửi tới cán bộ chiến sĩ, nhân dân huyện đảo Trường Sa 20 triệu đồng. Được ra thăm, tận mắt chứng kiến cuộc sống của những người lính đang ngày đêm giữ vững nơi tiền tiêu của Tổ quốc, tôi thấy thật cảm động và tự hào về những đồng chí, đồng đội thế hệ sau. Chuyến đi đã để lại nhiều ấn tượng mạnh trong tôi và những đại biểu cùng tham dự.

Trong thời gian tới, Hội chúng tôi tiếp tục tổ chức những hoạt động giao lưu để anh chị em có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ, hướng về quê hương; tiếp tục hưởng ứng các phong trào, quyên góp ủng hộ trong nước, nhất là phong trào “Vì biển đảo thân yêu”.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông. 

Thanh Thảo


Các tin khác

Tin tiêu điểm