A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiếng gọi tình yêu Tổ quốc

“Chúng ta mang tình cảm của kiều bào, tình cảm của đất liền đến với anh em chiến sĩ và nhân dân quần đảo Trường Sa. Những NVNONN về để được thấy Trường Sa 40 năm sau giải phóng, 40 năm phát triển và bảo vệ đã có những đổi thay như thế nào đồng thời là cơ hội để chia sẻ với cán bộ quân dân trên huyện đảo Trường Sa rằng cả nước hướng về Trường Sa vì Trường Sa cũng vì đất nước, vì dân tộc. Chúng ta cùng nhau đoàn kết một lòng và làm tất cả khả năng của mình, dù ở bất kỳ nơi đâu đều góp sức bảo vệ và phát triển đất nước” - Ông Trần Đức Mậu, Trưởng Đoàn công tác số 6 đã xúc động nói như vậy khi cùng kiều bào ra thăm Trường Sa.

 



 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Trần Đức Mậu thăm hỏi cán bộ chiến sĩ tại đảo Len Đao

 
Trường Sa có ý nghĩa thật đặc biệt đối với mỗi người dân Việt, là vùng biển xa xôi thân thương mà những người con Việt luôn hướng về. Ở nơi đó, có những chiến sĩ kiên cường đang nắm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Dù là người Việt Nam ở trong nước hay đang sinh sống ở nước ngoài đều mong muốn được một lần đặt chân lên vùng đất thân yêu ấy.

Đáp lại niềm mong mỏi của đông đảo kiều bào, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã phối hợp với Quân chủng Hải quân tổ chức đoàn do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Trần Đức Mậu dẫn đầu đi thăm quân dân Trường Sa từ ngày 21-28/4. Chuyến đi năm nay càng có ý nghĩa hơn khi được tổ chức đúng vào dịp chúng ta kỷ niệm tròn 40 năm giải phóng miền Nam - thống nhất đất nước, cũng là 40 năm giải phóng Trường Sa.

Đây là Đoàn công tác số 6 trong năm 2015 đi thăm Trường Sa và nhà giàn DK1. Hiện diện trong đoàn, ngoài 50 đại biểu kiều bào từ hơn 20 quốc gia trên thế giới trở về, còn có các đại biểu đến từ Đảng bộ ngoài nước, Tập đoàn dầu khí Việt Nam, Công đoàn Bộ Ngoại giao… Đoàn đã có nhiều hoạt động như: thăm hỏi, tặng quà quân dân 6 đảo Song Tử Tây, Đá Nam, Nam Yết, Len Đao, Đá Lát, Trường Sa Lớn và 2 nhà giàn Huyền Trân (DK1/7), Phúc Tần (DK 1/18); tổ chức Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo; giao lưu văn nghệ với quân dân trên một số đảo.

Trường Sa – 40 năm vững vàng và phát triển

Cách đây tròn 40 năm, Quân chủng Hải quân Việt Nam đã mở các cuộc tấn công, lần lượt giải phóng các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa... Đến ngày 29/4/1975, Bộ Tư lệnh Hải quân và Tư lệnh Quân khu 5 đã hoàn thành nhiệm vụ giải phóng quần đảo Trường Sa, góp phần vào thắng lợi vĩ đại, trọn vẹn của dân tộc.

Trường Sa thuở mới giải phóng là những hòn đảo rất hoang sơ, lưa thưa cây cỏ, chỉ các loài chim biển thì nhiều vô kể; những người lính canh giữ đảo thiếu thốn đủ bề từ nước, lương thực, thực phẩm, ngay cả thư từ của người thân cũng phải lâu lắm mới nhận được. Anh em chiến sĩ dễ mắc bệnh đường ruột do thiếu rau xanh, người sắt đi vì nắng gió và thiếu nước...

Từ tháng 3/1976, Bộ Quốc phòng cùng Bộ Tư lệnh Hải quân giao cho Trung đoàn công binh Hải quân 83 (nay là Lữ đoàn 83) làm nhiệm vụ xây dựng đảo. Mỗi năm, đơn vị ra đảo xây dựng công trình khoảng 6 tháng (từ tháng 3 đến tháng 8), sang tháng 9 vào mùa mưa bão thì rút về để huấn luyện. Hàng trăm tốp công binh và các lực lượng ra đảo cắm mốc chủ quyền, xây dựng đảo chìm, các hạng mục công trình chiến đấu, sinh hoạt cho bộ đội. Để tạo dựng một Trường Sa kiên cố, khang trang như ngày nay là biết bao trí tuệ, công lao, bao mồ hôi, nước mắt và cả máu của các thế hệ cán bộ chiến sĩ đã đổ xuống, gom góp từng viên đá xây đảo. Bao gian khổ khi toàn bộ vật liệu đều phải đưa từ đất liền, thêm vào đó còn cần vận chuyển thêm nhu yếu phẩm và nước vì Trường Sa bấy giờ không có nước ngọt. Những rạn san hô lớn ngăn tàu vào gần đảo, vì thế những con tàu phải đỗ ngoài xa, nhờ các xuồng chở vật liệu vào, nguy hiểm lắm bởi thời tiết khắc nghiệt, bởi những con sóng lớn, những cơn bão chợt ập đến. Xây đảo đã vất vả, cực nhọc, xây cảng còn gian khổ gấp bội lần. Để có những nhịp cầu cảng nối liền giữa đảo và tàu như ở Trường Sa Lớn, không chỉ có 28 nhà khoa học đã gần hai năm lăn lộn với biển để đo qui luật dòng chảy, thủy triều lên xuống, cân bằng vật nặng trong lòng đại dương, mà còn hàng ngàn lượt cán bộ chiến sĩ và những thợ lặn phải ngâm mình cả ngày dưới nước, ngụp lặn dưới đáy biển để kè đá, dựng cột thép… Trong sóng gió muôn trùng như vậy, nhưng bằng ý chí sắt thép, cán bộ chiến sĩ hải quân vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đảo.

Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi là Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh Hải quân 83, Thiếu tướng Hoàng Kiền đã có ý tưởng tuyệt vời là mang đất ra Trường Sa để các chiến sĩ trồng rau xanh cải thiện bữa ăn, làm xanh các hòn đảo quanh năm vốn khô cằn trong nắng và gió biển. Cả ngàn tấn đất đã được đưa ra các đảo, đó là cả một kỳ tích của lực lượng Công binh Hải quân, để giờ đây – sau 40 năm, Trường Sa hôm nay như những viên ngọc xanh tỏa sáng giữa đại dương bao la. Bàng vuông, phong ba, bão táp, tra, dừa… một màu xanh bình yên đã bao trùm các đảo. Trong đó, đảo Nam Yết thân yêu còn được mọi người trìu mến đặt cho những cái tên như “vương quốc đu đủ”, “đảo dừa”… Những kiều bào lần đầu tiên được đặt chân lên đảo đều phải “ồ” lên ngạc nhiên, thán phục và cả tự hào về màu xanh thanh bình ấy.

Trường Sa hôm nay cơ sở hạ tầng khang trang, đầy đủ. Điện và nước không còn là nỗi lo lớn của quân dân nơi đây. Các đảo đều được trang bị hệ thống điện gió và năng lượng mặt trời, các giếng nước ngọt và hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt được đưa vào sử dụng đã đảm bảo nước sinh hoạt. Không còn cảnh phải lâu lâu mới nhận được thư nhà, với mạng lưới Viettel phủ sóng các đảo, anh em chiến sĩ có thể hằng ngày nghe được tiếng nói thân thương của ba mẹ, anh em, lời chúc, lời động viên của mọi người qua di động, có thể truy cập internet, được xem những chương trình hay qua trạm thu phát truyền hình… khoảng cách xa xôi về địa lý đã thu hẹp đi phần nào.

Ở đảo nào anh em chiến sĩ cũng dành đất để trồng rau. Đảo nổi thì có những khu vườn trồng rau riêng, đảo chìm thì trồng trong những hộp xốp, những “vườn treo”. Thậm chí, ở Trường Sa Lớn, vườn rau anh em trồng cơ bản đảm đảo được nhu cầu rau xanh cho cuộc sống hằng ngày. Nào chuối, mướp, rau muống, mồng tơi… những loài rau đơn giản ở đất liền nhưng để trồng được ở đây là cả sự chăm bón tỉ mỉ của các chiến sĩ. Những vị khách khi đến với Trường Sa Lớn thật thích thú khi được nhìn thấy vườn chuối trổ những buồng xanh khỏe mạnh, giàn mướp và bí đầy quả lúc lỉu, còn đu đủ thì chín vàng trên cây. Có lẽ được chắt chiu từ từng tấc đất, lớn lên trong nắng gió mặn mòi và bàn tay chăm sóc nâng niu của người chiến sĩ, món rau muống luộc đơn giản được ăn ở đây cũng mang cái vị hoàn toàn khác biệt. Trong bữa ăn trưa tại đảo Trường Sa, ai cũng xuýt xoa “rau và thịt ở đây thơm ngọt quá!”

Dạo một vòng quanh Song Tử Tây và Trường Sa Lớn, dễ nhận thấy đảo không còn khác trong đất liền là mấy. Những con đường bê tông với những hàng cây rợp bóng mát. Trường học 2 tầng khang trang, khu trạm xá sạch sẽ, những ngôi chùa bằng gỗ hay gạch nung đỏ, cầu cảng, sân bay, đài khí tượng thủy văn… và nhiều công trình khác phục vụ cho cuộc sống nơi đây. Người dân an cư sinh sống, trẻ con chăm chỉ học hành, ngoan ngoãn. Những tiếng “con chào chú”, “con chào cô” và nụ cười trong sáng của các em… chỉ như vậy đã khiến mọi người thật hạnh phúc. Chẳng ai có thể cưỡng lại được những nụ cười thiên thần ấy. Càng vui hơn khi các em nhận được sự giáo dục đầy đủ không khác ở đất liền, lớn lên hàng ngày với tình yêu biển đảo, quê hương. Nu na nu nống/ Đánh trống phất cờ/ Vùng biển xa mờ/ Có hai hòn đảo/ Hoàng Sa, Trường Sa/ Tên gọi thiết tha/ Trong lòng dân Việt - bài “Đồng dao biển cả” với lời hát dung dị, mộc mạc được các em cất lên trong buổi trưa ngợp nắng Trường Sa khiến tôi càng thấm thía sâu sắc hơn lòng yêu nước và tự hào dân tộc.

Ông Nguyễn Viết Thuân, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa vui mừng cho biết những năm qua, đồng bào trong và ngoài nước đã chung tay góp sức xây dựng quần đảo Trường Sa ngày càng vững mạnh. “Sau 40 năm, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đồng bào cả nước và kiều bào ở nước ngoài, các chức sắc tôn giáo… đến nay huyện đảo Trường Sa cơ bản thay đổi toàn diện. Cơ sở vật chất trên từng điểm đảo được cải thiện, các đảo nổi hiện nay đều có hệ thống năng lượng sạch, đường sá, trường học, nhà ở của dân vững chắc chịu được mọi cơn sóng gió. Các trạm xá là chỗ dựa cho ngư dân bám biển dài ngày…”.

Quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng

Để có Việt Nam và Trường Sa ngày nay, chúng ta không quên công lao to lớn của cha ông và sự tiếp nối của Hải quân Việt Nam anh hùng – lực lượng đang gánh vác sứ mệnh lịch sử to lớn, làm nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ vùng biển, đảo, thềm lục địa thân yêu của Tổ quốc. Tháng 5 này cũng là dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Hải quân Nhân dân Việt Nam (7-5-1955 – 7/5/2015). Nhớ đến lịch sử để nhắc nhớ trách nhiệm của mỗi người đối với quê hương, với Tổ quốc. Thế hệ hôm nay và mai sau không bao giờ quên sự hi sinh thầm lặng của những chiến sĩ trên đoàn tàu không số - những con người đã làm nên con đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại. Mỗi lần vượt biển chở vũ khí vào Nam, họ đều xác định ra đi không hẹn ngày trở lại. Những người lính hải quân “vô danh” chưa kịp ghi tên mình vào lịch sử ấy đã vận chuyển hàng trăm ngàn tấn vũ khí trang thiết bị để chi viện cho chiến trường miền Nam; hàng chục ngàn lượt cán bộ vượt qua nhiều giông bão, tàu thuyền, máy bay địch tập kích để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ai có thể quên được nhờ tinh thần “dám đánh, quyết đánh” mà Hải quân Việt Nam đã nhanh chóng giải phóng được quần đảo Trường Sa. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển đảo ngày nay, cán bộ chiến sĩ Hải quân vẫn vững vàng nơi tiền tiêu sóng gió. Từ năm 2010, Hải quân nhân dân Việt Nam được đầu tư tiến thẳng lên hiện đại, đến nay đã có đủ năm thành phần lực lượng là: Tàu mặt nước; Tàu ngầm;  Pháo binh - tên lửa bờ; Không quân hải quân; Hải quân đánh bộ, Đặc công hải quân và lực lượng phòng thủ đảo.

Trong chuyến thăm Trường Sa này, tôi bắt gặp những chồi non đang vươn mình lớn lên trong gió mạnh và nắng cháy sao thấy chúng cũng giống như các chiến sĩ nơi đây - dù khó khăn đến đâu vẫn vươn lên, bám trụ và phát triển trên mảnh đất thiêng liêng nơi đầu sóng của Tổ quốc. Đặt chân lên vùng biển đảo xa xôi, khắc nghiệt này, mới cảm nhận hết sự vĩ đại trong mỗi con người nhỏ nhoi, mới thấy sức mạnh của ý chí con người thật không bút nào tả nổi. Dưới nắng nóng cháy rát da thịt, những công binh vẫn chăm chỉ công việc xây dựng, những chàng lính trẻ vẫn chắc tay súng, đứng nghiêm trang không suy suyển. Làn da các anh sạm đen vì cái mặn mòi của biển mà nụ cười vẫn tươi rói trên môi.

Đâu chỉ là nắng và gió, ở vùng biển này hằng năm còn phải chịu nhiều cơn bão lớn đổ bộ vào. Câu chuyện về những cán bộ chiến sĩ nhà giàn Phúc Tần chống chọi khi cơn bão lớn đổ ập vào năm 1990 vẫn khiến chúng ta xúc động cho tới tận hôm nay. Trong thét gào của biển cả, anh em vẫn cố gắng tìm kiếm hỗ trợ lẫn nhau, nước mắt rơi không bởi sợ chết mà vì các anh nhớ thương những người thân ở nhà và càng đau xót hơn khi nhà giàn thân yêu của mình đã chìm xuống biển. Có những người đã được cứu sống, có những người đã vĩnh viễn nằm lại nơi biển sâu, nhưng cho đến tận khi cận kề cái chết họ vẫn kiên cường chống chọi…

Đó là trước đây, còn từ năm 2011, các nhà giàn trên biển cũng đã khác. Đây là thế hệ nhà giàn kiên cố, hiện đại có thể chịu đựng được sóng, gió cấp 13-14 với tuổi thọ lên đến 40 năm, gấp đôi tuổi thọ các thế hệ Nhà giàn trước đó, được trang bị đầy đủ các máy móc, phương tiện hiện đại giúp cán bộ, chiến sĩ yên tâm và đáp ứng tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

“Khâm phục” là hai từ ai cũng phải thốt lên khi nói về các anh. 40 năm qua, tinh thần kiên cường của những người lính hải quân vẫn vẹn nguyên. Trò chuyện với những người lính trẻ ở các đảo và nhà giàn mới nhận thấy rằng họ đều có chung một suy nghĩ bình dị đời thường: có một gia đình yên ấm, đất nước mãi hòa bình, yên tâm công tác và luôn ý thức rõ trách nhiệm mình trước sứ mệnh thiêng liêng mà Tổ quốc giao phó. Đúng như lời chia sẻ thân tình của Đô đốc Giáp Văn Cương, mà sau này nhiều lính đảo vẫn truyền tai nhau: “Tớ đâu có muốn đày đọa các cậu. Giá trị gì mấy hòn đá cằn cỗi này mà phải gìn giữ. Nhưng đây là Tổ quốc của mình, là máu thịt của mình. Chúng ta giữ gìn có phải giữ mấy hòn đá hoang dại này đâu mà là giữ biển đấy chứ. Mất đảo là mất biển, mà biển bao bọc suốt từ Bắc đến Nam. Tất cả kẻ thù đánh ta đều đi từ đường biển. Thế thì chúng ta phải giữ đảo, giữ biển thôi. Khổ mấy cũng phải giữ, có chết cũng phải giữ…”. Bởi vậy, cán bộ chiến sĩ ra đây đều thấm nhuần tinh thần đó, sẵn sàng trong mọi tình huống với quyết tâm cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ.

Ý chí sắt thép ấy đã truyền đến những vị khách trong Đoàn công tác. Đối với nhiều bạn trẻ, chính ý chí của những người lính là động lực thúc đẩy tinh thần trách nhiệm đối với bản thân, cũng như đối với đất nước. “Đặt chân đến đây, tôi cảm thấy xót xa nhưng rất đỗi tự hào và cũng cảm nhận được tiếng gọi của Tổ quốc”, anh Nguyễn Trung Kiên, du học sinh tại Hàn Quốc, tâm sự. “Khi thắp hương tưởng niệm các chiến sĩ đã ngã xuống trên vùng biển này, thấy tuổi đời các anh còn trẻ tôi đã khóc. Tôi rất tự hào về các anh... Chúng tôi có cuộc sống vẹn toàn nơi đất liền vậy mà đôi khi vẫn than khó khăn. Nhưng khi được đặt chân lên mảnh đất này, tôi cảm thấy xấu hổ và tự hứa với mình rằng tôi phải làm nhiều hơn nữa để góp phần nhỏ bé cho đất nước”, Kiên xúc động nói.

Ông Nguyễn Ngọc Xuân, kiều bào tại Nga, động viên các chiến sĩ bằng những chia sẻ tâm huyết: “Các anh – những người chiến sĩ đang là đại diện cho hàng triệu triệu người đàn ông Việt đứng nơi đầu sóng ngọn gió. Chúng tôi phải cảm ơn các anh vì sự hi sinh này và những đóng góp cho biển đảo quê hương. Nếu chiến sĩ chúng ta chỉ một giây phút run sợ thôi thì con cháu chúng ta sẽ không có cơ hội ra biển như thế này. Hôm nay, những kiều bào dù không có vinh dự đứng nơi tiền tiêu bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc, nhưng chúng tôi sẽ phản ánh trung thực những hành động của các anh nơi đảo xa và góp phần là hậu phương vững chắc cho các anh. Sau chuyến đi này, chúng tôi vô cùng tin tưởng vào thế hệ trẻ của đất nước chúng ta và vinh dự này thuộc về Quân đội Việt Nam, Hải quân Việt Nam và nhân dân Việt Nam”
.
“Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay, ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển của ta dài và tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”, tầng tầng lớp lớp cán bộ chiến sĩ hải quân vẫn khắc sâu lời dạy ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chuyến đi kết nối trái tim người Việt

Cũng như người dân trong nước, những người Việt sống xa quê hương đều háo hức với chuyến đi này và nôn nóng mong được đặt chân lên vùng biển đảo Trường Sa thân yêu. Vốn chỉ được xem về Trường Sa qua báo chí, truyền hình, bà con ai cũng mong mỏi được tận mắt nhìn thấy vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Được thả bước trên những hòn đảo ngoài khơi xa, được tận tay sờ vào những phiến đá, thảm cỏ, rặng cây, được gần gũi tiếp xúc, múc từng gáo nước cho những người lính đảo, thậm chí mò mẫm trong đêm tối, cố gắng để chụp bông hoa bàng vuông hay thử vị nước mưa trên đảo và tấm tắc khen “nước mưa ở đây ngon tuyệt!”… đối với bà con đó là một trải nghiệm trân quý vô cùng.

Hoàng Sa, Trường Sa là máu thịt Việt Nam. Vâng! Những người con đất Việt hằng ngày đang bằng những hành động thiết thực nhất để minh chứng cho sự thật thiêng liêng ấy. Và chuyến tàu HQ561 của các đại biểu trong Đoàn công tác số 6 đã mang đến những tình cảm thân thương nhất của những người dân đất liền gửi tới huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Đó là 2000 bức thư của tập thể giáo viên, học sinh trường tiểu học Thành Công B (Hà Nội) chứa đựng tình cảm nồng ấm, tự hào của các em nhỏ đối với các anh; là những phần quà sẻ chia của các cơ quan trong Đoàn công tác; là những bài hát thắm đượm tình mẹ, tình quê của những nghệ sỹ Nhà hát Quân đội; là những dòng thơ viết vội của một kiều bào khi cảm xúc chợt ùa về: Trường Sa ơi mai tàu sẽ quay về/ Nhưng tình người sẽ mãi còn ở lại/ Cầu chúc cho cây hòa bình đơm trái/ Mãi xanh tươi trong trời biển Trường Sa… Dù cách này hay cách khác, tất cả đều là niềm yêu thương vô bờ đối với Trường Sa.

Đồng lòng cùng nhân dân trong nước, kiều bào ta đã và đang có những hành động hướng về biển đảo quê hương. Trong chuyến đi này, một số bà con kiều bào đã ấp ủ những dự án để chung tay xây dựng biển đảo như: Tiến sĩ Nguyễn Quốc Bình, kiều bào tại Canada, nguyên Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM, với lời hứa sẽ thực hiện một dự án trồng rau hiệu quả trên đảo ngay trong năm nay; chương trình hỗ trợ nhà ở, sách vở cho con em chiến sĩ Trường Sa mong muốn học tập tại Hà Nội của anh Nguyễn Văn Cường - một kiều bào tại Đức; Nguyễn Trung Kiên, nghiên cứu sinh chuyên ngành nấm dược liệu tại Hàn Quốc, dự định chuyển giao công nghệ trồng nấm cho chiến sĩ Trường Sa; đại biểu kiều bào cũng đóng góp tại chỗ được khoảng 200 triệu đồng để mua kính thiên văn tặng các chiến sĩ…

Điều tiếc nuối đối với mỗi người trong Đoàn công tác là đã không thể trực tiếp lên thăm các chiến sĩ trên 2 nhà giàn DK1/7 và DK1/18 do điều kiện thời tiết xấu. Nhiều người đã rơi nước mắt, “Thương lắm! Đã đến mà không thể trực tiếp trò chuyện cùng các anh”. Dù chỉ qua bộ đàm, các chiến sĩ trên hai nhà giàn vẫn cảm nhận được tình cảm thân thương mà chúng tôi dành cho các anh, được nghe những bài hát về những người lính anh hùng, về quê hương, đất nước và được nghe những tiếng thét gọi lớn đầy tình cảm của mọi người qua boong tàu: “Chúng tôi yêu nhà giàn!”, “Tạm biệt, hẹn gặp lại!”.

Đêm chia tay trên đảo Trường Sa, trên bờ, các chiến sĩ hát vang những giai điệu hào hùng của đất nước thay cho lời tiễn biệt. Trên tàu, những người khách đến từ đất liền vỗ tay nghẹn ngào hát theo. Tiếng hát, tiếng sóng biển như hòa cùng nhịp đập con tim. Khoảnh khắc đó tình yêu biển đảo, tiếng gọi của Tổ quốc đã kết nối trái tim tất cả mọi người, kết nối những người mang trong mình dòng máu Việt, tạo thành sức mạnh đoàn kết bất diệt.

* Một số hình ảnh trong chuyến đi Trường Sa 2015:


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Trần Đức Mậu tặng quà cho hộ dân ở đảo Song Tử Tây


 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quốc Thịnh tặng quà cho đảo Trường Sa


 Kiều bào thắp hương tưởng niệm tại tượng đài Trần Hưng Đạo, đảo Song Tử Tây


Kiều bào thăm chùa Song Tử Tây



Chị Tạ Thùy Liên (kiều bào tại Singapore) hỏi thăm đời sống của chiến sĩ trên đảo



Kiều bào chụp ảnh kỷ niệm tại Song Tử Tây



Kiều bào và chiến sĩ hải quân đảo Nam Yết


 Kiều bào chụp ảnh kỷ niệm tại cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa



 Đêm giao lưu văn nghệ tại đảo Trường Sa



 Kiều bào thăm hỏi các hộ dân tại đảo Trường Sa


 Ông Nguyễn Ngọc Xuân - kiều bào Nga (bên phải) trao tiền ủng hộ mua kính thiên văn của các kiều bào cho đại diện Bộ Tư lệnh Hải quân



 Kiều bào giao lưu văn nghệ trên tàu HQ 561

 Thanh Thủy


Các tin khác

Tin tiêu điểm