Trường Sa: Hải trình của trái tim
Đoàn công tác do ông Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài – Bộ Ngoại giao làm trưởng đoàn, Phó GS-TS, Chuẩn đô đốc, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân Đỗ Minh Thái làm Phó trưởng đoàn. Ngoài các đại biểu kiều bào, đoàn công tác số 10 còn có sự tham gia của các cán bộ Bộ Ngoại giao, Đảng ủy ngoài nước, các cơ quan thông tấn báo chí và một số đại biểu của các cơ quan trung ương và địa phương…
Chuyến tàu mang số hiệu KN 491 đưa đoàn kiều bào ra với Trường Sa và Nhà giàn DK 1 lần này đặc biệt có ý nghĩa. Đó là làm sao để kiều bào ta trên thế giới hiểu chúng ta đang kiên cường ngày đêm bám biển, giữ đảo để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Sáng 19/4, trong buổi họp Đoàn công tác số 10 trước khi ra thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, Chuẩn đô đốc, PGS. TS Đỗ Minh Thái, Phó Tham mưu trưởng quân chủng hải quân cho biết: Khi đến thăm các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và thăm các Nhà giàn tại Khu vực thềm lục địa phía Nam, kiều bào sẽ thấy sự khác biệt giữa cuộc sống của cán bộ chiến sỹ trên đảo, trên các bãi cạn và cuộc sống ở đất liền. Từ đó, kiều bào sẽ có cảm nhận trực tiếp về đời sống bộ đội, người dân trên đảo đang sống ra sao cũng như sự đổi thay của Trường Sa 43 năm sau ngày giải phóng.
Đúng 4h chiều ngày 19/4, dưới cái nắng đầu hè trên cầu Quân cảng Cam Ranh, con tàu mang số hiệu 491 nhổ neo đưa đoàn đến với Trường Sa và Nhà giàn DK1. Các thành viên trong đoàn ai nấy đều rất hộp, chờ đón giây phút được đặt chân lên đảo đầu tiên trong hành trình của Đoàn. Những ánh mắt long lanh, nụ cười háo hức trước chuyến đi có thể chỉ là 1 lần trong đời. Mọi người nhận thẻ lên tàu, rồi làm quen giao lưu với nhau.
Nhà văn, nhà báo Lê Thị Hiệu, kiều bào Pháp chia sẻ: Khi Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp thông báo, tôi được tham dự đi Trường Sa và Nhà giàn DK 1, trong tâm trí tôi chỉ có Trường Sa và Nhà giàn DK 1. Sau tiếng còi của tàu hú lên rời xa đất liền, tôi rất bồi hồi, háo hức, khi bờ gần mất dần ở đường chân trời, con tàu ở giữa đại dương mệnh mông, tôi mới cảm nhận được đất trời Việt Nam thật bao la. Tôi thấy rất tự hào là con dân của đất nước Việt Nam và được ra thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 trong chuyến công tác lần này.
Anh Nguyễn Hữu Minh, Giám đốc điều hành Hỗ trợ phát triển Y tế - Giáo dục tại Mỹ, lần đầu thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1. Dù công việc rất bộn bề nhưng anh vẫn cố gắng thu xếp công việc để tận mắt thấy và trải nghiệm chuyến đi từ đất liền ra quần đảo. Anh Minh đang rất háo hức và tò mò về hành trình sắp tới, đồng thời rất vui khi được gặp gỡ bà con từ nhiều nước, làm nhiều mảng công việc khác nhau. Anh thấy ai ai cũng nở nụ cười thân thiện.
Chị Lưu Thị Phi Nga, thành viên Câu lạc bộ Trường Sa ở Đức chia sẻ: "Tôi đến Trường Sa lần này là lần thứ 2, được đi lần thứ 2 tôi cảm thấy càng bâng khuâng, bồi hồi và cũng khác cung bậc lần thứ nhất rất nhiều. Câu lạc bộ Trường Sa tại Đức được thành lập chính thức vào tháng 7/2017, thành viên trong Câu lạc bộ là những người đã từng một lần đi ra Trường Sa. Những người sau khi thăm Trường Sa, cảm thấy rất cần phải thành lập một câu lạc bộ để giới thiệu cho cộng đồng người Việt sống tại Đức về Trường Sa được nhiều hơn, cùng nhau nắm được những thông tin và có sự chuẩn bị tốt hơn nữa cho các đoàn đi sau để giúp đỡ quân và dân huyện đảo Trường Sa.
Câu lạc bộ Trường Sa ở Đức làm công tác giới thiệu, kể chuyện về Trường Sa sau những đợt đi. Những bạn thanh niên trẻ ở Singapore, Hàn Quốc hoạt động cũng rất mạnh mẽ. Qua hoạt động của các Câu lạc bộ của kiều bào ở nước ngoài đã giúp cho các bạn trẻ kiều bào nói riêng và cộng đồng người Việt ở nước ngoài nói chung hiểu hơn về Trường Sa và Nhà giàn. "Thiết nghĩ không chỉ có thế hệ cha ông mà chúng ta phải làm thế nào để tất cả thế hệ trẻ sau này luôn luôn trong tâm niệm nghĩ rằng Hoàng Sa, Trường Sa mãi mãi là của Việt Nam, luôn luôn là của Việt Nam", chị Nga chia sẻ thêm.
Còn đối với ông Lê Hồng Cường, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp người Việt ở Đức, đồng thời là Chủ tịch Hội Tân Trào cho biết: Câu lạc bộ Trường Sa gồm những thành viên đã từng đi thăm quần đảo Trường Sa, rất tâm huyết với Trường Sa. Câu lạc bộ Trường Sa nhằm tuyên truyền về biển đảo quê hương đồng thời cùng nhau hướng về Trường Sa. Trước chuyến đi này, tối 5/4, Câu lạc bộ đã quyên góp được hơn 6 nghìn euro, trước đó, Câu lạc bộ cũng đã quyên góp 4 nghìn euro. Số tiền này, Câu lạc bộ trích hơn 6 nghìn euro mua ô, dao kéo, tông đơ, camera…tặng quân và dân huyện đảo Trường Sa.
Từ lâu mong mỏi được đến Trường Sa, anh Nguyễn Như Bảo, nghiên cứu sinh Tiến sĩ thuộc Đại học Giao thông Đường Bộ Mátxcơva, sung sướng khi được mời đi Trường Sa cách đây một tháng và xin thầy giáo, nhà trường để về ngay Việt Nam. Anh Bảo tâm sự: "Những người ở Nga từng đi Trường Sa kể mỗi lần đi về họ thấy yêu Tổ quốc hơn. Có một đại biểu ở Nga, trong chuyến thăm Trường Sa, được một chiến sĩ trên đảo tặng lá cờ treo trên đảo. Lá quốc kỳ ở Trường Sa khác đất liền ở chỗ nhanh bạc màu và sờn rách hơn vì gió biển mặn mòi. Mỗi lá cờ khi sờn rách sẽ được chiến sĩ hạ xuống, gấp cẩn thận và tặng các đoàn khách đất liền. Vị đại biểu này đã nâng niu lá cờ và trưng bày trong hội thảo về Biển Đông tại Mátxcơva".
Ngay trong ngày đầu tiên, vì chưa quen với điều kiện sóng gió, một số đại biểu đã bị say sóng. Nhưng mọi người đều nỗ lực vượt qua, háo hức tham gia hành trình. Lúc 19h cùng ngày, ngay trên boong tàu KN491, đoàn công tác đã tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ với Đoàn ca múa nhạc Quân đội. Buổi giao lưu diễn ra trong bầu không khí thắm tình quân dân.
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, giao lưu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Lương Thanh Nghị chia sẻ: “Tối nay ngay trên sân bay tàu KN 491 trên hành trình đến với Trường Sa, giữa biển khơi mênh mông trong ngày đầu tiên này, chúng ta có buổi gặp gỡ, giao lưu trên vùng biển chủ quyền của Tổ quốc thật ý nghĩa. Tôi tin rằng, đêm giao lưu hôm nay với lời ca tiếng hát của các nghệ sỹ của Nhà hát ca mua nhạc Quân đội và các thành viên trong đoàn, chúng ta sẽ gắn kết với nhau hơn để cùng hướng về biển đảo quê hương, về Trường Sa với quyết tâm bảo vệ và giữ gìn mảnh đất thiêng liêng của cha ông để lại. Và tôi hy vọng rằng sau chuyến đi lần này, tất các đại biểu trong đoàn công tác và đặc biệt là kiều bào ta ở nước ngoài sẽ có những cảm nhận đánh giá riêng, có những hành động thiết thực cụ thể đóng góp sức mình vào công cuộc bảo vệ chủ quyền của đất nước".
Những điệu múa uyển chuyển và bay bổng trong phần múa “Niềm tin chiến thắng”, "Ước mơ người chiến sỹ” do các nghệ sỹ Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội đã mở đầu cho đêm giao lưu văn nghệ. Hơn 200 thành viên trong đoàn công tác số 10 cùng cán bộ, chiến sỹ trên tàu KN 491 cùng hòa chung cảm xúc vào những ca khúc về quê hương đất nước, về biển đảo thân thương. Đặc biệt, các thành viên trong đoàn được lắng nghe ca khúc “Bâng khuâng Trường Sa” do chính các cán bộ chiến sĩ thủy thủ tàu KN 491 thể hiện. Trong phần giao lưu với các đại biểu, nhiều thành viên đã đóng góp lời ca, tiếng nhạc và vần thơ về quê hương, đất nước. Cảm xúc của đêm giao lưu văn nghệ được đẩy lên cao trào, các thành viên trong đoàn đã được hòa mình vào điệu múa “Việt Nam ơi" hùng tráng. Đêm giao lưu văn nghệ đã khép lại bằng ca khúc “Nơi đảo xa” đầy khí thế hào hùng với ý chí quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Theo lịch trình, Đoàn đi thăm 5 đảo nổi, 5 đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.
Phượng Phi