A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thủ tướng Chính phủ tiếp đại diện doanh nghiệp kiều bào tại Séc và châu Âu

Tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức tới Cộng hòa Séc, sáng ngày 19/01, theo giờ địa phương, tại thủ đô Praha, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tiếp Liên hiệp Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Châu Âu và đại diện một số doanh nghiệp người Việt tại Séc, Đức, Hungary.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đại diện một số doanh nghiệp tiêu biểu Việt Nam tại Cộng hoà Séc và châu Âu

Tại buổi tiếp, ông Nguyễn Thái Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Châu Âu cho biết, vượt qua những khó khăn trong giai đoạn đầu những năm 1990, từ xuất phát điểm 5 “không”: không có vốn liếng; không có kiến thức bài bản về kinh doanh; không có sự hỗ trợ từ cơ chế; không có vị trí pháp lý chắc chắn; không có định hướng và kế hoạch cho tương lai, với sự nhạy bén và khả năng đánh giá đúng thời cuộc, cùng với chính sách cởi mở của nước bạn dành cho người nước ngoài, trong đó có người Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng thích nghi, chuyển đổi từ mô hình kinh doanh cũ sang chính quy và xây dựng được nhiều doanh nghiệp lớn mạnh. Những doanh nghiệp này không chỉ trở thành hạt nhân cho cộng đồng doanh nghiệp người Việt ở nước ngoài mà còn khẳng định được vị thế vững chắc trong môi trường kinh doanh tại nước bạn, đồng thời có nhiều đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế của quê hương Việt Nam. Cộng đồng doanh nghiệp người Việt tại Châu Âu mong muốn Chính phủ có chính sách tăng cường đầu tư vào những lĩnh vực sản xuất có giá trị gia tăng cao nhằm bảo đảm sự tăng trưởng bền vững.

Ông Phạm Văn Hiến, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Châu Âu, Chủ tịch Tập đoàn Anam - East Sea cảm ơn Chính phủ thời gian qua đã ban hành những chính sách mở cửa, các chính sách dành cho Việt kiều và khuyến khích đầu tư nước ngoài. Đặc biệt dưới sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng, môi trường kinh doanh tại Việt Nam được cải thiện nhiều hơn, hạ tầng tại Việt nam đang thay đổi hàng ngày, góp phần vào việc tăng trưởng nhanh của đầu tư nước ngoài. Ông Hiến đề xuất một số ý kiến: ưu tiên phát triển du lịch vì đây là ngành công nghiệp không khói, là ngành xuất khẩu tại chỗ và là nhân tố quan trọng để tạo ra làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; tăng cường các hoạt động quảng bá đất nước trên các kênh truyền thông lớn như CNN, BBC, EuroNews…; cần có những gian hàng xứng tầm tại các Hội chợ du lịch quốc tế lớn nhất thế giới như ITB Berlin, WTM London…; thu phí của khách nước ngoài qua các cơ sở lưu trú.

Ông Phạm Công Tú, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty PAMA mong muốn Việt Nam và Séc tăng cường hợp tác về chuyển giao công nghệ quốc phòng; các cơ quan trong nước tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực quốc phòng.

Ông Trần Côi, Giám đốc điều hành Công ty FPT Séc và FPT Slovakia cho biết FPT hiện đang tham gia vào các dự án công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), chuyển đổi số, robotics và tự động hóa, dịch vụ phần mềm hoạch định doanh nghiệp (SAP) và nhiều công nghệ mới tiên tiến khác. Bên cạnh đó, FPT kết hợp cả hai nguồn lực tại EU và Việt Nam để đẩy mạnh hợp tác với các tập đoàn lớn hàng đầu Châu Âu giúp mang nguồn doanh thu ngoại tệ từ xuất khẩu dịch vụ phần mềm và công nghệ mới. Tuy nhiên, hiện FPT đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động chất lượng cao người Việt vào làm việc trong các dự án quan trọng ở Séc/Slovakia do phía Séc chưa cấp giấy phép làm việc theo dạng chuyên gia (Thẻ xanh EU) cho người lao động Việt Nam; do vậy, ông Côi mong muốn Chính phủ Việt Nam đàm phán với Chính phủ Séc xem xét lại điều kiện nhập cư vào Séc cho trường hợp chuyên gia có tay nghề cao từ Việt Nam.

Ông Võ Văn Long, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu, Chủ tịch Thăng Long Holding, Đức cho biết hiện đầu tư của người Việt Nam ở nước ngoài về trong nước còn khiêm tốn so với lượng kiều hối hàng năm do thủ tục hành chính còn một số vướng mắc; mong muốn Chính phủ có chính sách đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thu hút đầu tư trong lĩnh vực sản xuất.

Ông Phạm Ngọc Chu, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu, Chủ tịch Trung tâm phát triển kinh tế Hungary – Việt Nam mong muốn hai Chính phủ Việt Nam và Hungary đàm phán ký lại Hiệp định tiếp nhận trở lại người bị xét xử nhằm tạo thuận lợi cho lao động Việt Nam sang Hungary.

Phát biểu tại cuộc tiếp, Thủ tướng bày tỏ sự ngưỡng mộ và tự hào đối với những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Châu Âu, từ xuất phát điểm “5 không”, vượt qua mọi khó khăn, đến nay đã trưởng thành, phát triển, khẳng định được vị thế, đóng góp cho sự phát triển sở tại và quê hương Việt Nam.
 

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lắng nghe ý kiến phát biểu của các doanh nghiệp

Thủ tướng đã trao đổi về những đề xuất, kiến nghị của đại diện các doanh nghiệp, trong đó nhấn mạnh chủ trương của Đảng, Nhà nước về tái cơ cấu các ngành nghề theo hướng chú trọng những ngành có hàm lượng khoa học – công nghệ cao; đẩy mạnh phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa, giải trí; tăng cường hợp tác chuyển giao công nghệ quốc phòng – an ninh; tăng cường kết nối các doanh nghiệp kiều bào và doanh nghiệp trong nước; sửa đổi Luật đầu tư để tạo thuận lợi hơn cho việc thu hút nguồn lực từ bên ngoài…

Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để kiều bào đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài luôn chấp hành tốt luật pháp sở tại; phát huy vai trò nhằm góp phần tăng cường kết nối nền kinh tế Việt Nam với các nước, phát huy những thế mạnh của nền kinh tế của nước bạn để bổ sung, cộng hưởng với những thế mạnh của nền kinh tế Việt Nam, tích cực kết nối doanh nghiệp, sản phẩm, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; đóng góp ý kiến với trong nước để tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế nhằm thúc đẩy đầu tư, hợp tác chuyển giao công nghệ, nhất là trong những lĩnh vực Việt Nam đang cần; tạo thêm công ăn việc làm, sử dụng những lao động từ trong nước sang, hỗ trợ, giúp đỡ cộng đồng.

Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp người Việt tại châu Âu tiếp tục đồng hành cùng đất nước nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đến năm 2030 và 2045, đóng góp vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh và thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no và hạnh phúc./.

Bảo Sơn



 


Các tin khác

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm