Nâng cao hiệu quả công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài
|
Mặc dù sống xa quê hương nhưng đại đa số bà con kiều bào vẫn luôn nêu cao tinh thần tự tôn dân tộc, ý thức giữ gìn truyền thống và bản sắc văn hóa Việt Nam. Cộng đồng NVNONN đã đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tham gia đóng góp và hỗ trợ đắc lực về vật chất và tinh thần cho cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh dạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam. Thời gian qua, ngày càng nhiều người về nước hợp tác, đóng góp công sức, trí tuệ trên các lĩnh vực khoa học - công nghệ, kinh tế, giáo dục - đào tạo, văn hóa - xã hội, tích cực hưởng ứng, tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo, giúp đỡ đồng bào trong nước.
Để đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ trong thời kỳ mới, công tác vận động NVNONN cần tiếp tục được đổi mới về cả nội dung và phương thức vận động nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, sát với mục tiêu và yêu cầu thực tế, cụ thể trên một số mặt.
Xây dựng, củng cố các hội đoàn NVNONN
Hiện nay, ở hầu hết các nước có đông người Việt Nam sinh sống đều có các hội đoàn người Việt Nam. Theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng ngoài nước tại Hội nghị toàn quốc sơ kết ba năm triển khai Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ, hiện nay trên thế giới có trên 200 hội đoàn người Việt yêu nước. Sự hình thành và hiệu quả hoạt động của các tổ chức hội đoàn tại các địa bàn thường dựa trên cơ sở các “hạt nhân” tích cực được gây dựng từ phong trào của cộng đồng. Những địa bàn nào có nhân tố tích cực, được sự hỗ trợ của cơ quan đại diện và các tổ chức đoàn thể trong nước thường xuyên quan tâm giúp đỡ, đánh giá kịp thời và có biện pháp hỗ trợ, phát triển thì các tổ chức hội đoàn ở những địa bàn hoặc khu vực đó phát triển mạnh và được đông đảo bà con nhiệt tình ủng hộ.
Thực hiện phương châm “nơi nào có người Việt thì nơi đó có hội đoàn”, thời gian tới công tác hội đoàn cần được đẩy mạnh hơn nữa, đặc biệt là việc tổ chức, xây dựng các hội đoàn mới hướng về đất nước với nhiều hình thức đa dạng như hội doanh nhân, hội đồng hương, hội nghề nghiệp, hội thanh niên-sinh viên, hội tâm linh-tín ngưỡng- tôn giáo... Bên cạnh đó cần chú trọng tăng cường bổ sung lớp trẻ vào hoạt động trong Ban chấp hành các hội đoàn, nhằm trẻ hoá đội ngũ cán bộ, tạo nguồn kế cận và thúc đẩy hoạt động phong trào của các hội đoàn. Cần đặc biệt quan tâm tới các tổ chức của thanh niên sinh viên VNONN, tạo sân chơi bổ ích và lý thú cho thanh niên, hướng các hoạt động của thế hệ trẻ vào việc phục vụ xây dựng và phát triển đất nước.
|
Tăng cường công tác thông tin, văn hoá đến cộng đồng
Công tác thông tin, văn hoá là một trong những mặt trận quan trọng của công tác đối với NVNONN và là một bộ phận quan trọng của công tác văn hoá-thông tin đối ngoại. Trong thời gian qua, công tác thông tin, tuyên truyền cho cộng đồng NVNONN đã có nhiều đổi mới. Bằng nhiều biện pháp, đặc biệt là thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và tiếp xúc vận động trực tiếp, công tác thông tin của ta đã từng bước đáp ứng nhu cầu của kiều bào trong việc tìm hiểu tình hình đất nước; chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta cũng như những vấn đề đang nổi lên được dư luận quan tâm. Chúng ta đã mở rộng địa bàn phát sóng kênh truyền hình VTV4 cũng như chú trọng đầu tư phát triển thông tin qua mạng internet để kịp thời đưa thông tin mọi mặt của đất nước đến với bà con, góp phần thu hẹp, hạn chế đáng kể các hoạt động xuyên tạc, bóp méo, đưa tin sai sự thật về tình hình đất nước của các lực lượng phản động thù địch.
Tạp chí Quê Hương của Ủy ban Nhà nước về NVNONN đóng góp phần quan trọng vào công tác thông tin đối ngoại phục vụ kiều bào với việc phát hành đều đặn cả báo viết và báo điện tử, được bà con rất hoan nghênh. Hiện nay, Quê Hương điện tử đã mở thêm nhiều chuyên mục và cập nhật trên mạng hàng ngày, với hàng triệu lượt truy cập. Các cơ quan đại diện VNONN cũng tham gia tích cực vào công tác văn hoá, thông tin tuyên truyền phục vụ cộng đồng với việc ra tập san, bản tin, lập trang web riêng của Đại sứ quán để phục vụ tuyên truyền đối ngoại và cộng đồng, gửi sách báo tuyên truyền đến các tổ chức, hội đoàn và cá nhân kiều bào.
|
Những nỗ lực trên đã giúp cộng đồng NVNONN nhanh chóng và trực tiếp nắm bắt được các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến kiều bào cũng như tình hình kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội của đất nước, góp phần đẩy lùi các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực phản động người Việt. Tuy nhiên, so với đòi hỏi thực tế thì công tác thông tin, văn hoá còn xa mới đáp ứng được yêu cầu của cộng đồng. Ngoài ra, sự phối hợp trong công tác này của nhiều cơ quan ở Trung ương và địa phương chưa tốt, còn manh mún, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp, số lượng đưa ra ngoài còn ít, nội dung còn nghèo nàn, chưa thật phù hợp với kiều bào... Việc sử dụng thông tin qua internet còn khó khăn do đường truyền hẹp, quá tải, chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển tải thông tin ra ngoài. Các sản phẩm văn hoá đưa ra ngoài số lượng tuy tăng nhưng nội dung và hình thức chưa phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của bà con, giá thành còn cao... Do đó, trong thời gian tới, cần tập trung tháo gỡ những vấn đề chủ yếu sau:
- Tập trung khai thác thế mạnh của phương tiện thông tin hiện đại ngày nay là internet, do đây là phương tiện truyền tải thông tin nhanh, tiện lợi, ít tốn kém, hiệu quả truyền tin cao và có thể đến mọi nơi trên thế giới. Có thể coi internet là phương tiện thông tin chủ lực phục vụ tuyên truyền đối ngoại và cộng đồng NVNONN. Tuy nhiên, cần phải nâng cao dung lượng và tốc độ đường truyền để có thể đáp ứng nhu cầu truyền tải và truy cập thông tin Việt Nam.
- Riêng đối với Ủy ban Nhà nước về NVNONN, cần tăng cường đầu tư cho tạp chí Quê Hương in và Quê Hương điện tử, xây dựng Quê Hương điện tử trở thành một trong những kênh thông tin chủ yếu cho cộng đồng NVNONN.
- Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan xây dựng và triển khai đề án xuất bản báo tiếng Việt ở nước ngoài, sản xuất và cung cấp văn hoá phẩm ở nước ngoài chuyên phục vụ thông tin, tuyên truyền văn hoá đến cộng đồng NVNONN.
- Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan xây dựng và triển khai đề án phối hợp với đối tác nước ngoài hoặc NVNONN đưa chương trình VTV4 vào truyền hình cáp ở những địa bàn có đông người Việt và truyền hình qua mạng internet phục vụ cộng đồng.
- Hoạt động văn hóa cho kiều bào cũng cần được tăng cường hơn. Trước hết, phải xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động văn hoá, bảo tồn truyền thống và bản sắc văn hoá dân tộc, thúc đẩy giao lưu văn hoá giữa trong và ngoài nước, giao lưu quốc tế; khuyến khích các đoàn nghệ thuật Việt Nam ra nước ngoài biểu diễn và các nghệ sỹ Việt Nam định cư ở nước ngoài về nước biểu diễn. Ở những nước có điều kiện nên xây dựng những Trung tâm văn hoá Việt Nam, trước mắt triển khai duy trì hoạt động hiệu quả các Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp, Lào và một số nước Đông Âu.
|
Đẩy mạnh thực hiện Đề án dạy và học tiếng Việt cho kiều bào
Nhu cầu học và giữ gìn tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN là rất lớn. Đáp ứng nhu cầu này, “Đề án dạy và học tiếng Việt cho kiều bào” đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo tích cực triển khai. Thời gian qua, ta đã hỗ trợ được kiều bào ở các nước láng giềng (Lào, Campuchia, Thái Lan) và một số nước Đông Âu (Ba Lan, Cộng hoà Séc, Ucraina...) trong việc duy trì tiếng Việt cho thế hệ trẻ như: xây trường, cung cấp sách giáo khoa, cấp học bổng cho con em kiều bào về nước học tiếng Việt; cử giáo viên trong nước ra ngoài giảng dạy hoặc mở lớp học tiếng Việt cho nhiều sinh viên kiều bào ở các nước phát triển như Mỹ, Pháp về nước học tập trong thời gian từ một đến ba tháng. Để Đề án được triển khai một cách có hiệu quả, thực sự hữu ích trong việc duy trì tiếng Việt cho con em kiều bào, cần có sự trao đổi ký kết các hiệp định, thoả thuận hợp tác song phương chính thức trong việc hỗ trợ phổ biến, duy trì tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở các nước. Ngoài ra, Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam với chương trình VTV4 tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng các chương trình dạy tiếng Việt hàng tuần cho kiều bào ta ở nước ngoài. Tạp chí Quê Hương điện tử của Uỷ ban Nhà nước về NVNONN tiếp tục duy trì thường xuyên và nâng cao chất lượng trang học tiếng Việt và kể chuyện cho thiếu nhi.
Nâng cao chất lượng các hoạt động truyền thống
Thời gian qua, công tác vận động cộng đồng đã được đẩy mạnh với nhiều hình thức và nội dung phong phú như: tổ chức Chương trình “Xuân Quê hương” vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm, tổ chức các đoàn kiều bào tiêu biểu về dự Giỗ Tổ Hùng Vương, Quốc khánh 2/9, tham gia các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” nhằm tri ân các anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, tổ chức Trại hè Việt Nam hàng năm cho các cháu thanh thiếu niên kiều bào với số lượng tham gia ngày càng đông đảo…
|
Tại nhiều địa phương trong nước, chính quyền đã phối hợp tốt với Mặt trận Tổ quốc thành lập Hội liên lạc, Hội thân nhân kiều bào; triển khai nhiều biện pháp, hình thức vận động phong phú, đa dạng mang lại hiệu quả thiết thực, thu hút ngày càng nhiều sự tham gia của kiều bào vào các hoạt động như: đầu tư kinh doanh; ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do thiên tai; giúp đỡ người nghèo, tàn tật, bị ảnh hưởng chất độc dioxin, xây nhà tình nghĩa, khuyến học...
Thời gian tới, những hoạt động này sẽ tiếp tục được nâng cao về chất lượng và đổi mới hình thức để đáp ứng nhu cầu của kiều bào.
Xây dựng và thực hiện các chính sách đáp ứng nguyện vọng của NVNONN
Trong những năm qua, nhiều chính sách mang tính đột phá về các vấn đề lợi ích thiết thân của kiều bào đã được ban hành. Quốc hội đã thông qua Luật Quốc tịch 2008 (sửa đổi) tạo điều kiện cho NVNONN được có quốc tịch Việt Nam trong khi mang quốc tịch nước khác; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai bổ sung thêm nhiều đối tượng và quyền cho kiều bào mua và sở hữu nhà ở, đất ở trong nước. Đến nay, ta đã bước đầu hình thành được một hệ thống khung luật pháp và chính sách đáp ứng tốt hơn những lợi ích thiết thân của NVNONN, tạo điều kiện để bà con gắn bó hơn với quê hương.
Cùng với việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, ta đã chủ động đàm phán, ký kết nhiều điều ước quốc tế, hiệp định lãnh sự, hỗ trợ tư pháp với nhiều nước. Vấn đề hỗ trợ và bảo hộ kiều bào đã trở thành một nội dung quan trọng trong các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đem lại hiệu quả rõ rệt trong việc bảo vệ lợi ích chính đáng của kiều bào, tạo thuận lợi hơn cho bà con về địa vị pháp lý và việc làm ăn, sinh sống, hội nhập vào xã hội nơi cư trú. Các cơ quan đại diện ta đã có nhiều cố gắng trong công tác vận động, tăng cường tiếp xúc với kiều bào, củng cố và phát triển các hội đoàn; tích cực làm việc với các cấp chính quyền sở tại nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của bà con. Việc triển khai đồng bộ các chính sách đối với NVNONN đã tác động tích cực tới chính quyền và cộng đồng kiều bào ở các nước, góp phần tạo thuận lợi cho bà con ổn định cuộc sống, thành đạt và hội nhập thành công hơn vào xã hội sở tại, được đồng bào hoan nghênh và đánh giá cao.
Hoàn thiện các quy chế khen thưởng cấp Nhà nước đối với NVNONN
Thời gian qua, triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với NVNONN, chính sách khen thưởng, đền ơn đáp nghĩa, ghi nhận công lao đóng góp của kiều bào trong công cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước tiếp tục được thực hiện triệt để, khẩn trương và ngày càng đi vào nền nếp. Bộ Ngoại giao đã tiến hành khen thưởng định kỳ đối với kiều bào có thành tích trong xây dựng, phát triển cộng đồng và trong đóng góp xây dựng đất nước. Bên cạnh đó, chính sách khen thưởng đã và đang tiếp tục được hoàn thiện, bổ sung; đồng thời tiếp tục rà soát danh sách kiều bào cốt cán, có công ở tất cả các nước, những người có nhiều đóng góp trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ để động viên, khen thưởng. Phấn đấu từ nay đến năm 2020 về cơ bản giải quyết xong các chế độ chính sách khen thưởng đối với hai loại đối tượng trên với nhiều hình thức vinh danh: trao tặng giải thưởng lớn, tặng Bằng khen, Giấy khen, cấp các loại giấy tờ chứng nhận thành tích, xác nhận có công, ưu đãi, tặng huân huy chương, đặt biển tên cho đường phố, cho các phát minh, sáng kiến có giá trị hoặc các công trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học...
Những năm tới đây, công tác về NVNONN cần tiếp tục được đổi mới với những động lực và bước đột phá mạnh mẽ hơn, sâu rộng hơn, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Đặng Hồ Phát
Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Tổng hợp,
Uỷ ban Nhà nước về NVNONN