A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giáo viên và học sinh Trung tâm Hữu nghị Hà Nội - Nakhon Phanom đến với Ninh Bình

Ngày 9/5, Đoàn Giáo viên và học sinh Trung tâm Hữu nghị Hà Nội - Nakhon Phanom đã đến tỉnh Ninh Bình - điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến hành trình trở về thăm quê hương của các giáo viên và học sinh kiều bào tỉnh Nakhon Phanom. Tại đây, Đoàn đã đến tham quan Chùa Bái Đính và Cố đô Hoa Lư - một trong những quần thể danh lam thắng cảnh nổi tiếng của đất nước.

Chùa Bái Đính là quần thể chùa lớn được biết đến với nhiều kỷ lục châu Á và Việt Nam như chùa có diện tích lớn nhất Việt Nam, chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á. Còn Cố đô Hoa Lư là kinh đô của Nhà nước phong kiến đầu tiên ở Việt Nam, hiện nay còn lưu giữ lại nhiều di tích cung điện, đền, chùa và lăng mộ có giá trị lịch sử văn hóa cao. Tận mắt chứng kiến các công trình trên khiến các thành viên trong Đoàn phải trầm trồ ngạc nhiên và thán phục.

Em Pornpimpa Wanichsirorut, học sinh Trung tâm Hữu nghị Hà Nội - Nakhon Phanom cho biết: “Mặc dù hôm nay thời tiết hơi nóng nhưng được tham gia cùng thầy cô và các bạn tham quan tìm hiểu về các danh lam thắng cảnh của đất nước em cảm thấy rất vui. Được tìm hiểu về Cố đô Hoa Lư, em càng thêm tự hào về truyền thống lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc. Em hy vọng rằng thông qua chuyến đi này chúng em sẽ có thêm nhiều kiến thức thực tế về văn hóa lịch sử của đất nước. Những hiểu biết và khám phá mới về quê hương với cảnh sắc, con người và phong tục tập quán… từ chuyến đi này sẽ được em chia sẻ với gia đình và những người bạn tại Nakhon Phanom”.

Choáng ngợp trước vẻ đẹp của quần thể di tích Chùa Bái Đính, bà Siriporn Sirisawat, giáo viên dạy tiếng Việt tại Trung tâm Hữu nghị Hà Nội - Nakhon Phanom chia sẻ: “Chùa Bái Đính là một công trình lớn với kiến trúc Phật giáo thật ấn tượng và độc đáo. Không gian nơi đây thanh tịnh và tĩnh lặng, tạo một cảm giác bình yên tĩnh tại trong tâm hồn. Khám phá vẻ đẹp nơi đây càng khiến tôi cảm thấy yêu quê hương Việt Nam hơn”.

Chuyến tham quan tại Ninh Bình hôm nay đã khép lại Chương trình Đoàn Giáo viên và học sinh Trung tâm Hữu nghị Hà Nội - Nakhon Phanom sang thăm và giao lưu tại Việt Nam. Ngày mai, Đoàn sẽ lên đường trở về Nakhon Phanom. Chuyến đi đã tạo cho các giáo viên và học sinh kiều bào tỉnh Nakhon Phanom nhiều ấn tượng sâu sắc, mang đến những cảm nhận mới về quê hương đất nước Việt Nam xinh đẹp với chiều dài lịch sử và chiều sâu về văn hóa đã tồn tại tự bao đời. Hy vọng rằng, với những kỷ niệm đã có sau chuyến hành trình “về nguồn” lần này, các em học sinh sẽ luôn ghi nhớ và hướng về dải đất hình chữ S, quê hương Việt Nam yêu dấu.

Chùa Bái Đính nằm ở cửa ngõ phía tây Cố đô Hoa Lư, bên quốc lộ 38B, thuộc xã Gia Sinh – Gia Viễn – Ninh Bình, cách thành phố Ninh Bình 15 km, cách Hà Nội 96 km. Quần thể chùa Bái Đính hiện có diện tích 539 ha bao gồm: 27 ha khu chùa Bái Đính cổ , 80 ha khu chùa Bái Đính mới, các khu vực như: công viên văn hoá và học viện Phật giáo, khu đón tiếp và công viên cảnh quan, đường giao thông và bãi đỗ xe, khu hồ Đàm Thị, hồ phóng sinh… vẫn đang được tiếp tục xây dựng. Chùa Bái Đính mới (Bái Đính tân tự) là một công trình lớn, có diện tích rộng 80 ha, nằm phía bên kia núi so với chùa Bái Đính cổ. Một số hạng mục chính gồm: điện Tam Thế, điện Pháp Chủ, điện Quan Âm, Bảo Tháp, Tháp Chuông và các công trình hạ tầng, phụ trợ, khu học viện Phật giáo, khu đón tiếp...

Hoa Lư được chọn là kinh đô đầu tiên của Nhà nước phong kiến tập quyền khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng Đế, lấy tên là Đinh Tiên Hoàng năm 968. Ngày nay dấu tích của Cố đô Hoa Lư thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Đây là khu vực khá bằng phẳng, nằm trong hệ thống núi đá vôi kéo dài từ tỉnh Hòa Bình xuống Khu Di tích Cố đô Hoa Lư có diện tích 13,87 km2. Tuy chỉ được chọn làm kinh đô của nước Đại Cồ Việt trong thời gian ngắn ngủi (42 năm) nhưng tại nơi đây đã diễn ra rất nhiều sự kiện có liên quan đến vận mệnh của cả dân tộc như: gắn với sự nghiệp của ba triều đại liên tiếp là nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý với các dấu ấn lịch sử: thống nhất giang sơn, đánh Tống – dẹp Chiêm và phát tích quá trình định đô Hà Nội.

Thủy Trần


Các tin khác

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm