Giải đáp về tài sản mang về VN khi hồi hương
Hỏi: Tôi là Việt kiều Mỹ, nhưng đã có hộ chiếu VN. Xin Ban biên tập giúp giải đáp những thắc mắc sau:
1. Tôi có một số vật kỷ niệm gia tộc như vài bức tranh sơn dầu, vài bức tượng đồng, rất nhiều sách văn chương ngoại ngữ hoàn toàn KHÔNG chính trị, các bộ tự điển Anh hay Pháp ngữ, một đàn violon và một cây piano upright... Khi hồi hương, các thứ vừa kể có được phép mang vào nước và có được gọi là "tài sản bị đóng thuế" hay không? (Nếu được phép mang, tôi phải gửi chúng bằng phương tiện gì mới gọi là hợp lệ?)
2. Con gái tôi (tên Âu Cơ) sinh năm 1987 ở Mỹ. Xin hỏi, con tôi có thể xin hộ chiếu VN được không? Và thủ tục để được hợp lệ (nếu có thể) phải tìm xem ở đâu?
Trả lời:
1. Tài sản mang về Việt Nam khi hồi hương
Theo qui định của pháp luật Việt Nam, người Việt Nam định cư tại nước ngoài được phép mang về các tài sản cá nhân của mình khi hồi hương về Việt Nam. Các loại tài sản bạn liệt kê không liên quan đến chính trị, và chỉ mang tính nghệ thuật, trưng bày, giải trí cá nhân nên được phép mang vào Việt Nam.
Thuế nhập khẩu
Theo quy định tại điểm c, Khoản 2 Điều 12 Nghị định 87/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu, tài sản di chuyển của người Việt Nam đang định cư tại nước ngoài được phép về Việt Nam được miễn thuế nhập khẩu.
Đồng thời, theo quy định tại Khoản 5 Điều 5 Luật Thuế xuất nhập khẩu số 45/2005/QH11 của Quốc hội “Tài sản di chuyển là đồ dùng, vật dụng phục vụ sinh hoạt, làm việc của cá nhân, gia đình, tổ chức mang theo khi thôi cư trú chấm dứt hoạt động ở Việt Nam hoặc nước ngoài”.
Do đó, trường hợp của bạn, các đồ dùng bạn vừa nêu mang theo về nước khi hồi hương là tài sản di chuyển và không phải chịu thuế nhập khẩu.
Thuế giá trị gia tăng
Tranh sơn dầu, bức tượng đồng, sách văn chương ngoại ngữ, từ điển Anh hay Pháp ngữ, đàn violon và piano upright thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng. Mức thuế suất giá trị gia tăng là 10% (Khoản 3 Điều 8 Luật Thuế giá trị gia tăng)
Thuế tiêu thụ đặc biệt
Tranh sơn dầu, bức tượng đồng, sách văn chương ngoại ngữ, từ điển Anh hay Pháp ngữ, đàn violon và piano upright không thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.
Vì tài sản di chuyển của người Việt Nam định cư tại nước ngoài về nước khi hồi hương mang theo người khi xuất cảnh, nhập cảnh hoặc gửi chậm được miễn thuế nhập khẩu nên bạn có thể mang theo hoặc gửi chậm về Việt Nam. Phương tiện vận chuyển không liên quan đến nguồn gốc của tài sản nên bạn có thể lựa chọn cho mình loại phương tiện vận chuyển phù hợp và cần làm thủ tục khai hải quan để được miễn thuế nhập khẩu.
2. Hộ chiếu Việt Nam
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, Hộ chiếu Việt Nam chỉ được cấp cho công dân Việt Nam. Do đó con gái bạn (tên Âu Cơ) hiện đang ở Mỹ chỉ có thể được cấp hộ chiếu Việt Nam khi đã có quốc tịch Việt Nam. Giấy tờ chứng minh con bạn có quốc tịch Việt Nam trong trường hợp này là: Giấy khai sinh; trường hợp Giấy khai sinh không thể hiện rõ quốc tịch Việt Nam thì phải kèm theo giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam của cha mẹ (trường hợp này: giấy tờ chứng minh là hộ chiếu của bạn); hoặc Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam (Điều 11 Luật Quốc tịch Việt Nam).
Thủ tục cấp hộ chiếu Việt Nam:
Bạn có thể xem tại Nghị định 136/2007/NĐ-CP của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam (“Nghị định 136/2007”) và Nghị định 65/2012/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 136/2007/NĐ-CP ngày 17/08/2007 về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam (“Nghị định 65/2012”)
Theo quy định tại Điều 16 Nghị định 136/2007 đã sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 65/2012:
“Công dân Việt Nam đang ở nước ngoài đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông thì nộp hồ sơ tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trả kết quả cho người đề nghị trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ”.
Theo đó, bạn có thể liên hệ với cơ quan đại diện Việt Nam tại Mỹ để làm thủ tục cấp hộ chiếu cho con gái mình hoặc khai chung con gái vào hộ chiếu (trường hợp con bạn dưới 9 tuổi và cùng đi với bạn về Việt Nam).
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm thông tin tại http://vietnamembassy-usa.org/vi/basic-page/thu-tuc-cap-doi-va-gia-han-ho-chieu-passport
Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự
B23, Khu Biệt thự Trung Hòa – Nhân Chính,
Thanh Xuân, Hà Nội