Giải đáp một số vấn đề liên quan đến quyền sử dụng nhà đất
Tôi có một số bằng chứng như sau: (1) Giấy chứng nhận nơi gửi tiền từ nhà băng Đức; (2) Khu Trưởng đương nhiệm 1996 xác nhận rằng số tiền đó vợ chồng chúng tôi gửi về cho mẹ mua nhà, có quay phim và ghi âm cuộc nói chuyện; (3) Hồ sơ của UBND huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận xác nhận thửa đất số 119 đo đạc năm 2004 có quy chủ đứng tên là bà Trần Thị Dường – mẹ tôi; (4) Có ghi âm catsette giọng nói người bán nhà và vợ tôi với nội dung nói chuyện là vợ chồng tôi gửi tiền về cho mẹ tôi mua cho chúng tôi với giá 5 lượng vàng 9999, nhưng người bán nhà này có quan hệ họ hàng với em rể tôi (là cháu dâu của em rể tôi) và hiện nay họ không công nhận đoạn ghi âm này.
Căn nhà này trị giá hiện tại khoảng 3 trăm triệu đồng VN.
Có 2 nhân chứng, 1 người làm ở Sở Tài nguyên Môi trường và 1 người làm ở Sở Xây dựng, nhận lời nói của em rể và em gái tôi lén đứng tên căn nhà sau khi mẹ tôi mất.
Năm 2012, vợ chồng tôi về đứng tên nhà, vợ chồng em gái có đưa sổ cho tôi đi sang tên vì nghĩ Việt kiều không được đứng tên. Nhưng khi em rể tôi thăm dò tin tức, biết Việt kiều được đứng tên, thì làm đơn cho vợ rút đơn lại không cho đi sang tên nữa. UBND thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong đã 2 lần mời đến hòa giải nhưng em rể tôi không lên nên tôi phải đưa đơn lên tỉnh Bình Thuận.
Về phía em gái và em rể tôi thì khai trong sổ đỏ ngày 09/5/2007, mảnh đất do cha mẹ khai hoang và xây dựng nhà từ năm 1975 đến năm 1992, cho em gái tôi sử dụng đến nay không có tranh chấp; khai căn nhà là mua lại của cháu ruột em rể tôi.
Vậy căn cứ vào những chứng cứ 2 bên, theo luật pháp thì Toà án sẽ xử ra sao? Vì xa xứ đã lâu nên chúng tôi không hiểu về pháp luật trong nước, kính mong được tư vấn giúp đỡ thông tin. Xin chân thành cảm ơn!
* Trả lời:
Với các tài liệu bạn cung cấp, bạn có thể chứng minh được khoản tiền bạn chuyển về cho mẹ bạn - bà Trần Thị Dường với mục đích mua nhà và bạn nhờ bà Dường đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2004. Về các quy định pháp luật, theo Khoản 20 Điều 4 Luật Đất đai 2003 quy định:“Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là giấy chứng nhận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người sử dụng đất để bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất”. Do vậy, mặc dù bạn là người tạo lập tài sản nhưng Nhà nước vẫn công nhận quyền sử dụng đất đối với chủ thể đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cụ thể là bà Trần Thị Dường và bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của bà Dường đối với thửa đất đó.
Theo kinh nghiệm của chúng tôi và thực tiễn xét xử tại Tòa án, dù pháp luật công nhận quyền sử dụng đất đối với chủ thể đứng tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng Tòa án vẫn tôn trọng ý chí chung của hai bên trong quá trình thỏa thuận và tạo lập tài sản, đặc biệt bảo vệ người tạo lập tài sản với mục tiêu bảo vệ chính đáng quyền, lợi ích của người đã bỏ tiền để tạo ra tài sản đó.
Bạn có thể yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận (nếu bạn không còn là công dân Việt Nam) hoặc Tòa án nhân dân huyện Tuy Phong (nếu bạn là công dân Việt Nam) để xác định lại quyền sở hữu đối với căn nhà. Đồng thời, bạn có thể yêu cầu Tòa án chia tài sản thừa kế đối với di sản thừa kế của bà Dường để lại. Phán quyết của Tòa án như thế nào phụ thuộc vào chứng cứ chứng minh do các bên cung cấp.
Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự
B23, Khu Biệt thự Trung Hòa – Nhân Chính,
Thanh Xuân, Hà Nội