Ba mẹ tôi muốn về VN sinh sống, làm thế nào?
Xin cho tôi hỏi:
- Ba mẹ tôi có cần xin nhập quốc tịch Việt Nam hay không?
- Ba mẹ có con cháu hiện là công dân Việt Nam sống hơn 10 năm tại Việt Nam có đủ điều kiện không?
- Chúng tôi gửi tiền về cấp dưỡng cho ba mẹ có được không?
- Ba mẹ tôi cần những giấy tờ gì để làm thủ tục?
* Trả lời:
Dựa vào thông tin bạn cung cấp, chúng tôi hiểu rằng ba mẹ bạn là người có nguồn gốc Việt Nam và hiện đang định cư ở nước ngoài.
1. Để được hưởng đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ như công dân Việt Nam khi sinh sống tại Việt Nam, ba mẹ bạn có thể lựa chọn thực hiện: (i) thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam trong trường hợp chưa có quốc tịch Việt Nam; hoặc (ii) thủ tục xin trở lại quốc tịch Việt Nam trong trường mất quốc tịch Việt Nam.
Trường hợp 1: Thủ tục xin trở lại quốc tịch Việt Nam trong trường hợp bị mất quốc tịch Việt Nam theo Điều 23 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, sửa đổi 2014 (Luật Quốc tịch Việt Nam).
Nếu ba mẹ bạn có nguyện vọng trở lại quốc tịch thì có thể được chấp thuận trở lại quốc tịch Việt Nam nếu thỏa mãn quy định tại Điều 23 Luật quốc tịch Việt Nam:
“1. Người đã mất quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 26 của Luật này có đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam thì có thể được trở lại quốc tịch Việt Nam, nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:
a) Xin hồi hương về Việt Nam;
b) Có vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ là công dân Việt Nam;
……...”
Tuy nhiên, nếu bố mẹ bạn muốn xin trở lại quốc tịch Việt Nam thì phải lấy lại tên gọi Việt Nam trước đây và phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép.
Trường hợp 2: Thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam trong trường hợp bố mẹ bạn chưa có quốc tịch Việt Nam.
Bố mẹ của bạn có con đẻ là công dân Việt Nam thì bố mẹ bạn có thể thực hiện thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải đáp ứng một số điều kiện như phải biết tiếng Việt để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam, thường trú ở Việt Nam từ 05 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch và có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam theo Khoản 2 Điều 19 Luật quốc tịch Việt Nam.
Còn nếu họ không thuộc các nhóm nêu trên thì ba mẹ bạn phải đáp ứng đủ các điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam quy định tại Điều 19 Luật quốc tịch Việt Nam.
“1. Công dân nước ngoài và người không quốc tịch đang thường trú ở Việt Nam có đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam thì có thể được nhập quốc tịch Việt Nam, nếu có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam;
b) Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; tôn trọng truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam;
c) Biết tiếng Việt đủ để hoà nhập vào cộng đồng Việt Nam;
d) Đã thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam;
đ) Có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam.
[…]
3. Người nhập quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ những người quy định tại khoản 2 Điều này, trong trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép.
4. Người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải có tên gọi Việt Nam. Tên gọi này do người xin nhập quốc tịch Việt Nam lựa chọn và được ghi rõ trong Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.
5. Người xin nhập quốc tịch Việt Nam không được nhập quốc tịch Việt Nam, nếu việc đó làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam…”
2. Như chúng tôi đã nêu trên, để đủ điều kiện nhập hoặc trở lại quốc tịch Việt Nam, ba mẹ bạn phải có con đẻ là công dân Việt Nam.
3. Bạn hoàn toàn có quyền gửi tiền cấp dưỡng từ nước ngoài về Việt Nam cho ba mẹ bạn thông qua hệ thống ngân hàng tại Việt Nam.
4. Khi bố mẹ của bạn đủ các điều kiện được nêu tại Mục 1, tùy vào trường hợp cụ thể của ba mẹ bạn để chuẩn bị các hồ sơ xin cấp quốc tịch Việt Nam.
Trường hợp 1: Hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam (Điều 24 Luật Quốc tịch Việt Nam) bao gồm:
- Đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam;
- Bản sao Giấy khai sinh, Hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có giá trị thay thế;
- Bản khai lý lịch;
- Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với thời gian người xin trở lại quốc tịch Việt Nam cư trú ở Việt Nam, Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp đối với thời gian người xin trở lại quốc tịch Việt Nam cư trú ở nước ngoài. Phiếu lý lịch tư pháp phải là phiếu được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ;
- Giấy tờ chứng minh người xin trở lại quốc tịch Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam: Giấy khai sinh, Sổ hộ khẩu, CMND được cấp có thẩm quyền của Việt Nam ban hành;
- Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện trở lại quốc tịch Việt Nam: giấy tờ chứng minh mối quan hệ cha mẹ với con đẻ là công dân Việt Nam.
Trường hợp 2: Hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam (Điều 20 Luật Quốc tịch Việt Nam) bao gồm:
- Đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam;
- Bản sao Giấy khai sinh, Hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có giá trị thay thế chứng minh quốc tịch nước ngoài;
- Bản khai lý lịch;
- Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với thời gian người xin nhập quốc tịch Việt Nam cư trú ở Việt Nam, Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp đối với thời gian người xin nhập quốc tịch Việt Nam cư trú ở nước ngoài. Phiếu lý lịch tư pháp phải là phiếu được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ;
- Giấy tờ chứng minh trình độ Tiếng Việt;
- Giấy tờ chứng minh về chỗ ở, thời gian thường trú ở Việt Nam;
- Giấy tờ chứng minh bảo đảm cuộc sống ở Việt Nam.
Trong trường hợp bố mẹ bạn có con đẻ là công dân Việt Nam thì bố mẹ bạn phải nộp giấy tờ chứng minh quan hệ cha mẹ - con đẻ. Bố mẹ bạn sẽ được miễn một số giấy tờ như Giấy tờ chứng minh trình độ Tiếng Việt; Giấy tờ chứng minh về chỗ ở, thời gian thường trú ở Việt Nam…
Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự
B23, Khu Biệt thự Trung Hòa – Nhân Chính,
Thanh Xuân, Hà Nội