Kết quả 6 năm triển khai Nghị quyết 36/NQ-TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước
|
Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) từ trước đến nay luôn có vị trí quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhà nước ta. Ngay từ lúc bôn ba ra nước ngoài tìm đường cứu nước, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã quan tâm đến công tác vận động, xây dựng phát triển các tổ chức yêu nước trong cộng đồng NVNONN. Trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ, cộng đồng NVNONN đã hăng hái tham gia đóng góp sức người, sức của và cả hy sinh xương máu cho sự nghiệp giải phóng quê hương trước kia cũng như công cuộc đổi mới xây dựng đất nước hiện nay.
Đất nước ta đang trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế sâu rộng. Trước yêu cầu của tình hình mới đòi hỏi chúng ta phải tập trung sức lực, đoàn kết, phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực của các tầng lớp nhân dân, trong đó có cộng đồng NVNONN vào sự nghiệp chung. Vì tầm quan trọng có ý nghĩa chiến lược nêu trên, ngày 26/3/2004, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết 36 về công tác đối với NVNONN, trong đó khẳng định “NVNONN là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước”, và “công tác đối với NVNONN là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn dân”.
Triển khai Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, toàn bộ hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương cũng như các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã được huy động nhằm thực hiện công tác này trên cả 3 lĩnh vực: thông tin tuyên truyền, xây dựng chính sách và vận động cộng đồng.
Công tác thông tin tuyên truyền
Ngay sau khi Nghị quyết 36 được ban hành, các cấp uỷ, các tổ chức Đảng ở Trung ương và các địa phương đã nghiêm túc tổ chức học tập quán triệt Nghị quyết 36 để từ đó chủ động xây dựng chương trình hành động phù hợp với đặc thù của lĩnh vực, ngành, địa phương mình và tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn tới các tầng lớp nhân dân. Công tác thông tin tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết 36 đã được thực hiện thường xuyên, liên tục, dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Sau 3 năm triển khai Nghị quyết, trên cơ sở những thành tựu bước đầu đã đạt được và những hạn chế còn tồn tại, chúng ta đã tổ chức Hội nghị toàn quốc và các Hội nghị khu vực ở 3 miền Bắc, Trung, Nam để tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị.
|
Cùng với việc quán triệt Nghị quyết, công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đối với NVNONN cũng được đẩy mạnh với nhiều nội dung, hình thức phong phú; được lồng ghép ngay trong nhiều hoạt động triển khai Nghị quyết. Số lượng các chương trình dành riêng cho kiều bào ngày càng tăng và phong phú về nội dung như VTV4, IPTV, kênh Truyền hình Thuần Việt, Tạp chí Quê Hương… Một loạt báo chí kiều bào ở các địa bàn hợp tác về nội dung với báo chí trong nước. Các trang mạng thông tin điện tử của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, của các bộ ngành và địa phương trong nước… đã cung cấp những thông tin chính xác và kịp thời cho kiều bào về mọi mặt của tình hình đất nước, về các chính sách, pháp luật liên quan tới NVNONN cũng như các vấn đề thời sự mà kiều bào quan tâm.
Có thể thấy cùng với quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 36, nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân ngày càng rõ hơn, sâu rộng hơn về vị trí, vai trò của cộng đồng NVNONN cũng như công tác đối với NVNONN. Từ đó, đã có bước chuyển quan trọng trong công tác xây dựng chính sách và công tác vận động cộng đồng NVNONN.
Công tác xây dựng chính sách, pháp luật liên quan tới NVNONN
Triển khai nhiệm vụ hoàn chỉnh và xây dựng mới các chính sách liên quan tới NVNONN như Nghị quyết 36 đã nêu, chúng ta đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến NVNONN như: Quy chế miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài năm 2007; Luật Quốc tịch năm 2008 tạo điều kiện cho phép công dân Việt Nam có thể mang hai quốc tịch; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 Luật nhà ở và Điều 121 Luật đất đai cho phép mở rộng đối tượng NVNONN mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Bên cạnh đó, một loạt các quy định về cư trú, hồi hương, về đầu tư, kinh doanh, hợp tác với trong nước… đã được ban hành theo hướng tạo nhiều thuận lợi cho kiều bào. Đến nay, ta đã hình thành được một hệ thống khung luật pháp và chính sách đáp ứng tốt hơn những lợi ích thiết thân của NVNONN, tạo điều kiện để bà con gắn bó hơn với quê hương đất nước.
|
Cùng với việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, ta đã chủ động đàm phán, ký kết nhiều điều ước quốc tế, hiệp định lãnh sự, hỗ trợ tư pháp với nhiều nước. Hỗ trợ đồng bào ta ở nước ngoài đã trở thành một nội dung quan trọng trong các hoạt động đối ngoại của các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta. Công tác bảo hộ công dân, bảo vệ lợi ích chính đáng của kiều bào, tạo thuận lợi hơn cho bà con về địa vị pháp lý, về làm ăn, sinh sống, hội nhập vào xã hội nơi cư trú ngày càng được quan tâm và triển khai một cách tích cực, chủ động, với hiệu quả rõ rệt.
Công tác hỗ trợ, vận động cộng đồng
Thực hiện chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc, trên cơ sở phát huy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và mục tiêu chung của mọi người Việt Nam là giữ vững nền độc lập dân tộc, thống nhất của Tổ quốc, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, chúng ta đã đẩy mạnh triển khai công tác vận động cộng đồng NVNONN qua việc tổ chức hàng loạt hoạt động lớn dành cho kiều bào cả ở trong và ngoài nước như: Hội nghị NVNONN lần thứ nhất; Đại hội thành lập Hiệp hội doanh nhân VNONN; Chương trình “Xuân Quê hương” dịp Tết cổ truyền hàng năm; Các liên hoan thanh niên, sinh viên Việt kiều; các đoàn kiều bào về thăm quê hương đất nước nhân các dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, Quốc khánh 2/9; Chương trình Huyền thoại Côn Đảo, Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An…. Chương trình Trại hè Việt Nam được tổ chức thường niên với quy mô lớn, nhiều hoạt động phong phú, trải dài cả ba miền Bắc, Trung, Nam... Những hoạt động trên đã tạo điều kiện để kiều bào tham gia vào các sự kiện chính trị, xã hội lớn của đất nước, khơi dậy lòng yêu nước, gắn bó với cội nguồn dân tộc.
Tại nhiều địa phương trong nước, chính quyền đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động của các Hội liên lạc, Hội thân nhân kiều bào; triển khai nhiều biện pháp, hình thức thu hút ngày càng nhiều sự tham gia của kiều bào vào các hoạt động như: đầu tư kinh doanh, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do thiên tai, giúp đỡ người nghèo-tàn tật-bị ảnh hưởng chất độc dioxin, xây nhà tình nghĩa, khuyến học...
|
Ở ngoài nước, chúng ta đã tích cực triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ xây dựng cộng đồng NVNONN đoàn kết vững mạnh, thành đạt và hướng về quê hương, đất nước. Với phương châm “Củng cố và phát triển các hội đoàn sẵn có, đồng thời xây dựng mới các tổ chức hội đoàn ở những nơi có người Việt Nam nhưng chưa có hội”, các cơ quan đại diện Việt Nam ở ngoài nước đã đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ hội đoàn tích cực trong cộng đồng hoạt động, nâng cao uy tín, vị thế. Tại nhiều địa bàn, các tổ chức hội đoàn đã đóng vai trò không nhỏ trong việc giải quyết, xử lý các vấn đề phát sinh của cộng đồng.
Công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại; hỗ trợ cộng đồng đáp ứng nhu cầu về văn hoá, tâm linh tín ngưỡng trong cộng đồng cũng được chú ý. Chúng ta đã tổ chức nhiều đoàn văn nghệ đi biểu diễn, phục vụ bà con. Hỗ trợ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đi hoằng pháp tại một số nước châu Âu và cử các vị chức sắc sang trụ trì, giúp việc Phật sự tại một số chùa Phật ở châu Âu, Đông Nam Á…; hỗ trợ xây dựng, trùng tu một số khu di tích Bác Hồ tại Thái Lan; phát động phong trào sưu tầm kỷ vật, kỷ niệm về Bác.
Công tác dạy tiếng Việt cho các thế hệ kiều bào thứ 3, thứ 4 luôn được quan tâm. Nhiều lớp học tiếng Việt cho con em kiều bào đã được tổ chức. Cùng với Đề án “Hỗ trợ việc dạy và học tiếng Việt cho NVNONN” của Bộ Giáo dục - Đào tạo, Uỷ ban đã xây dựng Đề án “Đẩy mạnh công tác tiếng Việt đối với NVNONN từ nay đến năm 2020” và đang được triển khai thí điểm công tác tiếng Việt tại một số địa bàn.
Cùng với việc đẩy mạnh công tác vận động, công tác khen thưởng NVNONN được quan tâm triển khai và thành nền nếp thường xuyên nhằm ghi nhận những cống hiến của kiều bào trong các cuộc kháng chiến và xây dựng Tổ quốc, có tác dụng động viên kịp thời tinh thần yêu nước và đoàn kết của các thế hệ kiều bào hướng về đất nước.
*
* *
Việc triển khai tích cực, kịp thời và đồng bộ nhiều chính sách, biện pháp có tính đột phá như đã nêu trên đã góp phần tác động tạo sự chuyển biến ngày càng tích cực trong cộng đồng NVNONN.
- Cộng đồng NVNONN ngày càng ổn định cuộc sống và hội nhập vào xã hội sở tại, có tiềm lực đáng kể về tri thức và kinh tế. Số lượng NVNONN ngày càng tăng lên, hiện đã có gần 4 triệu người Việt Nam đang sinh sống, lao động, học tập tại 102 nước và vùng lãnh thổ, trong đó gần 400 ngàn người có trình độ đại học trở lên. Trong cộng đồng đã có nhiều người thành đạt trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế xã hội, khoa học công nghệ, văn hoá nghệ thuật… tại xã hội sở tại. Thực trạng địa vị pháp lý của NVNONN ở sở tại hiện nay đã được nâng lên một bước đáng kể, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng hội nhập bền vững vào xã hội sở tại.
- Tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc của kiều bào ngày càng được củng cố nhờ những thành tựu to lớn của sự nghiệp Đổi mới, sự ổn định chính trị - xã hội và vị thế quốc tế ngày càng cao của đất nước. Nhìn chung, NVNONN luôn mang trong mình tinh thần tự hào tự tôn dân tộc, có ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá và truyền thống dân tộc, không quan tâm và không đồng tình với các hoạt động đi ngược lại lợi ích cộng đồng và đất nước. Bà con hoan nghênh chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước, ủng hộ công cuộc Đổi mới vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Trong cộng đồng ngày càng có nhiều tiếng nói tích cực công khai phản đối những hoạt động đi ngược lại lợi ích của cộng đồng và đất nước. Điều này đã trở thành xu thế chung trong cộng đồng NVNONN.
- Cộng đồng đã ngày càng có nhiều gắn bó, liên hệ chặt hơn với gia đình, quê hương, đất nước. Thời gian qua, trung bình hằng năm có khoảng trên dưới 500 nghìn lượt kiều bào về nước thăm thân, du lịch, hợp tác, kinh doanh, trong đó có khoảng 300 lượt chuyên gia, trí thức kiều bào về nước tham gia nghiên cứu giảng dạy, giáo dục đào tạo đại học, trên đại học; hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ…và nhiều người đã có những công trình nghiên cứu thành công, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của một số lĩnh vực chuyên ngành. Đến nay có trên 3.200 dự án của kiều bào đầu tư về nước với tổng vốn gần 5,7 tỉ USD, trong đó khoảng 60% dự án được đánh giá là hoạt động có hiệu quả. Kiều hối gửi về nước tăng trung bình 10-15% năm, riêng năm 2007 là 6,7 tỷ USD, năm 2008 là 7,4 tỷ USD. Năm 2009, trong tình hình kinh tế thế giới còn lâm vào khủng hoảng khó khăn nhưng lượng kiều hối gửi về vẫn duy trì ở mức tương đối cao là 6,83 tỷ USD. Nhiều người về nước tham gia giao lưu văn hoá, biểu diễn nghệ thuật, thi đấu thể thao, du lịch hoặc hoạt động xã hội, từ thiện, nhân đạo giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, ủng hộ quỹ vì người nghèo, nạn nhân chất độc dioxin, khám chữa bệnh cho trẻ em nghèo, giúp xây dựng trạm xá, trường học, cầu đường dân sinh ở vùng sâu, vùng xa...
- Cộng đồng ngày càng đoàn kết, gắn bó, tương trợ lẫn nhau khi khó khăn hoạn nạn với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Đó là những nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc. Các tổ chức hội đoàn tích cực trong cộng đồng phát triển mạnh, hoạt động sôi nổi với nhiều hình thức hoạt động phong phú, trở thành lực lượng nòng cốt trong đoàn kết, tập hợp đông đảo cộng đồng hướng về quê hương đất nước.
|
Bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, trong cộng đồng NVNONN đang tồn tại nhiều vấn đề đáng chú ý. Tại một số địa bàn, nhiều bà con còn chưa được cấp qui chế cư trú hợp pháp để yên tâm làm ăn, sinh sống lâu dài. Vẫn còn một số ít bị các phần tử xấu lợi dụng kích động, lôi kéo vào những việc làm vi phạm pháp luật sở tại, gây phức tạp về an ninh xã hội, ảnh hưởng đến hình ảnh cộng đồng và uy tín của đất nước, gây nhiều khó khăn, phức tạp cho công tác bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của bà con. Tại một số nước như Campuchia, Lào, Thái Lan, một số nước châu Phi… cuộc sống của kiều bào còn gặp nhiều khó khăn. Mô hình, phương thức kinh doanh làm ăn của kiều bào ở nhiều nước Đông Âu bộc lộ nhiều bất cập, hiệu quả thấp nhưng chậm được đổi mới. Hoạt động của các Hội người Việt Nam truyền thống ở nhiều nước gặp khó khăn trong việc đổi mới phương thức hoạt động, phát huy vai trò của hội trong cộng đồng. Việc giữ gìn bản sắc văn hoá và truyền thống dân tộc trong khi phải hội nhập sâu hơn vào đời sống xã hội sở tại đang trở thành một thách thức không nhỏ. Nhu cầu giữ gìn và phổ biến tiếng Việt trong cộng đồng cũng đang đặt ra cấp thiết. Vẫn còn một bộ phận không nhỏ kiều bào do thiếu thông tin hoặc bị tác động bởi những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, chưa có dịp về thăm đất nước để thấy rõ những thành tựu của công cuộc Đổi mới nên chưa hiểu đúng về tình hình đất nước và đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước nên đã có những hoạt động không phù hợp với lợi ích của cộng đồng và đất nước.
Để giải quyết những vấn đề còn tồn tại, đẩy mạnh triển khai sâu rộng Nghị quyết 36 với những động lực và bước đột phá mạnh mẽ hơn, sâu rộng hơn trong giai đoạn tiếp theo, được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Bộ Ngoại giao tích cực chuẩn bị tổ chức Hội nghị tổng kết 6 năm thực hiện Nghị quyết 36 vào đầu tháng 11/2010. Hội nghị còn là dịp tiếp tục quán triệt Nghị quyết 36, nâng cao nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và của toàn dân trong công tác về NVNONN nhằm tạo sự đồng thuận, hợp tác và phối hợp cao trong triển khai thực hiện. Với những thành tích quan trọng đã đạt được, chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng công tác đối với NVNONN thời gian tới sẽ tiếp tục vượt qua thách thức, thu được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, quê hương./.
Nguyễn Thanh Sơn
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao,
Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về NVNONN