Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giữ gìn bản sắc văn hóa và duy trì tiếng Việt

Hiện nay có khoảng 4 triệu người Việt Nam đang sinh sống và học tập tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tạo thành các cộng đồng người Việt khác nhau với sự đa dạng về quá trình hình thành, địa vị pháp lý, nghề nghiệp... nhưng có đặc điểm chung là tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc và truyền thống giữ gìn các giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam.



 Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dâng hương tại Hoàng thành Thăng Long ngày 27/7/2010 trong dịp Kiều bào và Tuần văn hoá dân tộc hướng về Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội


T
heo tinh thần đổi mới, Đảng và Nhà nước đã xác định rõ công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị. Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 26/3/2004 đã nhấn mạnh “Đảng và Nhà nước mong muốn, khuyến khích NVNONN hội nhập và thực hiện nghiêm chỉnh luật pháp nước sở tại, chăm lo xây dựng cuộc sống, làm ăn thành đạt, nêu cao tinh thần tự trọng và tự hào dân tộc, giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc Việt Nam, đoàn kết đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, giữ mối quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương...”. Sau đó, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết với các biện pháp, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ đồng bào ổn định cuộc sống, hội nhập vào đời sống xã hội nước sở tại và tăng cường công tác thông tin - văn hoá phục vụ cộng đồng NVNONN. Ngày 6/6/2008, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 19/2008/CT-TTg về việc tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện Chương trình Hành động của Chính phủ về công tác với NVNONN. Đây là các văn bản quan trọng của Đảng và Nhà nước khẳng định tầm quan trọng của công tác đối với NVNONN, trong đó có vấn đề hỗ trợ cộng đồng NVNONN giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và duy trì tiếng Việt nhất là cho thế hệ trẻ.


Thiếu niên Việt kiều học tiếng Việt qua tập hát các bài đồng dao tại Trung tâm tiếng Việt SAPA, Séc


Với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, Ủy ban Nhà nước về NVNONN (trước đây là Ủy ban về NVNONN) đã đề xuất nhiều biện pháp, chính sách nhằm tạo thuận lợi cho cộng đồng NVNONN ổn định cuộc sống, hoà nhập xã hội sở tại và hướng về quê hương, đất nước, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, đồng thời tổ chức thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, tạo điều kiện cho kiều bào hiểu biết nhiều hơn về chính sách của Đảng và Nhà nước, về sự thay đổi của đất nước, về những giá trị văn hoá, truyền thống của dân tộc.

Bên cạnh những hoạt động có tính chất thường niên được tổ chức nhân dịp các ngày lễ lớn của đất nước, như Tết Nguyên đán, lễ Giỗ tổ, Quốc khánh, Ngày Thương binh Liệt sỹ…, tạo điều kiện cho kiều bào hướng về cội nguồn, tri ân tổ tiên và các anh hùng liệt sỹ, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, Uỷ ban cũng chú trọng đến các hoạt động đáp ứng nhu cầu tâm linh và đời sống tinh thần của kiều bào thông qua việc phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức lễ cầu siêu tại những địa danh lịch sử như: Côn Đảo, Đường Chín (Quảng Trị), Kỳ Anh (Nghệ An)…cũng như phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam cử các đoàn hoằng dương phật pháp ra nước ngoài tổ chức các hoạt động phật sự đáp ứng nhu cầu của đông đảo kiều bào theo đạo Phật.

Đặc biệt, để chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhằm đáp ứng nguyện vọng của cộng đồng NVNONN và gián tiếp tác động tới việc UNESCO xem xét hồ sơ công nhận Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới, được sự đồng ý của đ/c Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Thường trực, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Bộ Ngoại giao (Ủy ban Nhà nước về NVNONN) đã phối hợp với UBND TP.Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC), Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Công ty HTV media, VietnamAirlines và công ty cổ phần ô tô Trường Hải tổ chức Chương trình “Kiều bào và tuần lễ văn hóa dân tộc hướng về Đại lễ 1000 năm Thăng Long” gồm một chuỗi các hoạt động hướng tới Đại lễ, kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 20 năm ngày UNESCO vinh danh Người là Danh nhân văn hoá, Anh hùng giải phóng dân tộc. Chương trình gồm các hoạt động có ý nghĩa như rước Long vị các vị vua triều Lý từ đền Đô và chùa Tiêu về Hoàng Thành; Rước xá lợi Phật; Đại lễ cầu quốc thái dân an; Tưởng niệm, cầu siêu anh linh các liệt sĩ hy sinh vì nước qua các triều đại, Lễ hội hoa đăng...với sự tham dự của đại diện Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đại diện Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc, UBND Thành phố Hà Nội, các Đại sứ - Trưởng cơ quan đại diện của hơn 50 quốc gia và  tổ chức quốc tế tại Việt Nam, cùng đông đảo kiều bào ta từ hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 150 sinh viên-thanh niên kiều bào là các đại biểu về dự Trại hè Việt Nam 2010.



 Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn tiếp bà Irina Egorova, Hiệu trưởng Trường phổ thông 282, LB Nga – ngôi trường đã tổ chức lớp tiếng Việt cho học sinh Việt Nam và mở Phòng truyền thống Việt Nam tại trường


Điểm nhấn quan trọng của Chương trình là Cầu truyền hình quốc tế diễn ra vào tối 31/7/2010 tại 03 đầu cầu là khu vực chùa Trấn Quốc (Hà Nội), Đại học Quốc gia (Viêng-chăn) và trụ sở chính của Tổ chức UNESCO (Paris). Chương trình đã được truyền hình trực tiếp trên các kênh sóng của Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC và được nối sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam (VTV4), Đài PT-TH TP.Hồ Chí Minh (HTV4, HTV9, HTV đối ngoại), Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam và các đài phát thanh, truyền hình địa phương. Cầu truyền hình cũng đã giới thiệu với khán giả trong và ngoài nước những di sản văn hoá đặc sắc của dân tộc Việt Nam như dân ca Quan họ, Nhã nhạc Cung đình Huế, Hoàng thành Thăng Long... Trong chương trình nghệ thuật, nhiều tiết mục do kiều bào biểu diễn đã được hoan nghênh nhiệt liệt như tiết mục “Hà Nội, niềm tin yêu hy vọng” của Câu lạc bộ đồng hương Xiêng Khoảng, ca khúc “Người Hà Nội” của hợp ca Quê hương (kiều bào ta tại Pháp)…Đặc biệt là ca khúc “Hồ Chí Minh kính yêu muôn đời” do nhạc sĩ  Bua-ngân Xa- phu- vông sáng tác và vừa được trao giải nhất trong cuộc thi sáng tác ca khúc về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại CHDCND Lào và liên khúc “Hát về Người” do 150 sinh viên-thanh niên kiều bào thành viên Trại hè Việt Nam 2010 biểu diễn đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả.

Bên cạnh đó, một chương trình rất có ý nghĩa đối với thế hệ trẻ kiều bào là “Trại hè Việt Nam 2010” mang chủ đề “Đất nước rồng bay” đã được tổ chức từ ngày 15/7 đến ngày 01/8/2010 dọc theo chiều dài đất nước, từ lễ Khai mạc tại Hội trường Thống Nhất (TP. Hồ Chí Minh) cho đến lễ Bế mạc tại Quảng trường Tân Trào (Tuyên Quang). Trong thời gian này, 150 đại biểu sinh viên- thanh niên kiều bào ưu tú từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã được tham dự các hoạt động “tri ân” đầy ý nghĩa như: Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ nhân ngày 27/7 tại Tây Ninh, dâng hương tại Nghĩa trang Trường Sơn, lễ khánh thành tượng đài 10 cô gái Đồng Lộc tại Hà Tĩnh, dâng hương Đền Hùng, viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và thăm các di tích lịch sử-văn hóa, thiên nhiên tại Hội An, Huế, Vịnh Hạ Long. Các em cũng đã tham gia biểu diễn tại các chương trình truyền hình tại Hà Tĩnh, Hà Nội, tham gia giao lưu với các bạn thanh niên tại Đà Nẵng, Nghệ An, Tuyên Quang, tham dự các hoạt động xã hội, tình nguyện (quyên góp ủng hộ 23 triệu đồng cho BQL khu di tích TNXP Ngã Ba Đồng Lộc, 20 triệu cho Quỹ đền ơn đáp nghĩa; đoàn Bun-ga-ry ủng hộ 1000 đô-la cho “Quỹ trái tim cho em” của tỉnh Tuyên Quang). Trại hè là dịp để các em tìm hiểu lịch sử và văn hóa Việt Nam, nâng cao tiếng Việt, có cơ hội hòa mình vào văn hóa dân tộc, để càng hiểu và trân trọng hơn lịch sử và nền văn hóa Việt Nam, gắn bó hơn với quê hương, đất nước.

Từ 1-10/10, Ủy ban đã tổ chức cho Đoàn gần 200 đại biểu kiều bào từ 34 nước và vùng lãnh thổ về  dự Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và tham gia Lễ diễu binh, diễu hành tại Quảng trường Ba Đình.

Đối với các hoạt động ở bên ngoài, các cơ quan hữu quan đã tổ chức các Ngày và Tuần Văn hóa Việt Nam, Festival Việt Nam và mời các đoàn nghệ thuật sang biểu diễn phục vụ cộng đồng trong các dịp lễ lớn của dân tộc cũng như trong dịp kỷ niệm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với một số nước (Nhật Bản, Thái Lan, Phần Lan, Thụy Điển, Na Uy, Đức...). Qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đầy ý nghĩa như vậy bà con kiều bào có cơ hội giao lưu với nhau, tăng cường đoàn kết, gắn bó với bản sắc văn hóa Việt Nam hướng về quê hương, nguồn cội. Các chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật cũng là dịp để kiều bào thêm tự hào và giới thiệu với bạn bè quốc tế những nét đẹp, đặc sắc trong truyền thống văn hóa - lịch sử lâu đời của dân tộc. Những hoạt động văn hóa này đã thực sự trở thành những món ăn tinh thần cho cộng đồng và là cầu nối để quảng bá, giới thiệu hình ảnh của đất nước Việt Nam tới cộng đồng sở tại và bạn bè thế giới.



 Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn phát biểu tại Đại lễ cầu siêu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Côn Đảo tháng 4/2009


Trong hỗ trợ cộng đồng NVNONN giữ gìn bản sắc văn hóa và dân tộc, Ủy ban xác định việc dạy và học tiếng Việt là một trong những nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa lâu dài trong công tác cộng đồng, nhất là đối với thế hệ trẻ kiều bào. Theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm về Đề án “Đẩy mạnh công tác tiếng Việt đối với người Việt Nam ở nước ngoài từ nay đến năm 2020”, Uỷ ban đã xây dựng Dự án “Thí điểm đẩy mạnh công tác tiếng Việt đối với cộng đồng người Việt Nam ở Lào, Campuchia, Nga, Séc, Mỹ và Canada”.

Dự án thí điểm nhằm mục tiêu: đánh giá về tình hình cộng đồng, nhu cầu học tiếng Việt, thực tiễn dạy, học và các hoạt động liên quan đến hoạt động dạy, học, phát triển hội đoàn liên quan đến tiếng Việt; tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ hội đoàn và đội ngũ giáo viên về công tác tiếng Việt (CTTV) nhằm nâng cao nhận thức, năng lực cho các cán bộ, giáo viên dạy tiếng Việt và cung cấp một số kỹ năng về công tác cộng đồng. Việc triển khai Dự án thí điểm sẽ làm cơ sở cho việc hoàn thiện Đề án, kết hợp với việc đánh giá các hoạt động hỗ trợ mà Nhà nước ta đang tiến hành nhằm hỗ trợ đồng bào ở xa Tổ quốc giữ gìn ngôn ngữ của cội nguồn.

CTTV là một khái niệm mới, có nội hàm bao gồm các tất cả các hoạt động có nội dung công tác cộng đồng, liên quan đến tiếng Việt, trong đó có việc áp dụng các phương pháp giảng dạy, truyền bá tiếng Việt mới nhằm duy trì tiếng Việt, gắn với việc giữ gìn bản sắc văn hoá và truyền thống dân tộc cho NVNONN nhằm trực tiếp và gián tiếp góp phần ổn định cuộc sống, xây dựng phong trào học và phổ biến tiếng Việt, phát triển mạng lưới dạy và học tiếng Việt của người Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời góp phần truyền bá tiếng Việt và văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.

Trong tháng 5/2010, Uỷ ban đã triển khai thực hiện tại Vientiane (Lào) và Phnompenh (Campuchia). Các hoạt động thí điểm được Đại sứ quán và cộng đồng đánh giá là thiết thực và bổ ích, thể hiện được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trước những trăn trở về việc truyền lại tiếng Việt, văn hoá Việt cho thế hệ trẻ kiều bào, đồng thời cung cấp cho các giáo viên tiếng Việt tại đây những nhận thức mới về công tác này.

Với tinh thần “người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam” và chính sách “đại đoàn kết” của Đảng và Nhà nước ta, nhiều hoạt động hỗ trợ và tạo điều kiện cho cộng đồng NVNONN giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá, truyền thống dân tộc đã và đang được Uỷ ban Nhà nước về VNVNONN cũng như các cơ quan chức năng thực hiện nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nguyện vọng hướng về quê hương đất nước của kiều bào. 

 

Phạm Hải Bằng
Vụ trưởng Vụ Thông tin – Văn hoá,
Uỷ ban Nhà nước về NVNONN


Các tin khác

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm