Đổi mới công tác về người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ sự nghiệp Công nghiệp hoá, Hiện đại hoá đất nước
Ngày nay, đất nước ta đang bước vào giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế sâu rộng. Trước yêu cầu của tình hình mới đòi hỏi chúng ta phải tập trung sức lực, đoàn kết, phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực của các tầng lớp nhân dân, trong đó có cộng đồng NVNONN vào sự nghiệp chung. Vì tầm quan trọng có ý nghĩa chiến lược nêu trên, ngày 26/3/2004, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết 36 về công tác đối với NVNONN, trong đó khẳng định “người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước”, và “công tác đối với NVNONN là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn dân”. Từ khi có Nghị quyết 36, công tác đối với NVNONN đã thực sự bước vào một giai đoạn mới và qua sáu năm triển khai thực hiện đã tạo ra những chuyển biến mang tính bước ngoặt với những thành tựu to lớn trên cả 3 lĩnh vực: thông tin tuyên truyền, xây dựng chính sách và vận động cộng đồng.
Công tác thông tin, tuyên truyền cho cộng đồng NVNONN đã có nhiều đổi mới. Bằng nhiều biện pháp, đặc biệt là thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và tiếp xúc vận động trực tiếp, công tác thông tin của ta đã từng bước đáp ứng nhu cầu của kiều bào trong việc tìm hiểu tình hình đất nước; chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta cũng như những vấn đề đang nổi lên được dư luận quan tâm. Chúng ta đã mở rộng địa bàn phát sóng kênh truyền hình VTV4 cũng như chú trọng đầu tư phát triển thông tin qua mạng internet để kịp thời đưa thông tin mọi mặt của đất nước đến với bà con, góp phần thu hẹp, hạn chế đáng kể các hoạt động xuyên tạc, bóp méo, đưa tin sai sự thật về tình hình đất nước của các lực lượng phản động thù địch.
Trong những năm qua, nhiều chính sách mang tính đột phá về các vấn đề lợi ích thiết thân của kiều bào đã được ban hành. Quốc hội đã thông qua Luật Quốc tịch 2008 (sửa đổi) tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài được có quốc tịch Việt Nam trong khi mang quốc tịch nước khác; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai bổ sung thêm nhiều đối tượng và quyền cho kiều bào mua và sở hữu nhà ở, đất ở trong nước. Đến nay, ta đã bước đầu hình thành được một hệ thống khung luật pháp và chính sách đáp ứng tốt hơn những lợi ích thiết thân của NVNONN, tạo điều kiện để bà con gắn bó hơn với quê hương.
Cùng với việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, ta đã chủ động đàm phán, ký kết nhiều điều ước quốc tế, hiệp định lãnh sự, hỗ trợ tư pháp với nhiều nước. Vấn đề hỗ trợ và bảo hộ kiều bào đã trở thành một nội dung quan trọng trong các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đem lại hiệu quả rõ rệt trong việc bảo vệ lợi ích chính đáng của kiều bào, tạo thuận lợi hơn cho bà con về địa vị pháp lý và việc làm ăn, sinh sống, hội nhập vào xã hội nơi cư trú. Các cơ quan đại diện ta đã có nhiều cố gắng trong công tác vận động, tăng cường tiếp xúc với kiều bào, củng cố và phát triển các hội đoàn; tích cực làm việc với các cấp chính quyền sở tại nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của bà con. Việc triển khai đồng bộ các chính sách đối với NVNONN đã tác động tích cực tới chính quyền và cộng đồng kiều bào ở các nước, góp phần tạo thuận lợi cho bà con ổn định cuộc sống, thành đạt và hội nhập thành công hơn vào xã hội sở tại, được đồng bào hoan nghênh và đánh giá cao.
Công tác vận động cộng đồng đã được đẩy mạnh với nhiều hình thức và nội dung phong phú như: tổ chức Chương trình “Xuân Quê hương” vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm, tổ chức các đoàn kiều bào tiêu biểu về dự Giỗ Tổ Hùng Vương, Quốc khánh 2/9, tham gia các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” nhằm tri ân các anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, tổ chức Trại hè hàng năm cho các cháu thanh thiếu niên kiều bào với số lượng tham gia ngày càng đông đảo… Tại nhiều địa phương trong nước, chính quyền đã phối hợp tốt với Mặt trận Tổ quốc thành lập Hội liên lạc, Hội thân nhân kiều bào; triển khai nhiều biện pháp, hình thức vận động phong phú, đa dạng mang lại hiệu quả thiết thực, thu hút ngày càng nhiều sự tham gia của kiều bào vào các hoạt động như: đầu tư kinh doanh; ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do thiên tai; giúp đỡ người nghèo, tàn tật, bị ảnh hưởng chất độc dioxin, xây nhà tình nghĩa, khuyến học...
Thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, ta đã xử lý tốt việc dân sự hóa nghĩa trang Bình An (tỉnh Bình Dương); tạo điều kiện cho bà con kiều bào về tìm kiếm, cải táng hài cốt những người thân nguyên là quan chức chế độ Sài Gòn cũ chết trong thời gian cải tạo; hỗ trợ nhiều đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam đi hoằng pháp tại một số nước châu Âu và cử các vị chức sắc sang trụ trì, giúp việc Phật sự tại một số chùa Phật ở châu Âu, Đông Nam Á… Trong nước đã có nhiều hình thức hỗ trợ thiết thực cho cộng đồng giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá và truyền thống dân tộc, nhất là việc hỗ trợ cộng đồng đẩy mạnh, nhân rộng phong trào dạy và học tiếng Việt. Đề án “Đẩy mạnh công tác tiếng Việt đối với NVNONN từ nay đến năm 2020” đang được triển khai thí điểm tại một số địa bàn với những kết quả bước đầu rất tích cực.
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác kiều bào trong tình hình mới, năm 2008, Uỷ ban về NVNONN đã được đón nhận quyết định của Thủ tướng Chính phủ nâng cấp thành Uỷ ban Nhà nước về NVNONN, mở rộng nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban trong việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và tham mưu cho Đảng và Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực công tác liên quan đến NVNONN. Năm 2009, với thế và lực mới, với tinh thần hân hoan đón chào kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Ban Việt kiều Trung ương, tiền thân của Uỷ ban Nhà nước về NVNONN hiện nay, dưới sự chỉ đạo của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Ngoại giao, Uỷ ban đã phối hợp với các ngành, các cấp đưa công tác về NVNONN tiếp tục khởi sắc, thu được nhiều kết quả đặc biệt quan trọng, tạo thêm những bước đột phá mới. Nổi bật là việc tổ chức thành công Hội nghị NVNONN lần thứ nhất (11/2009) và Đại hội thành lập Hiệp hội Doanh nhân VNONN (8/2009). Hội nghị NVNONN lần thứ nhất được coi là một dấu mốc mang tính lịch sử trong công tác đối với NVNONN. Với quy mô lớn nhất và số lượng tham gia đông đảo nhất từ trước đến nay (gần 900 đại biểu kiều bào từ 52 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới), Hội nghị đã là nơi hội tụ các đại diện tiêu biểu của mọi tầng lớp và thế hệ kiều bào ở khắp nơi trên thế giới, thể hiện ý chí và nguyện vọng của gần 4 triệu NVNONN cùng hướng về quê hương, đất nước. Hội nghị đã thực sự là một ngày hội của tinh thần hoà hợp và đại đoàn kết dân tộc. Bước sang năm 2010, trong không khí cả nước tưng bừng chuẩn bị Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và các ngày lễ lớn của dân tộc, Uỷ ban Nhà nước về NVNONN đã chỉ đạo các cơ quan đại diện ta ở nước ngoài phối hợp với các Hội người Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa hướng về cội nguồn. Ở trong nước, ta đã tổ chức thành công các hoạt động như: Trại hè Việt Nam 2010 với số lượng thanh niên sinh viên kiều bào tham gia đông nhất từ trước đến nay; Kiều bào và Tuần văn hoá dân tộc hướng về Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội; Cuộc thi Hoa hậu thế giới người Việt… Những hoạt động trên đã lôi cuốn sự tham gia trực tiếp và sự quan tâm theo dõi của kiều bào khắp nơi trên thế giới. Trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, lần đầu tiên cộng đồng NVNONN vinh dự có một khối diễu hành riêng tham gia đoàn diễu hành quần chúng tại cuộc mít-ting trọng đại của dân tộc. Điều này thể hiện sự quan tâm và đánh giá cao của Đảng và Nhà nước đối với sự đóng góp của cộng đồng NVNONN đối với đất nước.
* * *
Những năm tới đây, công tác người Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục được đổi mới với những động lực và bước đột phá mạnh mẽ hơn, sâu rộng hơn. Nhằm kiểm điểm, đánh giá kết quả đạt được qua 6 năm thực hiện Nghị quyết 36, trên cơ sở đó đề xuất các chủ trương, giải pháp lớn đẩy mạnh triển khai sâu rộng Nghị quyết 36 trong giai đoạn tiếp theo, được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Bộ Ngoại giao đang tích cực chuẩn bị tổ chức Hội nghị tổng kết 6 năm thực hiện Nghị quyết 36 vào đầu tháng 11/2010. Hội nghị còn là dịp tiếp tục quán triệt Nghị quyết 36, nâng cao nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và của toàn dân trong công tác về NVNONN nhằm tạo sự đồng thuận, hợp tác và phối hợp cao trong triển khai thực hiện. Với những thành tích quan trọng đã đạt được, chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng công tác đối với NVNONN thời gian tới sẽ tiếp tục vượt qua thách thức, thu được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Nguyễn Thanh Sơn
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước
về người Việt Nam ở nước ngoài