Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam chờ đón năm 2025 với những hoạt động “dày đặc và sôi nổi” tại UNESCO

Năm 2024 là một năm đáng tự hào khi Việt Nam nhận thêm 6 danh hiệu của UNESCO, nhiều nhất kể từ nhiều năm qua, nâng tổng số các danh hiệu ta nhận được lên 71.

Đại sứ Nguyễn Thị Vân Anh, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO.
Ảnh : TTXVN 

Năm 2024 đang khép lại với “rất nhiều thành công.” Năm 2025 lại mở ra những chương trình hợp tác “hết sức dày đặc và sôi nổi”.

Đó là nhận định của Đại sứ Nguyễn Thị Vân Anh, Đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) trong buổi trao đổi với phóng viên TTXVN tại Pháp, nơi đặt trụ sở của tổ chức quốc tế này.

“Năm 2024 tiếp tục là một năm thành công trong triển khai công tác Ngoại giao văn hóa của Việt Nam và tôi vui mừng nhận thấy hoạt động của Việt Nam tại UNESCO và quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO đã góp phần quan trọng vào thành công này,” Đại sứ Nguyễn Thị Vân Anh khẳng định.

Đồng thời, Đại sứ nhấn mạnh năm 2024 là năm tiếp tục triển khai nhiệm vụ mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt ra, đó là “phát huy hơn nữa ngoại giao văn hóa đóng góp thiết thực vào quảng bá mạnh mẽ hình ảnh quốc gia và tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước,” triển khai Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 và kết quả của Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 năm 2023.

Theo Đại sứ, dấu ấn lớn nhất trong năm 2024 là chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Tô Lâm trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tới Trụ sở UNESCO vào ngày 7/10/2024.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của một đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước kể từ khi Việt Nam gia nhập UNESCO năm 1976.

Nhân chuyến thăm này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã gặp Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay và khẳng định chủ trương coi trọng hợp tác với UNESCO.

Hai bên cũng trao đổi về những định hướng lớn hợp tác trong thời gian tới để Việt Nam tiếp tục là hình mẫu hợp tác hiệu quả với UNESCO.

Năm 2024 cũng là một năm đáng tự hào khi Việt Nam nhận thêm 6 danh hiệu của UNESCO, nhiều nhất kể từ nhiều năm qua, nâng tổng số các danh hiệu ta nhận được lên 71. Trong số đó, Lễ hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam được ghi danh là Di sản Văn hóa Phi Vật thể đại diện của nhân loại, Công viên địa chất Lạng Sơn được khuyến nghị ghi danh Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO và Những bản đúc trên chín đỉnh đồng ở hoàng cung Huế được ghi danh là Di sản Tư liệu Thế giới.

“Việc chúng ta có thêm các danh hiệu UNESO thể hiện sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với giá trị di sản và văn hóa dân tộc Việt Nam, đồng thời góp phần tạo thêm nguồn lực, quảng bá hình ảnh và nâng cao sức mạnh mềm quốc gia, thúc đẩy mô hình phát triển kinh tế-xã hội bền vững ở các địa phương. Điều này cũng thể hiện cam kết của Việt Nam đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm bảo vệ các di sản thế giới," Đại sứ Nguyễn Thị Vân Anh nhấn mạnh.

Các cơ quan liên quan và Thành phố Hà Nội cũng đã hợp tác chặt chẽ và nhận được sự ủng hộ của Trung tâm Di sản Thế giới và Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS), tạo bước đột phá trong triển khai Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội, mở đường tiến tới khôi phục đường Ngự đạo và không gian Chính điện Kính Thiên, đồng thời vẫn bảo đảm theo đúng các quy định của Công ước năm 1972 của UNESCO về Bảo vệ di sản thế giới.

unesco.jpg
Tổng Giám đốc UNESCO, Audrey Azoulay, và Đại sứ Nguyễn Thị Vân Anh, đại diện thường trực của Việt Nam bên cạnh UNESCO, trong buổi lễ đón đuốc Paralympic tại trụ sở UNESCO.
Ảnh : Thu Hà/Vietnam+
 

UNESCO và ICOMOS nhiều lần nhấn mạnh đây là hình mẫu hợp tác giữa một quốc gia với UNESCO và ICOMOS trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản, mong Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm quý báu này với các nước.

Bên cạnh đó, UNESCO đã cùng Việt Nam vinh danh và kỷ niệm 300 năm ngày sinh của danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, thể hiện sự ghi nhận của UNESCO đối với đóng góp to lớn của người Việt Nam trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, đây cũng là sự lan tỏa tài năng, trí tuệ của người Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo Đại sứ Vân Anh, năm 2024 cũng chứng kiến vai trò và vị thế của Việt Nam tại UNESCO được củng cố và nâng cao.

Tháng 6/2024, Việt Nam được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng khoá 10 Công ước năm 2005 của UNESCO về Bảo vệ sự đa dạng các biểu đạt văn hóa.

Như vậy, lần đầu tiên Việt Nam đảm nhận thành công cùng một lúc vai trò tại 5 cơ chế điều hành then chốt của UNESCO.

Cụ thể, Việt Nam đã được bầu là Thành viên Hội đồng chấp hành UNESCO (2021-2025); Thành viên Ủy ban Di sản Thế giới (2023-2027); Phó Chủ tịch (12/2023-12/2024) và Thành viên (2021-2026) Ủy ban liên chính phủ Công ước năm 2003 của UNESCO về Bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể; Phó Chủ tịch (02/2023-02/2024) và Thành viên Ủy ban liên chính phủ Công ước năm 2005 của UNESCO về Bảo vệ sự đa dạng các biểu đạt văn hóa (2021-2025); Phó Chủ tịch Kỳ họp lần thứ 10 Đại hội đồng Công ước năm 2005 của UNESCO về Bảo vệ sự đa dạng các biểu đạt văn hóa (6/2024).

"Trên các cương vị này, chúng ta đã chủ động, tích cực và đóng góp có trách nhiệm vào việc thúc đẩy các mục tiêu của UNESCO về tăng cường hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực hết sức quan trọng của đời sống nhân loại là giáo dục, khoa học, văn hóa, thông tin và truyền thông, đồng thời thúc đẩy các quan tâm và lợi ích của ta,” Đại sứ Việt Nam bên cạnh UNESCO cho biết.

Đồng thời, Đại sứ khẳng định “Trong bối cảnh tình hình phức tạp hiện nay, chủ trương và cách tiếp cận của ta theo hướng tích cực, thúc đẩy đối thoại, hợp tác, đồng thuận, tìm kiếm giải pháp thoả đáng cho các vấn đề quan tâm chung được Lãnh đạo UNESCO và các nước thành viên đánh giá cao."

Bên cạnh đó, Lãnh đạo UNESCO và các nước cũng đánh giá cao và cảm ơn sự đóng góp có trách nhiệm và hiệu quả của Việt Nam vào việc thúc đẩy hợp tác giữa các Công viên địa chất toàn cầu UNESCO về bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình di sản và tài nguyên thiên nhiên để phát triển du lịch bền vững thông qua việc đăng cai tổ chức rất thành công Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu châu Á-Thái Bình Dương (Cao Bằng, 9/2024) với sự tham gia của 800 đại biểu đến từ 19 quốc gia.

dai-su-unesco.jpg
Đại sứ Nguyễn Thị Vân Anh, Đại diện thường trực Việt Nam bên UNESCO, và thị trưởng Marième Tamata-Varin, tham quan gian hàng Việt Nam tại Ngày hội Pháp ngữ 2024 ở thành phố Yèbles.
Ảnh: Thu Hà/Vietnam+
 

Đại sứ Vân Anh khẳng định những thành công nổi bật trên có được là nhờ sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo các cấp, sự phối hợp chặt chẽ giữa các Ban, Bộ, ngành, địa phương và tổ chức liên quan, đặc biệt là Ủy ban quốc gia UNESCO, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông và Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Pháp về những nhiệm vụ đang chờ đón phía trước, Đại sứ Nguyễn Thị Vân Anh cho biết năm 2025 là năm cuối triển khai nhiệm vụ do Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt ra về ngoại giao văn hóa, tiến tới Đại hội Đảng lần thứ XIV, tiếp tục triển khai Chỉ thị của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương.

Đối với UNESCO, năm 2025 là năm bản lề với việc thông qua Chương trình và Ngân sách hoạt động giai đoạn 2026-2029 và bầu Tổng Giám đốc mới UNESCO nhiệm kỳ 2025-2029. Năm 2025 cũng là năm cuối triển khai Bản ghi nhớ hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO giai đoạn 2022-2025.

Trong bối cảnh đó, các chương trình, hợp tác của Việt Nam tại UNESCO trong năm 2025 sẽ “hết sức dày đặc và sôi nổi,” Đại sứ khẳng định.

Thứ nhất, các chuyến thăm, trao đổi và tiếp xúc cấp cao giữa Lãnh đạo Việt Nam và Lãnh đạo UNESCO sẽ được thúc đẩy triển khai hàng loạt. Đây là những dấu mốc hết sức quan trọng để tăng cường hợp tác hiện có và thống nhất về những định hướng lớn về ưu tiên hợp tác trong thời gian tiếp theo.
Thứ hai, các hoạt động hợp tác với UNESCO sẽ được tăng cường để phục vụ phát triển bền vững đất nước và quảng bá hình ảnh Việt Nam.

Công tác xây dựng các hồ sơ và đệ trình UNESCO xem xét ghi danh sẽ được triển khai tích cực, trong đó có vận động ghi danh Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản Thế giới, nghệ thuật Tranh dân gian Đông Hồ là Di sản Văn hóa Phi Vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Việt Nam cũng sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với UNESCO và ICOMOS trong quá trình hạ giải một số công trình tại Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long và chuẩn bị cho giai đoạn 2 về khôi phục đường Ngự đạo và không gian Chính điện Kính Thiên.

Việc triển khai hiệu quả Bản ghi nhớ hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO giai đoạn 2021-2025 cũng là trọng tâm trong hợp tác với UNESCO trong năm 2025.

Hai bên sẽ phải phối hợp chặt chẽ với nhau để thúc đẩy hợp tác về văn hóa, giáo dục, khoa học, thông tin và truyền thông, ứng dụng công nghệ mới trong các lĩnh vực này nhằm phục vụ thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.

Đồng thời, trên cơ sở tổng kết những kết quả và bài học kinh nghiệm triển khai Bản ghi nhớ này và ưu tiên của ta và UNESCO trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phối hợp với UNESCO xây dựng Bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2026-2030.

Thứ ba, các hoạt động nhằm nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam tại UNESCO sẽ được triển khai hàng loạt, nhằm đóng góp có trách nhiệm vào việc thực hiện sứ mệnh và các mục tiêu của UNESCO.

“Chúng ta sẽ chủ động và tích cực đảm nhiệm hiệu quả vai trò của ta tại các cơ chế then chốt của UNESCO gồm Phó Chủ tịch Đại hội đồng, Thành viên Hội đồng chấp hành, Thành viên Ủy ban Di sản Thế giới, Thành viên Ủy ban liên chính phủ Công ước năm 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Thành viên Uỷ ban liên chính phủ và Phó Chủ tịch Hội nghị các Bên tham gia Công ước năm 2005 về Bảo vệ sự đa dạng các biểu đạt văn hóa,” Đại sứ nhấn mạnh.

unesco-2.jpg
Đoàn Việt Nam tham dự Kỳ họp lần thứ 219 Hội đồng Chấp hành. Ảnh : TTXVN 
 

Trên các cương vị này, Việt Nam sẽ tham dự hàng loạt các Hội nghị quan trọng của UNESCO như Đại hội đồng UNESCO khóa 43 (tháng 11/2025), các Kỳ họp thứ 221 và 222 Hội đồng chấp hành UNESCO (tháng 4 và 10/2025), Hội nghị thế giới về chính sách văn hóa và phát triển bền vững MONDIACULT (tháng 9/2025), Kỳ họp 47 Ủy ban Di sản Thế giới (tháng 7/2025)...; tích cực đóng góp xây dựng Chương trình và Ngân sách hoạt động của UNESCO giai đoạn 2025-2029 ; theo sát và phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên khác trong quá trình bầu Tổng Giám đốc mới của UNESCO, nhất là khi Việt Nam là 1/58 nước sẽ bỏ phiếu bầu Tổng Giám đốc mới, qua đó góp phần tăng cường vai trò của UNESCO trong hệ thống đa phương toàn cầu, đáp ứng tốt hơn nhu cầu hợp tác của các nước thành viên trước những cơ hội và thách thức toàn cầu mới hiện nay.

“Tôi tin tưởng rằng năm 2025 sẽ tiếp tục tiếp nối những thành công trong triển khai công tác Ngoại giao văn hóa để cùng với Ngoại giao chính trị và Ngoại giao kinh tế góp phần đưa Việt Nam vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc,” Đại sứ bày tỏ.

Đại sứ nhấn mạnh: “Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO sẽ cố gắng hết sức để tăng cường sự tham gia đóng góp của Việt Nam tại UNESCO và hợp tác với UNESCO, qua đó đóng góp vào các nỗ lực phát triển bền vững đất nước và nâng cao vai trò và vị thế đất nước”./.

(Theo Vietnam+)


Các tin khác

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm