Việt Nam, Nhật Bản trao đổi các thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD
Sáng 25/11 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam-Nhật Bản với chủ đề “Việt Nam-Nhật Bản nâng tầm quan hệ, hợp tác cùng phát triển”. Tại hội nghị, trước sự chứng kiến của Thủ tướng, các văn kiện hợp tác trị giá hàng tỷ USD đã được trao đổi.
Đây là hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam-Nhật Bản đầu tiên sau gần 2 năm gián đoạn vì đại dịch COVID-19, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức.
Tại hội nghị, Thủ tướng và các thành viên đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm Nhật Bản đã chứng kiến lễ trao đổi 44 văn kiện hợp tác giữa các cơ quan, doanh nghiệp hai nước, trong đó các thỏa thuận hợp tác kinh tế với tổng trị giá nhiều tỷ USD. Trong đó, thỏa thuận hợp tác đầu tư nhà máy điện Lạng Sơn trị giá 1,75 tỷ USD, dự án chăn nuôi, chế biến, phân phối bò thịt tại Vĩnh Phúc trị giá 500 triệu USD, thỏa thuận hợp tác phát triển khu kinh tế Đình Vũ (Hải Phòng) trị giá 250 triệu USD…
Phát biểu trước hàng nghìn đại biểu, lãnh đạo doanh nghiệp tham dự hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phân tích làm rõ hơn về những cơ hội hợp tác mới to lớn và đầy triển vọng đang được mở ra cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Trước hết, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, cạnh tranh chiến lược gay gắt, quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản chưa bao giờ tốt như hiện nay. Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Nhật đã đưa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản được nâng lên một tầm cao mới, bước sang một trang mới. Đây là yếu tố hết sức thuận lợi cho các hoạt động hợp tác kinh tế, giao lưu giữa doanh nghiệp hai nước.
Cùng với đó, sự ổn định chính trị của Việt Nam là điều kiện để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư lâu dài, hiện thực hóa và phát triển các ý tưởng kinh doanh.
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của yếu tố con người trong thu hút các nhà đầu tư. Người dân Việt Nam có nhiều phẩm chất quý báu đáp ứng tốt yêu cầu của các nhà đầu tư như sáng tạo, chăm chỉ, khiêm tốn lắng nghe, thông minh, linh hoạt trong mọi điều kiện, nhất là khi gặp khó khăn, thử thách lại càng đoàn kết, nỗ lực, tìm mọi cách để vươn lên, vượt qua, khẳng định và trưởng thành.
Vấn đề quyền con người tại Việt Nam đã được quy định ngay trong bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 và từ đó tới nay, các quy định về quyền con người ngày càng được hoàn thiện. Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng nhấn mạnh vấn đề an ninh con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, là mục tiêu, động lực của sự phát triển. Do đó, các nhà đầu tư tới Việt Nam hoàn toàn có thể yên tâm về mặt an ninh và Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy nhân tố con người trong quá trình phát triển.
Cùng với đó, Việt Nam đang tích cực triển khai 3 đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực. Môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam ngày càng thuận lợi, ổn định, minh bạch. Việt Nam cam kết tạo mọi thuận lợi về thể chế, thủ tục hành chính, quan tâm tạo điều kiện để các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục đầu tư mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động tại thị trường Việt Nam.
Bên cạnh những thuận lợi, Việt Nam cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là các vấn đề toàn cầu liên quan tới dịch bệnh, biến đổi khí hậu, già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên… mà nước nào cũng phải đối diện, Việt Nam là nước đang phát triển lại càng khó khăn hơn. Cùng với đó, thể chế, cải cách hành chính, nguồn nhân lực… của Việt Nam còn có những vấn đề cần tiếp tục giải quyết.
Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam không nằm ngoài tác động toàn cầu và cần sự chung tay, góp sức hỗ trợ của các nước phát triển, của cộng đồng quốc tế, trong đó có các nhà đầu tư, nhất là trong việc hoàn thiện thể chế, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đổi mới sáng tạo, huy động các nguồn tài chính, nhất là tài chính xanh phục vụ phát triển bền vững, áp dụng các công nghệ mới, nhất là công nghệ xanh, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp và quản trị quốc gia.
Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng hợp tác đầu tư mà Nhật Bản có thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu và cơ hội, tiềm năng lớn như các lĩnh vực chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hạ tầng chiến lược, phát triển nông nghiệp, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu…
Chính phủ cam kết sẽ đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ, tạo mọi thuận lợi cho các hoạt động đầu tư kinh doanh, đem lại lợi ích nhiều hơn cho các bên, góp phần đưa quan hệ Việt Nam-Nhật Bản lên tầm cao mới.
“Tuy có những khó khăn, song thời cơ, thuận lợi vẫn là cơ bản. Chúng ta có nền tảng là tình cảm giữa hai dân tộc, hai nước, nhân dân hai nước, sự chân thành trong quá trình làm việc và sự tin cậy trong quá trình hợp tác sau gần 50 năm thiết lập quan hệ, chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua được các khó khăn trước mắt, hướng tới lâu dài, cùng nhau hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn, cùng nhau chiến thắng”, Thủ tướng phát biểu và bày tỏ tin tưởng sẽ có luồng đầu tư mới mạnh mẽ hơn từ Nhật Bản vào Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, ý kiến các đại biểu Nhật Bản khẳng định nhờ những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam mà niềm tin của các nhà đầu tư tăng lên rõ rệt.
Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda đánh giá cao và bày tỏ cảm ơn Thủ tướng cùng các vị bộ trưởng của Việt Nam đã nỗ lực giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn vừa qua do dịch bệnh COVID-19, nhất là trong duy trì chuỗi cung ứng.
Bộ trưởng cho biết sẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước đi vào chiều sâu, theo hướng phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi số… Đặc biệt, Nhật Bản sẽ nỗ lực hết sức hỗ trợ Việt Nam quá trình thực hiện Sáng kiến chuyển dịch năng lượng châu Á do Nhật Bản đề xuất với trị giá 10 tỷ USD.
Ngay trước thềm hội nghị xúc tiến, Thủ tướng đã tiếp Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda. Tại buổi tiếp, ngoài vấn đề hợp tác chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh, Bộ trưởng cũng đề nghị hai bên tiếp tục phối hợp hiệu quả trong việc triển khai Hiệp định CPTPP giữ được tiêu chuẩn cao và thúc đẩy khả năng sản xuất của Việt Nam. Bộ trưởng bày tỏ kỳ vọng rất lớn vào sự phát triển của Việt Nam và hoạt động hợp tác giữa hai nước, bao gồm hợp tác chuyển đổi số và đào tạo nguồn nhân lực…
Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, đề nghị phía Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhần lực gắn với đổi mới sáng tạo, hỗ trợ các nguồn tài chính xanh, công nghệ xanh, năng lực quản trị quốc gia, doanh nghiệp, tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo công ăn việc làm, giúp người dân nâng cao thu nhập.
Thủ tướng đề nghị Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản và Bộ Công Thương Việt Nam điều chỉnh các hoạt động hợp tác theo định hướng phù hợp với xu thế mới và theo tinh thần Tuyên bố chung Việt Nam-Nhật Bản.
Thủ tướng đề nghị trong quá trình thực hiện Sáng kiến chuyển dịch năng lượng châu Á, Nhật Bản sẽ dành ưu tiên cho Việt Nam và Việt Nam sẽ sử dụng nguồn lực này bảo đảm hiệu quả cao nhất.
Hà Văn/ baochinhphu.vn