Việt Nam là một ưu tiên của Thụy Sĩ trong hợp tác phát triển kinh tế
Tổng thống Thụy Sĩ Guy Parmelin nhận định tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn và cần những khuôn khổ hợp tác mới để thúc đẩy doanh nghiệp Thụy Sĩ đầu tư vào Việt Nam.
Chiều 26/11 theo giờ địa phương, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Thụy Sĩ Guy Parmelin đã tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Thụy Sĩ.
Phát biểu với trên 100 doanh nghiệp hai nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi doanh nghiệp Thụy Sĩ đầu tư vào Việt Nam, hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực mà doanh nghiệp Thụy Sĩ có thế mạnh và Việt Nam ưu tiên, đặc biệt trong về tài chính ngân hàng, khoa học công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Tại diễn đàn, Tổng thống Thụy Sĩ Guy Parmelin nhận định tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn và cần những khuôn khổ hợp tác mới để thúc đẩy doanh nghiệp Thụy Sĩ đầu tư vào Việt Nam.
Ông cho biết mức độ quan tâm cũng như cam kết của các doanh nghiệp Thụy Sĩ và đại diện của khu vực tư nhân có mặt hôm nay cho thấy Việt Nam là một ưu tiên của Thụy Sĩ trong hợp tác phát triển kinh tế.
Theo dự kiến, không dưới 70 triệu franc Thụy Sĩ sẽ được đầu tư trong các dự án phát triển kinh tế ở Việt Nam giai đoạn 2021-2024.
Cũng theo Tổng thống Guy Parmelin, cuộc khủng hoảng COVID-19 đã cho thấy cần có một khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương bền chặt.
Hai nước đã ký kết hiệp định bảo hộ đầu tư, hiệp định tránh đánh thuế hai lần và một thỏa thuận về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Đó là những cơ sở pháp lý quan trọng cho phép doanh nghiệp hai nước hợp tác kinh doanh, cũng như tăng cường quan hệ giữa hai nền kinh tế.
Tuy nhiên còn một thỏa thuận rất quan trọng là Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Hiệp hội mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) đã được hai bên đàm phán từ 9 năm qua.
Tổng thống Guy Parmelin bày tỏ hy vọng hai bên sẽ có các giải pháp tháo gỡ cho những vấn đề đang bàn bạc.
Tán thành với Tổng thống Thụy Sĩ về các nội dung nêu trên, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết sau khi hai nhà lãnh đạo hội đàm vào sáng 26/11 thì ngay buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam đã làm việc với Quốc vụ khanh của Thụy Sĩ để thúc đẩy sớm kết thúc đàm phán và ký kết EFTA vì lợi ích hai bên.
Chủ tịch nước cũng chia sẻ với các nhà đầu tư Thụy Sĩ về tiềm năng và cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam đã chuyển từ chỉ đơn thuần thu hút vốn FDI sang hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài trên tinh thần bình đẳng, cùng phát triển và cùng có lợi, có trách nhiệm với xã hội, người lao động và bảo vệ môi trường.
Trên cơ sở đó, Việt Nam chọn lọc và ưu tiên thu hút những dự án thuộc các lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển.
Việt Nam cam kết hợp tác và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp của mình tham gia vào chuỗi giá trị, thúc đẩy kinh tế số và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế-xã hội của Việt Nam...
Cho rằng hai nền kinh tế Việt Nam và Thụy Sĩ mang tính bổ trợ cho nhau nhiều hơn là cạnh tranh về hàng hóa và dịch vụ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai nước đẩy mạnh trao đổi truyền thông sâu rộng về chính sách đầu tư của mỗi nước tới các doanh nghiệp, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên hợp tác như tài chính ngân hàng, khoa học công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số...
Chủ tịch nước nhấn mạnh Thụy Sĩ đứng đầu thế giới về đổi mới sáng tạo trong thời gian qua.
Chủ tịch nước đề nghị cộng đồng doanh nghiệp Thụy Sĩ thúc đẩy đàm phán ký EFTA; các cơ quan hữu quan hai nước cần khuyến khích các dòng chảy thương mại, đầu tư trong bối cảnh mới; tăng cường trao đổi các đoàn doanh nghiệp tìm hiểu thị trường, cơ hội đầu tư và kết nối kinh doanh.
Chủ tịch nước kêu gọi các doanh nghiệp Thụy Sĩ ủng hộ để Chính phủ Thụy Sĩ hỗ trợ cung ứng vaccine phòng COVID-19 cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX, đồng thời cung cấp các thiết bị y tế, chuyển giao công nghệ nghiên cứu và sản xuất thuốc điều trị COVID-19.
Chủ tịch nước cũng khẳng định Việt Nam sẽ nỗ lực tạo lập môi trường kinh doanh theo cam kết trong các FTA thế hệ mới tiêu chuẩn cao, bao gồm giữ vững ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô; tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế về thể chế pháp luật, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực; phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí về logistics và chi phí hành chính; xây dựng môi trường-chính sách ổn định, có tính dự báo cao, thực thi minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Tại diễn đàn, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống Thụy Sĩ và lãnh đạo các bộ, ngành hai nước đã lắng nghe và giải đáp các vấn đề mà doanh nghiệp hai nước nêu ra.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chia sẻ nhiều thông tin về tiềm năng, cơ hội đầu tư vào Việt Nam như có môi trường vĩ mô ổn định, kinh tế có xu hướng phục hồi khả quan và kim ngạch thương mại hai chiều có thể đạt 600 tỷ USD trong năm nay.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Thụy Sĩ cũng sẽ được hưởng rất nhiều cơ hội khác khi tới làm ăn ở Việt Nam vì Việt Nam đã tham gia 15 hiệp định thương mại, trong đó có nhiều hiệp định quy mô lớn, tiêu chuẩn cao như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU.
Với năm 2021 là năm có “kỷ niệm kép” trong quan hệ Việt Nam-Thụy Sĩ gồm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao và 30 năm hợp tác phát triển, Chủ tịch nước nhấn mạnh quan hệ hai nước đã trải qua nhiều thử thách, cùng nhau tiến lên như hai người bạn đồng hành đáng tin cậy với nhiều kết quả hợp tác ấn tượng trên nhiều lĩnh vực./.
Nguyễn Quang Vũ / TTXVN/Vietnam+