Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Phần Lan

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối để Phần Lan tăng quan hệ với ASEAN và mong muốn Phần Lan tiếp tục ủng hộ Việt Nam tăng hợp tác toàn diện với EU.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Phần Lan Jussi Halla-aho.
Ảnh: Nhan Sáng/ TTXVN

Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Phần Lan Jussi Halla-aho thăm chính thức Việt Nam từ ngày 24-26/3.

Sáng 25/3, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì lễ đón chính thức Chủ tịch Quốc hội Jussi Halla-aho.

Sau lễ đón, hai bên tiến hành hội đàm.

Thay mặt Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội nồng nhiệt chào mừng Ngài Jussi Halla-aho và Đoàn sang thăm chính thức Việt Nam. Nhấn mạnh đây là chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Phần Lan sau 14 năm, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng rằng chuyến thăm lần này của Ngài Chủ tịch sẽ là dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước.

Chủ tịch Quốc hội Jussi Halla-aho vui mừng thăm chính thức Việt Nam, cho biết năm 2023 khi hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Phần Lan đã đón nhiều đoàn đại biểu cấp cao và các cấp của Việt Nam.

Nhấn mạnh chuyến thăm Phần Lan của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ năm 2021 đã góp phần mở ra nhiều cơ hội mới cho hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp, thúc đẩy thương mại, hợp tác hai nước; cho biết Quốc hội Phần Lan có nhóm nghị sỹ với ASEAN, hợp tác trong khuôn khổ Liên minh châu Âu (EU), Liên minh Nghị viện thế giới (IPU).

Chủ tịch Quốc hội Jussi Halla-aho bày tỏ vui mừng khi hai nước có sự chuyển dịch từ viện trợ phát triển sang hợp tác phát triển, đẩy mạnh hợp tác thương mại trên cơ sở hai bên cùng có lợi.

Cho rằng đây là bước phát triển tốt trong quan hệ song phương, ngài Jussi Halla-aho nhấn mạnh Việt Nam là một trong những đối tác thương mại quan trọng trong ASEAN của Phần Lan.

50 năm qua, kim ngạch thương mại hai nước có sự gia tăng lớn.Chủ tịch Quốc hội Jussi Halla-aho cho biết Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA) đã được Quốc hội Phần Lan phê chuẩn.

Cùng với đó, Phần Lan còn có riêng một Hiệp định bảo hộ đầu tư sản phẩm với Việt Nam. Hai bên còn nhiều tiềm năng hợp tác, trong đó có lĩnh vực năng lượng, công nghệ thông tin, giáo dục…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Phần Lan Jussi Halla-aho.
Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Phần Lan; hài lòng nhận thấy hợp tác hai nước phát triển tích cực, đặc biệt về chính trị-ngoại giao, kinh tế-thương mại, hợp tác phát triển, giáo dục-đào tạo…

Hoan nghênh hai nước có nhiều hoạt động ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao năm 2023 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên tiếp tục thúc đẩy các hoạt động trao đổi đoàn, bao gồm đoàn cấp cao và cấp bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương hiện có.

Phần Lan ủng hộ tăng cường quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với các chính đảng Phần Lan qua các hình thức hợp tác phù hợp. Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự hợp tác hiệu quả và ủng hộ lẫn nhau giữa hai nước trên các diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên hợp quốc; cảm ơn và đề nghị Phần Lan tiếp tục ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện với Liên minh châu Âu (EU).

Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối để Phần Lan tăng cường quan hệ với ASEAN. Cơ quan hữu quan hai nước phối hợp chặt chẽ, khai thác tối đa những lợi ích từ Hiệp định EVFTA, tăng cường kết nối thương mại-đầu tư.

Theo Chủ tịch Quốc hội, kim ngạch song phương gần 380 triệu USD năm 2023 còn khiêm tốn so với tiềm năng; khẳng định Việt Nam sẵn sàng tạo thuận lợi để đẩy mạnh hợp tác thương mại, mong Phần Lan tiếp tục tạo thuận lợi cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Phần Lan (sản phẩm sắt thép, máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải và phụ tùng, hàng dệt may và nguyên phụ liệu dệt, may, da giày...).

Cảm ơn Quốc hội Phần Lan đã phê chuẩn Hiệp định EVIPA, Chủ tịch Quốc hội mong Phần Lan tiếp tục tác động để những Nghị viện còn lại trong EU sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định này.

Theo Chủ tịch Quốc hội, EVIPA sẽ mở ra cơ hội hợp tác mới cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước nhất là trong các lĩnh vực giàu tiềm năng như kinh tế xanh, chuyển đổi số, công nghệ cao, viễn thông, năng lượng tái tạo, môi trường, xử lý nước, công nghệ rừng, công nghệ thông tin-truyền thông, đô thị thông minh.

Cùng với đó, Phần Lan ủng hộ việc Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, qua đó hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời người tiêu dùng châu Âu tiếp cận hàng thủy sản chất lượng tốt với giá cạnh tranh.

Quốc hội Việt Nam đã thông qua hàng loạt đạo luật, trong đó có việc kiểm soát, chống khai thác hải sản bất hợp pháp. Việc này là vì lợi ích thiết thực cho bản thân Việt Nam, vì sự phát triển bền vững, cũng như thực hiện cam kết tại COP26.

Quốc hội Việt Nam đánh giá cao hai bên đã ký Hiệp định khung giữa hai Chính phủ về các dự án được tài trợ trong Chương trình đầu tư công của Phần Lan và Báo cáo đánh giá quá trình chuyển đổi ở Việt Nam vào tháng 6/2021, tạo khuôn khổ cho triển khai các dự án sử dụng ODA, vay ưu đãi do Chính phủ Phần Lan tài trợ, góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.

Cho rằng hiện số lượng sinh viên Việt Nam ở Phần Lan khá đông, là nguồn lực quan trọng của Việt Nam trong thực hiện mục tiêu phát triển, Chủ tịch Quốc hội mong Phần Lan quan tâm, thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này; giúp đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; hỗ trợ chuyên gia về chương trình giáo dục phổ thông; hợp tác lao động (công nghệ thông tin, y tế, giáo dục, nông nghiệp...).

Phần Lan tiếp tục hỗ trợ nguồn lực cho Việt Nam để phát triển Hệ thống quản lý thông tin ngành Lâm nghiệp (FORMIS), tăng cường năng lực trong quản trị rừng, trong đó có thực thi công ước CITES.

Phần Lan phối hợp với EU tiếp tục hỗ trợ Việt Nam triển khai Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi luật bảo vệ và phát triển rừng, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT), thúc đẩy xuất khẩu gỗ hợp pháp từ Việt Nam sang EU.

Việt Nam đã ban hành Quy hoạch điện VIII, trong đó có phát triển năng lượng tái tạo, Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên chủ động phổ biến thông tin tới cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức chương trình xúc tiến hợp tác thương mại và đầu tư giữa Phần Lan và các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan Việt Nam để thúc đẩy đầu tư, chuyển giao công nghệ của Phần Lan cho Việt Nam, giúp thúc đẩy phát triển các ngành năng lượng, công nghiệp tại Việt Nam.

Phần Lan hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực đào tạo cán bộ, phối hợp triển khai hoạt động nhân đạo, gìn giữ hòa bình ở nước ngoài; tăng cường hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội trân trọng cảm ơn Chính phủ và Quốc hội, người dân Phần Lan đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt và mong Phần Lan tiếp tục tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam yên tâm sinh sống, học tập, ổn định cuộc sống tại Phần Lan, đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.

Tại hội đàm, hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng về quan hệ hợp tác giữa Quốc hội hai nước được duy trì tốt đẹp thông qua trao đổi đoàn cấp Lãnh đạo và các Cơ quan của Quốc hội.

Trong khuôn khổ hợp tác đa phương, hai Bên duy trì tiếp xúc, phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn nghị viện khu vực và quốc tế như Liên minh nghị viện thế giới (IPU), Hội nghị Đối tác Nghị viện Á-Âu (ASEP).

Hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác trên kênh ngoại giao nghị viện; tăng cường trao đổi đoàn lãnh đạo cấp cao và các Ủy ban chuyên môn của Quốc hội, tăng cường giao lưu nghị sĩ, trong đó có Nhóm nghị sỹ Việt Nam-Phần Lan, trong quan hệ với ASEAN, nghị sỹ nữ, nghị sỹ trẻ; trao đổi kinh nghiệm trong tổ chức và hoạt động nghị viện nhằm tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội và cơ quan giúp việc.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Quốc hội hai nước tăng cường giám sát việc thực hiện có hiệu quả các điều ước quốc tế, thỏa thuận hợp tác đã ký giữa Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương hai nước; ủng hộ và tăng cường kết nối, hợp tác giữa các doanh nghiệp, địa phương hai nước; hoàn thiện cơ chế, hành lang pháp lý tạo thuận lợi cho hợp tác giữa cơ quan chức năng, doanh nghiệp hai nước.

Cùng với đó tiếp tục phát huy cơ chế phối hợp chặt chẽ, tăng cường tham vấn, trao đổi thông tin, phối hợp ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Hội nghị Đối tác nghị viện Á-Âu (ASEP)...

(Theo TTXVN)


Các tin khác

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm