Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phấn đấu đưa đối ngoại và ngoại giao trở thành một động lực mạnh mẽ cho phát triển đất nước

Chiều ngày 18/12, sau 5 ngày làm việc chính thức, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 với chủ đề "Ngoại giao Việt Nam tiên phong, toàn diện, hiện đại, chủ động thích ứng, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng" đã bế mạc dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu bế mạc Hội nghị Ngoại giao 31. Ảnh: Tuấn Anh

Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 diễn ra trong năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết của Đại hội XIII và đặc biệt là ngay sau Hội nghị Đối ngoại toàn quốc lần đầu tiên được Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo tổ chức và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp và phát biểu chỉ đạo với các đại biểu, các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về dự Hội nghị.

Đây cũng là lần đầu tiên phiên khai mạc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 với sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20 được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến, phù hợp với bối cảnh dịch Covid-19.

Trong khuôn khổ Hội nghị lần đầu tiên diễn ra Hội nghị về công tác xây dựng Đảng và công tác Đảng ngoài nước dưới sự chủ trì của Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh tham dự và phát biểu chỉ đạo tại phiên họp toàn thể về xây dựng ngành với chủ đề "Đổi mới sáng tạo hướng tới xây dựng ngành Ngoại giao chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại".

Trong các phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đều đánh giá công tác đối ngoại luôn là điểm sáng trong những thành tựu chung của đất nước, trong đó, Bộ Ngoại giao đã góp phần quan trọng, xứng đáng.

Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều thay đổi, “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” với những mục tiêu phát triển mới, yêu cầu mới đặt ra cho đối ngoại và hội nhập quốc tế sẽ phải cao hơn về chất lượng hiệu quả, sâu rộng hơn về lĩnh vực và lực lượng tham gia, đồng bộ chặt chẽ hơn về phối hợp, chủ động tích cực hơn trong triển khai.

Trong phát biểu bế mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn bày tỏ cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước cùng các ý kiến đóng góp quý báu của lãnh đạo các ban, bộ, ngành và địa phương tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31.

Theo người đứng đầu ngành Ngoại giao, Hội nghị với 20 phiên họp, trong đó có 9 phiên chuyên đề trực tuyến trước Hội nghị, đã phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, tranh thủ được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, trí tuệ của đông đảo đại biểu trong và ngoài ngành về các nội dung quan trọng của công tác đối ngoại, nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động đối ngoại.

Trên cơ sở đánh giá thuận lợi, khó khăn trong triển khai đối ngoại trong giai đoạn tới, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định ngành Ngoại giao sẽ bám sát đường lối đối ngoại Đại hội XIII, các chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc và Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 để triển khai đồng bộ, hiệu quả tất cả trụ cột, binh chủng ngoại giao, trong đó ngoại giao phục vụ phát triển đất nước là nhiệm vụ trung tâm, xuyên suốt mọi hoạt động đối ngoại; phấn đấu đưa đối ngoại và ngoại giao trở thành một động lực mạnh mẽ cho phát triển đất nước.

Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đối ngoại trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, Bộ trưởng đề nghị ngành Ngoại giao phát huy truyền thống vẻ vang, thành tựu đối ngoại, thế và lực mới của đất nước, bản sắc ngoại giao Việt Nam trên nền tảng bản sắc ngoại giao dân tộc và tư tưởng Ngoại giao Hồ Chí Minh; nêu cao đoàn kết, chung sức, chung lòng, trong-ngoài phối hợp chặt chẽ, giữ vững bản lĩnh, quyết tâm khắc phục khó khăn, khuyến khích và đẩy mạnh tư duy đổi mới, sáng tạo, tìm cách làm mới, hướng đi mới có hiệu quả cao hơn

Cũng trong phiên bế mạc, Hội nghị đã thông qua Nghị quyết và Chương trình hành động, trong đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm đối ngoại của ngành Ngoại giao không chỉ cho 2-3 năm tới, mà cả tầm nhìn đến năm 2025 và 2030 gắn với Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030 của đất nước.

(Theo baoquocte.vn)


Các tin khác

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm