Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đan Mạch coi trọng vai trò của Việt Nam trong hợp tác Chuyển đổi Xanh

Đại sứ Lương Thanh Nghị cho rằng quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh Việt Nam-Đan Mạch cho thấy Đan Mạch ghi nhận và coi trọng vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trong hợp tác ở cấp độ toàn cầu.

 Đại sứ Việt Nam tại Đan Mạch Lương Thanh Nghị.  Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN

Nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen thông qua tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh Việt Nam-Đan Mạch, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại châu Âu có cuộc trao đổi với Đại sứ Việt Nam tại Đan Mạch Lương Thanh Nghị về ý nghĩa của việc hai nước nâng cấp quan hệ cũng như tiềm năng hợp tác trong thời gian tới.

Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

- Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa của việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược Xanh giữa Việt Nam và Đan Mạch?

Đại sứ Lương Thanh Nghị: Ngày 1/11 vừa qua, cũng trùng vào thời điểm kỷ niệm 52 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối tác toàn diện, Thủ tướng hai nước đã thông qua tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh Việt Nam-Đan Mạch với 10 nhóm lĩnh vực hợp tác có tính chất bao trùm, có ý nghĩa không chỉ với sự phát triển bền vững của Việt Nam mà còn thể hiện cam kết và quyết tâm của hai nước trong việc chung tay giải quyết một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại hiện nay, đó là biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường.

Tôi cho rằng việc hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Xanh sẽ mở ra một chương mới trong quan hệ hợp tác Việt Nam-Đan Mạch và có một số ý nghĩa cụ thể như sau:

Thứ nhất, việc thiết lập Đối tác Chiến lược Xanh thể hiện bước phát triển thực chất của quan hệ truyền thống, hữu nghị Việt Nam-Đan Mạch, cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, vừa có tính toàn diện, vừa có ý nghĩa chiến lược do những nội dung, lĩnh vực hợp tác trong khuôn khổ quan hệ mới không chỉ có tính kế thừa những nội dung hợp tác đang được triển khai rất hiệu quả hiện nay mà còn đặt trọng tâm vào các vấn đề phát triển của tương lai, cụ thể là tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Đây cũng là những nội dung có tính dài hạn và ưu tiên cao trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ hai, việc thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh Việt Nam-Đan Mạch cho thấy Đan Mạch ghi nhận và coi trọng vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trong hợp tác ở cấp độ toàn cầu liên quan đến tiến hành chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Đến nay, Việt Nam là một trong năm nước mà Đan Mạch thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Xanh (bên cạnh Ấn Độ, Hàn Quốc, Nam Phi và Australia).

Bên cạnh đó, việc một quốc gia đi đầu về chuyển đổi xanh như Đan Mạch thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh với Việt Nam cũng sẽ góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam và minh chứng cho các cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (SDGs) của Liên hợp quốc.

Trong quá trình phối hợp với các cơ quan để xây dựng nội dung, chương trình cho việc thiết lập khuôn khổ quan hệ mới, phía Đan Mạch đánh giá rất cao khát vọng và quyết tâm của Việt Nam trong tiến hành chuyển đổi xanh như cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên Tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP26).

Một ví dụ cụ thể là trong nhiều yếu tố giúp tập đoàn Lego nhanh chóng đưa ra quyết định xây dựng nhà máy trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới trị giá hơn 1 tỷ USD tại Bình Dương thì các cam kết và quyết tâm của Việt Nam trong Chuyển đổi Xanh và phát triển bền vững là một trong những yếu tố có tính quyết định.

Ngày 1/11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đã đồng chủ trì buổi lễ trực tuyến tuyên bố thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh (GSP) giữa hai nước.
Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thứ ba, Đan Mạch là một trong những quốc gia đi đầu thế giới về Chuyển đổi Xanh, vừa có công nghệ, vừa có kinh nghiệm quản lý và xây dựng thể chế, chính sách và vừa có vốn, nguồn lực đầu tư cho thúc đẩy hợp tác quốc tế về chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.

Qua nghiên cứu và tìm hiểu, tôi được biết Đan Mạch hiện đang nghiên cứu và phát triển một số công nghệ xanh mà nhiều quốc gia có trình độ khoa học kỹ thuật hàng đầu trên thế giới cũng có nhu cầu hợp tác, cùng phát triển.

Đan Mạch cũng là một trong những quốc gia tiến hành chuyển đổi năng lượng từ rất sớm kể từ cuộc khủng hoảng năng lượng năm 1973. Vì vậy, đến nay sau 50 năm, Đan Mạch đã thu được nhiều kinh nghiệm về quản lý, xây dựng chính sách, hoàn thiện thể chế phục vụ mục tiêu chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, Đan Mạch hiện có cam kết đầu tư rất lớn về nguồn lực cho thúc đẩy hợp tác về tăng trưởng xanh và hiện đang sở hữu một trong những quỹ đầu tư lớn nhất thế giới về phát triển năng lượng tái tạo. Đây đều là các yếu tố mà Việt Nam có thể tận dụng nhằm hiện thực hoá các mục tiêu về tiến hành Chuyển đổi Xanh, đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Thứ tư, tôi tin rằng việc thiết lập khuôn khổ mới cho hợp tác liên quan đến Chuyển đổi Xanh và phát triển bền vững giữa hai nước sẽ có giá trị lan toả tích cực, không chỉ mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp Đan Mạch tiếp tục có các dự án đầu tư xanh vào Việt Nam mà còn có ý nghĩa trở thành hình mẫu mới về hợp tác, khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài khác tìm đến thiết lập, mở rộng đầu tư, kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam theo đúng tinh thần chỉ đạo chuyển trọng tâm thu hút đầu tư nước ngoài từ số lượng sang chất lượng, ưu tiên các dự án chất lượng cao, có giá trị lan toả được đưa ra tại Đại hội XIII của Đảng.

- Đại sứ đánh giá thế nào về tiềm năng hợp tác giữa hai nước sau khi thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh?

Đại sứ Lương Thanh Nghị: Nhìn lại lịch sử, Đan Mạch là một trong số ít nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (năm 1971).

Đến năm 2011, hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trong một số lĩnh vực hợp tác, cụ thể là biến đổi khí hậu, năng lượng, môi trường và tăng trưởng xanh. Đến năm 2013, hai nước nâng cấp quan hệ lên khuôn khổ Đối tác toàn diện và đến năm 2023, hai nước chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Xanh.

Như vậy có thể thấy quan hệ Việt Nam-Đan Mạch đã ngày càng được củng cố, tăng cường, có những bước phát triển thực chất cả về chiều rộng lẫn chiều sâu vì lợi ích của mỗi nước, đạt được rất nhiều kết quả tích cực trong các lĩnh vực như chính trị-ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư, trong một số hợp tác chiến lược ngành cụ thể như năng lượng, môi trường, nông nghiệp, y tế, thống kê...

Trên cơ sở khuôn khổ quan hệ mới, tôi cho rằng triển vọng hợp tác giữa hai nước là rất tích cực, tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn, có nhiều dư địa để phát triển, không chỉ giúp làm sâu sắc, cụ thể hơn các lĩnh vực hợp tác đang được triển khai hiệu quả mà còn mở ra những hướng hợp tác mới như Chuyển đổi Xanh, Chuyển đổi Số, phát triển năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, y tế xanh, kinh tế tuần hoàn... đều là những lĩnh vực có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của Việt Nam trong tương lai.

 Ngày 16/3/2023, tại Hà Nội, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức hội thảo với chủ đề "Thúc đẩy phát triển ngành điện gió ngoài khơi Việt Nam: Kinh nghiệm quốc tế và các gợi ý chính sách". Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Như tôi đã đề cập, các nội dung hợp tác trong khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh giữa hai nước đều là những lĩnh vực rất cụ thể mà phía Đan Mạch có thế mạnh và ta có nhu cầu.

Chính vì vậy nếu tận dụng có hiệu quả khuôn khổ quan hệ mới này sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho Việt Nam trong việc dần đưa đất nước từ một nền kinh tế phụ thuộc vào năng lượng hoá thạch như hiện nay chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, trở thành một nền kinh tế xanh, tuần hoàn, bền vững và đây cũng là xu thế phát triển chung của thế giới hiện nay.

Ngay từ khi hai nước chưa thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh, nhân chuyến thăm của Thái tử kế vị Đan Mạch Frederik tháng 11/2022, một số địa phương và doanh nghiệp hai nước đã ký Biên bản Ghi nhớ Hợp tác trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi, cùng tham gia chuỗi cung ứng phát triển năng lương lượng tái tạo (như hợp tác giữa Orsted, CIP với PTSC của Việt Nam cung cấp chân đế, trạm biến áp ngoài khơi), đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu và phát triển... hay các tập đoàn hàng đầu Đan Mạch như LEGO, Pandora... đầu tư vào Bình Dương, Spectre đầu tư vào An Giang trong các dự án xanh.

Do vậy, tôi tin rằng việc thiết lập một khuôn khổ hợp tác ở tầm cao mới sẽ giúp mở ra nhiều cơ hội hợp tác cho các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp của hai nước một cách hiệu quả, và ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất hơn nữa.

- Thưa Đại sứ, hai nước cần làm gì để có thể tận dụng được những giá trị mà quan hệ Đối tác chiến lược Xanh mang lại vì lợi ích của mỗi nước?

Đại sứ Lương Thanh Nghị: Sau khi Thủ tướng hai nước thông qua tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh, khuôn khổ quan hệ mới đã được thiết lập. Tôi tin rằng trên cơ sở chỉ đạo sát sao của lãnh đạo hai nước, hai bên sẽ sớm xây dựng chương trình hành động cụ thể để có thể triển khai các nội dung hợp tác một cách hiệu quả trong thời gian sớm nhất.

Về mặt xây dựng thể chế liên quan đến hợp tác về chuyển đổi xanh, Đan Mạch là quốc gia có nhiều kinh nghiệm trên cơ sở 50 năm tiến hành chuyển đổi năng lượng. Việt Nam có thể tham khảo, học hỏi kinh nghiệm của Đan Mạch để áp dụng phù hợp với đặc điểm, hoàn cảnh và thực tiễn của đất nước trong việc xây dựng, ban hành cách chính sách, khung pháp lý cho việc thúc đẩy hợp tác liên quan đến Chuyển đổi Xanh, Chuyển đổi Số, phát triển năng lượng tái tạo...

Các chính sách, chủ trương cần thể hiện đậm nét vai trò định hướng, dẫn dắt của chính phủ, vai trò tích cực của các bộ, ngành, địa phương và vai trò chủ động, thích ứng của các doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái (trái) tham gia trồng cây cùng lãnh đạo Tập đoàn LEGO, tại nhà máy LEGO ở tỉnh Bình Dương ngày 15/9/2023. Ảnh: Huyền Trang/TTXVN

Về các lĩnh vực hợp tác cụ thể, tôi cho rằng hai bên cần tiếp tục làm sâu sắc, thúc đẩy hợp tác có hiệu quả hơn nữa các lĩnh vực đã có hiện nay, đồng thời mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực như sản xuất, phát triển năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, y tế, vận tải và logistics, Chuyển đổi Số, đổi mới sáng tạo... để tận dụng các thế mạnh của Đan Mạch, đáp ứng được nhu cầu phát triển của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần ưu tiên thúc đẩy hợp tác trong một số lĩnh vực có tính đột phá, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể như phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện gió ngoài khơi, do đây là lĩnh vực mà Việt Nam vừa có nhu cầu, vừa có tiềm năng phát triển trên cơ sở các ưu đãi thiên nhiên về địa hình, khí hậu trong khi Đan Mạch là nước có quyết tâm rất cao trong tiến hành Chuyển đổi Xanh, lại có trình độ khoa học, công nghệ, vốn và kinh nghiệm quản lý, ban hành chính sách trong lĩnh vực này đồng thời Đan Mạch cũng đặc biệt coi trọng và đánh giá cao khát vọng phát triển bền vững của Việt Nam.

Mặc dù là nước nhỏ chỉ với khoảng 6 triệu dân nhưng Đan Mạch là quốc gia có trình độ phát triển cao hàng đầu thế giới, thậm chí dẫn đầu trong một số lĩnh vực, có thể kể đến như phát triển điện gió ngoài khơi, công nghệ chuyển đổi năng lượng, công nghệ truyền tải, lưu trữ năng lượng tái tạo, công nghệ lượng tử...

Đây đều là các lĩnh vực mà ngay cả nhiều nước có trình độ khoa học, công nghệ hàng đầu trên thế giới cũng có nhu cầu hợp tác phát triển cùng Đan Mạch. Do đó, nếu Việt Nam có thể tận dụng được đà phát triển của quan hệ hai nước để đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực nói trên sẽ góp phần đóng góp thiết thực cho sự phát triển bền vững của đất nước.

- Trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Mạnh Hùng / TTXVN/Vietnam+


Các tin khác

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm