A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tình người nơi chiến sự miền Đông Ucraina

Với khát khao cháy bỏng được đến tận nơi thăm và tìm hiểu những khó khăn vất vả của bà con ta nơi vùng chiến sự miền Đông, nhà báo Đỗ Quang Hạnh đã khiến chúng tôi thêm phấn chấn, không cảm thấy thấy mệt mỏi dù đường đi không được thuận lợi…

Người Việt ở Mariupol hết lòng vì mọi người

Được Đại sứ quán Việt Nam tại Ucraina tạo điều kiện, thêm vào đó là sự hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp của Tập đoàn Sungroup và Hội người Việt Nam thành phố Kharkov, Đoàn chúng tôi gồm nhà báo Đỗ Quang Hạnh – Trưởng Ban Văn hoá Thể thao Báo Lao Động từ Việt Nam sang công tác, Nguyễn Hoàng Nam – Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam thành phố Kharkov và phóng viên Mai Anh – Báo Tuần Tin Quê Hương của cộng đồng người Việt tại Ucraina, sau một chặng đường dài đã đặt chân đến thành phố Mariupol nằm bên bờ biển Azov, miền Đông Ucraina, nơi có gần 30 gia đình người Việt đang làm ăn sinh sống.

Xuất phát từ Kharkov lúc hơn 7 giờ sáng, vào đến thành phố Mariupol lúc gần 3 giờ chiều, đoàn chúng tôi vội vã tới ngay khu chợ nằm trong thành phố có đường tàu điện ngay sát bên cạnh, nơi bà con ta tập trung buôn bán. Rất tiếc là khi tới nơi thì bà con ta đã dọn hàng về gần hết. Vì có kế hoạch ngày hôm sau sẽ đi Đonetsk, nên chúng tôi tranh thủ nhờ anh Tuấn – một người thông thạo thung thổ Mariupol - dẫn tới những nơi ghi lại dấu tích những ngày nóng bỏng đã qua tại thành phố Mariupol.



Gia đình anh chị Thư – Nghĩa


Quây quần bên mâm cơm nhà anh chị Thư - Nghĩa và vợ chồng anh Trịnh Văn Tiên – Phó Chủ tịch Hội người Việt thành phố Đonetsk và con trai đang sơ tán tại đó, tới thăm gia đình anh chị Thái – Hồng tối hôm đó, rồi cả nửa ngày hôm sau gặp gỡ bà con ngoài chợ… đoàn chúng tôi đã chứng kiến, cảm nhận và ghi lại những câu chuyện, những hình ảnh hết sức cảm động về tình người nơi chiến sự.

Đó là chuyện về gia đình anh chị Thư -  Nghĩa quê ở Thái Nguyên. Chị Nghĩa sang lao động ở nhà máy dệt bông vải sợi thành phố Đonetsk, đã chuyển về làm ăn sinh sống tại Mariupol từ lâu. Trong thời gian vừa qua, khi chiến sự căng thẳng ở Đonetsk, gia đình anh chị đã đón các gia đình sơ tán về và thu xếp nơi ăn chốn ở cho mọi người chu đáo. Gia đình anh chị Thái – Hồng, anh quê Vĩnh Long, chị ở Tiền Giang, cùng 9 người khác được coi là dân “gốc” vì đã sang Mariupol lao động ở Nhà máy luyện kim Ilyicha từ năm 1988, lập gia đình và ở lại làm ăn sinh sống. Cũng do là dân gốc và khả năng quán xuyến, tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát nên chị Hồng, anh Thái cùng anh Ngô Đình Nhân Sơn - quê ở Tiền Giang, một người điềm đạm, chín chắn và hết sức tin cậy đối với bà con - đã tự nguyện đứng ra lo toan công việc cũng như những sinh hoạt có tính chất gắn kết cộng đồng, hướng về quê hương đất nước. Trong những ngày vừa qua, các anh chị không chỉ lo thu xếp, giúp đỡ cho bà con mình sơ tán từ Đonetsk về như nơi ăn chốn ở, cho mượn điểm bán hàng với gia đình quá khó khăn, mà còn giúp đỡ cả những người dân bản xứ khi họ sơ tán về Mariupol.



Gia đình anh chị Thái – Hồng


Chị Hồng mộc mạc kể: “Chứng kiến những người dân bản xứ nheo nhóc khổ sở, nhiều người phải trải tạm những tấm vải ở bên bờ biển để làm chỗ nghỉ, xếp hàng nhận đồ cứu trợ…, bà con mình thương quá nên kêu gọi nhau cùng quyên góp, người mang đồ ăn, người mang quần áo, giầy dép, vật dụng tới giúp. Những người Ucraina bán hàng trong chợ thấy thế cũng xin chuyển giúp cả cho họ, vì vậy lúc đầu chỉ là chuyện xách tay tới giúp nhưng về sau đều phải nhờ cậy anh Sơn chở bằng xe nhiều lần mang tới giúp họ ...”. Cũng chính vì “Tây còn giúp được” nữa là đồng bào cùng quê hương đất nước mình, nên các gia đình ở Mariupol đã coi là lẽ tự nhiên, rất vui vẻ và giúp đỡ mọi người bằng cả tấm chân tình. Có gia đình như nhà anh Nguyễn Văn Biền, nhà chật nhưng vẫn đón thêm hai gia đình về nhà mình ở, dù rằng thêm người là có những khó khăn rất tế nhị. “Căn hộ chỉ có duy nhất một nhà vệ sinh, buổi sáng hơn chục con người phải xếp hàng chờ tới lượt, mọi người còn nói vui, cứ như ở trại lính vậy... ”. Nhiều gia đình mặc dù có con nhỏ nhưng vẫn nhiệt tình đón các gia đình về ở cùng như gia đình anh chị Châu – Trang, gia đình chị Cảnh... Có những gia đình đón người về ở cùng khi thấy gia đình họ quá khó khăn đã giúp đỡ hết các chi phí như nhà anh chị Tâm – Hữu v.v.

Với tình thương, sự đồng cảm và tấm lòng rộng mở, những gia đình ở Mariupol đã bằng nhiều cách lo toan giúp đỡ cho bà con mình từ Đonetsk sơ tán về. Để có thể đáp ứng ngay nơi ở tạm và tiết kiệm được tiền cho những gia đình đi sơ tán, các gia đình anh chị Tài – Đèo, Tiến – Mai, Tống – Bo và chị Liên, anh Tâm… trong hơn một tuần, cứ sau giờ chợ lại đi xuống khu nhà của bà trông trẻ nhà anh chị Tài – Đèo cho mượn để quét dọn, sửa sang và mang đồ đạc đến chuẩn bị sẵn sàng đón bà con sơ tán về.


 Gian hàng nhà anh Ngô Đình Nhân Sơn


Khi đoàn cứu trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Ucraina và đại diện cộng đồng mang đồ cứu trợ tới các tỉnh miền Đông, bà con mình ở Mariupol cũng được nhận quà cứu trợ là tiền và mì tôm. Bà con đã nhận tiền và mì tôm để tặng lại cho những người khó khăn hơn. Nhận mì cũng đã là nhận sự quan tâm, giúp đỡ của Đại sứ quán và những tấm lòng của bà con cộng đồng ở các nơi giành cho những người ở vùng chiến sự...”. Và những thùng mì tôm lại được mọi người góp lại để chuyển cho những gia đình hay những hoàn cảnh đang gặp khó khăn.



Các anh chị em cùng bán hàng


Cộng đồng
người Việt ở Đonetsk

Dù biết cứ cách 15 phút lại có một chuyến xe từ Mariupol tới Đonetsk và nếu “thuận buồm xuôi gió” thì chỉ hai tiếng đồng hồ là đã có mặt ở bên cộng đồng mình, nơi đang xảy ra chiến sự. Nhưng thật tiếc, do điều kiện và hoàn cảnh không cho phép, đoàn chúng tôi đã không tới được Đonetsk. Khỏi phải nói nhà báo Đỗ Quang Hạnh đã thất vọng và buồn rầu thế nào khi mong muốn, khát khao của anh không thực hiện được. Nhưng có lẽ những câu chuyện, những suy nghĩ, tâm tư của bà con ta ở Đonetsk được anh Trịnh Văn Tiên – Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam thành phố Đonetsk - và những gia đình bà con ta sơ tán về đang buôn bán tại chợ ở Mariupol kể lại, cũng làm anh nguôi ngoai ít nhiều.


 Anh Trịnh Văn Tiên và quà cứu trợ sẽ mang về Đonetsk


Đó là chuyện chuân chuyên của những thùng mì tôm cứu trợ. Anh Tiên kể, khi Hội người Việt Nam tỉnh Kharkov trao quà cứu trợ cho bà con ở Đonetsk và các vùng lân cận, những gia đình đang sơ tán ở thành phố Kharkov hay Odessa, những nơi có điều kiện hơn bà con chỉ nhận phần tiền, còn những thùng mì tôm thì họ góp lại để anh Tiên chuyển thêm cho bà con đang gặp khó khăn nơi chiến sự. Ngặt nỗi thời gian này do đi lại khó khăn nên những xe chở hàng phải đi xa và ít chuyến hơn, số hàng được gửi theo xe hạn chế hơn, nên mỗi lần anh Tiên hoặc các anh trong Ban chấp hành Hội đi công việc hay lấy hàng về lại tranh thủ mang theo 2 đến tối đa là 4 thùng mì tôm về cho bà con.

Cũng như vậy, đợt cứu trợ vừa qua của Đại sứ quán Việt Nam tại Ucraina và cộng đồng ở Kiev khi đưa tới Mariupol thì anh Tiên cũng thay mặt bà con nhận 93 xuất quà trực tiếp cho những gia đình ở Đonetsk và các vùng lân cận. Và thế là anh Tiên lại cần mẫn làm cái việc như anh nói “kiến tha lâu cũng đầy tổ” - mỗi lần là hai thùng mì tôm, mang nhiều không được và lại còn mất tiền cước nữa. Từ Kharkov về cũng vậy. Thế mà rồi cũng gần hết, chỉ còn một ít nữa là xong, cả ở Kharkov và Mariupol này. Anh Tiên nói rằng, dù ít dù nhiều thì cũng phải chuyển đủ quà tới tay bà con, đấy là trách nhiệm của Ban chấp hành Hội mà mình là người nhận lãnh. Chúng tôi càng cảm phục hơn nữa khi biết rằng gia đình anh có bốn người thì vợ và một con sơ tán về Mariupol và bán hàng tại chợ, anh và một con về Đonetsk để cháu đến trường phổ thông ngay khi có lệnh ngừng bắn. Anh tranh thủ đi chợ bán hàng và chạy đi chạy lại như con thoi giữa hai thành phố.


 Chị Hùng – Phòng sơ tán từ Đonetsk về có con đỗ ĐH điểm tuyệt đối


Theo khuyến cáo từ Đại sứ quán, thời gian trước hầu hết mọi người đều đã đi sơ tán, nhưng nay không chỉ một mình nhà anh trở về Đonetsk mà còn có tới trên dưới hai chục gia đình cũng đã về. Có lẽ cuộc sống phải “Ăn nhờ ở đậu” và kinh tế eo hẹp khiến họ phải quyết định như vậy.

Có một điều khiến tôi cảm phục, đó là các gia đình ở Mariupol và Đonetsk đều có con cái ngoan ngoãn, học giỏi và hầu như gia đình nào cũng có con đang học đại học. Gia đình anh chị Phòng – Hùng từ Đonetsk về khiến chúng tôi ngạc nhiên khi cho biết con chị thi đỗ 600 điểm (tối đa cho 3 môn) và được nhận học bổng ở cả hai trường cháu đăng ký, một trường ở thành phố Kharkov và một trường ở Đonetsk. Thật đáng nể phục khi cháu học trong môi trường rất nhiều căng thẳng mà vẫn đạt được kết quả tốt như vậy.

Tất cả các gia đình sơ tán về Mariupol được cộng đồng tại đây giúp đỡ đều chăm chỉ và cố gắng làm ăn. Mọi người đều bày tỏ lòng biết ơn đối với bà con tại Mariupol. Những sự giúp đỡ vô tư với tinh thần nhân ái đầy tình nghĩa làng xóm đồng bào khiến họ thật cảm động và biết ơn. Khi chúng tôi đứng nói chuyện với anh Thập – Đường, anh đã đề nghị nhà báo Đỗ Quang Hạnh đưa những câu chuyện, sự giúp đỡ hết sức vô tư nghĩa tình này lên báo. Anh cho biết lúc đầu sơ tán về, gia đình anh có con nhỏ nên rất khó khăn, may nhờ gia đình anh chị Châu - Trang giúp đỡ nên đã ổn định được cuộc sống, yên tâm làm ăn và giờ đây anh đã coi anh Châu như người anh ruột của mình.

Xin được dùng câu nói của chị Nguyễn Thị Thu Hồng để thay cho lời kết: “Mình và bà con ở đây làm những việc này cũng là “thương người như thể thương thân”, cùng mong muốn lớp con em mình sẽ noi theo những tấm gương, học theo những cách sống có nghĩa có tình, biết yêu thương giúp đỡ mọi người trong cơn hoạn nạn, giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của quê hương đất nước mình... ”

Chia tay các anh chị ra về, cảm giác thật ấm áp và dư vị ngọt ngào của tình người nơi chiến sự mãi đọng lại trong tôi. Cùng các anh chị chúng tôi cũng cầu mong mọi chuyện sẽ sớm ổn định và cuộc sống sẽ bình yên trở lại.

Kiev, 15/10/2014
Mai Anh (từ Ucraina)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu