A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tình đảo tình người

HQ 571 là tàu hiện đại do Việt Nam đóng, có sức chở trên 240 người, chạy êm như ru, như khách sạn di động. Trên tàu, hàng trăm con người đông vui nhộn nhịp như Tết, không có ai say sóng, không một ai lo sợ. Ai cũng mong sao tàu chạy thật nhanh để nhìn thấy huyện đảo Trường Sa, được gặp những con người thật nơi đây mà trước kia chỉ nhìn qua sách báo. Ngoài việc ra thăm huyện đảo Trường Sa, đây cũng là dịp bà con kiều bào giao lưu, gặp gỡ…



Nghệ sĩ Nhân dân Lan Hương thăm hỏi các chiến sĩ hải quân 


Trước khi tham gia đoàn công tác do Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn làm Trưởng đoàn đi thăm quân và dân tại huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa (từ 18-26/4/2014), nếu nghe ai đó nói ra biển khơi không sợ gì hết, tôi không tin và cho là nói phét! Biển rộng mênh mông, không biết đâu là bờ, việc sông nước ai lường hết trước được? Ra biển ít nhiều mỗi người đều có “phương án 2”.

Tàu HQ 571 là tàu hiện đại do Việt Nam đóng, có sức chở trên 240 người, chạy êm như ru, như khách sạn di động. Trên tàu, hàng trăm con người đông vui nhộn nhịp như Tết, không có ai say sóng, không một ai lo sợ. Ai cũng mong sao tàu chạy thật nhanh để nhìn thấy huyện đảo Trường Sa, được gặp những con người thật nơi đây mà trước kia chỉ nhìn qua sách báo. Vì vậy không còn “bộ nhớ” để “lưu” sự lo sợ sông nước nếu có. Ngoài việc ra thăm huyện đảo Trường Sa, đây cũng là dịp bà con kiều bào giao lưu, gặp mặt, trao đổi với nhau những vui buồn, trăn trở ở nơi quê người đất khách và quê hương mình. Với riêng tôi, đây còn là dịp gặp gỡ các nhà báo, nghệ sỹ mà mình mến mộ.

Hải trình kéo dài gần 10 ngày với hơn 1.000 hải lý, các thành viên trong đoàn đến thăm các đảo nổi Song Tử Tây, Sơn Ca, Sinh Tồn, Trường Sa Đông, đảo Trường Sa Lớn và các đảo chìm Đá Nam, Đá Thị, Đá Tây A, Đá Tây C, Len Đao, Đá Lát và hai nhà giàn DK1-17, DK1-18.

Thăm đảo Đá Thị và hành trình trong ngày đã hoàn tất, tàu HQ 571 lại kéo hồi chuông dài báo hiệu nhổ neo, tiếp tục hải trình. Tôi lên boong cao nhất như khán đài A, vừa ngồi xuống chiếu cói thì nghệ sỹ nhân dân Lan Hương và phó giáo sư – tiến sĩ Nguyễn Lân Trung (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội) cùng đến hóng mát, hít thở không khí rất trong lành của biển. Thật tình cờ vì tôi và thầy Lân Trung hôm nay mới biết mặt nhau, trước đó tôi và thầy chỉ biết nhau qua Tạp chí Quê Hương (Bộ Ngoại giao). Khi nào tôi cần chụp ảnh, ngoảnh đi ngoảnh lại thì thấy thầy bên cạnh, thế là tự nhiên thầy thành nhiếp ảnh gia của tôi.

Nghệ sỹ Nhân dân Lan Hương nom rất trẻ so với tuổi của chị, vừa ngồi chị vừa  kể chuyện trên đảo bằng chất giọng ấm áp, đầy cảm xúc như khi chị “đọc truyện đêm khuya” trên Đài tiếng nói Việt Nam:

- Hôm nay trên đảo chìm, em xúc động quá! Có chiến sỹ còn kém tuổi con em ở nhà, cậu ấy đưa cho em cốc nước, rất lễ phép: “Cháu mời cô uống nước”. Em mới bảo: “Cháu ơi! Cô cảm ơn cháu, cô vừa uống trên tàu, ở đảo rất cần nước ngọt cho các cháu, cho bộ đội, cô nhường cho cháu uống!”

Chị Lan Hương đánh hẳn mắt về phía tôi: “Anh biết không? Con trai em cũng bằng tuổi cậu chiến sỹ ấy, mà em suốt ngày phải đi dọn phòng cho con, lười lắm anh ạ!”. Chị xuýt xoa:

- Chao ôi! Sao các chiến sỹ ở đây ngoan thế! Nhìn bộ đội hải quân còn rất trẻ, vì nhiệm vụ phải xa gia đình, thương các cháu quá! - Giọng chị trầm xuống...

Các đảo nổi rất bề thế, đảo nào cũng có cây xanh, có đảo có đường băng máy bay hiện đại. Nhưng ở những đảo chìm, nom xa đảo như cái chòi canh đê quê tôi, ước chừng trải vừa vài chiếu đôi. Nhìn những cây rau muống, cây rau húng, rau mùng tơi, rau cải… tươi tốt trong những thùng xốp, vươn lên với gió biển, không chịu thua nắng gió, mới thấy con người và thiên nhiên hòa trộn trở thành sức sống Trường Sa! Sức mạnh của biển đảo.



Ông Nguyễn Quốc Thanh và con trai 

Đoàn văn công đang diễn và giao lưu với lính đảo, tôi lẻn lên tầng cao nhất, tranh thủ tâm sự với chiến sỹ đang ôm súng đầy cơ số đạn.

- Cháu tên là gì? (Chuyện với tôi nhưng cháu vẫn nhìn ra xa cảnh giới)

- Dạ! Cháu là Ngô Duy Khánh, quê ở Vân Đình, Hà Nội ạ!

- Có người yêu chưa?

- Cháu chưa!

- Ngoài này các cháu thiếu gì nhất?

- Sinh hoạt, ăn uống chúng cháu khá đầy đủ. Xa nhà, xa đất liền... thiếu tình cảm thì chú biết rồi, ở đây chúng cháu chỉ thiếu ngủ, vì phải luôn luôn cảnh giác, mình không thể để bị bất ngờ trong bất kỳ hoàn cảnh nào…

Giọng của Khánh cứng rắn như chính trị viên, truyền cho tôi niềm tin. Trên khuôn mặt xạm nắng gió biển, ánh mắt của người chiến sỹ cùng quê với tôi toát lên niềm vinh quang và tránh nhiệm nặng nề.

Dù là đảo nổi hay đảo chìm, đảo nào tình cảm cũng dạt dào, cả chủ và khách đều không muốn chia tay… cứ ghim vào tôi giây phút đầy quyến luyến. Khi đã trở lại Đức, trở lại với công việc thường ngày, những người lính đảo trẻ trung, đẹp trai, cứ bẽn lẽn trước ống kính lại hiện về trong tôi, nhớ quá! Đó là lúc Thủ trưởng đoàn công tác rất tâm lý, nói ý rằng: đề nghị các cháu văn công tặng các chiến sỹ đảo một nụ hôn. Mặc dù ban ngày ban mặt và lại là “phái yếu”, nhưng các nữ văn công tiến sát vào các chàng trai lính đảo. Ơ kìa! Các chiến sỹ vừa mới đây thôi hiên ngang tuyên bố: “Chấp nhận sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc…”, anh hùng và dũng cảm như vậy, thế mà trước các em xinh đẹp kia, anh nào cũng... lùi! Nhiều em văn công “không tha” mà tiến lên bám sát mục tiêu… ôm bằng được! Chứng kiến giây phút này cứ cười ra nước mắt…

Tại đảo Sinh Tồn, nơi đã sản sinh ra bài “Đợi mưa“ của nhà thơ Trần Đăng Khoa, không khí trên đảo này vui nhất và phong trào văn nghệ sôi nổi nhất, quân và dân tập trung dưới tán cây bàng vuông, cả đảo cùng hát, cả đoàn cùng hát, người lớn trẻ em đều hát nhảy tưng bừng. Nhưng cảm động nhất là nghe cháu Nguyễn Hoàng Trung Hiếu mới 9 tuổi, là công dân của đảo hát bài: “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”. Hiếu hát, tất cả cùng hát, cùng vỗ tay theo Hiếu, tất cả vừa hát vừa khóc, tôi chưa bao giờ thấy vậy! Khi tôi đang trong quân ngũ cũng chưa từng thấy! Không khí vừa vui vừa xúc động, đầy thương mến…

Khi đến đảo Trường Sa Lớn, tôi được anh Đào Xuân Tuyến (báo Công An) giới thiệu gặp chiến sỹ Nguyễn Quốc Đức, con trai của ông Nguyễn Quốc Thanh (là một trong những người kinh doanh thành đạt trên đất Hà thành). Đức là con thứ hai trong gia đình có năm anh chị em. Khi 11 tuổi, Đức được gia đình cho sang Úc du học. Tốt nghiệp phổ thông, thay vì ở lại Úc đầy hứa hẹn hoặc về Thủ đô Hà Nội sống trong nhung lụa, chàng trai 19 tuổi nằng nặc xin đi bộ đội làm lính Trường Sa. Tôi hỏi Đức:

- Bây giờ là lính đảo, cháu có nhớ nhà không?

Bên người bố thân thương luôn nắm chặt tay con cho đỡ nhớ, Đức bảo:

- Lúc mới ra đây, cháu rất nhớ nhà, nhớ bố mẹ, các anh chị. Bây giờ, cháu đã quen rồi, nỗi nhớ bớt đi, nhưng lại thương bố mẹ nhiều hơn!

- Nếu được làm theo ý mình thì ở đảo cháu muốn gì?

- Cháu chỉ muốn năm nào cũng được ăn Tết với gia đình.

- Cháu dự định gì cho tương lai của cháu?

- Cháu muốn phục vụ lâu dài trên đảo và trở thành sỹ quan Hải quân!

Ông Nguyễn Quốc Thanh nói thêm: “Ở Hà Nội, gia đình tôi có thể đáp ứng mọi yêu cầu của cháu, kể cả cháu muốn có ô tô sang… nhưng cháu muốn tự vươn lên. Nhìn thấy con trưởng thành, chững chạc, tôi rất mừng…”.

Nói đến đây, hai cha con ông ôm nhau khóc, những giọt nước mắt của tình cha con, của niềm vui gặp mặt giữa đảo Trường Sa lộng gió…

Thế Sáng (CHLB Đức)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu