A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngày Tết với mẹ và các thầy

Tết nào dù ở đâu tôi cũng khai bút đầu Xuân, năm nào thức ấy. Có khi đang ở một sân bay, ở một phòng khách sạn, tôi cũng lấy bút bi, tờ giấy nhỏ ghi lại nét Xuân và không bao giờ bỏ lỡ khoảnh khắc thiêng liêng của năm mới…

Đón Tết nguyên đán và thưởng thức Xuân - dù đã sinh sống ở nước ngoài hàng chục năm trời - chính là cách lưu truyền, trân trọng phong tục mà ông bà cha mẹ đã dạy và ban tặng cho tôi.



Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chụp ảnh lưu niệm cùng họa sĩ Văn Dương Thành (bên trái) và các đại biểu nữ kiều bào, tháng 11/2013 

Tết bên mẹ

Trước Tết một tháng, mẹ tôi đã rộn ràng mua sắm đồ ăn khô như măng lưỡi lợn, nấm hương, mộc nhĩ… để nấu măng miến chân giò heo, món canh nóng không thể thiếu trong cỗ Tết.

Mấy ngày trước Giao Thừa, những thức khô của núi rừng này đã được ngâm, luộc để nấu cỗ cúng gia tiên những ngày đầu năm mới.

Không kể đến “tám bát, tám đĩa” trong mâm cỗ truyền thống, ngon lành, tươi, bổ, cầu kỳ mà mẹ tôi đã được học từ bà ngoại, tôi còn nhớ mẹ đã được bà ngoại dạy làm bánh, mứt. Ba mẹ tôi sinh được tám nguời con - hai trai và sáu gái. Trừ hai em ở xa, tôi và các chị được mẹ sai đi chợ mua sắm hoa trái, rồi được học làm bánh, mứt. Về sau này, mấy chục năm ở Bắc Âu, tôi vẫn giữ nếp nhà: tỉa hoa, làm mứt Tết. Công phu, tỉ mỉ là thế mà tôi không hề thấy tiếc thời gian.

Mẹ nghiêng mái tóc bạc búi gọn, mái tóc mà khi thả xuống sẽ dày và phủ dài quá lưng, thơm ngát hương mùi, hương sả. Đôi tay mẹ tần tảo gánh vác, cả đời chỉ biết có hi sinh, thờ chồng và nuôi cả đàn con, vậy mà đôi tay mẹ vẫn mềm ấm và khéo léo. Mẹ chọn những trái bí xanh, bánh tẻ (không non) gọt, chẻ thành miếng cỡ to hơn quân cờ, ngâm nước vôi lọc để trong vắt một đêm cho chậu bí được sạch, bí cứng săn lại và trắng tươi. Củ cà rốt, khoai lang, gừng… cũng được chuẩn bị như vậy.

Ngày Tất Niên, mẹ và các con rộn ràng gọt rau quả, pha cắt nhỏ; đôi tay mẹ thoăn thoắt điều khiển cái dao cau (dao tỉa nhỏ, ngắn), tỉa cà rốt, cà chua, bí, đu đủ xanh thành những bông hoa hồng, hoa ngọc lan trắng muốt, những con giống như gà, vịt, heo... Sau khi xào kỹ nhỏ lửa trong chảo đường cát trắng có chút hương vị gừng, mẹ dùng đũa cả bằng tre già đảo nhẹ nhàng. Khi gừng khô, mứt đang nóng hổi, mẹ dùng tay bẻ nhẹ nhàng để nắn sửa cho mỗi vật định hình như hoa hồng đang nở (cà rốt, cà chua); hoa lan nở chúm chím cánh úp vào búp (đu đủ); những chiếc quạt bé xíu xòe nan (đu đủ). Được xếp ra xửng tre đan thưa, món mứt nguội dần. Mẹ lấy cành bưởi non, cành lá chanh gắn nhẹ làm cuống hoa cho mứt. Bày lên đĩa thật đẹp, hoa đỏ, vàng, lá xanh, bông trắng giữa các con giống hoa quả bé xinh ngộ nghĩnh. Mứt được dâng cúng tổ tiên vào đêm Giao Thừa và sáng Mùng Một Tết Nguyên Đán rồi để mừng tuổi cho các con và họ hàng.

Những năm đón Tết ở Thụy Điển, tôi cũng tự làm mứt Tết như mẹ. Khách đến thăm nhà, ai cũng xin đem mứt này về làm kỷ niệm. Những con giống xinh được họ trưng bày trong phòng khách và để được đến một tháng. Người nước ngoài rất trân trọng những tác phẩm làm bằng tay và gọi những món mứt đó là những bức tượng dân gian nhỏ để giới thiệu nét văn hóa truyền thống của Việt Nam.

Đó chỉ là một phong tục nhỏ nhưng đã tạo nên sự gắn bó trong gia đình - mẹ và các con, họ hàng và bè bạn. Cùng nhau cắt tỉa, chuẩn bị, tập tạo hình con giống ngộ nghĩnh rất vui – không phải là “mất thời gian”, mà là các con được chiêm nghiệm niềm vui, sự ấm cúng gia đình khi cùng nhau làm cỗ và bánh mứt.

Ở Stockolm đã có hàng chục lớp học vẽ của tôi. Học viên Thụy Điển sau khi tốt nghiệp khóa vẽ tranh, họ thích xin học hoặc được xem biểu diễn cách làm bánh mứt nghệ thuật của Việt Nam.

Có lẽ cũng vì truyền thống khắc tượng trên hoa quả trong gia đình để đón mừng năm mới, mà tôi đã bắt đầu yêu thích vẽ và nặn tượng. Để rồi sau đó tôi có đủ kiên nhẫn để mà theo học 12 năm tại trường Mỹ Thuật, 5 năm thực tập và 5 năm tu nghiệp. 22 năm ấy cứ trôi qua trong niềm say mê, mà tôi chưa có giây phút nào chán nản. Cám ơn mẹ yêu quý- dù ở cảnh bần hàn- đã gieo mầm yêu thương và cái đẹp từ khi con còn thơ ấu!

Ngày nay, mọi thứ đều được làm sẵn, đi mua quà Tết có tiện lợi hơn, nhưng hương vị không thơm ngon như làm bằng tay ở nhà và thiếu những giờ phút quây quần bên nhau.

Giữ lửa và truyền thống trong gia đình chính là mẹ hiền yêu dấu. Các bạn còn cha mẹ để thăm hỏi là điều may mắn tuyệt vời. Cha mẹ cũng giống như bầu không khí mà ta hít thở - chỉ một giây thiếu không khí là sẽ không còn sự sống. Nhưng vì tình cha mẹ quá bao la, các con được cho và nhận như vô tận, nên các con có thể chưa cảm nhận hết niềm hạnh phúc vô giá khi còn có được cha mẹ và ông bà ở bên mình.

Ngày Tết, dù ở xa xôi, nhớ đến cha mẹ, ông bà, nếu tôi không thể đi thăm thì xin gửi một cánh thiếp tự làm lấy, một bức vẽ nhỏ, một chút quà tự mình làm ra - cũng đem lại nụ cười ấm áp và niềm vui cho các bậc sinh thành, và truyền cho các cháu sự gắn kết với dòng họ và người trên.

Tình bạn, tình nghề và những người thầy

Ra khỏi gia đình, khi còn nhỏ tôi may mắn được theo học các nhà văn “đại thụ” như bác Nguyên Hồng, bác Kim Lân, được cho đi theo ăn Tết quê. Ngồi quanh chiếc mâm đồng  đặt trên chiếc chiếu cói có in màu đỏ điều ở bốn góc, trải trên nền gạch, với bữa cỗ Tết mộc mạc, nhưng tinh túy; được nghe hóng chuyện vui, dí dỏm mà sâu sắc của các bác. Rồi tôi được xem các bậc danh họa như Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng và Dương Bích Liên quây quần bên những chén rượu “hạt mít” làng Vân (chén bằng gốm Bát Tràng, kích cỡ chỉ nhỏ như hạt mít mà thôi). Các cụ chỉ nhâm nhi chứ không bao giờ “dzô”, không chạm cốc, không bao giờ “trăm phần trăm”. Các cụ chỉ thưởng hương thơm của nếp, cái tinh túy của đồng quê, tình bạn thâm niên và khai bút đầu Xuân.


Hương sắc mùa Xuân, sơn dầu của Văn Dương Thành 

Năm nào vẽ con giống nấy, các danh họa vẽ trên bất cứ mảnh giấy nào có được. Giấy báo, giấy cũ một mặt, bìa cũ mua lại của bác gánh đồng nát với vài vệt bút phóng khoáng của các cụ đã thành tác phẩm Tết. Các cụ tặng nhau tranh Tết, nhà thơ Vũ Đình Liên làm thơ và đọc thơ, bác Trần Văn  Lưu thường bấm máy ảnh để ghi lại khoảnh khắc thân thương ấy.

Các bức vẽ khai bút bé xíu ấy, năm 2000 tôi được gặp lại ở triển lãm tại Viện Bảo Tàng Le Louvre ở Paris, đã có giá là một vài ngàn dollars và được giới thưởng ngoạn trầm trồ.

Tôi học theo các thầy, Tết nào dù ở đâu cũng khai bút đầu Xuân, năm nào thức ấy. Có khi đang ở một sân bay, ở một phòng khách sạn, tôi cũng lấy bút bi, tờ giấy nhỏ ghi lại nét Xuân và không bao giờ bỏ lỡ khoảnh khắc thiêng liêng của năm mới.

Rồi bắt chước các thầy, tôi tặng tranh Tết cho các học sinh, cho người thân. Năm Quý Tỵ, tôi đã vẽ và tặng mười bức khai bút. Và năm nay Giáp Ngọ, tôi đang chuẩn bị màu giấy để khai bút với niềm hy vọng những bức tranh này sẽ đem lại nhiều niềm vui và hạnh phúc đến cho mọi người quen thân!

Xuân Giáp Ngọ, 2014
Họa sỹ Văn Dương Thành (Thụy Điển)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu