A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kể chuyện tác nghiệp biển Đông

Chuyến đi 5 ngày, từ 26-31/ 5/ 2014, ra vùng biển Hoàng Sa dành cho các phóng viên báo nước ngoài, trong đó có tôi - đại diện cho Việt Weekly (Hoa Kỳ). Xin được tường trình với bạn, những gì mắt thấy tai nghe, và cảm nhận từ chuyến đi này.

Những ghi nhận từ các phóng viên nước ngoài

Tham gia chuyến đi có trên 30 phóng viên trong và ngoài nước. Trong đó có 7 phóng viên quốc tế: Euan McKirdy (Đài CNN, Hoa Kỳ), Manabu Sasaki, Chánh văn phòng và Kuzutani Shingo (The Asahi Shimbun), Takeshi Mine (Fuji Televison Network), Osamu Maruyama (The Yomiuri Shimbun), Trần Huy Công (NDN) và tôi - Etcetera Nguyen (Việt Weekly, Hoa Kỳ).



Tác giả đang tác nghiệp tại Hoàng Sa 


Chúng tôi tập kết tại cảng Đà Nẵng vào chiều ngày thứ Hai 26/5/2014. Sau khi được họp với các cán bộ hải quân, được dặn dò kỹ lưỡng những việc cần lưu ý khi tác nghiệp ngoài khơi, ngay tối hôm ấy, chúng tôi rời bến tàu, trực chỉ ra Biển Đông - một chuyến đi đặc biệt, ra vùng biển Hoàng Sa đang nóng bỏng thời sự.

Tất cả đều lên tàu CSB 2013. Ai nấy trong lòng đều nôn nao, hồi hộp. Tôi mới trở về từ chuyến đi thăm các vùng đảo Trường Sa do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao - tổ chức. Đây là chuyến đi thứ 3 (2012, 2013, 2014) dành cho kiều bào ở nước ngoài về thăm các biển đảo thuộc về chủ quyền Việt Nam. Chuyến đi Trường Sa từ ngày 16-28/4/2014 vừa kết thúc, ngày 2/5/2014, báo chí đã loan tin dữ: Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các kênh truyền thông chính thống đã cử nhiều đoàn phóng viên ra thực địa để ghi nhận tình hình. Đã có nhiều bài báo, hình ảnh đưa về, cho thấy cảnh tàu chấp pháp Cảnh sát Biển (CSB) và tàu Kiểm ngư (KN) của Việt Nam bị nhiều tàu Hải giám, Hải cảnh, tàu quân sự của Trung Quốc đâm va, phun vòi rồng. Và trước chúng tôi, một đoàn nhà báo nước ngoài cũng đã lên đường ra khơi. Đoàn chúng tôi là đoàn nhà báo nước ngoài thứ nhì được đi thực địa Biển Đông tác nghiệp báo chí.

 

Ngay khi rời cảng, đứng trên boong tàu, tôi đã trò chuyện với anh nhà báo Euan McKirdy (CNN) về những biến động thời sự, về những tình huống xấu nhất có thể xảy ra trong chuyến đi, về những kinh nghiệm báo chí. Anh Euan cho biết "Sẵn sàng tinh thần để mở to mắt xem chuyện gì xảy ra". Anh cũng công nhận rằng, chỉ có phía Việt Nam mới cho phóng viên nước ngoài tham gia ngoài thực địa để đưa tin. "Phía Trung Quốc không muốn ai biết họ làm gì hết", anh nói. Nhà báo Sasaki (The Asahi Shimbun) kể: "Người dân Nhật rất lo lắng về tình hình Biển Đông, khi nhà cầm quyền Trung Quốc mang giàn khoan đặt vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Những gì xảy ra cho Việt Nam, cũng có thể xảy ra cho các nước trong khu vực, trong đó có Nhật Bản. Vì thế, nhà báo Nhật chúng tôi rất chia sẻ với các bạn Việt Nam. Đó là lý do tôi muốn cùng các nhà báo khác ra ngoài biển Đông để tường trình những gì xảy ra". Mỗi người một tâm trạng khác nhau, nhưng điểm chung nhất của tất cả, là để xác nhận những gì đang xảy ra ngoài biển khơi bằng con mắt nhà báo.


Những tình huống gay cấn ghi nhận ngoài thực địa

Đoàn phóng viên nước ngoài khi ra khơi, tiến vào vùng biển Hoàng Sa, đã được phân ra trên hai con tàu CSB 8001 và CSB 4032 để tác nghiệp. Tôi cùng hai phóng viên báo Nhật là Osamu và Trần Huy Công lên tàu CSB 4032 vào ngày 27/5/2014, hoạt động trong suốt những ngày từ 27-31.

Khi chúng tôi lên tàu CSB 4032 vào ngày 27/5/2014, cũng là lúc một sự kiện mới xảy ra cần nói đến. Đó là việc phía Trung Quốc di dời giàn khoan ra xa hơn vị trí cũ. Sự kiện này được phóng viên báo Quân đội Nhân dân có mặt trên tàu ghi lại như sau: "... Khoảng 6 giờ 30 phút ngày 27/5, lực lượng CSB và Kiểm ngư Việt Nam làm nhiệm vụ chấp pháp trên vùng đặc quyền kinh tế ở khu vực biển Hoàng Sa phát hiện giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc đã hạ đặt trái phép tại vùng biển này trước đó, có dấu hiệu di chuyển theo hướng Bắc Đông Bắc so với vị trí cũ.

Vào lúc 5 giờ 35 phút, tàu CSB 4032 (Vùng CSB 2) ở vị trí 15 độ 26 phút vĩ độ Bắc và 111 độ 16 phút kinh độ Đông, cách Nam Đông Nam giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 8 hải lý nhận lệnh cơ động về hướng giàn khoan 981. Ngay lúc đó, hai tàu hộ vệ tên lửa tấn công nhanh của Trung Quốc số hiệu 572 và 170 cơ động hình vòng cung từ Tây sang Đông, cắt ngang hướng di chuyển của tàu CSB 4032. Trước đó, vào chiều 26/5, tàu hộ vệ tên lửa tấn công nhanh số hiệu 170 (có đặt trực thăng ở phía sau đuôi tàu) đã cơ động trên hướng này. Tại thời điểm tàu CSB 4032 cơ động, các tàu Hải cảnh, Hải giám, đầu kéo của Trung Quốc xếp thành hình vòng cung, chắn toàn bộ trên hướng Nam Đông Nam giàn khoan Hải Dương 981 với khoảng cách không đều nhau và di chuyển với tốc độ chậm. Hoạt động bất thường các tàu Trung Quốc, khác với hành động và thái độ hung hăng, khiêu khích vào các buổi sáng những ngày trước đó tại vùng biển này.



Tàu của Trung Quốc 


Tại thời điểm 6 giờ 30 phút, qua quan sát, tàu CSB 4032 phát hiện thấy các cần trục trên giàn khoan Hải Dương 981 đã thu lại, nhiều vật tư, hàng hóa thường thấy trên giàn khoan những ngày qua bị dỡ bỏ. Đặc biệt, mũi khoan thăm dò ở chính giữa giàn khoan đã kéo lên. Lúc này, tàu CSB 4032 xác nhận, giàn khoan Hải Dương 981 di chuyển theo hướng Bắc Đông Bắc so với vị trí cũ, tốc độ khoảng 1,7-2,2 hải lý/giờ. Đến 7 giờ 30 phút, tàu CSB 4032 xác định được giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc đã hạ đặt trái phép di chuyển về hướng Bắc Đông Bắc và cách so với vị trí cũ khoảng 10,2 hải lý. Đến 8 giờ cùng ngày, tàu CSB 4032 xác định giàn khoan Hải Dương 981 di chuyển với vận tốc khoảng 3 hải lý/giờ về hướng Bắc Đông Bắc và cách vị trí cũ khoảng 11,7 hải lý. Vào lúc 9 giờ 45 phút, một máy bay cánh bằng loại nhỏ của Trung Quốc có số hiệu B-3843 bay lướt qua trước mặt tàu CSB 4032, ở độ cao hơn 300m.

Đến 13 giờ 15 phút, Tàu CSB 4032 xác định, giàn khoan Hải Dương 981 thả trôi với vận tốc khoảng 1,5 hải lý/giờ, theo hướng Đông Bắc và cách hơn 20 hải lý so với vị trí đã hạ đặt trước đây".


Theo các cán bộ CSB nhận định: "Có lẽ vì biết trên tàu (CSB 4032) có phóng viên, nên phía Trung Quốc bớt hung hăng, không dám manh động phun nước hay đâm va như trước".  Mặc dù nghe nói thế, nhưng chứng kiến cảnh nhiều tàu Hải cảnh, Hải giám của Trung Quốc to lớn dềnh dàng với tốc độ cao, đuổi sát nút các con tàu Kiểm ngư, tàu CSB Việt Nam nhỏ bé, chúng tôi không khỏi hồi hộp và rợn gáy vì sợ bọn chúng đâm va vào tàu mình. Nhà báo Trần Huy Công (Đại diện hãng tin NDN) nhận định ngay sau một pha rượt đuổi gay cấn vào ngày 28/5: "Tôi đã nhìn thấy vòi rồng, thấy họng súng của phía Trung Quốc hướng về phía tàu chúng tôi. Tôi cũng thấy những tàu CSB, Kiểm ngư Việt Nam cố gắng kềm chế, không gây hấn, chỉ cốt tuyên truyền rồi rút lui, tránh va chạm. Ống kính của tôi ghi đầy đủ hình ảnh hai phía". Nhà báo Nhật Osamu đã gửi về tòa soạn The Yomiuri Shimbun mỗi ngày một bài tường trình dài, với đầy đủ hình ảnh. "2 triệu ấn bản báo mỗi ngày, độc giả chúng tôi rất nóng lòng muốn biết thời sự đang diễn ra trên Biển Đông".

Ở trên tàu CSB 8001, chúng tôi được biết các bạn phóng viên báo CNN, The Asahi Shimbun, Fuji Television Network... cũng có nhiều bài viết nóng bỏng kèm theo hình ảnh diễn ra trên Biển Đông.

Kết thúc chuyến đi vào ngày 31/5/2014, khi cập cảng Đà Nẵng, đoàn phóng viên nước ngoài còn cùng nhau đi gặp gỡ chị Huỳnh Thị Như Hoa, chủ tàu ĐNa 90152TS và các thuyền viên để phỏng vấn. Câu chuyện con tàu cá Việt Nam nhỏ bé bị tàu Trung Quốc vỏ sắt lớn gấp 6 lần đâm cho chìm xuống biển vào ngày 26/5, đúng vào ngày đoàn chúng tôi lên đường, đã được các báo nước ngoài loan tải tỉ mỉ từng chi tiết. Nhà báo Nhật Sasaki nói: "Một bằng chứng cụ thể cho thấy phía Trung Quốc manh động với cả những người dân đánh cá vô tội".


Ý chí và quyết tâm bảo vệ chủ quyền của các chiến sĩ CSB Việt Nam

Trong những giây phút căng thẳng nhất của những ngày trên Biển Đông, hay những giây phút đời thường quanh quẩn trên phạm vi con tàu CSB dài 15m, rộng 5m, tôi đã rút ra nhiều bài học về ý chí và lòng quyết tâm bảo vệ biển đảo của các chiến sĩ CSB. Không một chút băn khoăn, lo lắng hay do dự khi cùng nhau làm công việc chấp pháp hàng ngày, lui tới những vùng biển của Tổ quốc đang bị quân xâm lược ngang nhiên đặt giàn khoan trái phép. Hay những lúc phải nhanh nhẹn, tháo vát vượt khỏi lực lượng địch với số lượng tàu áp đảo, các con tàu CSB, tàu Kiểm ngư Việt Nam lúc nào cũng bình tĩnh và vượt qua được những khiêu khích, manh động  nguy hiểm của đối phương. Đã có những giọt máu đổ xuống Biển Đông, đã có những thiệt hại về phương tiện… nhưng các chiến sĩ vẫn chấp hành nghiêm ngặt lệnh trên là không trả đũa, không gây hấn, không phản kích dù bị va đập, bị phun nước, bị thương tích.

Nhà báo chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện khá căng thẳng khi đối đầu với Trung Quốc hàng ngày. Được xem những đoạn phim ghi lại những tình huống nóng bỏng những ngày trước đó. Những hình ảnh và câu chuyện sống động này đã tác động không nhỏ đến tình cảm của chúng tôi dành cho các chiến sĩ. Họ quả thật đã đứng mũi chịu sào từng ngày từng giờ trên vùng biển nóng bỏng thời sự. Chỉ có 5 ngày trên biển, chúng tôi đã cảm thấy rất dài, rất cực nhọc vì thiếu thốn mọi phương tiện. Thế mà các anh, đa số hàng tháng trời vẫn bám biển, chưa biết đất liền là gì. Thế mà họ vẫn lạc quan, tích cực trong công việc của mình mỗi ngày không chút nản lòng. Họ đã giữ vững ý chí và lòng quyết tâm bảo vệ biển đảo Việt Nam qua từng ngày bám biển, ghi nhận tình hình thời sự. Những ngày sống cùng các chiến sĩ CSB, tôi còn thấy tình đồng đội, chia sẻ lẫn nhau những gian khổ, những đùm bọc lẫn nhau trong sinh hoạt thường nhật. Họ sống bên nhau đầm ấm như một gia đình.


Yêu quý sự bình yên, nhớ đến các anh chiến sĩ ở đảo xa

Trở về Hà Nội từ hai chuyến đi gần nhau - từ Trường Sa tới Hoàng Sa, trong tôi đã thấm thía những gian khổ, cực nhọc, những hy sinh của các chiến sĩ hải quân Việt Nam đang ngày đêm ngoài khơi xa, ngoài các vùng hải đảo. Những ánh đèn thành phố hôm nay nơi phố thị, cảnh tấp nập người sống an bình, làm ăn vui vẻ, làm tôi thấy nhớ và nghĩ đến những con người đang ở ngoài vùng đầu sóng ngọn gió ấy. Những hình ảnh, những video clip mang về từ các chuyến đi sẽ giúp cho mọi người thấy rõ hơn tình hình nóng bỏng đang diễn ra như thế nào, để mỗi người chúng ta ý thức, quan tâm đến vấn đề chung.

Chúng tôi tin rằng, người Việt khắp nơi, dù có khác biệt chính kiến, cũng sẽ được thuyết phục bởi chính sự tận tụy, hy sinh của các anh lính biển đang làm nhiệm vụ ngoài khơi xa. Các anh đã và đang làm nên một tinh thần yêu nước, đoàn kết dân tộc chống lại các thế lực ngoại xâm. Yêu quý sự bình yên đang thừa hưởng ở đất liền, chúng ta cũng nên biết ơn các chiến sĩ ở đảo xa. Hãy cùng nhau làm bất cứ điều gì đó để dư luận thế giới ủng hộ chính nghĩa của Việt Nam, để vùng Biển Đông không còn nổi sóng, để các chiến sĩ ta sớm trở về với gia đình, với người thân.   

Bút ký của Etceteta Nguyễn (Báo Việt Weekly, Hoa Kỳ)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu