A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hoàng Bình - trải lòng với những trang báo Quê Hương

LTS: Từng có hai thời kỳ đảm nhiệm vị trí Tổng biên tập Tạp chí Quê Hương, cựu Tổng biên tập Hoàng Bình là người có nhiều đóng góp quan trọng đưa Quê Hương đến gần hơn với bà con kiều bào xa xứ. Mới đây, chương trình “Hành trình tri thức Việt” của Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC thực hiện phóng sự “Hoàng Bình - trải lòng với những trang báo Quê Hương“, tạp chí Quê Hương xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc phần phỏng vấn của VTC với ông Hoàng Bình.

 



 Đại tướng Võ Nguyên Giáp dặn dò TBT Hoàng Bình (thứ 3 từ bên phải) về vai trò của Quê Hương - tờ báo dành cho kiều bào trong sự nghiệp đoàn kết và hòa giải dân tộc

PV: Cơ duyên đưa một nhà ngoại giao đến với công việc tổng biên tập của một tờ báo?

Ông Hoàng Bình: Nói cụ thể hơn là chúng tôi làm việc cho tờ báo phục vụ đối tượng đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài mà hiện đã lên tới 4,5 triệu người đang sinh sống ở hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ ngoài Việt Nam.

Cung cấp thông tin về tình hình trong nước và những chính sách liên quan đến kiều bào là nhu cầu khách quan, trong khi chúng tôi là công chức làm việc tại Bộ Ngoại giao, có điều kiện tiếp xúc với kiều bào và các địa bàn sinh sống của bà con, ít nhiều hiểu được nhu cầu thông tin của bà con.

Đó là lý do những công chức của Bộ Ngoại giao được giao nhiệm vụ duy trì và phát triển hoạt động của tờ báo chuyên phục vụ kiều bào.

PV: Mối liên quan giữa công việc của nhà ngoại giao với công việc ở tòa soạn báo?

Ông Hoàng Bình: Công tác kiều dân là một trong những kênh công tác quan trọng trong quan hệ giữa các nước.

Kiều bào vừa là đối tượng bảo hộ của các nhà nước, vừa là một yếu tố trong quan hệ giữa các nước. Kiều bào cũng là những sứ giả thường xuyên và trực tiếp giới thiệu bản sắc văn hóa, là cầu nối trong quan hệ kinh tế - thương mại và các quan hệ khác giữa các nước với nhau.

Làm báo cung cấp thông tin cho kiều bào là góp phần tạo thuận lợi cho một kênh trong hoạt động ngoại giao.

PV:  Những kỷ niệm khó quên với tạp chí Quê Hương những ngày đầu thành lập?

Ông Hoàng Bình: Đầu những năm 1990 nước ta thực sự bước vào thời kỳ đổi mới, phá vỡ thế bao vây cô lập. Nhu cầu được cung cấp thông tin và nhu cầu cung cấp thông tin về tình hình trong nước cho bà con ở nước ngoài tăng nhanh. Tạp chí Quê Hương ra đời năm 1993 trong bối cảnh đó.

Là công chức được cử sang làm báo nên không phải không có khó khăn, ít ra thì viết báo phải khác viết báo cáo – đó là việc đầu tiên mà anh chị em phải làm quen. Bù lại, chúng tôi có những hiểu biết nhất định về cộng đồng đa dạng người Việt ở nước ngoài, được cập nhật thường xuyên các thông tin đối ngoại nên cũng sớm vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu.

Kỷ niệm khó quên không chỉ với riêng chúng tôi mà đối với báo chí nước ta nói chung là sự ra đời của tạp chí Quê Hương trên internet vào Giao thừa Tết Đinh Sửu, tức là ngày 06/02/1997 bằng một quyết định chính trị của lãnh đạo cấp cao. Đó là tờ báo điện tử đầu tiên đánh dấu sự có mặt của báo chí Việt Nam trên mạng thông tin toàn cầu. Chúng ta đều biết sau đó hơn 9 tháng, vào ngày 19/11/1997 nước ta mới chính thức kết nối với internet thế giới. Vì vậy, những người làm công tác viễn thông còn ghi nhận Quê Hương như một nhân tố thúc đẩy sự hội nhập của nước ta với thế giới trong lĩnh vực truyền thông.

PV: Điều hành tờ báo điện tử đầu tiên ở Việt Nam chắc hẳn có rất nhiều khó khăn?

Ông Hoàng Bình: Với công chức chúng tôi, làm báo đã khó, làm báo điện tử còn khó hơn. Lúc đầu, chúng tôi đưa nội dung tạp chí in lên internet. Khi đó chỉ đơn giản là ghi nội dung vào các đĩa mềm rồi nhờ các đơn vị dịch vụ viễn thông hỗ trợ đưa lên mạng thông tin toàn cầu. Địa chỉ của tờ báo cũng nằm trên trang nhà của Tổng công ty Bưu chính Viễn thông thời đó (http://home.vnn.vn/quehuong).

Cuối năm 2000, chúng tôi được một doanh nghiệp công nghệ thông tin của kiều bào ở Mỹ giúp thiết kế giao diện của trang báo độc lập. Khi đó Quê Hương mới có giấy phép hành chính và địa chỉ riêng trên internet (www.quehuong.org.vn).  Cũng từ đó chúng tôi bắt đầu làm báo trực tuyến. Năm 2008, chúng tôi cải tiến một bước nữa với diện mạo và địa chỉ như hiện nay (www.quehuongonline.vn).  Diện mạo và địa chỉ này đã trở thành quen thuộc với kiều bào, với những người quan tâm đến cuộc sống của kiều bào và cả những người nước ngoài quan tâm đến Việt Nam.

Bây giờ không khó về công nghệ và phương tiện, nhưng khó khăn về nội dung và cách thức đưa tin thì vẫn còn. Nó đòi hỏi những người làm báo phải luôn luôn cố gắng.

PV: Đối tượng đọc giả tạp chí hướng đến là kiều bào ở nước ngoài và thân nhân của họ trong nước. Vậy ông thường định hướng tạp chí khai thác sâu những nội dung gì? Ngoài ra về cách trình bày hay ngôn từ có khác gì so với những tờ báo phục vụ bạn đọc trong nước?

Ông Hoàng Bình: Những người ở xa cần nhất là thông tin về tình hình trong nước, tin phải khách quan và trung thực. Bà con cũng cần biết những chính sách liên quan đến kiều bào và quan tâm đến cuộc sống của bà con ở những địa bàn khác.

Nội dung được kiều bào ở tất cả các nước quan tâm là văn hóa Việt. Hầu hết kiều bào ta sinh sống ở những nước đa văn hóa, đa sắc tộc. Các nước đều khuyến khích đa dạng hóa và làm phong phú các giá trị của nền văn hóa sở tại. Giữ gìn bản sắc riêng vừa là nguyện vọng của kiều bào, vừa đáp ứng nhu cầu khuyến khích đó. Việc hỗ trợ kiều bào duy trì và phát triển bản sắc văn hóa riêng là rất cần thiết và quan trọng. Nội dung đầu tiên của việc giữ gìn bản sắc là duy trì sử dụng tiếng mẹ đẻ trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Đó là một trong những nội dung quan trọng trên tạp chí Quê Hương.

Người ta ai cũng yêu quê hương mình và người Việt ở nước ngoài ai cũng nhớ quê hương Việt Nam. Mỗi người yêu quê hương theo cách của riêng mình, nhưng ai ở xa quê cũng xúc động khi nhìn thấy hình ảnh quê hương, khi nghe giọng nói quê hương và đọc chữ của quê hương viết về quê hương. Đó là điểm đặc biệt trong nhu cầu thông tin của tất cả những người ở xa quê, không phân biệt nguồn gốc dân tộc, thời gian xa quê và nơi đang cư trú.

Những thông tin cung cấp cho kiều bào phải được truyền tải bằng ngôn ngữ thuần Việt. Người ở xa rất nhậy cảm, khi nghe tiếng Việt người ta thấy hồn Việt ở trong đó.

PV: Ông có thể cho biết về những phản hồi của bạn đọc, sự đóng góp của bà con kiều bào đối với việc phát triển tờ báo. Có hay không những ý kiến trái chiều?

Ông Hoàng Bình: Rất nhiều phản hồi. Khen chê đủ cả. Có nhiều câu hỏi về những địa phương là quê quán cụ thể của bà con, phải mất rất nhiều công sức và thời gian để tìm hiểu và trả lời. Đến lúc trả lời được thì chính anh chị em biên tập viên cũng bổ sung vào kho kiến thức của mình những hiểu biết rất thiết thực.

Rồi những câu hỏi về chính sách đối với kiều bào, những thủ tục giải quyết các vấn đề cụ thể. Quê Hương có một trang giải đáp pháp luật với sự hỗ trợ của các công ty luật chuyên xử lý những yêu cầu cụ thể của kiều bào. Trang này kết hợp giải thích các văn bản pháp luật với thực tế cuộc sống của bà con ở từng địa bàn do các cơ quan đại diện ta cung cấp nên rất cụ thể và chi tiết, được bà con tin tưởng.

Cũng có nhiều thư góp ý về nội dung và cách đưa tin. Có lần chúng tôi viết về một kiều bào đầu tư thực hiện dự án “nuôi trồng” thủy sản ở Hạ Long, nhưng trong trường hợp cụ thể đó chỉ thấy cá hồng và cá song nên bà con hỏi “sao lại trồng cá?”.

Một vấn đề khá tế nhị là việc dùng hai chữ Việt kiều. Rất nhiều người cho rằng không nên dùng hai chữ này vì “sống xa quê đã như cánh bèo trôi nổi, nay gọi Việt kiều có cảm giác như không được níu lại mà còn bị đẩy đi xa hơn”. Chúng tôi đã có nhiều cuộc thảo luận trên không gian ảo với bà con. Mọi người cho rằng dùng hai chữ đó đúng về mặt khoa học, nhưng lăn tăn về mặt tình cảm. Đó là lý do Quê Hương rất hạn chế dùng hai chữ Việt kiều. Chúng tôi thường dùng hai chữ “kiều bào” hay “đồng bào ta ở nước ngoài”. Hiện nay, nhiều tờ báo trong nước cũng có cách viết tương tự.

Quê Hương đã đăng những bài viết của nhiều người khác chính kiến, nhưng cùng nghĩa đồng bào. Đó là những bài viết rất sâu sắc về bản sắc văn hóa Việt với những nét đặc trưng khác với văn hóa Trung Quốc. Chính nhu cầu giữ gìn bản sắc văn hóa Việt đã thôi thúc bà con trải lòng qua những trang viết mà chúng tôi rất trân trọng.

PV: Trong những năm tháng giữ vai trò Tổng biên tập, có cơ hội tiếp xúc, hiểu hơn được những ý kiến, tâm tư tình cảm của bà con xa xứ, điều ông trăn trở và mong muốn nhất là gì?

Ông Hoàng Bình: Thứ nhất là vấn đề quốc tịch. Người Việt nào cũng muốn giữ quốc tịch Việt Nam. Không giữ được quốc tịch Việt Nam là việc bất đắc dĩ. Hoặc do cuộc sống thúc bách, phải thôi quốc tịch gốc mới được nhập quốc tịch nước sở tại. Hoặc bị tước quốc tịch vì lý do nào đó. Những người sinh ra ở Việt Nam hay có cha mẹ là công dân Việt Nam – một cách tự nhiên họ có quốc tịch Việt Nam. Ở đâu họ cũng có quốc tịch Việt Nam. Đó là sợi giây quan trọng nhất duy trì trạng thái người Việt của họ. Những quy định hành chính hạn chế trạng thái này là không hợp lý, cần sửa đổi.

Thứ hai là vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa. Những người ở nước ngoài, dù thuộc dân tộc nào cũng có ý thức và nhu cầu giữ gìn bản sắc. Ở các nước đa sắc tộc, đa văn hóa điều đó càng cần thiết. Người Việt luôn có ý thức và luôn cố gắng giữ gìn bản sắc. Họ là những người hằng ngày cần mẫn đưa các giá trị văn hóa Việt ra khắp thế giới nên là những sứ giả tăng cường hiểu biết giữa chúng ta với các dân tộc khác. Nhà nước cần có kinh phí và có kế hoạch cụ thể hỗ trợ thêm để giúp cộng đồng người Việt ở nước ngoài giữ gìn bản sắc văn hóa một cách thiết thực và hiệu quả, nhất là việc giữ tiếng mẹ đẻ.

PV: Cảm xúc của ông khi nhìn lại những chặng đường phát triển của tạp chí Quê Hương?

Ông Hoàng Bình: Rất vui và tự hào. Có nhiều tờ báo dành dung lượng và thời lượng cho những vấn đề kiều bào, nhưng đối tượng phục vụ của họ chủ yếu vẫn là những người ở trong nước hoặc là người nước ngoài. Tạp chí và báo Quê Hương trực tuyến là cơ quan báo chí duy nhất của nhà nước mà đối tượng phục vụ chủ yếu là kiều bào. Đó là cái riêng có của Quê Hương.

Với những tiến bộ của công nghệ và trang thiết bị, các biên tập viên và phóng viên của Quê Hương ở bất cứ đâu, với một máy tính kết nối internet cũng có thể làm báo được. Do đó, tờ báo có điều kiện đến gần bà con và sinh động hơn trước rất nhiều.

Đội ngũ biên tập viên, phóng viên của Quê Hương hiện nay đã trưởng thành và chuyên nghiệp hơn. Xin chúc các bạn thành công!

PV: Nhìn nhận của một người với vai trò là đại sứ về tầm quan trọng của những tạp chí như Quê Hương?

Ông Hoàng Bình: Tôi xin nhắc lại lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp dặn chúng tôi tháng 08/2002 nhân dịp chúng tôi đến chúc thọ và biếu Đại tướng những số tạp chí mới nhất. Tính đến thời điểm đó sự nghiệp thống nhất đất nước của chúng ta đã đi qua chặng đường 27 năm. Đại tướng nói: Hòa giải dân tộc là công cuộc trọng đại và cấp thiết, trong công cuộc này tạp chí và báo điện tử Quê Hương có vai trò quan trọng lắm.

Một con giáp nữa lại trôi qua và cũng gần đến ngày giỗ đầu Đại tướng. Hiện nay, khi Trung Quốc đang hung hăng xâm lược biển Đông của nước ta, lời dặn của Đại tướng về hòa giải dân tộc vang lên như một lời hiệu triệu. Hòa giải dân tộc để có sức mạnh chống xâm lược.

PV: Xin cảm ơn ông!


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu