A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Qua bao mùa gió

Dưới sông, có ghe đám cưới chạy ngang. Tân nghe bãi bồi ở giữa dòng đang cô độc phơi mình trong gió rát.

 

Ảnh minh họa: Trần Thắng
Ảnh minh họa: Trần Thắng 

“Gió năm nay lạnh thấu trời thấu đất! Ngộ thiệt, năm nào nghe gió bấc thổi người ta cũng giành nhau đi cưới vợ, lấy chồng”.

Câu nói bâng quơ của đám khách thương hồ làm Tân giật mình: Ừa hén, lạnh thiệt! Bấc làm đọt bần đìu hiu hơn, tụi đom đóm chấp chới pha ánh đèn nhỏ xíu xuống mặt sông cái. Năm nào gió bấc cũng về nhưng mùa gió năm nay tới quá đột ngột khiến Tân chưa kịp nhận ra dây đậu rồng đã có trái và dưới sông hì hụi mấy tay đi cào cá chạch.

Có lẽ lòng anh đang chao chát nỗi buồn. Tân ngó qua dòng sông rộng, bên kia, đèn đám cưới đang hắt xuống sông, sáng rực. Mọi người chắc đang vui, ca hát mà chúc mừng cho đám cưới người ta, cô dâu thì bịn rịn trong đêm cuối để về nhà chồng. Và… lòng anh đang chơi vơi, nghe tủi như trái bần chín trôi đêm.

Không đủ tiền lo sính lễ, không cưới được vợ, anh đành để người thương cất bước vu quy. Nhà gái đòi một con heo đứng, tiền chợ, bông vòng, cả chục bộ đồ mới,… làm ba má anh chết điếng trong lòng.

Chòm xóm xì xầm: “Thời buổi này con cái ưng thì gả, đòi chi kỳ vậy, nhà gái chắc muốn bán con nên đòi tiền nuôi, tiền dưỡng. Đòi quá nghe kỳ thấy mồ!”

Trước mắt Tân bỗng hiện ra cái bãi bồi ở giữa sông. Hồi nhỏ, những lúc nước ròng, anh hay cùng ba đi giở chà, mò chem chép, thọc hang bắt cá kèo.

Tân thấy có một bà thím ngày nào cũng đi xúc hến cùng đứa con gái ngồi trên xuồng độ chừng mười một, mười hai tuổi, tóc tai không cột gọn gàng mà xả xấp xải trong gió, mắc ghét. Tân ghét nó không chỉ mái tóc mà đến cả dáng ngồi, ai đời là con xứ cồn mà sợ sình, sợ nước hơn sợ ma.

Má nó hì hụi xúc, nó chỉ dám ngồi trên xuồng, mỗi lần có tàu lớn chạy qua, tay nó vịn cứng ngắt hai bên be, thấy mà ghét. Còn con mắt cũng thấy ghét, ưa nheo nheo trong gió hoặc khum khum bàn tay che nắng trên trán, làm như dân thành thị.

Có lần, thấy con bé ngồi một mình trên xuồng, Tân lệt phệt lội sình tới, hỏi: “Tên gì vậy, cưng?”. Nó không thèm ngó, day qua chỗ khác. Con gái gì kỳ ôn! Mà… ủa, mình hỏi thăm nó chi ta? Mình năm nay mới mười ba tuổi, hổng biết nó bao nhiêu mà kêu nó bằng cưng nghe ngọt xớt, kỳ thiệt!

Mùa bần chín, Tân trèo lên cây hái một ôm, bỏ vô áo lụng bụng trước bụng, lội tới xuồng con bé, cắn một miếng rồi giả bộ nhăn mặt: “Í, bần chua ơi là chua”. Con bé chép miệng mấy cái tuồng như thèm lắm. Nhìn cái vẻ thèm thuồng của nó mà thấy tội nhưng Tân lại nghe hả hê trong bụng: “Có giỏi thì trèo cây mà hái, ở đó dòm miệng người ta hoài”.

Con bé day mặt, giấu cái miệng ướt nhẹp. Là con trai mà giỡn chơi kiểu vậy, Tân thấy kỳ quá nên với tay thảy vô xuồng nó mấy trái: “Nè, ăn đi, cưng”. Con bé cong môi lên: “Ai mà cần ba cái đồ quỷ này. Ừ, ăn cho nhiều nhiều rồi kêu đau bụng”. Thèm muốn chết mà bày đặt, thiệt mắc ghét.

Nhưng có một lần, nhờ lần ấy mà hai đứa trở nên thân nhau. Bữa đó, Tân đi bắt cá kèo có một mình chợt nghe tiếng la thất thanh của con bé, má nó thì đang xúc hến ở đuôi cồn nên không nghe thấy. Trời đất, hổng lẽ con nhỏ “mắc ghét” bị rắn cắn?

Tân tự đặt cho nó cái tên như vậy. Ba chân bốn cẳng chạy tới, thiếu điều muốn hụt hơi thì Tân thấy nó nằm dài trên xuồng, mặt tái mét. Theo tay nó chỉ, Tân gỡ con vắt no máu, tròn như hột cườm ở bắp chân con bé ra rồi ôm bụng, cười: “Trời đất, có con vắt nhỏ xíu mà làm thấy ghê!” Thấy máu đang rịn ra, chắc sợ nên con bé ngồi khóc ngon lành.

Người ta là con gái mà mình cười lãng xẹt, Tân hối hận bứt vội đọt lục bình non nhai nát rồi đắp lên. Làm cho có chuyện, Tân biết ba cái dấu vắt cắn này đâu cần phải cầm máu như đứt tay hay đỉa cắn. Bài thuốc đơn giản vậy mà con bé bỗng im thin thít, thầm cảm ơn làm Tân thấy mình thành người lớn, oai vệ như Lục Vân Tiên vừa đánh bọn cướp Phong Lai như lời kể của nội.

Con bé “mắc ghét” tên Hoa, nhà nó nghèo, ở xéo bên sông, ba nó làm thợ mộc, má thì không có nghề gì khác hơn là đi xúc hến ở cồn, bắt tép quanh quẩn gốc bần. Tân thấy nhà mình cũng nghèo nhưng dẫu sao có được hai công ruộng, còn đỡ hơn nó.

Nên có món gì ăn, Tân đều để dành cho Hoa, khi thì củ khoai nướng, khi thì mấy trái chuối nấu. Có khi Tân còn đốn bần, tỉ mẩn đẽo chiếc xuồng nhỏ xíu tặng cho con bé, nó cười híp mắt, Tân nghe vui trong bụng. Có bữa, Tân trèo cây hái bần chín rồi hai đứa cùng chấm muối ớt ngồi ăn dưới gốc cây, nghe gió xứ cồn đang đùa giỡn trên sông.

Năm Tân mười tám tuổi thì con bé đã lên mười bảy, cái bãi bồi ngày nào giờ bần mọc rậm hơn. Buổi trưa, hai đứa cũng ngồi ở gốc bần, nhắc lại chuyện ngày trước: “Con trai gì hồi mới gặp lần đầu, cái mặt quạu quọ, thấy mắc ghét!”

Thấy mắc ghét! Ủa, câu nói này tưởng là “hàng độc quyền” của mình. Ai dè… Hoa cũng ghét mình y chang như vậy?

Mười bảy tuổi, tóc Hoa bây giờ cũng bay theo gió. Lạ thiệt, không xấp xải mà mướt rượt như gội nước bồ kết. Còn đôi mắt, cũng nheo nheo trong nắng nhưng không hiểu sao Tân thấy hổng mắc ghét chút nào, muốn dòm hoài, dòm mãi như con mối đang đắm đuối, chấp chới đôi cánh trong ánh đèn sáng ban đêm. Bất chợt có cái gì nghe rạo rực trong lòng khi Tân tưởng tượng được xem lại vết thẹo vắt cắn năm nào ở bắp chân trắng nõn… Tân thẹn một mình: nghĩ cái gì kỳ khôi vậy ta? Ừa hén, nghe kỳ quá!

Chú Hai đang treo võng, thấy thằng con cứ dòm hoài qua sông, nghe gió bấc thổi đìu hiu, lòng chú chợt gợn nỗi buồn. Bữa nay là đám cưới người ta, chắc thằng con rầu lắm. Không tiền cưới vợ cho con, là cha mẹ, chú cũng nghe lòng đang chao chát. Hồi đó, tía má cũng không tiền cưới vợ cho con, cũng tại bến sông này, chú ngồi nghe gió thổi trên đầu, nước chảy dưới chân mà ráng kiềm nước mắt. Bây giờ cảnh cũ lặp lại, bây giờ chú mới hiểu hết nỗi lòng của tía ngày xưa khi nhìn con mình khổ vì tình.

- Thôi, vô nhà ngủ đi con. Nhìn rồi nghĩ chi hoài ba cái chuyện buồn.

Chú bỏ vào trong, biết thằng con làm sao mà ngủ được.

Phải! Nhìn rồi nghĩ chi hoài ba cái chuyện buồn. Vậy mà biểu quên, quên sao được.

- Tân, mắc gì mà ngồi thừ từ chiều tới giờ, hổng đi đâu hết vậy?

Tân giật mình, thằng bạn tới hồi nào mà không hay, không biết.

- Ờ… có gì đâu.

Khánh nhìn qua sông, thấy đèn đám cưới thì nhớ liền:

- Thôi, tao biết rồi. Buồn tình phải hôn? Thương thiệt tức phải buồn nhưng là đàn ông con trai, đừng yếu mềm quá nghen mậy.

- Mầy cứ giỏi suy luận. Tao buồn hồi nào, ngồi hóng mát, coi nước chảy sướng tới thấu trời luôn.

Khánh cười, vỗ vai thằng bạn:

- Sướng hay buồn nẫu ruột, nẫu gan? Ừ, không buồn thì không buồn. Nhưng… mầy dám nhậu lai rai với tao hông? Bảo đảm mầy mà vô ba hột, thêm năm trăm đồng rượu là khui hết ba cái chuyện giấu trong lòng. Chơi với mầy từ hồi nhỏ mà hổng biết tánh mầy à.

Sẵn đang buồn trong bụng, nghe thằng bạn rủ, Tân đồng ý liền, dù sao đêm nay cũng không ngủ, mượn rượu giải sầu cho quên.

Uống rượu giải sầu, không giải được sầu mà Tân càng nghe buồn thúi ruột. Bấc đêm nay nghe sao rát quá, gió như đang thổi trong lòng người ta. Gió về gọi con nước, bãi bồi bị nhấn chìm giữa dòng, những đọt bần chen mình, lú lên thở thoi thóp.

Rượu trong chai sắp cạn, hai mắt Khánh lim dim:

- Bữa nay tao ngó bộ dạng mầy thấy rầu muốn chết được. Quên con nhỏ đó đi. Nó ham giàu, mơi mốt coi chừng bị người ta coi khinh, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay là tiêu đời luôn.

- Dẹp mầy đi, bữa nay sao mầy ác quá vậy? Ba má người ta quyết thì người ta phải ưng chớ ai nào muốn vậy.

Nói là nói chơi chớ Khánh cũng đang muốn tìm lời an ủi thằng bạn, ngặt anh ít chữ nghĩa, nói thì cứ thiệt lòng, không thích màu mè nên biết nói gì bây giờ. Lời thật mất lòng, mấy lời nói trách của thằng bạn làm Tân đổ quạu: “Thôi, đừng có mượn hơi rượu mà nói tầm phào. Tao vô nhà xách cây đờn, hai đứa mình ca sáng đêm nay, hen”.

Tân so dây, dạo đờn, Khánh đòi ca bài tân cổ giao duyên “Bóng người cùng thôn”. Trời đất, nó đòi ca chi cái bài một thời Minh Vương và Lệ Thủy lấy hết nước mắt của người ta. Khánh ca hay thiệt, đâu thua nghệ sĩ.

Nhưng tới đoạn cuối: “Hò ơ, ví dầu nhà dột cột xiêu, muốn đi cưới vợ sợ nhiều miệng ăn. Nhiều miệng ăn thì anh không sợ, sợ nợ không tròn rồi gieo khổ cho nhau” làm thằng bạn đang rầu nghe đau điếng trong lòng. Tân đâu sợ nhiều miệng ăn, vì không tiền cưới vợ, vì sợ nợ không tròn.

Cũng như nội anh ngày trước không tiền cưới vợ cho ba anh, đành để con ngậm ngùi tiễn người thương bước xuống ghe theo chồng. Hồi trẻ, ba anh thương một cô gái bên vàm Cái Cui mà không thành cũng vì sính lễ, vì vàng vòng đòi hỏi của nhà gái.

Sau này, ba gặp má anh, bên ngoại dễ dãi nên hai người mới sống với nhau cho tới bây giờ. Anh nghĩ, không biết mình có làm được như ba ngày trước, quên một người để sống với một người. Lẩm rẩm mà cái bến sông này đã chứng kiến hai cuộc tình tan vỡ. Chợt tiếng ca đám cưới bên kia sông văng vẳng, ca chi mà nghe buồn rười rượi.

- Tân à, biểu mầy quên liền con nhỏ chắc khó lắm, nhưng ráng mà quên. Mầy còn con Liên nè, nó thương mầy nhiều lắm đó. Hôm bữa ba má dắt mầy đi hỏi vợ, tao thấy nó giả bộ ngồi rửa chén để lén khóc ở bến cây gừa.

- Vậy à?

- Ừ!

- …

- Mầy còn nhớ hồi nhỏ, cái bận tao với mầy thức khuya đi xúc cá mê rổ, nó cứ đòi theo hoài. Có một lần nó lén ba má, mở cửa trốn theo, tao với mầy mê cá làm lật xuồng, nó té xuống sông, chút xíu nữa là chìm nghỉm. Tám tuổi, mới biết lội chập chũm, con nhỏ gan thiệt.

- Vậy à, chuyện hồi đó tao quên mất tiêu rồi.

- Cái thằng, kỳ khôi vừa vừa thôi cha! Sao mà mau quên quá xá.

Làm sao Tân quên được. Hồi đó, mỗi lần anh với Hoa hẹn hò ở đám bần bãi bồi là anh biết Liên cứ đứng ngó ra sông, chắc Liên buồn lắm. Nhưng… trái tim mình có một, đã dành trọn vẹn cho Hoa hết rồi, làm sao san sẻ cho hai người.

Nhà Liên thì gần bên, mỗi khi thấy hai cha con bơi xuồng về, Liên hay giả bộ tình cờ qua nhà để được lựa cá, lựa tép tiếp một tay. Có khi, Liên còn qua bên này phụ má anh ủ cá, làm khô. Anh hiểu hết, anh cũng từng day dứt, biểu: “Gió bấc về rồi, lấy chồng sớm sớm đi, để tui trả cái ơn, cái nghĩa cho cô Hai”. Liên day mặt. Anh biết cô đang khóc.

Lụi hụi mà đã ba mùa gió bấc. Người ta nói Hoa đã có con. Hạnh phúc không? Chỉ biết lần nào về quê cũng chỉ lủi thủi một mình, ẵm đứa nhỏ, tay khum khum che nắng. Chắc đôi mắt đứa nhỏ cũng đang nheo nheo, mắc ghét!

Lụi hụi lại tới mùa gió bấc. Anh Tân chưa lấy vợ. Chị Liên vẫn một mình ngồi ở bến sông rửa chén.

Một hôm, thằng con trai anh Khánh chạy qua, mừng húm: “Chú Tân ơi, gió bấc dìa rồi, ba nói mơi mốt may cho con bộ đồ mới. Tết nay nữa là con được mười một tuổi, sướng quá!”

Ủa, bấc về sớm vầy nè? Ừ, cũng đã mười mấy mùa kể từ mùa gió ngày hôm ấy! Tân nhìn xuống bến thấy ba đang treo võng, chắc đang rầu, đang nhớ cái chuyện “cưới vợ cho con”. Liên phụ má anh gom mấy xâu khô cá kèo thơm lựng: “Ráng phơi cho đặng nắng, để dành cho bác trai với anh Tân nhậu nhẹt, khách khứa trong năm ba ngày Tết”. Liên nói mà mắt thì sao buồn vậy?

Dưới sông, có ghe đám cưới chạy ngang. Tân nghe bãi bồi ở giữa dòng đang cô độc phơi mình trong gió rát.

Nguyễn Linh (Báo Vĩnh Long)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu