A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trên triền dốc

Từ khi biết mình là thế nào thì đã thấy mình là đứa ở của nhà này rồi. Nhà chủ là ông trời, là thần thánh trong suy nghĩ của nàng. Nhưng đáng lẽ là người ở thì nàng phải xấu, phải kém thông minh, vậy mà nàng lại cứ mỗi ngày mỗi đẹp...

Đời một người mồ côi, hết cơm không có người múc thêm, rách áo không ai vá giúp. Ngay từ khi sinh ra, Cáng La đã là người mệnh khổ. Vì là người mồ côi nên nàng không biết thêu thùa, không biết khâu vá những tấm váy, những tấm áo lộng lẫy để đến khi tự nhiên thành thiếu nữ thì có cái ăn diện. Nàng dù là con gái nhưng chỉ biết việc của con trai. Nàng không có bạn gái, cũng không có bạn trai để trò chuyện hay ẩu đả như những đứa con nhà chủ.

Từ khi biết mình là thế nào thì đã thấy mình là đứa ở của nhà này rồi. Nhà chủ là ông trời, là thần thánh trong suy nghĩ của nàng. Nhưng đáng lẽ là người ở thì nàng phải xấu, phải kém thông minh, vậy mà nàng lại cứ mỗi ngày mỗi đẹp. Hôm nọ thằng Tồng Đu đã nói:

- Cáng La, mày đẹp như mặt trời buổi sớm.

- Mày dở à, hôm nay đi chơi đâu mà học câu hay thế?

- Chẳng đi chơi, là thằng Sỉnh nói với tao, thì tao nói với mày.

- Thằng Sỉnh về à?

- Nó về hôm qua, nhìn thấy mày địu nước chiều qua.

- Thì sao chứ, nó là nó, tao là tao, chẳng liên quan đến nhau.

- Nhưng nó lại bảo, mày lớn rồi, nó lớn rồi. Được.

- Được cái gì?

- Tao chả hiểu. Mày đi mà hỏi nó.

Trong khi Cáng La nghĩ thế thì Sỉnh nghĩ ngược lại. Rằng, chưa một đứa con gái nào chui đầu vào rồi ở mãi trong ấy như vậy. Sỉnh vốn nghĩ, hình ảnh nó chui vào được thì cũng chui ra được, miễn là mình không nghĩ nhiều về nó. Sỉnh đã đi học thật xa, thật cao để không phải nhìn thấy đứa con gái với thân phận người ở trong nhà. Nhưng không thể đi mãi để không nhìn thấy nó. Hè phải nghỉ hè, đông cũng phải nghỉ đông, nên về nhà vẫn giáp mặt đứa gái đó. 

 Minh họa: Hà Trí Hiếu

Đi hỏi nó? Hỏi thế nào chứ? Mà hỏi được à? Nó là con nhà chủ. Mình là con ở. Nó thế nào thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến mình. Nó có nói gì cũng coi như nước chảy qua chân, chẳng ngấm nổi. Mà đúng nó là nước thật, còn mình thì chỉ là núi thôi. Ở đây, núi nhiều vô kể, nước ít lắm. Nước chảy được nước chảy, núi không chảy được núi đứng im, chẳng ai vận vào ai được. Với Cáng La, thằng Sỉnh là dòng sông duy nhất trên cao nguyên này. Nó đang chảy miệt mài, cho nên nó không thể nhìn xuống, chỉ nhìn lên, cho nên bố mẹ mới cho nó đi học tận Đồng Văn để mai này làm việc lớn.

Lần này về Sỉnh thấy nó địu nước từ suối Sủng Nhỉ lên, vô tình lại đi sau nó. Sỉnh muốn gọi một câu, nghĩ thế nào lại không gọi, cứ đi sau rồi nhìn nó. Ái chà, cái xà cạp cuốn chân rách gần hết, bắp chân nó to thật, chắc thật. Cũng phải thôi, ngày nào cũng địu nước, địu củi, địu cỏ bò thì sao bắp chân không to chứ. Mà nó cuốn xà cạp nên bắp chân trắng mịn như sữa bò, những mạch máu hồng hồng làm Sỉnh chẳng rời mắt được. Lúc nó khom lưng bước, cái khoeo chân lộ ra thấy hồng hồng, mìn mịn lại cứ dập dình dập dình bị gấu váy lúc che đi, lúc lộ ra. Sỉnh leo ngược dốc, khát khô cổ mà cũng nuốt nước bọt. Dẫu chẳng có gì để nuốt thì khô họng vẫn nuốt. Gấu váy không quá khoeo chân, xà cạp không trùm khoeo chân nên cứ thấp thoáng một khoảng hồng hồng, trăng trắng trước mắt một thằng trai đang đi ngược dốc. Mà đứa Cáng La này càng lớn phải càng xấu đi thì mới xứng là đứa ở chứ sao nó lại cứ đẹp ra nhỉ. Thế là đêm ấy Sỉnh không ngủ được. Không ngủ được thì cái khoeo chân hồng hồng trăng trắng lại cứ hiện rõ trước mắt. Nhắm mắt thì nó chui vào đầu, mở mắt thì ở trong lòng con ngươi, thế thì thử hỏi có còn nhìn thấy cái gì nữa không?

*

Tồng Đu không biết tại sao mình lại có cái tên kỳ lạ vậy. Đáng lẽ người có tên Tồng Đu phải sinh ở một nhà giàu có, đủ mẹ đủ cha thì mới nên Tồng Đu – nghĩa là cứng cáp, mạnh khoẻ như đồng đen. Đáng lẽ cuộc đời hôi này phải có tên là Chơ mới đúng là một người mồ côi.

Bố mẹ Tồng Đu là ai, mang họ gì bao lâu nay không biết. Nhưng rất lạ là Tồng Đu ở trong một ngôi nhà không đến nỗi xiêu vẹo ở mãi cuối bản. Một mình một nhà, từ khi biết nhìn, biết nghĩ, Tồng Đu chỉ nhớ mỗi ngày mỗi người đều mang cho cái gì đó để ăn. Cứ ăn rồi lớn như ngày nay. Không một ai nhận Tồng Đu về nuôi cả. Những đứa trẻ cùng lứa vẫn chơi với Tồng Đu mà chẳng hề thắc mắc sao Tồng Đu có thể ở một mình.

Cái gì Đu cũng biết làm. Cuộc đời chưa đến nỗi bạc. May mắn nhất là Đu cũng có người để mắt tới. Cáng La cùng Tồng Đu đã đi hát hội nhiều lần. Mỗi khi có hội Tồng Đu và Cáng La vẫn được đi hát, múa khèn. Tồng Đu tự hào khi không phải vất vả lắm trong cuộc sống như những người mồ côi khác. Bây giờ làng của Tồng Đu đã là làng du lịch rồi, có nhiều việc để con trai con gái làm. Tồng Đu là đội trưởng đội văn nghệ. Tối ngày mải mê luyện sáo, luyện múa khèn, học lời khèn để đi biểu diễn văn nghệ.

“Đội văn nghệ của mình có một nàng tiên con ông Sính Chử Lầu”. Ấy là Tồng Đu hay trêu Cáng La vậy. Cũng tại bởi cái tên Cáng La xinh đẹp, trắng nõn, mũm mĩm, giống tên nàng tiên con ông Sính Chử Lầu trên trời. Cũng tại bởi Cáng La xinh đẹp, hát hay và thổi kèn lá vang như gió cuối chiều.

Lúc nào trên môi Cáng La cũng phải có cái lá để cất lên lời gọi mời chim chóc cùng đi. Cáng La ở nhà thằng Sỉnh, chỉ là phận người ở nên Tồng Đu những tưởng hai người sẽ được thành đôi bướm trắng lượn khắp núi đồi. Cáng La đã tặng chiếc thắt lưng xanh duy nhất cho Tồng Đu rồi. Tồng Đu đã tìm được nàng tiên chăm lo bếp lò ấm mãi, để rồi sẽ không còn là người mồ côi, con Tồng Đu sau này không phải chịu kiếp lang thang khắp nơi tìm họ hàng.

Ấy vậy mà chiếc thắt lưng xanh còn trong túi đeo bên mình đây mà Cáng La đã không còn ngồi đợi ở dưới mép suối nữa rồi. Cáng La bỏ bản mà đi. Tồng Đu ra ngồi đây, ngắt cái lá xanh thắm đưa lên môi cất lời thấm đẫm ở trong lòng: “Em không phải vợ anh, chẳng mời cho anh một đám trống. Em chẳng phải vợ anh, chẳng nghĩ cho anh một đám khèn”. Vừa thổi vừa nghĩ rằng, lời này thê lương quá, nhưng cũng không giải thích được tại sao những lời này lại vuột ra từ cái lá đang trên môi đây. Là Tồng Đu đang nghĩ tới việc lời khèn, lời trống trong tình huống bi thương nhất.

*

Đêm ấy rồi nhiều đêm sau nữa thằng Sỉnh cũng không ngủ được. Sắp hết những ngày nghỉ đông rồi, mùa xuân đã đậu trên đầu cành lê, cành đào rồi mà lòng nó bồn chồn. Tự nhiên nó quyết phải tự làm gì cho bản thân. Thằng Tồng Đu cứ cuốn lấy con Cáng La suốt ngày. Nó lại tự nguyện đến xin làm việc cho nhà Sỉnh, thế mới bực mình chứ. Hai đứa mồ côi định dính lấy nhau à. Nó chỉ cần ăn, không cần lấy công thì bố mẹ mình thích quá. Nước cạn chẳng còn giọt nào, hai đứa nó xin đi lấy nước, mà đi tìm nước thì xa ơi là xa. Cáng La bảo đi cả ngày may chăng mới được. Nó gói mèn mén vào cái khăn lanh đội đầu, rồi buộc vào cái eo bé tí xíu như eo con ong thợ ấy thì ai mà chịu được. Đáng lẽ cái gói mèn mén ấm áp ấy phải được dành cho Sỉnh thì mới chịu được. Thế mà nó rắp tâm dành cho thằng Tồng Đu á. Chúng nó đi tìm nước, đến khi có nước sẽ giở mèn mén ấm hơi Cáng La ra ăn rồi cười với nhau á. Thế thì làm sao Sỉnh chịu được.

Hai đứa đi trước, cười nói như chim với bướm. Sỉnh bực nên chân cũng bước theo, nhưng thực sự không dám để chúng nó thấy. Lại tiếng kèn lá vang lên như con oanh vàng đầu núi. Cái khoeo chân lại hiện ra cùng với tiếng kèn lá thì núi rừng nở hoa hết rồi. Nhưng trong hương thơm, tiếng hót và cảnh đẹp này đáng lẽ chỉ nên có Cáng La và Sỉnh thôi thì sao lại có thêm thằng Tồng Đu nữa, thế mới bực mình quá.

Nhưng Sỉnh chẳng làm gì được, vì thực sự nếu đánh nhau để giành lấy Cáng La thì không bằng thằng Tồng Đu này. Mà liệu thắng được Tồng Đu thì chưa chắc Cáng La đã đồng ý theo mình. Mà rồi nếu Cáng La đồng ý làm người đàn bà của mình thì chưa chắc bố mẹ đồng ý. Thế thì làm thế nào đây? Nghĩ được đến đây, chân Sỉnh dừng lại, không bước tiếp nữa. Tự nhiên câu nói của bọn thằng Hùng, thằng Thắng lại văng vẳng trong đầu Sỉnh: “Để bọn tao” như bao lần Sỉnh không làm được bài, chỉ cần một câu của nó là Sỉnh giải quyết được bài. Cái mà Sỉnh mất chỉ là hai chai rượu với mấy đĩa thịt ở quán bà Thắm béo trung tâm huyện. Vậy thì tại sao không để việc này cho hai thằng đấy nhỉ. Thế là Sỉnh quay chân lại, đi ngược lên huyện tìm hai thằng kia. Nhưng phải về nhà lấy cái xe máy, lấy tiền đã.

Nhà giờ này chẳng có ai, tiền thì Sỉnh thừa biết mẹ để ở đâu. Từ xưa đến nay, chưa lần nào mẹ tiếc tiền với Sỉnh nên lần này có lấy nhiều nhiều một ít thì cũng chẳng sao. Sỉnh nhảy lên xe máy, nổ oành oành phóng vụt xuống con đường mòn như cắm xuống vực.

Trời đông xầm xì, âm u. Nó quên cả đội mũ bảo hiểm nên mặt mũi tím tái cả, thêm cái đầu âm u chưa nghĩ ra được phải làm thế nào để sở hữu Cáng La nên nó càng phóng nhanh. Đường xóc, trời rét mà mỗi lúc một lâm thâm mưa nên nó càng cóng tay, cóng cả chân phanh. Cóng thêm cả đầu nó nữa nhưng sự ấm áp của gói mèn mén quấn quanh eo Cáng La cứ hiện lên trong đầu, giá như giờ cái đầu cóng của nó được sưởi ấm bởi gói mèn mén ấy có khi tan đi sự cóng mà tỉnh táo ra cũng nên. Nhưng ở khe núi, chân suối, Cáng La lại đang vui thích với Tồng Đu thì lại làm cho đầu nó cóng thêm.

Hai thằng “để bọn tao” đúng là đang uống rượu với trứng nướng ở vỉa hè. Gặp luôn cái đầu cóng cần được sưởi ấm thì rượu và trứng nướng là đúng quá rồi. Sỉnh ực một lúc ba chén liền, hai thằng bóc luôn hai quả trứng cho nó ăn. Thế là cái đầu đang cóng lại bị nóng đột ngột, thế là căng lên:

- Hai thằng mày phải giúp tao.

- Giúp gì? Mày nói đi, để bọn tao.

- Lần này hai thằng mày phải làm tốt thì tao mới nhờ.

- Được. Thế thì dẹp bàn rượu này về phòng mày bàn chuyện. Bàn ở đây lộ hết.

Vài chai rượu, cả rổ trứng nướng bị ba thằng khuân hết, nhảy lên xe phóng về phòng trọ của thằng Sỉnh.

- Hai thằng mày giúp tao có được con Cáng La.

- Cáng La nào?

- Đứa làm thuê cho nhà tao ấy.

- Mày thích nó à?

- Ừ! Làm thế nào để tao có nó?

- Mày muốn có nó lâu dài hay chỉ một lần thôi?

- Thế là sao?

- Thì mày muốn sở hữu có một lần duy nhất thôi hay muốn mãi mãi?

- À, cái này thì…. Mãi mãi đi.

- Thế mà cũng phải nhờ bọn tao. Bảo bố mày cưới cho.

- Chúng mày điên à? Nó chỉ là đứa làm thuê cho nhà tao, lại là đứa mồ côi thì không bao giờ bố mẹ tao đồng ý, thế thì tao mới cần đến chúng mày giúp chứ.

- À, tao hiểu rồi. Thế mang nó về phòng trọ này cho mày nhá.

- Được, thế thì tốt quá!

Mấy thằng quả là nhanh chóng, chỉ cần có thế mà chúng mang Cáng La về phòng trọ cho thằng Sỉnh được.

*

Sỉnh ra đứng trước cửa, quát:

- Hôm nay thằng Tồng Đu đi lấy củi, còn Cáng La đi tìm nước.

Hai đứa chẳng dám nói gì, đều tự hiểu rằng đừng có đi cùng đường nhau nữa. Với hai đứa thì chỉ hơi buồn vì không được cùng đường đi thôi, chứ chúng chẳng hiểu thâm ý của thằng Sỉnh. Cáng La lút cút địu quẩy tấu, đựng can nước ở trong đi tìm nước. Trời vẫn âm âm, u u. Mùa đông lúc nào chẳng thế. Cáng La lại đặt chiếc lá lên môi, gọi mầm Xuân về đậu trên đầu cành lê, cành mận cho trời sáng sủa ra một chút, chứ cứ rét mãi thế này yếu người lắm. Cáng La muốn thay đổi việc lắm rồi. Mấy tháng liền, ngày nào cũng đi địu nước buồn quá. Mùa Xuân đến thấy hoa nở, chim bay còn đỡ buồn lòng. Rồi trời đỡ rét hơn thì còn được bỏ bớt váy áo ra trông cho đỡ xù xì con người.

Vừa đi vừa nghĩ thế, thì có hai thằng ngồi ven đường thổi sáo vặt. Cáng La đi đến, lách qua chúng để không động đến thằng nào. Thế mà một thằng hỏi:

- Này cô em ơi, cho hỏi đường đi về huyện là đường nào thế?

- Tôi không biết đâu, các anh cứ đi đường này, ra đến đường to, gặp ai thì hỏi tiếp.

Câu nói chưa thoát hết ra thì một cái gì lành lạnh đã áp vào mồm vào mũi. Cáng La giãy giụa, kêu la cũng chỉ được những tiếng ú ớ phát ra rồi có muốn chạy, muốn nói cũng không được nữa. Lại tự nhiên nhắm mắt mà ngủ mới lạ chứ.

Ở đầu đường to, thằng Sỉnh đã ngồi trên xe máy đợi. Ba thằng với Cáng La bị giữ ngồi ở giữa nữa, phóng vù vù trong gió bấc về căn phòng trọ của nó. Đến khi đưa được Cáng La vào giường, đóng cửa lại thì hai thằng kia được một cục tiền với cái xe máy phóng vụt đi tiếp.

Khi Cáng La hơi tinh tỉnh một tí thì đầu ong ong, ung ung nên không hiểu điều gì vào điều gì. Hé mắt nhìn, mãi một lúc lâu sau mới tự nhận thấy cái phòng lạ, thêm thằng Sỉnh nằm bên cạnh, mà cả hai đứa trần như con nhộng trong đõ ong. Cáng La giật mình hét toáng lên Sỉnh mới tỉnh giấc.

Nó bảo:

- Mày ở yên đây không tao mách bố mẹ tao. Mày là đứa ở nhà tao thì phải biết nghe lời tao.

- Nhưng mà mày làm cái gì tao rồi? Tao nhớ là có hai thằng bịt khăn vào mồm tao, thế giờ sao lại ở đây với mày?

- Là tao bảo chúng nó mang mày về đây cho tao.

- Thế mày làm gì tao mà tao lại ngủ kiểu thế này?

Sỉnh tự nghĩ trong đầu: “Cái đứa này thật chẳng biết gì cả. Nó lớn thế này rồi mà cũng chẳng biết lớn lên thì sẽ phải có cái việc gọi là vợ chồng nên nó mới hỏi mình những câu kiểu thế này. Nhưng thế này thì càng tốt”.

- Tao chẳng làm gì mày cả. Tao thích mày ở đây với tao thì mang mày về đây thôi.

- Nhưng tao còn phải đi làm, không bố mẹ mày đánh chết. Mày mang tao về đi để còn đi làm.

- Từ giờ mày không cần đi làm nữa, ở đây với tao. Tao với mày làm vợ chồng.

- Làm vợ chồng là làm cái gì?

- Mày không cần biết, chỉ cần ở đây phục vụ tao là được. Tao bảo bố mẹ rồi.

- Bố mày đồng ý à?

- Đồng ý chứ.

Thế là Cáng La yên tâm ở đây phục vụ thằng Sỉnh. Đến cả việc hằng đêm nó bắt làm vợ chồng Cáng La cũng ngây thơ hiểu rằng đó là việc phục vụ một đứa con chủ nhà mà bố mẹ nó đã đồng ý. Thằng Sỉnh cũng chỉ ăn rồi nằm, ngày nọ qua ngày kia, thích thú với cuộc sống hằng ngày được ôm tấm eo lưng trắng hồng, thon gọn như là mãn nguyện lắm rồi. Nhưng nó lại chẳng ngờ thằng Hùng, thằng Thắng lại ăn tiêu số tiền của nó nhanh đến vậy. Tiếng con nhạn còn chưa kêu hết mùa mà chúng đã quay lại, thấy Cáng La vẫn ngoan ngoãn ở với thằng Sỉnh thì rất ngạc nhiên về hai đứa ngây thơ được hưởng phúc với nhau. Chúng tự nhủ rằng, sự ngây thơ của hai đứa đã được hưởng đủ, giờ thì đến lượt chúng hưởng sự ngây thơ của Cáng La.

Một buổi tối nọ, hai thằng rủ Sỉnh uống rượu trứng nướng ở góc phố. Sự khoan khoái của một thằng đang mãn nguyện được hai thằng kia tán dương ngun ngún như than ấm trên nền tro ấm đang nướng trứng và hâm nóng rượu kia. Từ sự ngun ngún ấy nó bốc cao ngùn ngụt sau ba chai rượu được hâm nóng mà chả kịp ăn quả trứng nào. Hai thằng dìu Sỉnh về phòng, vứt uỵch nó xuống giường. Cáng La cũng chẳng lấy làm ngạc nhiên, vì đàn ông say rượu thì thấy nhiều rồi nên cứ để cho Sỉnh ngủ. Hai thằng khát nước, xin Cáng La nước uống.

- Uống rượu say khát nước thật đấy Cáng La nhỉ!

- Các anh cứ uống đi, hết tôi lại lấy cho.

- Thế thì cô đi xuống bếp lấy thêm lên đây cho chúng tôi.

Cáng La cũng ngoan ngoãn xuống lấy nước mang lên thật. Lên đến nơi thì một thằng bảo:

- Cô cũng uống một cốc đi.

- Tôi không khát đâu.

- Cứ uống một cốc đi.

Cái cốc đưa sát đến mặt rồi thì Cáng La cũng phải uống thôi. Hai thằng cứ cốc nọ cốc kia uống mãi. Tự nhiên Cáng La lại thấy buồn ngủ mà hai thằng không về để ngủ. Chân tự nhiên lại đứng dậy, đi đến mép giường, rồi chẳng còn biết gì nữa.

Mãi sáng hôm sau Sỉnh tỉnh thì không thấy Cáng La đâu. Nó đi đâu nhỉ, ở đây nó biết ai, biết chỗ nào mà đi. Hay là nó về nhà mình nhỉ? Sỉnh về nhà lặng lẽ nhưng cũng không thấy. Hỏi bố mẹ thì bảo không biết nó bỏ đi đâu. Sỉnh tự nghĩ: “May mà bố mẹ không biết mình bắt nó đi làm vợ chồng với mình. Thôi cứ để cho chẳng ai biết nó đi đâu cũng được”.

*

Hết mùa đông, hoa nở trắng núi hồng rừng. Chim én đã bay về núi, ai vào việc ấy của một năm mới. Ai cũng bắt đầu một việc mà năm trước mình đã dự định rồi, chỉ chờ trời ấm lên, sương tan đi là lại vác cày lên nương. Ai cũng quen chân quen tay với những việc vốn của mình vẫn làm. Nhưng có hai đứa, thêm một thằng Sỉnh nữa lại phải làm việc mà từ xưa đến giờ ở vùng này chưa ai làm, cũng giống như việc đưa Cáng La ra khỏi sự ngây thơ của một cô gái mới lớn cũng chưa từng ai làm mà chúng đã làm vậy.

Sỉnh đang nằm khểnh ở nhà thì công an đến nhà, bảo rằng nó bị bắt vì tội hiếp dâm, tiếp tay cho bọn buôn bán phụ nữ. Hắn quá ngạc nhiên, nhưng nghĩ lại cái tội bắt Cáng La làm vợ chồng thì đúng rồi, nhưng còn tội tiếp tay cho bọn buôn bán phụ nữ thì hắn không làm.

Phiên tòa xét xử lưu động đầu tiên diễn ra trên cao nguyên đá. Ba thằng đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi Cáng La nói về mình sau khi bị sống khổ sở ở một nhà bên kia biên giới cho đến khi được công an giải cứu về. Người phát hiện, báo công an để giải cứu cho Cáng La chính là Tồng Đu.

Chiếc xe hòm lại đưa Sỉnh và hai đứa bạn của hắn về xuôi, còn Cáng La và Tồng Đu cầm tay nhau đi ngược về bản. Trên đường về, tiếng kèn lá lại gọi mùa Xuân về. Xuân đang ở trước mặt họ đó thôi. Xuân trên triền dốc. Xuân trong cành hoa mơ hoa mận nở. Xuân bung nở trong tim Tồng Đu sau bao ngày đông giá lạnh kiếm tìm Cáng La. 

Chu Thị Minh Huệ (VNCA)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu