A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Keo tai tượng

Những cánh chim cuối cùng đã rời khỏi vạt rừng, bay về tổ, nhưng Tâm vẫn nấn ná ngồi tựa gốc keo, như thể dựa lưng vào người bạn tâm giao. Tại sao, mình không ác ý với ai, mà lại bị bạn bè phản bội và cướp công thế nhỉ? Tại sao, người ta cứ phải tranh nhau làm quan thì mới được vị nể và trọng vọng nhỉ?

Minh họa: Trương Tiến Trà 

Rừng keo tai tượng ánh lên trong nắng chiều.

Gió rừng chiều xôn xao, như giục những chú chim cần mẫn nhớ bay về tổ, kẻo lạc lối. Ngôi sao Hôm đã hiện trên nền trời, như ánh mắt Hường gọi Tâm về nhà. Mỗi khi Tâm đi rừng về muộn, nàng thường bảo, sương chiều là độc lắm. Tâm cãi cối, ma rừng anh còn chẳng sợ nữa là. Thế, anh sợ cái gì? Sợ người rừng! Nghe vậy, khuôn mặt đang hồng hào của Hường, đột nhiên tái dại.

*

Ngày ấy, vùng này là rừng già.

Tâm và Lẫm cùng được phân công về lâm trường. Sức trẻ phơi phới, suốt ngày hát vang Bài ca người thợ rừng. Ông nhạc sĩ tài thật, cứ như hóa thân vào cánh lâm trường, náo nức thốt lên từ trái tim mình: Cây đổ dồn vang như tiếng pháo, tiếng hò nhịp theo trâu kéo gỗ, áo thấm bao mồ hôi, nhưng lòng rộn lên niềm vui. Những cây gỗ mấy người ôm mới xuể bị chặt hạ. Những rừng giang, rừng nứa bị phát trụi. Nắng hè thiêu đốt, gỗ, giang, nứa khô cong. Bọn Tâm, Lẫm và cánh thanh niên được phân công đi đốt nương. Những bó đuốc châm hết đồi này sang đồi khác. Những ngọn lửa bốc cao, gió cuốn ào ào, khói tỏa ngút trời, tàn lửa bay tán loạn, hòa trong tiếng ống giang, ống nứa nổ rền như pháo trận... Cả một vùng ngùn ngụt như Hỏa Diệm Sơn bốc cháy. Nhìn những cây gỗ cháy đỏ trên đồi, đêm đêm lập lòe như ma trơi, hàng tuần lễ mới tàn, ai cũng tiếc, nhưng không cho lấy gỗ, phải để tro than bón cho bồ đề!

Những rừng bồ đề, tiếp rừng bồ đề được trồng theo hướng dẫn kỹ thuật của chuyên gia, để làm nguyên liệu cho nhà máy giấy. Nghe nói, nhà máy giấy này to nhất khu vực, không những cung cấp đủ giấy học sinh và cho văn phòng các cấp trong cả nước, mà còn thừa xuất khẩu. Nói đến giấy, thì bọn Tâm thấm thía nỗi thiếu thốn thuở học trò rồi. Những tập vở cũ, phải nhúng nước vôi, nước gạo, rồi phơi khô, để viết lại, mực thấm nhoẹt nhòe như sớ cúng ma.

Khi triển khai việc phát rừng già, trồng bồ đề làm giấy, Tâm thắc mắc, tại sao không dùng giang, nứa, tre sẵn có làm giấy, mà lại phải trồng bồ đề? Rừng tre, nứa, giang thì cứ chặt tỉa cây già, để măng và cây non, thì hết lớp này đến lớp khác thay nhau. Nhưng trồng bồ đề, sau khi thu hoạch lại phải chờ trồng đợt kế tiếp, liệu có đủ nguyên liệu phục vụ nhà máy. Vậy, cái nào hơn? Lẫm mau mắn ý kiến phản bác rằng, đã là chủ trương rồi, cứ triển khai thôi. Trên tán thưởng, thế là cả lâm trường tuân theo. Tại sao, khi trao đổi với nhau, Lẫm cũng thống nhất ý tưởng của Tâm, mà ra hội nghị lại nói thế? Từ đó, Tâm nhìn Lẫm với con mắt khác.

Rừng già đi đời rừng già.

Những con suối lờ lờ nước hến và teo tóp lại. Suối không còn cất lên róc rách nữa, mà uể oải chảy giữa đôi bờ cằn khô. Tâm nhớ những ngày cùng Hường ngược suối. Nước trong xanh in bóng hình. Những viên cuội ngũ sắc lung linh. Những chú cá hoảng loạn lao bổ vào bắp chân trắng như đọt măng của Hường, khiến cô giật mình, vội đu lên đôi vai lực lưỡng của Tâm. Đôi bóng quấn quýt ẩn hiện trong thác nước.

*

Rừng bồ đề lụi tàn.

Lâm trường trở thành công ty lâm nghiệp. Công nhân tứ tán thoát ra khỏi những gian nhà tập thể, nhận đất vườn rừng và làm nhà riêng dưới chân đồi. Ngày ngày, bảo nhau cắt cây chít về làm chổi bán, kiếm tiền đong gạo.

Làm cách gì để cứu mình và cứu anh chị em đã gắn bó cả tuổi thanh xuân với lâm trường? Chả gì, mình cũng là đội trưởng. Nghĩ vậy, Tâm bàn với Lẫm, lúc này đã là Phó giám đốc Công ty.

- Có khi, ta cho trồng keo tai tượng, anh Lẫm ạ.

- Hồi học lâm nghiệp, cánh mình còn lạ gì cái anh keo này, nó là họ trinh nữ, bấy bưa. Nếu tính vận chuyển bằng ô-tô thì không kinh tế, lõng bè thì gỗ nặng, chìm nghỉm, chở làm sao? Giống này, làm củi cũng chả xong, khói toét mắt. Trồng mà làm gì, ai mua? Ăn thì chẳng ăn được. Nếu ăn được thì chẳng đến lượt mình.

- Thì, tôi tính thế này, keo tai tượng dễ trồng, lại nhanh phục hồi đất. Thân gỗ, có thể bán nguyên liệu, hoặc xẻ ván, đóng đồ, có khi lại thành lập được nhà máy chế biến gỗ ấy chứ. Chỉ dăm bảy năm thì hồi đất, rồi trồng cây khác cũng được. Vả lại, anh chị em có công ăn việc làm, thêm ngành nghề mới, ít ra cũng đủ sống, rồi có bát ăn bát để.

- Cậu cứ làm như bốc mà bỏ bị được không bằng. Huyễn tưởng quá đấy, cần thực dụng một tý cho vợ con nhờ đã.

Tuy không được lãnh đạo Công ty ủng hộ, nhưng Tâm vẫn bàn với Hường, thế chấp ngôi nhà hiên tây mái chảy của mình, vay vốn ngân hàng, mua keo giống và trả lương cho công nhân.

- Thua lỗ thì vào hang mà ở à?

- Thua là thua thế nào? Ngày xưa, cánh thanh niên bảo, thằng Tâm củ mỉ cù mì thì làm sao cưa đổ được cô Hường hoa hậu miền sơn cước. Thế mà...

- À, thì ra là do các anh thách đố nhau, chứ không phải tình yêu?

- Lại chuyện nọ xọ chuyện kia rồi, tình yêu đâu chỉ nói bằng lời.

Hường nguýt và phụng phịu ra vẻ tự ái, nhưng Tâm biết là cô đã đồng ý rồi.

Thế là, ngoài chỉ tiêu khoán của Công ty, đội của Tâm lặng lẽ đưa keo tai tượng lên đồi trọc. Ai cũng phấp phỏng lo như chửa con so, nhưng nhìn vào Tâm lại thấy yên lòng. Người ta thế chấp cả mái ấm của mình, thì phải tính toán thận trọng lắm, chứ đâu phải cái trò đánh bạc mà sợ.

Mùa keo tai tượng nở hoa, ong kéo về hàng đàn. Có lẽ, chúng khát nhụy làm mật lắm rồi. Từ lâu, cả vùng đồi trọc chẳng có bông hoa nào. Tâm làm thêm mấy đõ ong. Rõ là hữu xạ tự nhiên hương.

*

Chính cái chuyện hữu xạ tự nhiên hương, lại làm khốn khó cho Tâm, hơn thế, lại chích vào trái tim anh một vết thương không bao giờ lên da non, mà luôn rỉ máu.

Số là, tay nhà báo từ thủ đô trên đường tác nghiệp, thấy cảnh những lô keo tai tượng đã quá kỳ khai thác mà vẫn trơ thổ địa trên đồi. Sục vào các nẻo đường rừng, thấy bọn trẻ con đi hái mộc nhĩ, trên từng đống gỗ keo ngồn ngộn như tòa nhà, đang mục ải. Hỏi làm sao vậy, thì Tâm không nói, nhưng cánh công nhân thì tông tốc phun ra cho hả dạ, nào là chuyện ngăn sông cấm chợ, vườn rừng mà không cho khai thác, nhưng khai thác rồi chở đi cũng bị chặn trên đường. Tay phóng viên vê vê hai ngón tay cái và trỏ, nheo mắt tinh quái. Cả bọn cười ồ và bảo, cũng thử hết cách rồi, bởi có kẻ ghen ăn tức ở, tâu hót lên trên, để lập công, nên mới ra nông nỗi.

Bài báo như một cơn lốc, làm cho cả vùng rừng bị xới tung cả lên. Trên về điều tra, cho chụp ảnh đăng báo, cây keo mười năm tuổi, nhưng lõi vẫn chắc như gỗ đinh, có mục ruỗng như cái tài liệu khoa học chết tiệt nào đó đưa ra đâu. Làm gì có chuyện gỗ để mục hàng đống trong rừng. Từ thuở khai thiên lập địa đến giờ, chưa thấy tay cán bộ nào dám thế chấp nhà, để vay tiền trả lương công nhân cả? Loạn xì ngậu cả lên, không ai còn biết thế nào ra thế nào nữa. Chỉ có vợ chồng Tâm, Hường và những người trồng rừng là biết nông nỗi mà thôi. À quên, còn cả cánh lái xe, ban đêm chở thuê gỗ mục, đi tẩu tán và đám ngân hàng cho vay thế chấp là cũng biết nữa đấy.

Lẫm xuất hiện trên báo, đài với tư cách Giám đốc Công ty, nói về hướng phát triển của keo tai tượng và lập dự án xây dựng nhà máy chế biến gỗ. Keo tai tượng thành đồ gỗ xuất khẩu. Rừng keo tiếp rừng keo, khi khép tán lại thêm dự án du lịch sinh thái môi trường. Cứ thế, keo tai tượng sinh sôi, trở thành biểu tượng trong lô-gô của Công ty.

Ngược lại với Lẫm, những áp lực vô hình lại đẩy Tâm xuống địa ngục. Thấy chồng lâm vào tình cảnh khốn khó, Hường muối mặt nhờ Lẫm, hãy nghĩ đến tình bạn, mà có lời với trên nương tay. Sẵn mối quan hệ thân tình giữa hai nhà bấy lâu, nay qua qua lại lại mãi, khác nào lửa gần rơm. Cái bận, Lẫm lộ tấm thân lông lá như người lại giống, trong ánh đèn khách sạn mầu hồng, khiến Hường giật thót. Nhớ lại, có lần Tâm nói, cái thằng Lẫm bề ngoài thì nom tuấn tú, cởi ra thì như thể người rừng. Lẫm đa tình nhưng nhát, nên chỉ hay đi lại với các cô xa chồng, hay gái góa, hoặc chồng bỏ, không sợ bị đánh ghen.

*

Những cánh chim cuối cùng đã rời khỏi vạt rừng, bay về tổ, nhưng Tâm vẫn nấn ná ngồi tựa gốc keo, như thể dựa lưng vào người bạn tâm giao. Tại sao, mình không ác ý với ai, mà lại bị bạn bè phản bội và cướp công thế nhỉ? Tại sao, người ta cứ phải tranh nhau làm quan thì mới được vị nể và trọng vọng nhỉ? Phải chăng, chức tước tạo nên uy lực và bổng lộc, khiến người khác buộc phải nhờ vả, như Hường cũng vậy đấy thôi.

Chợt nghĩ đến Hường, người mà Tâm kỳ vọng nhất cuộc đời, lại bị ngâu vầy, làm trái tim anh đau nhói, đến độ tức thở. Có cái gì ươn ướt, dinh dính bên khóe mép, Tâm quệt tay nhìn. Ôi trời, máu! Mắt Tâm đổ hoa cà hoa cải và ngã gục bên gốc keo tai tượng.

*

Hưởng ứng chương trình cả nước trồng rừng, Lẫm cho trồng keo tai tượng mật độ dày gấp đôi, trên mỗi héc-ta, từ hai nghìn rưỡi cây, tăng lên năm nghìn cây; rồi từ số cây, lại tính diện tích một thành hai. Một việc làm nhất cử lưỡng tiện, giúp Lẫm lên như diều.

Bắt chước các đại gia, Lẫm cũng về quê cung tiến tiền công đức tôn tạo đình làng. Hứng lên, Lẫm còn mua hàng chục tấn phân NPK trộn với phân xanh và vôi bột, đắp quanh gốc cây đa đầu đình. Các cụ bảo, từ thượng cổ đến giờ, chưa thấy ai bón phân cho đa, khéo tốt quá hóa lốp, tội với tiền nhân. Nhưng Lẫm là kỹ sư lâm nghiệp cơ mà, lo bò trắng răng làm gì cho mệt. Quả là nhân bảo như thần bảo, chẳng bao lâu, cây đa thối rễ, rũ lá chết khô. Ai cũng cho là điềm gở, nhưng Lẫm lại tuyên bố xanh rờn, tuổi thọ của cái giống đa, cây nào tốt phúc lắm mới được vài trăm năm mà thôi.

Trong vùng, người ta cũng khen Lẫm là người chí cốt bạn bè. Nấm mồ của Tâm trong rừng keo tai tượng, cũng một tay Lẫm giúp gia đình Hường thuê xây cất, hoành tráng nhất.

*

Lại vào mùa keo tai tượng nở hoa.

Hường tìm tới, lại ngồi chết lặng bên mộ Tâm, tức tưởi nhìn những con ong bay theo hình số tám về lấy mật, rồi lại cất cánh bay vút vào tầng không. Những bông hoa keo tai tượng, như những giọt nước mắt khô, rơi đầy ngực áo. Cô chợt nhớ lại hôm chôn cất Tâm, khi người thân về hết, anh em bạn bè về sạch, bên nấm mộ Tâm chỉ trơ lại Hường và Lẫm. Chả ai dám nhìn vào mộ Tâm, mỗi kẻ nhìn về một hướng và Hường cũng không dám đổ một giọt nước mắt nào...

Vũ Xuân Tửu (Nhân dân hằng tháng)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu