A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Điều chỉnh

Tôi nghĩ vợ chồng ông có gì mâu thuẫn sâu sắc đâu, chẳng qua bà ấy tham việc, buông việc nọ, bắt việc kia, từ gà gáy đến đêm khuya. Một người quá chịu thương, chịu khó, làm cho cái tính “Trương Phi” của ông khó chịu.

 (Tranh minh họa)

Ngay cánh đi bộ thể dục buổi sáng, cũng phàn nàn: mùa hạ cũng như mùa đông, cứ lúc đi thể dục buổi sáng, là lại thấy bà ấy vung chổi quét đoạn tỉnh lộ trước nhà, dài cả trăm mét, rộng 5, 6 mét. Quét xong mới chịu về quét dọn sân nhà. Ông ấy cũng xuống bếp sắp ăn cho mèo, chó, lợn, gà và mẹ con con bò. Xong mới sắp bữa sáng cho người. Dọn mâm cơm ra, gọi bà ấy, cứ vâng, dạ mãi ở ngoài vườn “người làm không bực bằng người trực nồi cơm!” ông gắt. Bà phải bỏ dở việc, cũng bực! Thế là “chiến sự” bùng nổ. 

Hầu như mười ngày, thì chín ngày ông bà to tiếng. Ăn vội bát cơm bà tất tả ra đồng xoay vào mấy sào ruộng. Còn ông, bà không cho đi, ở nhà làm được việc gì thì làm, còn cứ để đấy bà về làm tất. Nhưng nhà quê bao nhiêu việc không tên, ngồi yên sao được? Những hôm không có khách đến chơi cờ, bàn luận thế sự, hoặc giao lưu thơ ca... ông cũng sắp được bữa trưa, dọn cơm chờ bà. Hôm trời nắng bà cố làm cho xong đám cỏ, vừa đói, vừa mệt, vừa khát nước mong về đến nhà để được nghỉ ngơi. Vừa đến cổng đã thấy ông quát: “Bà làm gì mà bây giờ mới về?”. Nghe hỏi phủ đầu, bà buông một câu: “Tôi đi chơi!”. Thế là xung đột lại bùng phát. 

Một hôm, bà về cổng sau thấy trong nhà như có “hội nghị”. Bà lặng lẽ vào bếp. Chó, mèo, gà, lợn thấy bà về, xúm lại đòi ăn. Vừa cho chúng ăn, bà vừa vội sắp bữa trưa. Vẫn thấy ông cao giọng: “Cái ngày đơn vị tôi đang chiến đấu vùng Bảy Núi, An Giang, một lần truy kích bọn thám báo chúng chạy sang núi Tà Lờn. Anh em người An Giang đa phần theo đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa đã kể: Ở trên núi này có 36 phần mộ cổ của người Việt mình, khi chúng tôi đuổi chúng đến một cửa hang, trên vách đá cửa hang có 3 chữ Hán: Động Kim Quang. Đây là nơi chôn cất thi hài của Vua Hàm Nghi cùng 3 danh tướng cận thần của ngài. Tương truyền khi thực dân Pháp lùng bắt nhà Vua, sau thất thủ kinh thành Huế đêm mùng 7/7 năm Ất Tỵ (1885) ở Quảng Trị ngài đã lánh vào vùng Bảy Núi luyện binh chống Pháp. Sau khi ngài mất, các sỹ phu mai táng ở động này. Ở trong chùa Phi Lai cũng dành hẳn một gian để thờ phụng và treo cả di ảnh của ngài. Còn Vua Hàm Nghi mà thực dân Pháp bắt ngày 14/1/1888 đày sang Algeria là vua giả. Núi Tà Lờn còn là thánh địa, là trường thi tốt nghiệp của các Đại pháp sư của cả vùng Đông Nam Á…!”. Mọi người há hốc mồm nghe, ông càng phấn chấn tiếp: “Còn cái ngày tôi được điều về tăng cường cho huyện đội Bắc Ái, Bình Thuận, một tối mấy anh người Gia Lai rủ đi dự lễ bỏ mả. Sau phần lễ đến phần hội, trai gái các làng quây quanh đống lửa hát giao duyên. Tàn cuộc các nữ tú rủ các nam thanh về nhà mình ngủ thảo. Mấy người cùng đi anh nào cô ấy. Tôi cũng được một cô xinh ơi là xinh, mời đi! Sợ bị kỷ luật, tôi chối! Anh em đi cùng bảo: “Phong tục của đồng bào cho phép, đồng chí không đi đồng bào không ưng đâu, cứ đi sáng mai cùng về!”. Từ cha sinh mẹ đẻ lần đầu nằm với con gái nóng hôi hổi, tôi như người phát sốt run cầm cập. Rồi chẳng biết ma xui quỷ khiến thế nào, tôi choàng tay qua người cô. Một bàn tay thô ráp, rắn chắc, nắm chặt, nhấc trả về phía tôi, kèm theo một câu đanh gọn: “Không được làm bậy, như trai gái người Dao ngủ thăm. Ngủ thảo là ngủ với nhau để trò chuyện, tìm hiểu, khi nào cưới hỏi thành vợ, thành chồng mới được sinh hoạt vợ chồng. Trai gái Gia Lai giữ gìn nghiêm lắm. Ai vi phạm sẽ bị Giàng trừng phạt! Bị cộng đồng đuổi ra khỏi buôn làng!”. Xấu hổ quá tôi nằm chết cứng đợi sáng về đơn vị...”. Nói đến đây cũng là lúc đồng hồ điểm 12 tiếng. Mọi người xin phép ra về. Ông Tác mới vội chạy xuống bếp lo bữa trưa, cũng là lúc bà bưng mâm cơm lên, hai người va nhau, suýt đổ. Ông buột miệng: “Sao hôm nay bà về sớm thế?”. Bà mỉm cười. Ông ngượng chín mặt. Lần hiếm hoi không có “chiến sự” nổ ra. 

Vợ chồng ông va chạm những chuyện đại loại như vậy. Do nói năng quen mồm chứ không có bất đồng sâu sắc. Nếu đều biết “lựa lời mà nói” thì đâu đến nỗi. Cánh lớn tuổi gọi ông bà là “vợ chồng phường chèo”, còn cánh trẻ thì gọi là “hai cụ lão nghệ sỹ phát thanh viên”. Ông cũng chẳng phật ý. Vậy mà hôm nay ông tỏ ra quyết liệt. Tôi hỏi bác gái đã làm chuyện gì để bác nặng lời thế?”. “Vợ chồng tôi không hợp nhau chú ạ!”. “Không hợp mà năm xưa làm đám cưới vàng, hai bác chụp ảnh cưới vai áp má kề, vừa tình tứ, vừa phong độ, trông đến hoành tráng, cứ như là vợ chồng nguyên thủ quốc gia! Ai cũng khen: Đã ngoài thất thập mà trẻ, khỏe đẹp hơn cả ngày cưới 50 năm trước! Với lại vừa mới tuần qua mọi người còn thấy hai bác đèo nhau bằng xe đạp điện đi dự hội nghị Đại đoàn kết toàn dân, thấy hai bác vui như tết mà hôm nay lại bảo không hợp. Không hợp mà lại ở với nhau 50 năm, có đến 3 mặt con đều phương trưởng, cháu nội cháu ngoại đề huề... Em không tin!”. “Vợ chồng chú tính nết hợp nhau, thuận hoà hạnh phúc, chú hiểu sao nổi?”. “Bác nên nhớ trên trái đất này có hơn 6 tỷ người là hơn 6 tỷ bộ vân tay khác nhau, không một ai giống nhau, kể cả cha con anh em... Tính nết mỗi con người cũng vậy. Sở dĩ vợ chồng họ “ăn đời ở kiếp” được với nhau là do họ biết điều chỉnh! Tức là mỗi người nhường nhịn nhau một chút, chịu đựng nhau một chút, tôn trọng nhau một chút, thì gia đình sẽ yên ấm. Làm được cũng không dễ nên mới có câu: “Đất nước có thể di dời nhưng bản tính con người khó đổi”. Vì thế nên ông cha ta mới dạy: “Từ nhà vua đến thứ dân, điều quan trọng bậc nhất là vợ chồng giữ cho được gia đình thuận hòa yên ấm!”. Đa phần đã làm được. Nói thật với bác tính nết nhà em, chỉ mong được bằng một nửa bác gái thì phúc đức nhà em to bằng cây đa, cây gạo. Bác không thấy vợ chồng em “to tiếng” là do biết điều chỉnh, biết chịu đựng, biết chấp nhận, chứ tính em còn hơn cả “Trương Phi” ấy chứ! Nếu không biết điều chỉnh, không kể dân thường như anh em mình mà đến cả thủ trưởng như ông Sắc-Kô-Di, ông Hon-lan nước Pháp cũng đều bỏ vợ bỏ con bồ bịch... Tư cách ấy thì làm sao mà “tề gia trị quốc bình thiên hạ?”. Ở nước mình thời phong kiến muốn ra tranh cử chức phó lý, lý trưởng vợ chồng cũng phải song toàn hiếu thuận... Có phải cứ muốn là được đâu”. Mặt ông vẫn nguội lạnh, đứng dậy: “Sáng mai tôi theo chuyến xe Bắc Nam chạy qua cổng. Ở nhà nhờ chú “điều chỉnh” giúp nhà tôi!”.

Tôi và ông Tác không phải anh em họ hàng, cũng chẳng cùng trang lứa nhưng lại thân thiết là vì thời đánh Mỹ, ông vào Nam chiến đấu, lúc bị thương ra Bắc điều trị, rồi về làm ở huyện đội. Nhà tôi mấy đời binh nghiệp. Cụ tôi theo phong trào Cần Vương do cụ Ngô Quang Bích - Tổng đốc Hưng Hóa - lãnh đạo; ông tôi theo cụ Nguyễn Bá Đạt đánh phủ Lâm Thao trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái cuối 1929 đầu 1930. Bố tôi tham gia vệ quốc từ 1945 đi biền biệt mãi đến cuối 1953 khi phát động giảm tô trên mới cho về xác minh lí lịch bởi có người tố là con Quốc dân Đảng, bố mẹ tôi mới được gần nhau và tôi có mặt trên cõi đời này. Từ lúc đến tuổi nghĩa vụ, tôi đã mấy lần đi khám tuyển nhưng đều trượt chỉ vì thấp, bé, nhẹ cân. Biết ông Tác làm ở huyện đội, tôi xuống nằn nì xin đi. Ông ấy đuổi về. Tôi cứ bám. Tối ấy nằm cùng, ông doạ: “Lần trước mấy tay oắt con, láu cá dám đúc đá vào quần, uống căng bụng nước, lúc lên cân đá tọt ra bị lộ. Người ta cảnh cáo đuổi về, cấm lần sau không cho đi khám...!”. Từ chuyện răn đe của ông gợi cho tôi lối thoát, tôi như người chết đuối vớ được cọc. Đợi cho ông ngủ say, tôi chồm dậy, sờ soạng, tìm đá khâu chắc chắn vào trong quần lót. Sáng hôm sau lúc lên cân, tôi lại làm thêm nửa gầu nước giếng. Thế là ổn. Tôi đi luôn. Chuyện ấy đến tai mẹ tôi, bà sang tận nhà ông nói: “Anh là cán bộ mà xui nó gian lận để trúng tuyển. Nó vác không nổi khẩu súng, trận mạc cần có sức, lỡ nó không hoàn thành nhiệm vụ, có phải ảnh hướng xấu không những gia đình tôi, mà còn cả làng xóm... Sao anh lại làm thế”. Ông Tác không dám thanh minh, bố con cứ một xin, hai xin mẹ tôi. Đất nước ca khúc khải hoàn, tôi về ông mừng hơn cả mẹ tôi. Anh em từ đó thân thiết như ruột thịt, có gì buồn vui đều sẻ chia tâm sự. Giờ ông bỏ đi, chồng Nam, vợ Bắc, ở cái tuổi gần đất xa trời, tôi thật sự ái ngại cho cả hai.

Từ ngày ông đi đến nay đã gần tuần lễ. Tôi bị ốm hôm nay mới sang được. Đến nhà lại gặp ông. Tôi ngạc nhiên: “Bác gái đi đâu?”. Ông buồn buồn: “Đi Nam rồi!”. “Sao lại thế?”. “Hôm ở bên chú về, thằng út điện ra, vợ nó vừa sinh đôi. Sáng sau bà ấy theo xe đi luôn. Mình tôi công việc ngập đầu, với lại cũng ngượng với cả chú!”. “Gì mà ngượng”. “Chẳng là hôm họp ban công tác mặt trận tôi hứa sẽ ủng hộ trăm ngàn để cổ vũ cho cuộc vận động ở Mặt trận Tổ quốc phát động. Chẳng gì mình cũng là Chi hội phó Cựu chiến binh. Hôm anh em đến nhận tiền, bà ấy bảo: “Tôi ủng hộ nhà chùa hết rồi!” Tôi xấu hổ quá đành muối mặt xin lỗi... Họ đi tôi mới nói: “Tôi không phản đối việc bà ủng hộ, nhưng ủng hộ gì mà hết cả hơn triệu bạc?”. Bà ấy bảo nhà sư vận động mỗi Phật tử ủng hộ từ một triệu trở lên. Nhà mình còn hơn một triệu tôi ủng hộ cả”. “Nhà sư nói là việc của nhà sư. Còn ủng hộ bao nhiêu là khả năng của mình. Từ trước đến giờ bà đã thấy cuộc vận động nào định mức từ một trăm trở lên chưa? Mỗi năm có bao nhiêu là cuộc vận động quan trọng để chia sẻ với cộng đồng như thiên tai lũ lụt, xây nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà văn hoá, khuyến học khuyến tài, phụng dưỡng người cao tuổi, ngày thương binh liệt sỹ... Và đóng góp xây dựng nông thôn mới, cần bao nhiêu là tiền để hoàn thành 19 tiêu chí. Mà gay nhất là cơ sở hạ tầng thiết yếu như: điện, đường, trường trạm, vừa thiếu vừa bất cập. Ngay cả cái sân nhà tang lễ trong nghĩa trang chỉ đáng vài chục triệu, mà cả chục năm nay, ngày nắng cũng như ngày mưa, già, trẻ, trai, gái... cứ phải phơi mặt ra để vĩnh biệt người quá cố, mà chưa làm được vẫn phải chịu, chứ đâu chỉ có nhà chùa? Nhà mình mỗi tháng tôi được hơn triệu chất độc da cam, cho cháu con bố cả số chẵn học cao đẳng, còn số lẻ tích cóp dành vào việc ma chay, cưới xin, giỗ chạp, mừng thọ, ốm đau... Không tháng nào không có năm bảy đám thậm chí cả chục! Lại còn những việc đột xuất khác, thế mà bà ủng hộ tất làm bẽ mặt tôi. Bà thấy đấy, chùa mình bị giặc Pháp đốt, các vãi phải đi cầu kinh niệm Phật nhờ bên làng Bắc, các lão ông phải nhường cho 3 gian đình. Sau đi vận động cả làng góp, mới làm được chùa; sư mới về thăm, vài năm sau dỡ làm chùa khác, khang trang vững chãi là thế lại đùng đùng dỡ đi, tôn nền cao ngang mặt đê, mua gỗ về đục đẽo cả năm trời, mới dựng lên được cái dãng. Lại dỡ bỏ, làm chùa 2 tầng. Cứ dỡ ra, tra vào, suốt mấy năm, tốn kém không biết bao nhiêu tiền của của dân, của nước. Sao các vị ấy lại không biết tiếc công, tiếc của? Bức xúc quá mới chạy sang chú, định bỏ nhà vào Nam với thằng út, để bà ấy ở nhà muốn làm gì thì làm. Vừa lúc tôi ra khỏi nhà chú thì bà hớt hải gọi: Ông phải về gấp để tôi phải vào Nam ngay. Báo cho ông mừng, con dâu ông xổ cháu trai rồi! Đấy chuyện là thế chú ạ. Ông đứng dậy xua tay nói với tôi: Thế là kế hoạch bị thay đổi rồi. Chuyện vừa nãy tôi kể chú bỏ ngoài tai, chớ nói cho ai biết nhé.

Thế là từ đó ngày ngày ông chỉ còn biết sang nhà tôi chuyện trò cho khuây. Ông bảo từ hôm vào trong ấy tối nào bà cũng điện ra: “Ông đã ăn cơm chưa? Có nhờ ai mua cho tí chất tanh, hay vẫn chỉ có lọ muối lạc?”. Tôi lo mình ông không kham nổi việc nhà, hay gọi người bán bớt lợn, gà đi? Tôi cố chăm cho mẹ con nó cứng cáp là tôi ra! Nhớ nhà, nhớ ông, nhớ ruộng đồng, làng xóm quá!”. Giọng ông lạc đi mắt chớp chớp: “Tôi ân hận vì quá nóng nảy có quá lời với bà ấy. May chỉ có chú biết, thông cảm cho anh!”. Tôi an ủi: “Bác gái là người chịu thương, chịu khó, chịu nhường nhịn, hết mực thương yêu chồng con và các cháu đến quên mình... Chỉ phải cái tính cả nể, tin người, mới làm bác thất tín với ban công tác Mặt trận. Và chính bác gái đã phải trả giá đắt về sự thái quá của mình cho nên chuyến đi Nam trong nhà không có một xu, phải đi xe chịu. Đó cũng là cuộc sống đời thường. Nhờ vậy mà cả hai bác đã “điều chỉnh” rất nhanh. Em mừng cho hai bác.

Nguyễn Hựu (Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu