A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trôi theo dòng lũ

Nếu ngày ấy Trung đừng buông tay thì có lẽ cuộc đời cô sẽ khác, nhưng khác như thế nào thì Hồng Thủy chưa hình dung được.

Minh họa: Lê Tiến Vượng 

Hồng Thủy hoàn toàn không hình dung ra nổi. Thở dài, cô đứng im một hồi lâu trước con xe màu trắng bóng loáng, sang trọng. Giá như… giá như ngày ấy bằng mọi giá Trung cứ nắm thật chặt tay cô. Rồi sau đó mọi chuyện vì tình thế bất đắc dĩ mà buông thì Thủy sẽ cảm thấy được an ủi và ấm lòng biết nhường nào. Bỗng tiếng Hùng kéo Thủy ra khỏi những hồi tưởng. 

- Ủa, sao mà ra đây thấy đất trắng như là đất chết dzậy nè?

- Ừm… thì là đất chết - Thủy trả lời hờ hững.

- Ừm! Công nhận nghèo thật, ở đâu cũng thấy cát, chang chang cồn cát.

*

- Nào… nào xin mọi người hãy trật tự! Ngồi xuống… ngồi xuống.

Ông Trưởng thôn bước lên một mô đất cao, nơi bà con thường ra diễn tuồng mỗi khi có dịp. Ông xoa xoa hai lòng bàn tay vào nhau trịnh trọng phát biểu:

- Thưa bà con! Hôm nay thôn Hà Khương của chúng ta may mắn có đoàn thiện nguyện về đây để chia sẻ và giúp đỡ bà con vượt qua được phần nào những khó khăn vất vả do trận lũ lớn gây ra trong năm vừa qua. Cũng xin được giới thiệu với bà con: Đây là các anh chị em trong đoàn thiện nguyện.

Nghe ông Trưởng thôn nói, mọi người ở dưới bắt đầu rì rầm.

- Ối chao… răng mà ngó quen rứa hè? Cái o tay chân dài lòng khòng đó tề.

- Ừ cao chi mà cao lạ, nhìn cũng quen thật. Ôi đúng rồi, đó là cái cô siêu mẫu siêu miệc chi đó năm kỉa năm kìa đạt giải mà mình coi trên ti vi đó tề.

- Ôi nhớ ra rồi, siêu mẫu Hồng Thủy… Siêu mẫu Hồng Thủy đó bà con nờ…

Mấy bà đứng xếp hàng phía trước nháo nhào xôn xao và câu chuyện nhanh chóng lan truyền ra phía sau. Cả đám người bỗng nhốn nháo hẳn lên và một vài ánh chớp từ điện thoại của mấy cậu choai choai phóng đến.

- Bà con mình nhìn đúng người rồi đó. Đây là siêu mẫu Hồng Thủy, dù cô bận rộn với rất nhiều công việc nhưng cô vẫn không quên đi làm thiện nguyện. Cô Hồng Thủy đặc biệt rất quan tâm tới những vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, trong đó có làng ta. Bây giờ bà con hãy im lặng trật tự đứng sắp hàng và nghe đọc tên từng hộ gia đình thì tới nhận quà nhé.

Hồng Thủy ứa nước mắt khi nhìn thấy bà con đứng bên dưới nhiều người quần áo rách rưới và vẻ mặt ai nấy đều khắc khổ, lo âu. Cô nhìn khắp xung quanh như đang tìm kiếm một điều gì đấy. Lúc sau Hồng Thủy bước xuống hỏi thăm và phát quà cho từng hộ gia đình với cử chỉ ân cần. Mọi người ai cũng nhìn Hồng Thủy đầy vẻ quý mến.

- Thưa bác, còn 3 hộ gia đình bị thiệt hại nặng nề nhất đã đến đây chưa ạ?- Hồng Thủy hỏi Trưởng thôn.

- Ờ…ờ… họ cũng đến cả đây rồi. Để tui kêu tên từng hộ lên kí nhận luôn.

Trả lời Hồng Thủy xong, ông Trưởng thôn lại bắc tay làm loa nói tiếp:

- Thưa bà con, trong đợt lũ năm ngoái, thôn ta có 3 hộ gia đình ở gần sông Ngầm Bùng không may bị lũ cuốn trôi hết nhà cửa, Ban Lãnh đạo thôn đã thống kê dò soát và quyết định dành tặng 3 suất quà hỗ trợ cho 3 gia đình thiệt hại mỗi hộ 20 triệu đồng để làm lại nhà cửa. Một là gia đình bà Trần Thị Riên, hai là gia đình ông Bùi Văn Hiệp, ba là gia đình bà Lê Thị Xin. Riêng hộ gia đình bà Xin có hoàn cảnh đặc biệt nên được nhận thêm 2 bộ chăn màn nữa.

- Dạ, cho tui kí nhận thay cho bà Xin!

Người đàn ông trạc cỡ 40 ngồi trên chiếc xe lăn tiến đến gần phía bàn Hồng Thủy đang đứng. Cô suýt nữa thì đánh rơi cuốn sổ xuống đất. Bởi đây là điều mà cô tìm kiếm lúc nãy và cũng là một trong những mục đích của chuyến về lần này. Người đàn ông gầy rọp ngẩng mặt nhìn cô với hai con mắt buồn bã. Dù Trung có già đi, có tàn phế đến cỡ nào thì Hồng Thủy vẫn nhận ra anh. Vết sứt dưới tai trái hình bán nguyệt. Ký ức ngày xưa lại hiện về.

*

- Ối, mạ ơi… con Đẹt nó cắn đứt tai con rồi. Mi chết đi… chết theo cha mạ mi luôn đi! - Trung ôm lấy cái tai với bàn tay đầy máu.

- Trời đất ơi! Đã khổ chưa. Ai bảo mi bôi dầu vào mắt em nó - Mạ Xin tát Trung một cái sau lưng. Đã bị cắn rách tai còn bị mạ đánh, từ đó Trung ghét Đẹt vô cùng.

Mạ đẻ của Đẹt mất khi vừa mới sinh ra Đẹt, thương con nhỏ mọn côi cút, ba Đẹt lấy một người đàn bà góa chồng khác là mạ của Trung, lúc ấy Trung đã học lớp năm. Sau này ba Đẹt và mạ Trung có thêm với nhau được hai mặt con nữa thì ba Đẹt bệnh nặng rồi mất. Nhà đông con lại không có người đàn ông trụ cột, cả mấy mẹ con phải sống trong cảnh hụt ăn hụt mặc. Dù vậy Trung vẫn được đi học, bà Xin phải cố hết sức vì Trung học rất giỏi, lúc nào cũng đứng nhất nhì lớp. Bỏ thì tiếc. Trung học kéo lê kéo lết rồi cũng xong phổ thông. Còn Đẹt chỉ học đến lớp 4 rồi bỏ ở nhà trông em vì bà Xin không còn kham được nữa. 

Năm ấy, Trung làm hồ sơ thi vào đại học, bà Xin hy vọng nhiều ở Trung lắm nên cái gì bán được bà đều bán hết cho con có tiền đi thi. Trong nhà bây giờ rỗng toác. Nhiều bận phải ăn rau cháo trừ cơm. Nhưng với Trung, bà Xin vẫn gắng dành tiền đong hai lon gạo nếp đồ xôi đậu đỏ cho Trung ăn trước khi đi. Mấy đứa em đứng lóng nhóng hai bên thèm thuồng và được mạ phát cho mỗi đứa một vắt nhỏ như quả cau. Đẹt đành ngồi vét nồi bòn chút cơm cháy ăn với lạc rang hôm qua. Nó chỉ ăn nhin nhín một chút cho đỡ thèm, sau đó cẩn thận cạy mớ cháy để vào lá chuối gói lại và hít hà mùi thơm tỏa ra bên ngoài. Trung ăn xong bát xôi đậu đỏ với thịt rồi xách ba lô ra đường chuẩn bị leo lên chiếc xe đò đang trờ tới.

- Anh Trung, anh Trung ơi… cho anh nì - Đẹt chạy chân đất đuổi theo sau Trung hổn hển thở.

- Gì đấy?

- Thứ anh thích ăn. Ráng thi cho đậu nha anh Trung.

Trung mở ra và bất ngờ ném vào mặt Đẹt, hét lên:

- Điên, mi định trù tau nên cho xôi lạc à?

Trung hậm hực bước lên xe. Đẹt nhìn theo chiếc xe nước mắt giàn giụa. Nó định nhặt gói xôi lên thì con chó Vàng từ đâu chạy tới xực mất.

Đúng là học tài thi phận. Trung rớt đại học và mỗi lần chạm mặt Đẹt là nó ghét cay ghét đắng. Nó kêu Đẹt là con "Hắc ám". Mỗi lần thấy Đẹt đến gần, Trung đều nói: "Người gì đâu mà tay chân lều khều như ma trơi, mắt to, mặt nhọn, cổ dài như cổ cò. Xì! Tránh ra để tau ôn bài. Đồ Hắc ám! Năm nay mà tau rớt nữa thì coi chừng!".

Tháng 10 năm ấy, một trận đại hồng thủy xảy ra chưa từng có trong vòng nửa thế kỉ qua. Nước về nhanh ngay trong đêm khiến nhiều bà con không kịp trở tay. Người, súc vật và của cải bị nước lũ cuốn phăng đi hết. Nước lũ cuồn cuộn từ trên nguồn đổ về hùng hổ, điên cuồng như thú dữ. Bà con đua nhau chạy lũ. Bà Xin lưng cõng thằng lớn Ngô Tiệp Đồng, tay bế thằng nhỏ Ngô Tiệp Mẫn. Theo sau là Đẹt và Trung đang vác bao lác đựng thức ăn và quần áo. Họ lội nước ào ào, nhưng nước chạy nhanh hơn người, thoáng chốc đã ngập ngang rốn. Thấy thế, bà Xin hét lên: "Thôi quẳng đồ đi Trung ơi! Mau kéo con Đẹt chạy nhanh lên, nước lũ dâng cao quá rồi". Trung tiếc, cố gắng vác bao lác ào ào chạy trước. Đỉnh lèn cách họ còn khoảng 20 mét.

Đẹt cố chạy theo Trung, nhưng sức thì yếu, nước quá xiết nên mếu máo khóc: "Mạ Xin, mạ Xin ơi cứu con...". Nước ngập ngang ngực Đẹt. Bà Xin hốt hoảng quay ngược trở lại kéo Đẹt bì bõm lội. Đàn con run rẩy rét mướt đeo bám quanh bà như một lũ chuột bám vào cây rơm ẩm mục nổi bồng bềnh trước mặt. Bà Xin gào trong tiếng gió rít: "Trung ơi... Trung ơi... vứt đồ đi, lại kéo em con!". Bà Xin hét lớn.

Nhưng mưa gió đã át hết tiếng của bà hay Trung cố tình không nghe. Sức trai mười tám, Trung trườn trên đám rều rác rất nhanh rồi lên bờ vứt bao lác dưới đỉnh lèn. Nước trên nguồn khắp nơi cuồn cuộn đổ về, đỏ ngầu kèm theo vô số xác chết gia súc gia cầm và rác rưởi. Bà Xin không còn đủ sức để vật lộn với nước cùng với ba đứa con. Đẹt bị nước cứ đẩy ra xa. Hễ mở miệng kêu cứu là nước lại ùa vào miệng. Nó ngốp ngoáp khua tay liệng chân cố bơi vào bờ. Đứa con út trên lưng bà Xin mỏi nhừ hai tay rời cổ chực rơi tuột xuống nước. Bà Xin túm nó lại và bồng lên nách. Hai đứa con hai bên với đuôi tóc con Đẹt. Bà Xin gồng sức chỉ đứng chờ Trung ra ứng cứu.

"Nhanh lên... Trung ơi... chết hết cả rồi Trung ơi!". Giọng bà kêu gào khản đặc hòa lẫn với hàng ngàn âm thanh phẫn nộ của mưa gió điên cuồng. Đất trời tối mù mịt. Khi ấy Trung mới vội lao ra hét át tiếng mưa: "Mạ đưa hai đứa đây...".

Trung bế lấy hai em bơi vào lèn sau đó quay trở lại kéo mạ và Đẹt. Lúc này bốn bề mênh mông nước, cả làng chỉ còn một vài mái ngói nhô lên lúp xúp. Bà Xin mệt lả người chỉ muốn ngất đi nhưng vẫn cố gắng túm chặt tóc Đẹt. Trung vừa bơi vừa đẩy hai người. Cách lèn 3-4 mét thì bà Xin kiệt sức ngất lịm đi, tứ chi tê liệt, túm tóc rời khỏi tay bà. Trung đẩy được mạ lên bờ thì luồng nước trên nguồn đổ về càng mạnh và chảy xiết. Nước ầm ào cuốn phăng Đẹt ra xa. "Á... á... á... anh Trung, anh Trung...".

Cánh tay Đẹt quơ quàng rướn lên phía trước túm lấy tay Trung. Trung cố sức kéo nó vào nhưng qua 3 lượt bơi Trung đã đuối sức. Hai bàn tay tuột dần ra, Đẹt cố nắm lấy, còn Trung lúc này kinh hoàng bởi những khúc gỗ ào ạt lao tới phía mình. Trung nhìn vào đôi mắt to đầy sợ hãi của Đẹt đang hướng về phía mình cầu cứu. Giây phút cuối cùng của sự chết, bản năng ham sống lại trỗi dậy. Trung buông tay Đẹt rồi cố bơi vào bờ. Sau lưng Trung là những tiếng kêu nhỏ dần, nhỏ dần, thoi thóp và tắt lịm.

*

Đẹt không nhớ rõ vì sao mình lại chưa chết. Tỉnh dậy Đẹt chỉ thấy mình nằm trên một gò hoang và nước đã rút đi phân nửa. Sau mới hay người đàn ông làng chài ở phía hạ nguồn đã cứu Đẹt lên từ một chiếc giường trôi nổi. Rồi ông đưa Đẹt về nhà của ông, ông lấy một bộ quần áo hoa con gái trong chiếc rương cũ kỹ ra đưa cho Đẹt mặc. Rất lạ, bộ quần áo như là may chỉ để dành cho chính Đẹt, mặc vào vừa in. Tối đó, sau khi hai ông con cơm nước xong, ông hỏi quê Đẹt ở đâu, để ông đưa Đẹt về.

Đẹt nói quê con ở đầu nguồn con sông này. Sông thì dữ mà bố mẹ con nay cũng chẳng còn ai. Nghe Đẹt nói thế, ông Chài rơm rớm nước mắt nói: "Bộ quần áo con đang mặc là của chính đứa con gái ta. Năm nó bằng tuổi con, lần đầu tiên ta có một khoản tiền, đúng ngày sinh nhật nó, ta tính cho con bé một sự bất ngờ nên đã đi vào chợ mua bộ quần áo hoa này cho nó. Khi ta quay trở về, lũ đã lên cao… cái chòi tranh và vợ con ta đã trôi sang bờ… bên kia. Chiến tranh, loạn lạc không biết có còn hay mất. Từ đó ta ở một mình trên bến sông này chờ họ trở về. Hết chiến tranh đã lâu, nhưng vẫn bóng chim tăm cá. Vừa rồi ta nghe nói, ở trong miền Nam, có một hoàn cảnh lạc mất gia đình giống như vợ con ta, ta muốn vào trong đó một chuyến, nếu con muốn thì đi cùng ta".

Vào miền Nam, Đẹt đi ở đợ bồng con cho một gia đình rất giàu, còn cha nuôi thì đi làm phụ xây và ông chết trong lúc leo giàn giáo để sơn nhà. Hằng ngày bồng con của chủ, Đẹt hay cho em bé ra xem đánh bóng chuyền ở sân tập cạnh nhà. Đến năm em bé đi nhà trẻ, Đẹt không còn việc gì để làm và chủ nhà có ý không còn muốn mướn người nữa. Bây giờ nó không biết phải đi đâu về đâu. Nó ngồi hiu hắt chống cằm xem các cô gái tập bóng. Bỗng một cú đánh văng tới, bóng đập trúng vào mặt nó. Đẹt ôm mặt la lớn. Huấn luyện viên chạy lại xem. Nó bảo không sao dù rất là đau. Đẹt đứng dậy thất thểu xách túi quần áo đi.

- Khoan đã cô bé! - Vị huấn luyện viên gọi Đẹt lại và nhìn kĩ.

… 3 năm ở trong đội tuyển bóng chuyền, Đẹt không phải là cầu thủ xuất sắc như kì vọng của huấn luyện viên dù sở hữu cả một chiều cao khủng. Và cô nhận ra rằng năng khiếu bóng chuyền của cô là không có. 

Số phận xô đẩy, Đẹt đã gặp Hùng - một nhà thiết kế thời trang trẻ trong tiệc chia tay đội bóng. Hùng nhìn cô rất chăm chú và chợt nhận thấy thân hình cô thật sự là của hiếm. Chính anh là người từng bước dẫn dắt cô gia nhập vào giới thời trang chuyên nghiệp với những bộ quần áo do anh thiết kế và cô trở thành một trong những siêu mẫu hot nhất hiện nay. Cái tên Hồng Thủy là nghệ danh để nhắc nhở cô về nạn đại hồng thủy năm ấy. Hồng Thủy bây giờ không còn là Đẹt nữa. Đẹt của năm ấy đã chết. Hồng Thủy bây giờ hoàn toàn là một con người khác, có một cuộc đời khác.

Dù không ai còn nhận ra cô, nhưng cô không bao giờ quên những gương mặt ấy, thôn quê ấy.

*

Trưởng thôn và Trung đã dẫn đoàn về thăm ngôi nhà tạm bợ của bà Xin. Ngôi nhà nhỏ rách nát nằm cạnh sông Ngầm Bùng, gần hai chục năm qua quang cảnh vẫn không hề thay đổi. Chỉ có điều màu nước sông Ngầm Bùng hiện giờ xanh rất xanh, nó êm đềm chảy uốn lượn dưới những bãi ngô nương sắn. Nó không còn điên cuồng phẫn nộ và đỏ đọc như máu như trong kí ức của cô nữa. Nhưng nhìn nước sông trôi, Hồng Thủy vẫn có cảm giác cơ thể mình như đang còn bồng bềnh trôi nổi.

- Dạ mời cô và mọi người vào nhà chơi - Giọng Trung có vẻ ái ngại.

Hồng Thủy cố gắng khom người thật thấp để chui qua mái cửa thấp xộc xệch. Bà Xin nằm trên mấy mảnh ván kê tạm và đắp ngang người cái chăn chiên cũ kỹ. Bà bị tai biến mấy năm nay và bây giờ không còn nhớ gì hết nữa. Hai đứa em Trung bỏ học và đi phụ xây tận bên Lào. Hồng Thủy không cầm được nước mắt khi nhìn lên trên cái bàn thờ kê tạm, bên cạnh bát nhang thờ ba Trung, ba cô, là bát nhang thờ Đẹt. Tấm ảnh được phóng ra từ chiếc phù hiệu học sinh hồi Đẹt còn học lớp 4. Thực ra mạ Xin rất thương Đẹt, bà không phân biệt con chung, con riêng. Còn Trung ngày ấy ghét cô có thể vì còn trẻ con, tính tình nông nổi, cũng có thể do hoàn cảnh bắt buộc nên mới như thế. Nhưng giá như... giá như chỉ cần ngày ấy Trung nắm chặt lấy tay cô. Hồng Thủy siết chặt tay mạ Xin mà nước mắt không ngừng tuôn ra.

Hồng Thủy nhìn vào mắt Trung nhưng anh không dám nhìn thẳng vào cô. Trung hoàn toàn không nhận ra, nhưng không hiểu sao anh lại không dám nhìn vào mắt người con gái ấy.

- Cô biết không? Thật tội nghiệp chú Trung - Trưởng thôn kể - Bão quật cây đổ sập nhà bà Liệu, không ai dám xông vào cứu nhưng chú Trung đã liều mình chạy vào cứu mấy đứa con bà Liệu, không may bị cây đập trúng người dẫn đến chấn thương cột sống, vỡ L1 và trật L3, 4, đến hiện giờ chân vẫn chưa có cảm giác và chưa đi lại được. Cả xóm đã huy động quyên góp để giúp đỡ chú Trung vượt qua khó khăn hoạn nạn.

- Thôi bác, có gì mà phải kể, làm người, thấy chết thì phải cứu thôi - Trung nói như một sự sám hối - Chỉ hiềm một nỗi, chân cẳng thế này lỡ may có tin, lại không đi tìm được em nó.

- Tôi nói khí không phải, nhưng chắc… chắc... - Ông Trưởng thôn ngập ngừng - chắc em nó… không còn…

- Dù đã lập ban thờ, nhưng mạ và anh em con vẫn hằng ngày mong tin Đẹt bác ạ. Bị tai biến nằm một chỗ thế, nhưng hằng ngày mạ vẫn cứ dõi mắt ra ngõ như trông chờ.

Nghe Trung và ông Trưởng thôn nói chuyện, hai dòng nước mắt chảy tràn trên má Hồng Thủy. Rồi không kìm được lòng mình, Hồng Thủy quỳ xuống bên giường và ôm lấy tấm thân gầy của bà Xin, khóc nức lên...

Trác Diễm (Văn nghệ Công an)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu