A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một lần ăn Tết ở biên giới Tây Nam

Những lời của anh Sang – người sau này trở thành vị Chủ Tịch nước còn nhiều, mang đầy tính thuyết phục, hữu lý, thắm tình dân tộc và quê hương khiến tôi chăm chú nghe từng chữ. Câu chuyện giữa ông và tôi kéo dài gần nửa giờ đã giúp tôi yên lòng và vẫn thầm cảm ơn ông cho mãi đến ngày hôm nay và mãi mãi.



Tác giả Đinh Viết Tứ vui mừng được gặp Chủ Tịch nước Trương Tấn Sang tại Chương trình Xuân Quê Hương 2015 tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh

Lúc ấy là đầu năm 1978, tôi được lệnh của Ban Giám đốc Nông trường Quốc doanh Thái Mỹ đưa đàn vịt khoảng 36.000 con đi chạy đồng tại hai tỉnh Long An và Đồng Tháp rồi giao cho Sở Ngoại Thương ở bến Sông Lò Gạch.

Vì đây là một dự án thí điểm nên tạo được nhiều sự chú ý của giới chăn nuôi và báo chí thành phố. Còn với chúng tôi, những người trực tiếp tham gia dự án, lại được dịp ăn một cái Tết ở biên giới Tây Nam rất ư thanh đạm, nhưng đầy niềm vui với nhiều kỷ niệm và ấn tượng nhớ đến suốt đời.

Rất may là giai đoạn đầu của dự án được tiến hành suôn sẻ, sau hơn ba tháng khởi đầu, vịt tăng trọng theo đúng yêu cầu và tình trạng chung toàn đàn là rất tốt. Ban Giám đốc cũng cử người đi thám sát các điểm vịt dừng chân và những cánh đồng sẽ đổ vịt xuống; nhưng khi tôi cho đàn vịt đến nơi mới biết là mọi sự khác hẳn về thực địa theo chỉ dẫn trên bản đồ vẽ từ con đường theo kênh rạch tại Trại ở cuối Lộ Bẩy, ấp Bình Hạ, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh ra kênh Trảng Bàng, nhập sông Vàm Cỏ Đông, qua Nhà máy đường Hiệp Hòa lên kênh An Xuyên vào sông Vàm Cỏ Tây, vượt qua Bình Châu dưới tầm đạn đại bác của vùng mỏ Vẹt đến Vĩnh Thạnh, chúng tôi vẫn chưa thấy được những cánh đồng. Sự sai lầm này do người thám sát đi xuồng buổi tối, nên anh trông những cánh đồng đưng mọc còn non anh tưởng đó là những cánh đồng lúa non.

Tôi quyết định cho đóng trại sau khoảng ruộng hoang gần con lạch cách xa khu dân cư hơn 100 mét, rồi về báo cáo với Ban Giám đốc Nông trường, nghe xong Ban Giám đốc đã giao toàn quyền cho Ban Chỉ huy Đội chăn nuôi chúng tôi được toàn quyền tùy nghi ứng phó.

Ngày hôm sau trở lại đơn vị, tôi phải đi tác ráng từ bến Thủ Thừa Long An lên Vĩnh Thạnh, qua tàu gỗ vượt sông Lò Gạch lên thượng nguồn và đi bộ vào vùng trong để tìm đồng. Những cánh đồng tại đây bạt ngàn, bỏ hoang, đi dọc những bụi đưng và cỏ dại mọc cao ngang đầu người khiến tôi mất hướng, trời lại không trăng, lại phải tránh các đìa và chỗ tình nghi đất nổi, đi mãi đến trưa hôm sau mới nhìn thấy được ba cây thốt nốt và quay đầu về.

Những ngày này, vịt ăn toàn thực phẩm dự trữ có hạn, nên tăng trọng kém, chúng tôi rất lo, nhưng lại vào dịp Tết và tin chiến sự do quân Pôn Pốt từ Campuchia qua đốt phá nhà cửa và đồng lúa của ta gần biên giới khiến nhiều anh chị em đội viên mất tinh thần. Tôi đã cho họp toàn Đội và quyết định cho các nữ đội viên về nhà ăn Tết, còn các nam đội viên những ai xin về sẽ được xét rất hạn chế. Thật may mắn là không có đội viên nam nào muốn về mà còn bày tỏ tinh thần trách nhiệm cao muốn ở lại chăm sóc đàn vịt, tài sản của Nhà nước mà anh em có bổn phận chăm sóc chu đáo cho đến ngày được chở ra sông Lò Gạch giao cho Sở Ngoại thương Thành phố Hồ Chí Minh.
Số ẩm thực Tết được tôi chuẩn bị từ khi về thành phố chỉ có hai hộp mứt, mấy bao thuốc lá, hai túi kẹo, hai gói trà và 1 kg đường thẻ mua ở chợ Thủ Thừa để nấu chè. Anh phụ tá Sửu của tôi chạy đến khu nhà dân mua mấy lạng thịt, ít rau trái, may là có hai chai rượu tắc kè của bên anh em công an tặng, khiến cho bữa cơm chiều 30 Tết của chúng tôi trở nên rôm rả.

Nhiều lời tâm sự chí tình, những kỷ niệm thâm sâu sau gần hai năm ở nông trường khi còn là Công trường Đoàn kết ở Tân An Hội, rồi di xuống thành Nông trường Thống Nhất ở ấp Bình Hạ cuối con lộ Bẩy từ Suối Cụt trên QL.I đi vào và sau thành Nông trường Quốc Doanh Thái Mỹ. Về phần tôi, giữ Chi Đội Trưởng Chi đội Ba sau kiêm đội Thủy lợi, được cử đi học nuôi ong và sau sang đội Chăn nuôi. Tôi đã đăng ký hộ khẩu tại đó và một lòng gắn bó với Nông trường.
Cho đến nay đã gần 40 năm qua, khi nhớ lại tôi vẫn mường tượng ra gần 200 bộ mặt và tên của những anh chị em hiện diện ở Nông trường Bộ trong những ngày đầu thuộc đủ mọi giới, mọi cấp, mọi trình độ sống với nhau như anh em một nhà, sáng dậy đi làm, tối về sinh hoạt xong đi ngủ, cuối tuần về phép một ngày. Cuộc sống cứ thế đã cho tôi niềm tin hơn là ở thành thị.

Không ngờ, sau bữa cơm chiều 30 Tết, tình hình chiến sự ở biên giới tăng nhanh, chưa Giao Thừa mà súng nổ liên hồi. Hóa ra quân Pôn Pốt bắn thị uy để đưa đám trẻ của chúng qua biên giới. Đứng từ phía nam, từ trại nhìn lên biên giới, chúng tôi thấy những đàn trẻ tay cầm mồi lửa châm đốt vào từng mái nhà lợp đưng của đồng bào ta, tiếng chúng hô vang vọng xuống tận chỗ chúng tôi đứng.

Đến giờ Giao Thừa, có những tiếng súng lớn nổ gần và những tràng súng nhỏ cũng dội lên, nghe tiếng đàn vịt lao xao, cả đội anh em chúng tôi chạy ra phía đàn vịt, thấy tiếng súng làm chúng hoảng sợ đã nhảy ra làm đổ các dãy cơi và tản mát trong các khu ruộng ở gần. Cả đêm Giao Thừa đó, anh em chúng tôi hầu như chỉ chập chờn nhờ mấy ly rượu và không ai ngủ được, chỉ chờ sáng hôm sau sẽ ra tìm vịt.
Thế là đúng sáng Mồng Một Tết, anh em chúng tôi mỗi người cầm một cây rựa đi hàng dọc chặt các cây đưng và cây đế - một loại sậy nhỏ nhưng lá cũng sắc cạnh, để vạt một con đường dẫn vịt ra. Hơn một giờ sau, chúng tôi đã tìm được nửa đàn lùa về cho vào cơi.

Sau đó, tôi giao cho anh em ở lại tìm tiếp còn tôi phải trở về Nông trường Bộ xin ý kiến gấp của Ban Giám đốc. Nghe tin, chú Bí Thư Chi bộ Mười Đễ, chú Giám đốc Tám Cần vẻ mặt trầm ngâm, lo lắng, tôi cảm thấy thương xót trong lòng. Hai người động viên tôi cố gắng đem đàn vịt về, tránh được thiệt hại càng nhiều càng tốt. Khi hai vị hỏi ý tôi cần gì, tôi chỉ xin 100 lít xăng cho bốn chiếc “ho-bo” chở vịt.

Sáng sớm hôm sau tôi đi lùng mua 4 can xăng 25 lít, rất lo là toàn can bằng nhựa tái sinh, sợ nó bể dọc đường, nhưng là ngày Tết, chả có nhiều nơi mở cửa nên đành lấy bốn chiếc can không ưng ý đến trạm hậu cần Nông trường lãnh xăng, để sang hôm sau Mồng Ba Tết đi xe xuống Thủ Thừa, theo tác ráng về Vĩnh Thạnh. Dọc đường tôi cứ phải năn nỉ đừng ai hút thuốc vì trên nóc xe, nóc tác ráng có chở xăng. Các hành khách đều thông cảm, đến chiều mới tới gần trại và phải nhắn dân đi xuồng vào nhắn anh Sửu ra đón và chở xăng vào.

Suốt dọc đường kênh, cũng như khi ngồi chờ xe, nhìn những người dân áo quần màu sắc rực rỡ, họ đi xuồng hát đờn ca tài tử và những bản dân ca Nam Bộ cũng như những bài vọng cổ nghe rất mùi, thấy họ đang trong những giờ hạnh phúc mà lòng tôi thì như lửa đốt thấy tủi thân, nhưng hiểu được điều đó mang rất nhiều ý nghĩa. Hai lần tôi được hai anh trên xuồng xà vào mời uống ly rượu mừng năm mới và những lời chúc tụng hỏi thăm, không ngờ nhờ thế được gặp một anh chỉ cho chỗ có hơn 200 con vịt còn đứng đàn sau nhà anh không xa.

Trở về trại, anh em thấy tôi thật mừng rỡ, mấy cậu nhỏ ôm chặt lấy tôi, tưởng tôi sẽ ở nhà ăn Tết vài ngày sau mới xuống. Số anh em lớn tuổi hiểu ý tôi, nên đã chuẩn bị bữa cơm chiều tươm tất, món ăn chủ là số cá rô vớt trong hai chiếc xuồng dìm ngoài đìa từ tối 30 được đem rang muối và khía thịt nướng mắm gừng và ba quả dưa hấu dân cho. Chúng tôi ăn bữa cơm ấy thật ngon và vui, cảm nhận thắm tình đồng đội. Sau đó, tôi đề nghị anh em đi ngủ sớm vì mai phải lên đường về rất vất vả.

Đúng sáng sớm Mồng Bốn Tết, anh em chúng tôi người ăn cơm, người ăn mì gói vội vàng rồi ra chuẩn bị gắn cơi, lùa vịt lên ho-bo để rời Vĩnh Thạnh.

Tiếc thay, khi về đến Nông trường gặp trận dịch gia cầm tụ huyết trùng toàn thành phố, vịt chết của chúng tôi mổ ra khám nghiệm, các bộ gan đều bị bầm tím cả, khiến chúng chết hàng ngàn con khi xuống kênh tắm. Cả đội phải đem chích ngừa từng con một và cứu được hơn 8.000 con.

Sự thiệt hại đó khiến tôi bị đưa ra kiểm điểm với Ban Giám đốc mới do ông Bẩy Trinh đứng đầu. Suốt hơn nửa ngày tường trình và trả lời các câu hỏi, tôi đáp y như những sự việc xảy ra và suy nghĩ. Thú thật, nghe ông Bẩy Trinh phát biểu, tôi có cảm tưởng ông chỉ muốn đánh gục, trong lòng tôi rất lo, chỉ thương cho vợ con mình. Cuối cùng, vì thấy quá mệt tôi đã xin về trại nghỉ để Ban Kiểm điểm hội ý, tôi nói như sau và nay còn nhớ rõ: “Thưa các bác, các chú, các anh tất cả sự việc về dự án nuôi vịt tôi đã trình bày rõ, đều tỏ ra sẽ dẫn đến thành quả, nhưng không ngờ gặp quá nhiều không may vì những sự kiện khách quan mà chúng tôi đã không đương đầu nổi đã dẫn đến sự thiệt hại tài sản của Nhà nước, anh em chúng tôi rất buồn và xấu hổ. Riêng về phần mình, một người trí thức từng sống với tiện nghi bật một cái là đèn sáng, vặn một cái là nước chảy, xoáy chìa khóa máy xe nổ, nệm êm, chăn ấm đã tình nguyện về đây, đăng ký hộ khẩu thì hẳn không là để làm một điều gì nhếch nhác hay hành vi phạm tội, có chăng chỉ vì hoàn cảnh khách quan, nhiều lúc nhớ lại tôi chẳng tiếc về những quyết định của mình. Tât cả những gì tôi đã trình bày đầy đủ, xin cho tôi được về trại nghỉ, tội trạng thế nào tôi sẵn sàng lãnh nhận”.

Về trại nằm một lúc, gối đầu trên chiếc tay nải lơ mơ, tôi nghe tiếng gọi: “Anh Tứ ơi”. Tôi chạy ra, thấy ông Giám đốc Sang cúi xuống mái đưng bước vào, ông bảo tôi ngồi xuống và bá vai tôi nói:

“Anh Tứ à, tôi nói điều này để anh an tâm, vì không phải là để trấn an anh, mà đó là sự thực. Tôi thấy anh là người nhiệt tình, thẳng thắn, có tinh thần trách nhiệm cao và kiên trì, điều đó rất quý. Còn cuộc kiểm điểm ngày hôm nay, nếu muốn để nhốt tù anh thì đã làm rồi, nhưng không phải là thế mà muốn làm rõ để xây dựng anh phục vụ tốt hơn nữa. Tôi ở Ban Khai hoang thành phố, nếu lúc nào anh cảm thấy cần tôi giúp để làm việc gì, anh cứ đến tìm tôi.”

Những lời của anh Sang – người sau này trở thành vị Chủ Tịch nước còn nhiều, mang đầy tính thuyết phục, hữu lý, thắm tình dân tộc và quê hương khiến tôi chăm chú nghe từng chữ. Câu chuyện giữa ông và tôi kéo dài gần nửa giờ đã giúp tôi yên lòng và vẫn thầm cảm ơn ông cho mãi đến ngày hôm nay và mãi mãi.

Phải chăng, có được cuộc gặp gỡ ấy, là nhờ có cái Tết ở biên giới kể trên đưa đẩy.

Đinh Viết Tứ (Hoa Kỳ)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu