A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Về thăm lại trường cũ trong giấc mơ 40 năm

Trường cũ tôi muốn nói ở đây là trường Chu Văn An, Hà Nội. Tôi đậu vào lớp Đệ Thất trường Chu Văn An, Hà Nội, vào tháng 8/1953. Nhờ đậu cao trong số năm, sáu trăm thí sinh, bố mẹ tôi thưởng cho tôi một chiếc xe đạp, không những mới tinh, mà còn là xe hiệu Peugeot mới thật là thích thú. Đối với gia đình tôi hồi đó, chiếc xe đạp Peugeot là một xa sỉ phẩm.


Nhà ở tận Bạch Mai, góc Đông Nam ngoại ô Hà Nội, mà lại chọn thi vào trường Chu Văn An ở Tây Bắc thành phố thật không thuận đường chút nào. Trong khi đó, trường Nguyễn Trãi chỉ ở phía trên phố Huế chút xíu, gần thật gần thì lại không chọn. Lý do tại sao?

Sân trường Chu Văn An

Thực ra, tôi không có lời giải thích thuận lý mà cho đó là cái duyên để tôi có quyền nhận Chu Văn An là trường của tôi.

Trước khi di tản về quê khoảng giữa năm 1946, gia đình tôi ở vùng Cửa Bắc Hà Nội, gần trường bảo hộ Đỗ Hữu Vị, sau này mới đổi tên thành Chu Văn An khi Pháp trao trả một phần quyền hành cho cựu hoàng Bảo Đại.

Lúc còn 5, 6 tuổi tôi thường được anh trai dẫn đi chơi quanh trường. Rồi khi Cách Mệnh Việt Minh nắm chính quyền và Cụ Hồ về nói chuyện tại sân trường Đỗ Hữu Vị, chính ông bố tôi cõng tôi trên vai để nghe Cụ Hồ nói chuyện. Đông thật là đông!

Hàng ngày, tôi đã chứng kiến hàng đoàn thanh thiếu niên, lớn hơn tôi chừng 5, 6 tuổi có, mặc đồng phục áo chemise trắng, quần short xanh đậm đi diễn hành trên đường thành Hoàng Diệu. Họ hát những bản nhạc hùng tráng làm nức lòng người. Tuy bé tí, lòng tôi cũng rạo rực, dậm chân, múa tay theo.

Nhắc tới thành Hoàng Diệu, cả một dòng lịch sử oai hùng của dân tộc lại hiện về trong tâm tưởng. Nếu tôi nhớ không lầm thì trường Đỗ Hữu Vị, tức trường Chu Văn An sau này, vẫn được quét vôi màu vàng đậm. Trong sân trường, những hàng cây cao, bóng mát rượi. Trường là những dẫy lầu cao 2 tầng, gồm hàng trăm lớp học. Có tường gạch xây quanh trường, và dọc theo tường là những cây bàng, cây sấu to lớn.          

Có lẽ, những hình ảnh đẹp đó của ngôi trường đã in sâu vào tâm thức tôi, tạo cho tôi sự lôi cuốn, mời gọi. Vậy cho nên, sau khi hồi cư trở lại Hà Nội và đậu xong tiểu học, tôi đã chọn thi vào Đệ Thất Chu Văn An.

Còn chiếc xe đạp Peugeot mới tinh? Chiếc xe đó cũng mang cho tôi nhiều thú vị. Chiếc xe đạp là thể hiện tình yêu thương con của bố mẹ tôi. Nó cũng là một minh chứng về sự chăm chỉ học hành của tôi, vì nhờ đó mà bố mẹ tôi thưởng cho tôi. Hơn nữa, tôi còn rất hãnh diện về chiếc xe, vì đã nhiều lần tôi chở bạn thân của tôi đằng sau xe đi chơi đây đó, ngoài chuyện đạp xe tới trường.

Từ ngày có xe đạp, tôi không còn nhẩy tầu điện đi học nữa. Hàng tuần, vào ngày Chủ nhật nắng ấm, chúng tôi gồm 3 người - hai người bạn thân Trần Dư Mậu, Nguyễn Hà và tôi - mỗi đứa một chiếc xe đạp, đạp lên Nghi Tàm tắm, bơi lội, đùa nghịch xong thì đi hái ổi. Những buổi sáng chủ nhật lành lạnh, chúng tôi đạp xe bên hồ Tây, trên đê Yên Phụ. Đói bụng, xà vào gánh bánh tôm. Bánh tôm nóng hổi, bà hàng vừa rán xong, ăn với rau muống chẻ và nước mắm chua ngọt sao mà tuyệt vời quá.

Tôi còn nhớ, vào những buổi chiều đạp xe về qua Hồ Gươm (Hồ Hoàn Kiếm), ghé gánh thịt bò khô, xuýt xoa chua, cay, mặn, ngọt xong vào quán Mụ Béo uống cốc nước chanh đá mát rượi, ực một hơi đã cạn hết nửa cốc. Những chiều tan học sớm, vào thư viện nhà Thủy Tạ, say mê đọc Les Trois Mousquetaires quên cả giờ về.

Rồi những đoạn đạp xe ngắn hơn, đến kem Cẩm Bình ăn kem đậu xanh. Ăn kem đậu xanh phải đến kem Cẩm Bình, ăn kem dừa phải tới kem Hùng Vương. Vừa cắn khỏi que, kem đã trôi tuột vào cổ họng lúc nào không hay. Cả hai hiệu kem Hùng Vương và Cẩm Bình đều ở phố Huế, cách nhau không xa.

Những buổi tối se lạnh, đạp xe quanh Hồ Hoàn Kiếm, dừng lại trước đền Ngọc Sơn ăn lạc rang húng lìu. Lạc ủ nóng hổi, thơm phức, nhai thật bùi. Cuộc đời ngây thơ sao thú vị quá! Tuy nhiên, chiếc xe đạp Peugeot đó cũng gây tai họa cho tôi một lần.

Như tôi đã viết, Mậu và Hà là bạn thân của tôi nhưng không học Chu Văn An. Hà lớn hơn Mậu và tôi tới 3 hay 4 tuổi. Cả hai đã được cha mẹ cưới vợ cho. Cả hai anh chàng quê ở Hải Dương. Gia đình Hà vẫn ở Hải Dương, chỉ một mình Hà lên Hà Nội trọ học. Hải Dương lúc đó là vùng “tề”, ban ngày quân Pháp kiểm soát, nhưng ban đêm dân theo kháng chiến.

Một sáng thứ bảy, mỗi đứa một cái xe đạp, đạp qua Cầu Long Biên chơi. Sau khi thẩn thơ một hồi, Hà khởi xướng và Mậu tán thành, rủ tôi về thăm quê Hải Dương của họ. Thế là chúng tôi phóng xe đạp, chừng 3 giờ chiều đã về tới Hải Dương.

Sau khi ghé thăm nhà của Mậu và Hà, chúng tôi định đạp xe trở ra Hà Nội. Cha mẹ của Hà giữ chúng tôi lại, vì họ sợ có phục kích dọc đường, nguy hiểm cho chúng tôi. Thế là đành phải ở lại Hải Dương qua đêm.

Đêm đó, bố mẹ tôi thật lo lắng, không biết tôi đi đâu. Mẹ tôi giục bố tôi đi trình “cẩm” (cảnh sát). Tôi thì cũng không vui gì, lo sợ ngủ không yên. Ngày hôm sau, trở ra Hà Nội, vừa dắt xe đạp vào tới cổng thì bố tôi đã ngồi chờ đợi từ lâu, nhào tới, cho tôi một cái tạt tai nẩy lửa, làm tôi từ đó tởn tới già và vì thế nhớ mãi.

Cho tới hôm nay, tôi chỉ còn nhớ được vài ba người bạn trong số sáu bảy chục học sinh của lớp Đệ Thất B4 Chu Văn An, Hà Nội, niên khóa 1953-1954 đó. Không biết anh Trịnh Thái Bình có còn ở Hà Nội không? Suốt cuộc đời học sinh và sinh viên của tôi, năm Đệ Thất Chu Văn An, Hà Nội, đã cho tôi nhiều kỷ niệm thật đẹp. Đã hơn 40 năm qua, xa ngôi trường thân yêu đầu đời đó, xa thành phố cũ, tôi vẫn hằng mong có ngày về thăm lại Năm Cửa Ô xưa.

Chưa có dịp chính mình về thăm lại trường cũ, tôi đã lục lại trí nhớ để một phần nào sống lại những kỷ niệm nhạt nhòa nhưng đẹp đẽ đó.  

Lê Văn Ninh (Hoa Kỳ)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu