A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những kỷ niệm với tạp chí và báo Quê Hương trực tuyến

Kỷ niệm 20 năm hoạt động là dịp đặc biệt của một cơ quan báo chí, dễ làm chúng ta liên tưởng đến tuổi đôi mươi tràn trề sức sống và nhiều hoài bão của tuổi thanh xuân. Chúng tôi đã làm việc trong những năm Quê Hương còn trẻ hơn, song cũng đầy ắp hoài bão và không ít sáng tạo. Những kỷ niệm với Quê Hương, thường liên quan đến đời sống tình cảm và nguyện vọng của kiều bào, là tài sản chúng tôi rất trân trọng trong những ngày theo dõi từ xa hoạt động của cả tạp chí in và báo trực tuyến. Tôi xin chọn ghi lại trong bài báo này một vài câu chuyện trong những kỷ niệm đó.



Dù đã về hưu, ông Hoàng Bình vẫn giữ thói quen đọc và góp ý cho tạp chí Quê Hương


Một trong những việc đáng nhớ đầu tiên là chúng tôi phải trả lời ý kiến của nhóm bạn đọc từ nhiều nước khác nhau về việc báo chí trong nước gọi những người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài là Việt kiều, cho rằng về mặt tình cảm việc sử dụng từ này mang ý nghĩa của cử chỉ đẩy những cuộc đời lênh đênh như cánh bèo trôi dạt ngày càng xa nguồn cội. Ý kiến tưởng như đơn giản nhưng khi phân tích cụ thể thì hóa ra không đơn giản. Tự điển tiếng Việt định nghĩa Việt kiều là người Việt sống xa tổ quốc. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia cho biết kỹ hơn: “Việt kiều hay người Việt hải ngoại là cộng đồng Việt định cư bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Tự điển định nghĩa chữ kiều là ở nhờ, đi ở nhờ làng khác hay nước khác gọi là kiều cư, kiều dân. Cụm từ Việt kiều được những người sống tại Việt Nam dùng để gọi những người Việt sống ở nước ngoài chứ không phải là thuật ngữ được chính họ sử dụng. Tại Việt Nam ngày nay, từ kiều bào cũng được dùng với nghĩa tương tự”. Như vậy, về mặt ngôn ngữ, dùng chữ Việt kiều không sai, nhưng về mặt tình cảm thì ý kiến của nhóm bạn đọc phản ánh đúng tâm tư của đại đa số người Việt đang sinh sống ở nước ngoài. Với tư cách là một cơ quan báo chí phục vụ đồng bào sống xa tổ quốc, chúng tôi phải nghiên cứu nghiêm túc vấn đề này. Đọc kỹ các tài liệu chính thức chúng tôi thấy từ cuối năm 1959 Chính phủ đã thành lập “Ban Việt kiều Trung ương” do Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Phủ Thủ tướng làm Trưởng ban, còn các ủy viên đều là những quan chức cao cấp của các bộ, ngành ở trung ương; những năm đầu thập niên 1960 nhà nước ta đã đón hàng nghìn Việt kiều từ Thái Lan, Tân Đảo... về nước; Việt kiều ở nhiều nước có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và kháng chiến bảo vệ Tổ quốc... Tất cả đều dùng từ Việt kiều và khi nói đến Việt kiều thì mọi người đều hiểu đó là những người Việt Nam sinh sống ở ngoài lãnh thổ Việt Nam. Có một tài liệu in ronéo ghi lại nội dung phát biểu của một vị Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng tại hội nghị về công tác Việt kiều năm 1982, cho biết Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói rằng Bác Hồ cũng có ý kiến nên dùng từ khác để gọi các đồng bào ta đang sinh sống ở xa Tổ quốc. Tuy vậy, phải đến năm 1993 mới có quyết định chính thức đổi tên gọi “Ban Việt kiều Trung ương” thành “Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài”. Trong các bài viết cụ thể, chúng ta có một số phương án thay thế từ Việt kiều, nhưng không có phương án nào vừa chính xác, vừa bảo đảm không gợi chút lăn tăn nào về mặt ngữ pháp trong mọi ngữ cảnh cho người viết và nhất là cho người đọc như từ Việt kiều. Trong giao ban báo chí, khi nêu vấn đề hạn chế dùng từ Việt kiều để đáp ứng nhu cầu tình cảm của bà con thì chúng tôi phải trả lời câu hỏi ngược lại: nếu không gọi là Việt kiều thì gọi là gì? Dù rất cố gắng, đề nghị của chúng tôi không được xem xét. Tuy nhiên, Quê Hương đã đơn phương thực hiện đến mức tối đa việc tìm những từ khác để thay thế, ví dụ: người Việt Nam ở nước ngoài, cộng đồng người Việt ở (rồi ghi tên một nước hay cả châu lục), đồng bào ta ở nước ngoài, kiều bào ta, ông hay bà... là người Việt ở (rồi ghi tên một địa phương cụ thể ở nước ngoài)... Vẫn có những trường hợp chúng tôi phải dùng từ Việt kiều vì nếu dùng bất cứ nhóm từ nào khác câu văn sẽ lủng củng không bình thường, trong khi Quê Hương có nhiệm vụ giúp đồng bào sống xa quê duy trì tiếng mẹ đẻ một cách bình thường. Xin giải thích rõ hơn điều này vì những người ở xa quê rất nhậy cảm. Sau nhiều email trao đổi, Quê Hương đã thông báo cho nhóm bạn đọc rằng chúng tôi sẽ hạn chế tối đa việc dùng từ Việt kiều. Điều an ủi lớn đối với chúng tôi là nhóm bạn đọc đồng ý với những phân tích về mặt ngôn ngữ và bày tỏ cảm kích trước việc chúng tôi thông cảm với đề nghị chỉ xuất phát từ tình cảm của những người xa quê. Chúng tôi coi đó như một cử chỉ hòa giải giữa những người Việt ở trong nước và ở nước ngoài. Điều an ủi khác là một thời gian sau, có lẽ do sự tiếp xúc thường xuyên hơn với đồng bào ở nước ngoài, nhiều tờ báo trong nước cũng tìm các phương án thay thế hai chữ Việt kiều. Và, Quê Hương được một số tờ báo mời tư vấn khi chuẩn bị mở trang hay mục viết về người Việt Nam ở nước ngoài...

Một lần chúng tôi nhận được bài của bạn đọc gửi từ Canada, một bài viết về tết Trung thu nêu rõ những nét rất riêng của dân tộc Việt Nam sau khi đã tiếp nhận phong tục này từ Trung Quốc. Chúng tôi xin trích ghi lại một số đoạn: “Người Hoa tổ chức múa lân trong dịp tết Nguyên đán, người Việt lại đặc biệt tổ chức múa sư tử hay múa lân trong dịp tết Trung thu, con lân tượng trưng cho điềm lành. Người Trung Hoa không có phong tục này...; Người Việt tổ chức hát trống quân trong dịp tết Trung thu... thịnh hành từ thời Nguyễn Huệ trở đi. Người Trung Hoa không có phong tục này...; Trung thu mới đầu là tết của người lớn, dần dần trở thành tết trẻ em hay tết nhi đồng, nhưng người lớn cũng dự phần trong đó. Dịp tết Trung thu các em ở những lớp Việt ngữ được học bài hát Rước đèn tháng Tám một cách thích thú nên đa số các em nhi đồng đều thuộc bài hát. Người Trung Hoa không có sinh hoạt này...; Tết Trung thu còn là dịp người Việt ngắm trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Người Trung Hoa không có phong tục này”. Chúng tôi gửi email thông báo trước cho tác giả dự kiến đăng bài trên Quê Hương điện tử ngày 05/10/2001 và trên Quê Hương in số 101 tháng 10.2001 với lời giới thiệu của Tòa soạn, trong đó có câu “Thật xúc động khi biết rằng ở nửa bên kia địa cầu, dù bận trăm công nghìn việc trong một xã hội đa sắc tộc, cộng đồng người Việt Nam ta vẫn chăm lo vun đắp và duy trì những phong tục ngàn đời của Đất Mẹ, giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa của nòi giống Lạc Hồng”. Vì một lý do hết sức ngớ ngẩn, những câu nhấn mạnh cái riêng khác biệt của người Việt bị cắt bỏ trong bản phát hành chính thức. Tác giả phản ứng rất dữ dội, viết trong email rằng, nếu các anh còn như thế... thì chúng tôi không bao giờ... Người ta còn dự kiến khả năng tác giả sẽ có phản ứng phức tạp hơn, nhưng vấn đề này không thuộc phạm vi bài viết. Hoặc một lần khác bạn đọc ở Đức phản ứng gay gắt sau khi đọc bài trên Quê Hương viết về dự án của một người Việt ở Mỹ “nuôi trồng thủy sản” trên vịnh Bái Tử Long, trong khi dự án chỉ nuôi cá song, cá hồng: “Chẳng lẽ chúng tôi phải dạy con cháu chúng tôi rằng ở đất nước mình người ta trồng cá hay sao?” Đó thực sự là những kỷ niệm đáng nhớ trong những năm làm báo phục vụ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, dù họ ở bất kỳ nước nào trong 103 nước đến nay chúng ta biết rằng có người Việt sinh sống, là cảm nhận về ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào ta ở tất cả các nước đó, về niềm tự hào sâu sắc của kiều bào ta khi nói đến truyền thống của dân tộc Việt, về sự nhậy cảm tinh tế của bà con ta trước những giá trị thiêng liêng của tâm hồn Việt... Những người ở trong nước đôi khi sao nhãng việc này.

Quê Hương là tờ báo Việt Nam đầu tiên được đưa lên internet vào ngày 06/02/1997, trước cả khi nước ta chính thức hòa mạng internet thế giới, bằng một quyết định đặc biệt của lãnh đạo cấp cao nhất và với sự hỗ trợ rất hiệu quả của các đơn vị dịch vụ viễn thông. Trong những dịp khác nhau, chúng tôi đã được nghe các chuyên gia làm việc trong lĩnh vực viễn thông nói đến Quê Hương với tình cảm chân thành. Họ cho rằng, chính là nhờ báo chí, trong đó Quê Hương có vai trò tiên phong, mà Việt Nam đã vượt qua nhiều trở ngại để có ngày 19/11/1997 hòa mạng internet thế giới. Năm 2012, với tư cách nguyên Tổng Biên tập Quê Hương, tôi được Vietnam Internet Association mời dự lễ kỷ niệm 15 năm Internet Việt Nam, báo Bưu điện đăng bài phỏng vấn... Tôi nghĩ đến những ngày chúng tôi chuyển Quê Hương điện tử từ trang http://home.vnn.vn/quehuong thành trang http://www.quehuong.org.vn. Cuối năm 2000 chúng tôi mới có giấy phép chính thức cho Quê Hương trực tuyến. Trước khi làm hồ sơ xin cấp phép phải thiết kế giao diện mới với tên miền thể hiện tư thế của tờ báo điện tử. Biết được khó khăn của chúng tôi, một doanh nhân người Việt ở Mỹ tình nguyện giúp đỡ. Chúng tôi chỉ gặp vị doanh nhân một lần ở tòa soạn để trao đổi và nêu yêu cầu. Sau đó, các chuyên viên của hai bên làm việc qua internet. Sự giúp đỡ ấy đã tạo những thuận lợi đầu tiên cho các phóng viên, biên tập viên thường xuyên cập nhật tin, bài... làm cho Quê Hương trực tuyến có diện mạo mới sinh động và hấp dẫn hơn. Cho dù từ năm 2008, chúng tôi đã chuyển báo trực tuyến thành http://www.quehuongonline.vn với sự tích hợp các chức năng công nghệ tiên tiến cho phép tương tác thuận lợi với bạn đọc, nhưng chúng tôi không quên những ngày đầu “trực tuyến” nhờ sự đóng góp vô tư của người Việt sống xa quê...

Tạp chí và báo trực tuyến Quê Hương hoạt động đã 20 năm với 6 lần thay đổi Tổng Biên tập, trung bình mỗi “ca” hơn 3 năm. Tôi làm Tổng Biên tập Quê Hương 2 lần với tổng thời gian 7 năm. Như vậy, tôi đang giữ “kỷ lục” về thời gian ngồi ghế Tổng Biên tập. Cuộc đời công chức của tôi kéo dài 37 năm, với 10 lần thay đổi đơn vị công tác thì trung bình ở mỗi đơn vị tôi đã trải qua 3,7 năm. Theo nghĩa này, Quê Hương đang giữ “kỷ lục” trong cuộc đời tôi. Đến nay, tôi cũng là Tổng Biên tập duy nhất nghỉ hưu từ Quê Hương – đơn vị hiền lành được nhiều người ở xa quê hương Việt Nam biết đến, nhưng lại ở xa trung tâm nên ít khi có người từ trung tâm đến. Trong tôi đầy ắp những kỷ niệm về Quê Hương.

Hoàng Bình
Nguyên Tổng Biên tập tạp chí Quê Hương


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu