A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tạp chí Quê Hương trong tái hiện Bản sắc Văn hóa Việt Nam

Không phải ngẫu nhiên tôn chỉ và tên gọi Tạp chí của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài lấy tên là Quê Hương. Với mục đích là cầu kết nối với người Việt Nam ở nước ngoài trong mọi lĩnh vực hoạt động văn hóa – xã hội, trong đó giới thiệu bản sắc văn hóa giữa các vùng miền đã được Ban Biên tập đẩy lên hàng đầu để bà con người Việt tuy xa Tổ quốc vẫn như sống giữa quê hương gần gũi.



Hội Gióng 


Những hình ảnh thân quen như hiện lên trên từng trang ký ức tuổi thơ, những làng mạc thôn xóm, trò chơi dân gian, danh lam thắng cảnh được hiện hữu đều đều trên từng bài báo của các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ, những cộng tác viên thân thiết trên mọi miền đất nước từ Bắc vào Nam và cả nước ngoài. Từng trang viết thẫm đậm tình cảm chân thành, giản dị của kỷ niệm xưa, hoài vọng đan xen ước mơ được trở về nơi cũ mà thời gian không thể xóa nổi nỗi nhớ nhung.

Trong những năm gần đây, hình ảnh Việt Nam vượt trội trong suy cảm, trong đánh giá của thế giới về một đất nước thanh bình, cổ kính qua vinh danh nền văn hóa phi vật thể, vật thể. Những chứng tích vượt không gian, thời gian làm nên một bản sắc văn hóa thiêng liêng mà gần gũi, trữ tình mà tráng ca, tâm linh mà hiện hữu.



Thánh địa Mỹ Sơn, Quảng Nam 


Bạn đọc trong và ngoài nước luôn thưởng thức và trân trọng những trang viết về một nền văn hóa phi vật thể, vật thể trên đất nước Việt Nam qua nhiều thế kỷ.

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, dân tộc Việt Nam luôn giữ gìn những tinh hoa hội tụ kết tinh từ tinh thần dựng nước, giữ nước. Gần đây UNESCO đã vinh danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của nhân loại. Trên Tạp chí Quê Hương số Tết Quý Tỵ 2013 có nhiều bài về sự vinh danh này với những tiêu đề hết sức trân trọng: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương- Hội tụ sức mạnh văn hóa tâm linh của người Việt, Tâm thức Hồ Chí Minh với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên,…



Xuân về trên vùng cao 


Trên các số báo khác đều cập nhật thông tin những đợt được vinh danh, những trang viết không những có giá trị thông tin mà được đẩy lên nội dung nghiên cứu công phu có giá trị cho bạn đọc như viết về Nhã nhạc Cung đình Huế (Số Tết Giáp Thân 2004), Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây nguyên (Số Tết Kỷ Sửu 2009), Quan họ Bắc Ninh (Số Tết Quý Tỵ 2013), Ca Trù (Số Tết Canh Dần 2010), Hát Xoan của đồng bằng Bắc bộ (Số Tết Nhâm Thìn 2012), Hội Gióng (Số tháng 4 năm 2009). Đó là những nền văn hóa phi vật thể ẩn tàng trong đời sống của người Việt đã được vinh danh tiêu biểu trong nhiều năm.



Thành nhà Hồ, Thanh Hóa 


Nền văn hóa vật thể qua những trang viết, ảnh chụp, bản vẽ cho ta thấy được nền di sản vật chất này hiện hữu hàng ngàn năm đã được tu bổ, phục dựng, khảo sát công phu trong tinh thần khoa học nghiêm túc để thế hệ con cháu xa quê hương mỗi dịp về nước có được cơ hội được ngắm nhìn hòa đồng trong cảnh quan xưa cũ. Khu văn hóa vật thể Thánh địa Mỹ Sơn thuộc tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng được UNESCO vinh danh đầu tiên vào những năm 90. Tạp chí Quê Hương có nhiều bài viết về Khu di sản này với bản vẽ sơ đồ các nhóm tháp đến giá trị hoa văn đền đài ngự trị trong thung lũng Mỹ Sơn. Các phong cách nghệ thuật đã được khẳng định để bạn đọc có thêm tư liệu khi đến tham quan di tích này, để phân biệt một nền điêu khắc, kiến trúc độc đáo qua nhiều thế kỷ tồn tại với vẻ đẹp của Trà Kiệu – Mỹ Sơn, Đồng Dương, Tháp Mẫm. Dọc con đường di sản miền Trung từ Thanh Hóa với Thành nhà Hồ, đến Quảng Bình với Phong Nha- Kẻ Bàng, đến Hội An - một đô thị cổ còn giữ lại những nếp mái lô xô trong không gian cổ kính một thời - đã cuốn hút nhiều người con xa xứ. Sẽ là chưa đầy đủ khi những bài báo gọn xinh xắn như một lời thủ thỉ tâm tình của những người bạn đồng hành trong cuộc đi tìm về quá khứ không được nhắc đến ở đây. Nếu những bài viết về các di sản UNESCO vinh danh công phu mang kiến thức tầm thước của các nhà nghiên cứu thì những bài báo nhỏ gọn trong mục Việt Nam – Đất nước – Con người đã giúp người đọc có một cảm giác thú vị trong phút giây muốn quên lãng những vất vả trong cuộc mưu sinh.



Hát Xoan, Phú Thọ 


Ban Biên tập đã hệ thống một cách khoa học tuần tự giới thiệu cảnh đẹp từ Bắc xuống Nam, từ miền núi trung du đến đồng bằng. Chỉ vài trang, vài dòng ngắn ngủi đã làm sống lại một vùng văn hóa Tây Bắc, Việt Bắc với nhà sàn, hoa đào, hoa mận rực rỡ trong những buổi Xuân về. Những khuôn mặt Tày, Thái, Mông, Dao hồng hào trong nắng sớm, những trò chơi ném còn, múa sạp của tộc người Thái, đẩy Pao, thổi kèn bè của tộc người Mông, khung dệt Thái Trắng, Thái Đen, bản trường ca hát Then và lễ cúng của người Tày… Tất cả hiện diện một đời sống văn hóa tinh thần của quần tụ các tộc người từ cao nguyên Lũng Cú – Mèo Vạc đến Đồng Văn bốn mùa mây phủ. Khu Việt Bắc - cái nôi của cách mạng Việt Nam - với những di tích Đình Hồng Thái, Cây đa Tân Trào, Lán cỏ Nà Lừa. Cả một thủ đô gió ngàn trong cuộc kháng chiến thần thánh lần thứ nhất làm thức dậy trong tiềm thức thế hệ trẻ một ý thức dân tộc dựng nước, giữ nước. Tiếp theo là khu Bắc miền Trung là Thanh Hóa với Di tích Thành nhà Hồ - bãi biển Sầm Sơn - Đền Độc Cước; khu bờ biển Nam miền Trung dọc con đường di sản văn hóa và thiên nhiên là những Tháp Chàm cổ kính nhắc đến một dĩ vãng huy hoàng với tòa Tháp Đốc, Tháp Dương Long (Bình Định), Tháp Nhạn (Phú Yên), Tháp Bà Pônaga (Nha Trang) cùng những cảnh đẹp ở đồng bằng sông Cửu Long, chợ nổi miền Tây Nam bộ san sát nghe thuyền,…

Tạp chí Quê Hương đã tái hiện bản sắc văn hóa qua hình ảnh, mọi chi tiết trong cuộc sống thường nhật, từ những địa danh nổi tiếng đến trò chơi dân gian, từ âm nhạc, mỹ thuật, thơ ca đến văn hóa ẩm thực bắt đầu từ những món ăn giản dị nhưng đã vượt thời gian tồn tại đến hôm nay.

Với một số lượng bài viết phong phú, đa dạng, Tạp chí Quê Hương gửi tới bạn đọc những nét tinh hoa chắt lọc từ tình đất hương cây, từ vẻ đẹp vĩnh cửu trong cảm nhận của mỗi người Việt Nam khi nghĩ về quê hương xứ sở.

Nguyễn Hải Yến
Thành viên Hội đồng Biên tập tạp chí Quê Hương


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu