A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đóng góp của phụ nữ trong giáo dục, đào tạo, giảng dạy đại học, y tế và văn hóa trong không gian Pháp ngữ: Đôi điều suy ngẫm

LTS: Bình đẳng giới là vấn đề luôn được nhiều người, nhiều tầng lớp phụ nữ quan tâm, nhất là thể hiện của nó trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Tạp chí Quê Hương trân trọng giới thiệu tham luận của T.s Nguyễn Đắc Như Mai - Chủ tịch Hội khuyến khích phụ nữ Việt Nam làm khoa học (CH Pháp) tại Hội nghị hợp tác phi tập trung Pháp - Việt lần thứ 9 tổ chức tại thành phố Brest - CH Pháp từ 9-12/6 vừa qua (trích trong bài dịch của T.s Nguyễn Phương Nga (Apfsv).
 

Tại Hội nghị hợp tác phi tập trung Pháp - Việt lần thứ 9 tổ chức tại thành phố Brest - CH Pháp (từ 9-12/6), trong chủ đề I - Hội thảo thứ nhất về giáo dục, đào tạo, giảng dạy đại học, y tế và Hội thảo thứ hai về văn hóa trong không gian Pháp ngữ - chúng tôi cho rằng cần nhấn mạnh sự đóng góp của phụ nữ trong những lĩnh vực này tại Pháp cũng như tại Việt Nam.

Ký thỏa thuận giữa Viện y học biển Hải Phòng và
trường Đại học Tây Bretagne (Ảnh: Lê Hà/Vietnam+) 

Thật vậy, đặc biệt trong khoa học, sự bình đẳng nam- nữ còn chưa được đảm bảo, mặc dù đã có sự can thiệp của nhiều tổ chức và phương tiện truyền thông. Tại Hội thảo, chúng tôi mong muốn đề xuất Đôi điều suy ngẫm với các thành viên từ phía Pháp - Việt Nam và các điều phối viên của Hội thảo.

Tại Việt Nam

Đối với lĩnh vực giáo dục, không nên có sự phân biệt về giới, việc giáo dục và phổ biến kiến thức cần dành cho cả nam và nữ. Trước mắt, cần ưu tiên cho trẻ em ở thành phố và nông thôn đều được đi học, xóa nạn mù chữ cho các bậc phụ huynh tại những vùng sâu, vùng xa.

Trong đào tạo, cần tập trung đào tạo ngay ở bậc trung học và phân loại các trường có khả năng đi theo hướng phát triển giảng dạy đại học nhằm đào tạo đội ngũ giáo viên có trình độ, chất lượng.

Đối với việc giảng dạy ở đại học và nghiên cứu, cần có những chính sách khuyến khích sinh viên nữ theo học đại học bằng các hình thức hỗ trợ tài chính như: trợ cấp, học bổng cho sinh viên nữ có hoàn cảnh khó khăn, lập công quỹ và quỹ giúp đỡ đối với các gia đình đơn thân, có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ thất nghiệp hay là nạn nhân của chất độc da cam/dioxin.

Trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt là trong lĩnh vực nguyên tử, cần lưu tâm đến các trường hợp sinh viên nữ du học sẽ được miễn học phí, được trợ cấp, hỗ trợ mua vé máy bay, hỗ trợ một phần sinh hoạt phí.

Ngoài ra, trong lĩnh vực luật, cần lưu ý đặc biệt đến luật lao động, luật bảo vệ phụ nữ và trẻ em, luật giáo dục...

Trong lĩnh vực y tế, Nhà nước cần bổ sung các hình thức chăm sóc miễn phí cho người dân. Các phòng khám dành cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn cần có những biện pháp tương trợ, ví dụ như trường hợp của Phòng khám từ thiện Yersin tại Nha Trang, Khánh Hòa. Ngoài ra, cần nhân rộng sự hợp tác giữa các bệnh viện của Pháp và Việt Nam, như tổ chức khóa đào tạo và thực tập dành cho y tá, giao lưu học hỏi giữa các bác sĩ trẻ như tại Khánh Hòa và Lorient. Cần tổ chức những cuộc hội thảo, hội nghị liên quan đến những kỹ thuật tiên tiến không chỉ ở các thành phố lớn mà cả tại các tỉnh, thành nhỏ hơn như tại Đà Lạt, Nha Trang trong khuôn khổ của Viện Pasteur.

Không gian Pháp ngữ

Việc học tiếng Pháp là việc làm cần thiết thông qua việc tăng cường hợp tác giữa các trường ở cả hai quốc gia. Cần củng cố hơn nữa những buổi giao lưu giữa các bạn trẻ do các đoàn thể Việt Nam và Pháp tổ chức, ví dụ như trường hợp của Hội bằng hữu Pháp Việt Choisy-le-Roi và Đống Đa, hay Hội khuyến khích tiếng Pháp thương mại (Apfa), trong khuôn khổ của Tuần Pháp ngữ tại Paris, đã trao huy chương cho các thí sinh đạt giải trong cuộc thi “Từ vàng” (Le mot d'Or), đến từ các nước có sử dụng chung tiếng Pháp.

Trong lĩnh vực văn hóa, sẽ có hiệu quả hơn khi phối hợp với sự nghiên cứu các thành tựu công nghiệp của các nhà khoa học. Đây hứa hẹn là sự thay đổi bền vững hơn và vinh danh các công trình của các nhà khoa học nữ người Việt tại Pháp hay Việt Nam.

Điều mà cộng đồng người Việt ta sinh sống ở Pháp có thể làm, là đóng vai trò cầu nối về phong tục, tập quán của hai nền văn hóa và củng cố những mối liên lạc đã có, thắt chặt hơn tình bằng hữu giữa hai nước Pháp và Việt Nam.

Trong lĩnh vực văn hóa, chúng tôi vô cùng phấn khởi khi việc vun đắp cho hòa bình được chính các em tại Pháp và Việt Nam cùng hưởng ứng. Trong khuôn khổ này, Hội khuyến khích phụ nữ Việt Nam làm khoa học (Apfsv) đã đề xuất việc các em sinh ra tại Pháp, như các cháu thanh thiếu niên, thành viên của Hội Thanh niên Việt Nam tại Pháp (UJVF), tham gia vào ngày quốc tế vì hòa bình do các tổ chức phi chính phủ trực thuộc UNESCO tổ chức ngày 21/09/2013 tại Chrleảlévillé. Trong đó, các cháu thanh thiếu niên, đã tham gia chương trình “Những con rối cam kết vì hòa bình” bằng một bộ phim ngắn mang tựa đề Thụy An, Sứ giả của hòa bình (tại Festival de la Marionnette 20-29/09/2013 Charleville Mezieres (xem http://vimeo.com/user16438782).

Tại Việt Nam, các doanh nhân nữ đã bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực thương mại, thông qua việc tổ chức nhiều diễn đàn và hội thảo, đặc biệt như Ngày phụ nữ sáng tạo Việt Nam 2013 do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ngân hàng Thế giới và Cơ quan Phụ nữ Liên hợp quốc phối hợp tổ chức vào ngày 17/4 tại thành phố Hồ Chí Minh. Tại Pháp, phải ghi nhận việc các thành viên nữ của Diễn đàn các tổ chức đoàn kết quốc tế, xuất thân từ di cư (FORIM) đã thử sức trong việc thành lập các công ty có hợp tác với quê hương của họ.

Cần nói thêm rằng, đối với các sản phẩm của vùng do sáng lập viên là nữ tạo ra, để tạo thuận lợi cho các trao đổi giữa các vùng giữa Pháp và Việt Nam, nên chú trọng tạo ra một “thị trường bền vững” để giúp mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho các nhà sản xuất nữ của 2 nước, giúp đảm bảo chất lượng tốt hơn cho người tiêu dùng. Có như vậy mới ưu tiên được các mối quan hệ thân cận thông qua hình thức bán hàng trực tiếp với mức giá ưu đãi nhất và làm tăng giá trị các hoạt động nông nghiệp của phụ nữ ở Việt Nam và Pháp.

Tiến sĩ Nguyễn Đắc Như Mai (CH Pháp)
Chủ tịch Hội khuyến khích phụ nữ Việt Nam làm khoa học


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu