A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhớ hương vị Tết xưa

Khi những cơn mưa Xuân kiến tạo sức sống mới cho muôn loài, cũng là lúc báo hiệu cái Tết cổ truyền của dân tộc đang đến thật gần. Ngoài đường phố, người ta chăng đèn kết hoa để đón chào một mùa Xuân mới. Bất giác đâu đây qua con phố nhỏ, thấy một mùi hương rất thân quen như mùi bánh chưng mới luộc, cái mùi như đã quện vào cả tâm trí của tuổi thơ nơi quê nhà.

Giờ đây ở thành phố, người ta có thể mua được nhiều thứ vào bất cứ lúc nào, chưa nói đến việc mua qua mạng Internet, đó là sự tiện lợi của thời buổi công nghệ hiện đại. Nhưng có nhiều thứ không thể tìm mua được, ví như đối với tôi đó là hương vị ngọt ngào của những ngày Tết tuổi thơ. Cái không khí ngày giáp Tết ở đâu cũng thật rộn ràng nhưng mỗi nơi có những nét riêng khó trộn lẫn. Đối với quê tôi trước đây, những ngày này cả làng rộn ràng thu hoạch cây vụ Đông như khoai lang, khoai tây và các loại rau. Bọn trẻ con chúng tôi lại được thưởng thức những bữa khoai nướng thơm phức. Mùi thơm đó vẫn còn vương vấn mãi đến bây giờ khi nhớ về những người bạn cùng trang lứa ở quê nhà. Giữa cánh đồng rộng mênh mang, làn gió đưa hương hoa của đất quện với làn khói bay lên không trung trong cảnh chiều quê thật êm đềm, thanh bình.

Vào những ngày cuối năm, từ nửa tháng trước Tết, mẹ tôi đã phơi héo dưa cải bẹ và hành củ già chuẩn bị vại dưa nén cả tàu, âu hành muối được xếp thêm mía tím. Hương vị các món mặn của mâm cỗ Tết đầy khơi gợi và đối với những đứa trẻ chúng tôi thời đó, hơn hết nó còn là cả một sự mong chờ. Đó là hương thơm nhẹ từ món chè bưởi của bà, mùi mật mía trộn với mùi nếp mới của món chè kho, mùi thơm của bánh chưng, của món măng hầm với chân giò, và cả mùi thơm từ những bao bì của những hộp mứt của bố và các bà họ trên thành phố gửi về… Tất cả đều thật hấp dẫn và tạo phấn khích rất lớn đối với chúng tôi khi đó. Giờ đây, ngay cả cái mùi khói bếp, mùi củi cháy, mùi thơm của lá mùi tẩy trần cuối năm, mùi thơm của lá dong, mùi gạo nếp cùng nhân đậu xanh, thịt nạc hòa lẫn rồi tan trong không khí, như vẫn bám chặt lấy tuổi thơ tôi.

Trong nỗi nhớ về Tết xưa, vẫn còn nao lòng với hình ảnh bàn tay nhăn nheo vì nước lạnh rửa lá bánh, đãi gạo, đỗ… và hương mật hương đường quẩn quanh người bà, người mẹ và các dì, các cô.
Rồi nữa trong khu vườn trước sân nhà khi ấy có đủ thứ cho Tết, từ hương nhu, mùi già... để tắm gội Tất niên, đến những vồng rau xanh nhiều gia vị, những giàn gấc quả treo lúc lỉu chín dần chuyển từ màu cam sang đỏ thắm. Những gian bếp khi ấy còn ba ông đầu rau nấu bằng trấu, mùn cưa, bằng lá khô quét trong vườn, cả nhà xúm quanh nấu nướng cho đến khuya. Ngày gói bánh chưng, cả nhà tất bật từ sáng sớm, lúc luộc bánh đêm khuya đợi bánh chín vớt ra những chiếc bánh xinh đầu tiên là vui nhất. Bếp trấu vun đầy lùm, dấm nồi đất kho cá chín dần qua hai lửa, ba lửa, đến khô cong, ăn với bánh chưng thì tuyệt nhất. Mấy bà cháu, mẹ con ngồi quanh rỉ rả chuyện nhà, chuyện họ hàng, chuyện làng xóm, chuyện kể ngày xửa ngày xưa cổ tích… Vầng trấu quanh nồi cá đỏ rực bay lên những tàn lửa như sao…


Nhắc Tết năm xưa, điều làm tôi nhớ và thèm nhiều nhất đó là tiếng pháo vào đêm Giao Thừa. Còn gì vui hơn khi đến thời khắc thiêng liêng chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, tiếng pháo nổ vang một khoảng sân phá tan bầu không khí tĩnh mịch của trời đêm. Những quả pháo trống, pháo con cuộn trong lòng những nỗi buồn, những đắng đót, những nước mắt của năm cũ rồi nổ tan tành. Bao nhiêu nỗi niềm theo đó mà trôi tuột đi, cho lòng người thảnh thơi, rộng mở đón chào một năm mới với nhiều ước vọng. Mùi thơm của thuốc pháo như bám cả vào quần áo và đi cả vào giấc mơ con trẻ đêm Giao Thừa. Từ dạo cấm đốt pháo, Giao Thừa có phần lặng lẽ dù hình ảnh pháo hoa thay thế cũng làm vơi bớt phần nào nỗi khắc khoải.
Xã hội đổi mới, phải chăng một phần vì thế mà hương vị Tết bây giờ đã "mai một" ít nhiều?
Người lớn quanh năm suốt tháng lo làm ăn, đến những ngày cận Tết mới được nghỉ, có nơi còn làm đến tận đêm Giao Thừa rồi lại đến sáng Mồng 2, Mồng 3 đi mở hàng lấy hên đầu năm. Nhiều gia đình có cuộc sống sung túc, thường ngày thiếu thứ gì đã sắm thứ ấy, đâu đợi đến Tết mới được thảnh thơi tân trang nhà cửa và sắm đồ đạc... trang trí cho ba ngày Tết.

Chiều cuối năm, dạo quanh con phố một vòng, không cảm được mùi thơm quen thuộc, không thấy đâu hình ảnh những bà, những mẹ lau rửa lá dong chuẩn bị cho ngày Tết sum họp, bỗng thấy hụt hẫng, một khoảng trống trong lòng... Xuân đang ở đây, đang hiển hiện chung quanh mà sao tìm mãi, chạy mãi, chạy mỏi cả tâm hồn cũng chỉ bắt gặp được chút ít hơi thở của hương quê. Nơi đô thị đâu còn khói bếp, nhà tranh mà sao mắt lại vòng quanh ngắn dài…

Nhiên Hương


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu