A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhộn nhịp hoạt động phục vụ Tết cho kiều bào

Từ bộ áo dài truyền thống cho đến những chiếc bánh chưng, bánh tét, tất cả đang được các doanh nghiệp gấp rút chuẩn bị để phục vụ Tết Canh Dần cho bà con kiều bào với tình đồng hương, nghĩa đồng bào sâu sắc.

Kiều bào ta đón Xuân ở nước ngoài hay về Việt Nam sum họp gia đình đều nhận được sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp trong nước.

Những ưu đãi đặc biệt

Ở Hà Nội, góp phần vào không khí vui Xuân, một số cửa hàng áo dài sẽ ưu tiên may lấy ngay cho các kiều bào xa xứ khi trở về Việt Nam với chất lượng tốt, giá cả hợp lý. Đặc biệt, tại nhà may áo dài truyền thống Hồng Thanh (số 61 - 67, phố Huế) nổi tiếng với thương hiệu áo dài Việt Nam, chương trình được bắt đầu từ Tết dương lịch và kéo dài hết tháng hai âm lịch, cùng thời điểm bà con về quê đón Tết, sum họp gia đình.

Chị Hồng Thanh, chủ nhà may cho biết, ý tưởng để chị thực hiện việc làm này là tạo điều kiện cho những kiều bào có ít thời gian ăn Tết ở Việt Nam có thể khẩn trương may một bộ áo dài vừa ý để đón Tết nơi quê nhà. Chị coi đây là việc làm có ý nghĩa để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

 Kiều bào về quê ăn tết và dâng hương tại Đền Hùng, Phú Thọ, năm 2009


Trung bình, một bộ áo dài phải may trong vòng một ngày, nhưng dịp Tết này, đối với kiều bào, nhà may sẽ cố gắng hoàn thành trong bốn đến sáu giờ.

Mặc dù là năm đầu tiên thực hiện ý tưởng này, nhưng chị Thanh hy vọng sẽ thu hút nhiều kiều bào đến may hoặc mua các sản phẩm áo dài Việt Nam. Riêng từ Tết dương lịch tới thời điểm này, trung bình một ngày có từ hai đến ba khách hàng là kiều bào đặt may áo dài, và mỗi khách đều may từ hai bộ trở lên. Xu hướng áo dài năm nay là kiểu sôi động trẻ trung, nhiều màu sắc tươi sáng, nổi bật mang đến cảm giác tự tin, may mắn cho người mặc.

Mang Tết đến với kiều bào

Ông Lê Hồng Xanh, Giám đốc điều hành marketing Tổng công ty cổ phần bia – rượu – nước giải khát Sài Gòn, cho biết, công ty xuất khẩu khoảng hai container bia sang các nước để phục vụ kiều bào ăn Tết. Mỗi container khoảng 2.000 thùng, gồm hai loại bia Sài Gòn và 333. Trong đó, Mỹ, Pháp, Campuchia và Nhật Bản là những nước có lượng xuất khẩu nhiều nhất. “Lượng hàng Tết năm nay tăng khoảng 15% so với năm ngoái, tuy nhiên giá cả những đợt hàng xuất sớm vẫn được giữ nguyên, còn những đợt hàng xuất muộn có thể tăng nhẹ”, ông Xanh nói.

Tổng công ty cổ phần bia – rượu – nước giải khát Sài Gòn xuất hàng đi các nước đã 10 năm nay. Năm ngoái khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã khiến lượng hàng doanh nghiệp xuất khẩu không như kỳ vọng. Năm nay kinh tế phục hồi, công ty đã lên kế hoạch gia tăng sản xuất hàng Tết phục vụ người tiêu dùng trong nước và kiều bào từ giữa năm.

Ông Vũ Mạnh Hùng, Phó giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm miền Bắc cho hay, công ty có kế hoạch xuất khoảng 5.000 tấn gạo đóng gói cả nếp và tẻ phục vụ kiều bào đón Tết. Số hàng này tăng khoảng 10% về lượng và 3 – 5% về giá cả so với năm ngoái, trong đó riêng lượng gạo nếp tăng gần gấp đôi.

Ông Hùng chia sẻ: “Là người từng đi nhiều nước để khai thác thị trường, tôi thấy đâu đâu gạo Thái cũng có mặt. Cận Tết năm ngoái, khi đi thăm dò thị trường tại một siêu thị ở bang California (Mỹ), tôi thấy không ít người Việt vẫn chọn mua gạo ngoại. Tết năm nay, có lẽ chiến dịch người Việt dùng hàng Việt được tổ chức rầm rộ trong nước đã thấm hơn vào tâm lý tìm về hàng Việt của kiều bào”.

Nói đến Tết cổ truyền, không thể không nhắc đến hình ảnh bánh chưng, giò chả. Nhận thấy nhu cầu về sản phẩm này của kiều bào ngày càng lớn, Công ty Hương Sơn đã tìm cách đưa những chiếc bánh chưng Hương Sơn ra các nước. Ngoài ra, công ty còn phải đặt thêm cả một số đặc sản khác của Hà Nội như giò chả Quốc Hương, Ước Lễ… để xuất khẩu phục vụ bà con ăn Tết.

Nhiều năm qua, Công ty cổ phần Kinh Đô vẫn đều đặn xuất các loại bánh sang cho cộng đồng người Việt ở Mỹ thông qua các chuỗi siêu thị Costco, Albert Sol, Wal-Mart... “Tết nguyên đán năm nay, lượng hàng xuất đi cũng tăng nhẹ. Doanh thu từ thị trường này tuy hiện chỉ chiếm một phần nhỏ, nhưng chúng tôi vẫn chú trọng vì thông qua kiều bào, Kinh Đô dễ thâm nhập thị trường nước bạn hơn và có cơ hội quảng bá sản phẩm của mình ra thế giới”, ông Nguyễn Xuân Luân, phụ trách kinh doanh quốc tế của Kinh Đô cho biết.

Hồng Minh – Ngô Chung/ (Đất Việt)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm