A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cơ hội cho doanh nghiệp trong liên kết và hội nhập quốc tế

Hội chợ xúc tiến Thương mại và Đầu tư Quốc tế IFIT 2010 là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam trong và ngoài nước liên kết cùng phát triển, hội nhập, là cơ hội gắn kết hơn nữa kiều bào với quê hương, là tình cảm, mong muốn góp phần xây dựng Đất nước của Đơn vị tổ chức.

Trong quá trình hội nhập kinh tế, vai trò của nền kinh tế tri thức ngày càng có ý nghĩa quyết định đối với sự thành công của mỗi quốc gia. Nền kinh tế tri thức không chỉ dựa trên những phát minh, sáng chế, ý tưởng sáng tạo, mà còn bao gồm những quy trình tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh, cũng như xây dựng Thương hiệu của sản phẩm,  Doanh nghiệp và Quốc gia. Giá trị sản phẩm phụ thuộc vào chuỗi các yếu tố như ý tưởng, công nghệ, vật liệu, quy trình, nhân lực, phân phối, chính sách khách hàng, thương hiệu.

Mỗi quốc gia cần có chiến lược phát triển riêng vừa phù hợp những chuẩn mực chung quốc tế vừa phát huy tối đa những thế mạnh và tiềm năng của mình. Đối với những nước đang phát triển, việc thu hút đầu tư trực tiếp, mở rộng thị trường, giao thương là những bước đi cần thiết trong quá trình hội nhập.

Trong cuộc cạnh tranh kinh tế, việc xúc tiến Thương mại và Đầu tư quốc tế các nước nghèo nói chung và các doanh nghiệp nhỏ nói riêng có nhiều hạn chế. Ngoài vấn đề ngân sách thì khó khăn về nguồn nhân lực cũng là một yếu tố rất quan trọng.

Những hoạt động như tham gia hội chợ, hội thảo, sử dụng tư vấn ở nước ngoài đòi hỏi chi phí rất tốn kém, song hiệu quả còn phụ thuộc vào sự hiểu biết ngôn ngữ, văn hóa các nước, năng lực, kinh nghiệm của chính người thực hiện. Vì vậy, việc mở ra hướng xúc tiến Thương mại và Đầu tư quốc tế ngay tại thị trường nội địa là cần thiết và phù hợp. Cũng như trong học ngoại ngữ, chuyển giao công nghệ đào tạo, giáo dục, ai cũng biết đi du học nước ngoài là tốt, song do điều kiện kinh tế, thời gian, việc học ngoại ngữ hay du học tại chỗ để có được kiến thức, trình độ nước ngoài ngay tại nội địa là hiện thực và hữu ích.

Trong giai đoạn khủng khoảng kinh tế thế giới, nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, phải cắt giảm chi phí cho việc xúc tiến Thương mại và Đầu tư quốc tế, quảng bá thương hiệu ra nước ngoài, tập trung vào thị trường nội địa. Mặt khác đó lại là cơ hội cho các doanh nghiệp đang mong muốn mở rộng hoạt động, tăng thị phần ở nước ngoài.



Tác giả chúc mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân sinh nhật lần thứ 95

Hiện nay ở Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp là nhỏ và vừa. Vì vậy thay cho việc cạnh tranh nội địa, các doanh nghiệp nên liên kết tạo ra sức mạnh chung, góp phần xây dựng tốt hơn văn hóa kinh doanh Việt Nam nhằm vươn ra thế giới. Trong chiến tranh chống ngoại xâm, cuộc chiến tranh toàn dân đã huy động được sức mạnh tổng hợp dân tộc để giành chiến thắng. Ngày nay trong cạnh tranh kinh tế toàn cầu, việc huy động các nguồn lực nhằm liên kết các doanh nghiệp Việt Nam là hướng đi tất yếu. Mỗi doanh nghiệp nhỏ ví như những hạt cát nhỏ bé, nhưng nếu liên kết lại vẫn có thể góp phần tạo thành những tấm bê tông, đủ sức chịu đựng, đứng vững và phát triển.

Việt Nam đã trải qua hơn 20 năm đổi mới kinh tế và hội nhập quốc tế, còn có nguồn lực kiều bào khoảng 4 triệu người với lượng kiều hối hàng năm chiếm gần 10% GDP cả nước. Kiều bào ngày càng phát triển, gắn bó với quê hương, nhất là trong năm 2009 đã thành lập Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài và tổ chức Hội nghị lần thứ I người Việt Nam ở nước ngoài. Làm thế nào để phát huy hơn nữa tiềm năng của kiều bào hướng về Tổ quốc và giúp Việt Nam vươn ra thế giới? Đối với các doanh nghiệp Việt Nam có một hướng hoạt động dựa trên nền tảng gắn kết các doanh nghiệp Việt Nam trong và ngoài nước, đó là triển khai chương trình xúc tiến thương mại và đầu tư quốc tế tại thị trường nội địa. Chương trình này góp phần gắn kết kiều bào với Tổ quốc, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững hơn.

Chương trình xúc tiến thương mại và đầu tư quốc tế tại thị trường nội địa, thực chất là việc đưa các yếu tố quốc tế tới các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời thông qua đó giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam liên kết cùng vươn ra thế giới. Các yếu tố nước ngoài tại Việt Nam trước hết là kiều bào, các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, những người đã từng học tập, công tác và lao động ở nước ngoài, các tổ chức quốc tế, sứ quán nước ngoài, các cán bộ, sinh viên nước ngoài  tại Việt Nam và khách du lịch quốc tế. Trong đó lực lượng doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài là nòng cốt. Cần tạo môi trường, biện pháp gắn kết những yếu tố quốc tế với các yếu tố trong nước nhất là các doanh nghiệp, các đơn vị, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp của Việt Nam. Để chương trình này triển khai có hiệu quả chắc chắn cần sự chỉ đạo, hỗ trợ của nhiều đơn vị chức năng, sự ủng hộ và tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam, của kiều bào và mỗi người dân.

Trước mắt có thể bắt đầu từ những hoạt động đơn giản như tạo môi trường giao lưu, cung cấp, trao đổi thông tin, tổ chức hội chợ, hội thảo, giao lưu doanh nghiệp. Tiếp theo kết nối doanh nghiêp, giúp doanh nghiệp sử dụng dịch vụ, sản phẩm của nhau, phát triển đại lý, quảng bá thương hiệu, nhượng quyền thương mại ra nước ngoài… Các doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài có thể giúp các doanh nghiệp trong nước tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại ở nước ngoài, nghiên cứu thị trường, tìm kiếm công nghệ, vật tư,  thành lập các phòng trưng bày sản phẩm, đại diện tham gia hội chợ chung cho nhiều doanh nghiệp trong nước, nhập khẩu hàng hóa, xây dựng đại lý, thực hiện nhượng quyền thương mại, đầu tư về nước. Tuyên truyền, vận động để  mỗi kiều bào là người tiếp thị, quảng bá thương hiệu cho đất nước, tích cực tham gia cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam khi về nước hay ở nước ngoài, góp phần  tài trợ cho những dự án xã hội tại chính quê hương mình. 



Hội thảo giới thiệu “Hội chợ xúc tiến Thương mại và Đầu tư Quốc tế IFIT 2010”
ngày 08/01/2010

Để triển khai chương trình xúc tiến Thương mại và Đầu tư quốc tế tại thị trường nội địa, được sự bảo trợ của Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hà Nội, Ban truyền hình đối ngoại – Đài truyền hình Việt Nam VTV4, InfoTV, tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư, Hội chợ xúc tiến Thương mại và Đầu tư Quốc tế lần thứ  I - IFIT 2010 MỸ ĐÌNH HÀ NỘI (1st International Fair for Investment & Trade) do các doanh nhân trí thức người Việt Nam ở nước ngoài khởi xướng, sẽ tổ chức tại quảng trường chính sân vận động Quốc gia Mỹ Đình Hà Nội từ ngày 5/02 đến 7/02/2010. Đây chính là môi trường giao lưu giữa các yếu tố nước ngoài tại Việt Nam với các doanh nghiệp Việt Nam, các đơn vị xúc tiến thương mại và đầu tư trong nước, kết hợp với các hoạt động xã hội liên quan đến kiều bào. Sự khác biệt của IFIT với các Hội chợ khác chính là hội chợ của giao lưu, hợp tác các doanh nghiêp, có sự tham gia của các đơn vị xúc tiến thương mại, Hiệp hội doanh nghiệp, làng nghề, các tổ chức quốc tế, sứ quán các nước tại Việt Nam, mà không tập trung cho mục đích bán hàng. Đồng thời lấy yếu tố kiều bào, các doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài làm trọng tâm. Đơn vị tổ chức Hội chợ miễn phí  gian hàng cho tất cả các đơn vị xúc tiến thương mại các tỉnh, thành phố, các tổ chức xã hội, hiệp hội, tổ chức quốc tế, sứ quán nước ngoài tại Việt Nam.  Đây cũng là dịp để các tỉnh, thành phố trực tiếp giới thiệu các chính sách, dự án kêu gọi đầu tư tới kiều bào. Với quy mô khoảng 500 gian hàng dưới mái tiêu chuẩn châu Âu, Hội chợ có nhiều biện pháp hỗ trợ cho các đơn vị không trực tiếp đến tham gia như giới thiệu thông tin trên các bảng thông tin, trong Catalog điện tử (E-Catalog), xây dựng trang web cho đơn vị tham gia cùng các chương trình kết nối, hỗ trợ trong và sau Hội chợ (xem trong trang web: www.ifit.vn ).

Nhân dịp Hội chợ sẽ có những hoạt động xã hội của Quỹ Tu bổ Đền Hùng, chương trình “ASEM đồng hành cùng sức khỏe cộng đồng” qua việc phát hành miễm phí 10.000 sổ khám bệnh ( mỗi sổ trị giá 100.000 đồng , sử dụng trong năm 2010) cho người dân đến tham quan. Có thể nói IFIT là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam trong và ngoài nước liên kết cùng phát triển, hội nhập, là cơ hội gắn kết hơn nữa kiều bào với quê hương , là tình cảm, mong muốn góp phần xây dựng Đất nước của đơn vị tổ chức. Tuy nhiên để Hội chợ thực sự có ý nghĩa và thành công còn cần có sự ủng hộ, nhận thức đúng của các đơn vị xúc tiến Thương mại của các tỉnh, thành phố và sự nhiệt tình tham gia của chính các Doanh nghiệp Việt Nam trong và ngoài nước. Hy vọng IFIT sẽ là môi trường để các doanh nghiệp Việt Nam “Liên kết sức mạnh, Hội nhập quốc tế”.

Ts Hoàng Xuân Bình (Ba Lan)
Trưởng Ban tổ chức Hội chợ IFIT 2010 MỸ ĐÌNH HÀ NỘI


Tin liên quan

Tin tiêu điểm