A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sông Nguồn

... Sáng sớm mai tôi lại đi tiếp về phía thượng nguồn. Chắc chắn có một con sông Nguồn đang đợi tôi nơi ấy. Bởi trong tôi luôn thì thào câu nói linh thiêng của bà tôi: Có một con sông Nguồn trên cõi đời này. Thật đấy! Và tôi tin tôi sẽ được tắm nước sông Nguồn. Tôi sẽ nên Người như cô tôi, như bố tôi, như các vị tổ tiên tôn kính của tôi.

Chả nhớ ngày giỗ ông tôi lần ấy tôi mấy tuổi. Nghe bà nội lẩm bẩm "Sống ở thác về", tôi hỏi bà: Ông nội con đã về đâu? Bà kéo tôi vào lòng nói nhỏ như sợ người ta nghe thấy: Ông nội con giờ đang ở bên Tây Trúc. Thế lúc ông về Tây Trúc con lớn bi nhiêu? Bà mắng yêu: Cha bố anh! Lúc ấy anh đang ở mãi bên nước Nam Nứ. Tò mò tôi hỏi thêm: Nước Nam Nứ ở đâu? Trầm ngâm một lát, bà hạ giọng: Ở xa lắm, tận ngoài cửa Đông Hải lận, bà cũng chưa đến đấy bao giờ.

Bà tôi hồi đó đã ngoài 70, nhưng chưa hề lẫn cẫn tí nào. Đi lại mới hơi chậm chạp kiểu người cao tuổi, còn những chuyện bà kể hàng ngày thì rành rọt chẳng chê vào đâu được. Cái nước Nam Nứ ấy ở đâu, mà nghe có vẻ bí mật làm vậy?

Từ buổi ấy đầu óc tôi đã mơ hồ một ý định lớn lên sẽ đi đến tận cái nước xa xôi kia xem nó diệu kỳ tới mức nào. Đến năm cuối trung học phổ thông, làm hồ sơ thi đại học, cha tôi bảo ghi quê quán Ninh Bình. Không thêm một thông tin gì. Tôi lại nổi máu tò mò muốn khám phá cái miền đất Ninh Bình ấy mặt mũi ra sao. Tôi căn vặn bà nội, được bà đáp lào phào qua đôi môi nhăn nhúm: Quê cha đất tổ của nhà mình mãi tận sông Nguồn ngoài Bắc. Xa lăng lắc, dằng dặc đường đi chẳng có chỗ cuối cùng. Nói rồi bà nhắm nghiền hai mí mắt chảy xệ rất nhiều nếp nhăn xếp chồng lên nhau, kẽ mắt lúc nào cũng ướt loèn nhoèn nhấp nha nhấp nhính. Nóng lòng muốn hỏi thêm nhiều câu nữa, tôi chỉ được bà mệt mỏi lắc nhẹ mái đầu bạc phơ và một câu duy nhất: Bố anh và cô anh cũng nhờ tắm táp, uống nước sông Nguồn mới nên người đấy. Năm ấy bà gần chạm 90 tuổi rồi.

Tôi tìm trên bản đồ không có con sông Nguồn nào cả.

Vậy thì sông Nguồn ở đâu?

Tới năm tôi vừa tốt nghiệp phổ thông trung học, cái tuổi không còn thơ ngây để tin rằng có một nước Nam Nứ nằm ngoài cửa biển, nhưng cũng đã có thêm một tí khôn ngoan để mơ hồ nhận ra trên đời này hình như có thực một con sông Nguồn đang reo rắt chảy qua một miền đất mến thương nào đó. Một con sông Nguồn gần trăm năm nay vẫn âm thầm rì rầm trôi trong tâm hồn đôn hậu của bà tôi. Qua Tết mấy ngày thì bà tôi không ốm không đau nằm ngủ một lèo, lặng êm về cõi Phật. Trước phút lâm chung, bà mở to đôi mắt long lanh đến lạ kỳ nhìn tôi rồi thì thào: Có một con sông Nguồn chốn cố hương thật đấy cháu ạ.

Nhận bằng cử nhân hôm trước, hôm sau tôi xin phép bố mẹ tự làm một cuộc hành trình khám phá sông Nguồn. Mẹ tôi ngơ ngác: Mẹ chưa bao giờ nghe nói có sông Nguồn. Nhưng bà vẫn cẩn thận chuẩn bị lèn chặt cứng túi hành trang của tôi từ viên thuốc, cuộn bông băng y tế, thậm chí cả cái kim sợi chỉ. Còn cha tôi  thì vẫn nghiêm nghị như thường ngày, chỉ dặn một câu: Chưa một lần tắm sông Nguồn thì chưa thành người con ạ.

Đêm đầu tiên thao thức theo nhịp con tầu xình xịch lao phăm phăm vào bóng tối, tôi rưng rưng nhận ra cha mẹ tôi đã bước sang tuổi già thật rồi, cái độ tuổi bà nội thì thào với tôi về một nước Nam Nứ mịt mờ ngoài cửa bể.

Những năm đầu thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, cha tôi được cử đi du học nước ngoài. Khi ông hoàn thành chương trình thì đất nước đang vào giai đoạn quyết liệt chiến tranh chống Mỹ. Ông lại khoác ba lô hành quân đi B. Ở nhà chỉ còn bà tôi và cô tôi. Mỹ leo thang ném bom miền Bắc, cô tôi trở thành xạ thủ mười hai ly bẩy đơn vị phòng không của xã. Tham gia chiến đấu được vài năm cô trở thành liệt sĩ giữa tuổi 20 hồn nhiên chưa hề vương vấn một mối tình đầu. Sau 30/4, tổ chức phân công cha tôi ở lại Sài Gòn.

Mẹ tôi vốn là cô du kích miền Tây Nam bộ. Những cuộc cùng nhau chống càn đã xây nên mối tình rất đẹp của hai người. Ổn định cuộc sống, cha tôi đưa bà tôi vào thành phố ở chung, vì chốn quê nhà còn ai ruột thịt nữa đâu. Tôi sinh năm 1980. Khi biết dỏng tai lắng nghe thì cả ngày được bà rù rì bao nhiêu câu chuyện vừa đẹp như mơ, vừa buồn buồn êm ái bất chợt hiện lên trong ký ức già nua, trong nỗi nhung nhớ khôn nguôi của bà cụ hiền hoà quen sống chốn đồng quê lộng gió, giờ bị giam lỏng trong bốn bức tường bê tông ngột ngạt.

Bà tôi kể: Căn nhà gỗ xoan của gia đình mình ngày xưa quay mặt ra sông Nguồn. Buổi sáng đứng giữa sân vẫn trông thấy những cánh buồm nâu nhô khỏi mặt đê. Gió to thì buồm căng phồng bay vùn vụt. Ít gió thì lơ lửng lật phật in lên nền chân trời, nhìn giống những đám mây nhiều màu trôi chầm chậm. Ngày quang mây có thể thấy rõ ngọn tháp chuông nhà thờ xứ đạo trắng óng ánh bên kia sông Nguồn. Ụ pháo phòng không của tiểu đội dân quân cô mày nằm giữa mom sông lượn về bên tả.

Hôm ấy cô mày cùng đồng đội quần nhau với một bầy máy bay Mỹ. Cô mày là xạ thủ bấm cò bắn rơi một máy bay. Thằng phi công vướng bộ đồ bay lóp ngóp giữa sông, không có ông Hiếng thọt bơi ra vít cổ lôi vào thì chết ngóp. Giữa trưa thì cô mày cùng cả khẩu đội hy sinh. Tội nghiệp toàn những đứa hơ hớ chưa chồng. Cả một đuôi tóc dài kẹp chặt trong chiếc cặp ba lá của cô mày bị mảnh bom hớt ngọt bay đi đâu mất. Chắc là chìm xuống đáy sông rồi. Tóc cô mày dài lắm. Óng ánh đen nhưng nhức. Mái tóc mới chiều qua tao dội từng gáo nước nấu hoa hương nhu cho cô mày cúi lưng vò vò bằng hai bàn tay trắng nuột. Đến tận giờ cô mày thỉnh thoảng lại về báo mộng đòi tao nắm tóc và chiếc cặp ba lá ấy. Thương đứt ruột nhưng tao vẫn làm mặt giận mắng: Cha bố cô! Đã là liệt nữ anh hùng còn làm nũng mẹ. Nói rồi bà lặng lẽ kéo vạt áo lau nước mắt. Chốc sau bà lại móm mém cười: Cái ông Hiếng thọt có công bắt tù binh Mỹ ấy là bạn thân thiết với ông nội mày đấy. Ông mày học văn, Tây bỏ thi Hán học, chán đời ngày ngày không ngồi câu cá thì đi ăn giỗ, không đọc văn tế tế thần ngoài đình hàng tổng thì la cà chơi cùng bọn trẻ thả diều. Ông Hiếng thọt theo nghề võ. Bị té ngựa thọt chân. Bất đắc chí bỏ về làm nghề lái đò qua lại hai bến sông Nguồn. Khi cùng túng quá thường nửa đêm bơi thuyền nan ăn cướp những con đò dọc.  Một bận ông mày dẫn thuyền chở toán thợ gặt nhà mình xuôi xuống công điền thu hoạch lúa mùa, bị ông Hiếng thọt kề gươm vào cổ quát nằm im. Ông mày thưa: Ấy ấy xin ngài nhẹ tay kẻo dằm tre đâm vào cổ con thì khốn. Hiếng thọt cười ha hả buông cây gươm thanh tre bôi vôi đấm lưng ông mày thùm thụp. Chuyện vui đáo để.

Sau cuộc hành trình hai ngày một đêm, khoảng 3 giờ chiều, con tầu thả tôi xuống một ga xép. Ghé vào một quán trà chén ngoài sân ga, tôi hỏi ông khách ngồi đối diện đường đi về phía sông Nguồn. Ông mở tròn mắt: Chưa hề nghe ai nói có sông Nguồn ở vùng này. Bà cụ chủ quán trùm chiếc khăn đen chỉ chừa hai con mắt nhập nhoèn chậm rãi: Có sông Nguồn đấy. Cháu cứ theo con đường đất giữa cánh đồng kia kìa, chạm chân đê là nó đấy. 

Tôi chậm rãi bước trên con đường cát mịn chạy giữa cánh đồng lúa đang ngả màu ua úa lá gừng. Sắp tới mùa gặt nên chỉ có nắng nhạt vàng và thảm lúa mênh mông. Xa xa đây đó lùm xùm những lũy tre xanh xậm, tôi đoán ở đó là những thôn làng nho nhỏ. Đi giữa một làng như vậy, mắt tôi vướng những làn khói bếp bay lơ phơ và mũi tôi chạm mùi cá mắm kho thơm lựng dọc con đường. Từ sau tấm cổng tre sơ sài vọng ra tiếng người mẹ trẻ gọi con: Cha tông nhân thằng cu Tĩn lại biến đâu rồi. Không biết tìm bà về ăn cơm à. Rõ khổ người đâu chuyện trăm năm xa lắc thì nhớ rành rành, mà ngõ nhà mình quên khuấy. Tôi nhận ra y chang khẩu khí, ngữ điệu bà tôi xưa.

Qua một cánh đồng nữa, lúc đôi tai tôi mơ hồ tiếng sóng sông đắm đuối ôm xiết eo lưng đôi bờ mập mạp phù sa thì mắt chạm thân con đê cao sừng sững. Tôi hăm hở trèo lên mặt đê. Không nghe tiếng sóng sông rì rào, không một cánh buồm lơ lửng gần xa. Nếu không cả những ngọn gió nồm nam đang lồng lộng thì cảnh chiều nơi đây vắng vẻ vô cùng. Có vẻ như chỗ này là một bến đò ngang. Ngay đầu mom sông đơn độc một mái nhà đang toả khói lam chiều ấm cúng. Sát mép nước một con thuyền nho nhỏ bập bềnh cột vào một cây sào cắm xiên xiên. Từ dưới bến một ông già quần đùi áo cộc vai vác mái chèo khập khễnh bước về phía ngôi nhà. Cả ông và căn nhà đều in rõ những đường viền anh ánh bóng hoàng hôn rực rỡ hắt sang từ phía bờ sông đối diện. Tôi theo chân ông vào nhà. Ông quay qua hỏi: Cậu muốn sang sông? Tôi dạ rồi lại thưa không. Ông bảo: Cậu là người miền Nam? Tiếp thêm: Người Nam dạ là vâng. Tôi đã ở trong ấy mấy năm.

Rồi ông lặng lẽ đi vào khuông cửa bếp đang đỏ lửa. Tôi cởi ba lô ngồi lên chiếc ghế băng làm bằng nguyên một tấm ván bìa đặt trên bốn chân chôn xuống đất. Mặt bàn cũng bằng nguyên hai tấm như vậy ghép lại. Một ngọn đèn nhỏ như trái ớt cháy leo lét trên mặt bàn. Gian bên, bà cụ già ngồi trên tấm võng đay rờ rẫm hai bàn tay đội lại tấm khăn vuông màu đen. Áng chừng cụ tầm tuổi bà tôi. Nhưng giọng nói thì chưa nhiễu hơi thở phập phù. Còn nghe rõ từng âm tiết. Bà cụ chỉ lưng ông lái đò bảo: Thằng cả nhà tôi đấy. Nó đánh Mỹ cả chục năm trong đó. Bị thương vỡ bánh chè nên khập khiễng. Thảo nào thoáng trông vào mắt ông tôi thấy giống hệt ánh mắt cha tôi. Hình như những người lính đã trải qua chiến tranh đều có đôi mắt như vậy cả. Có một chút ngơ ngác, một chút nghiêm nghị và một chút xa vắng buồn buồn cố giấu. Lát sau cô gái dưới bếp bưng lên một ấm trà và bốn cái ly, miệng lý nhí mời khách. Tôi nhìn kỹ đoán cô trạc tuổi cô tôi hồi đó. Lúc cô quay người trở ra, tim tôi giật thót khi trông thấy mớ tóc dài kẹp gọn ghẽ bằng chiếc cặp ba lá sáng óng ánh nằm ngang eo lưng tròn lẳn. Chắc cùng kiểu với chiếc cặp tóc của cô tôi mà bà tôi đã gói sâu trong ký ức nhớ thương làm hành trang về với sông Nguồn. Cô gái lui về căn bếp rồi, để lại mùi hoa hương nhu se se toả ra từ mái tóc thơm khắp ba gian nhà nhỏ. Bà cụ chủ nhà lại cất lời: Cháu gái tôi đấy. Đã học xong đại học sư phạm trên tỉnh năm ngoái. Bốn năm cha nó nén chịu chân đau gò lưng chèo đò nuôi con, bây giờ nó lại quay về cam phận phụ bố chèo đò. Chỉ vì ai đó đòi phải có thủ tục đầu tiên gì tôi chẳng biết. Mà bố nó cũng không chịu nhục như vậy. Tôi biết tính khí nó mà.

Khuya ấy, tôi đang lan man nghĩ: Giá như chị gái kia sinh cùng thời với cô tôi thì… Sóng sông rì rầm và làn gió mát rượi từ cửa biển đã ru tôi vào giấc ngủ. Tôi mơ thấy cháu gái bà cụ cùng chung khẩu đội mười hai ly bẩy với cô tôi. Họ cùng hy sinh một lúc. Cùng bị bay ngược hai mớ tóc đen dài và hai chiếc kẹp ba lá óng ánh rớt xuống giữa sông. Hai chiếc kẹp thì vùi dưới đáy sông. Còn hai mớ tóc trôi cuồn cuộn theo sóng chảy dài đến vô cùng. Tôi cũng mơ thấy tôi vùng vẫy giữa dòng sông bơi xải hai cánh tay giữa những sợi tóc trơn trơn cọ vào da thịt tôi lướt thướt. Và cả dòng sông bỗng nhiên nóng ấm như một nồi nước hương nhu bốc lên thơm xực. Có lúc mơ thấy chị không chết mà bây giờ chính là cái người đòi thủ tục đầu tiên ấy.  Lúc sau chị lại chính là vị nữ thẩm phán đanh thép kết tội kẻ tham nhũng kia.

Tôi tỉnh dậy lúc ông lái đò lịch kịch chuẩn bị đồ nghề khập khễng ra bến sông. Ông đưa tôi sang sông. Tôi bước lên bờ, ông lưu luyến dặn: Con cứ theo con đê này ngược lên phía thượng lưu. Hình như phía ấy có luỹ thành đồn chống Tây của quan Hoàng giáp người làng Tam Đăng. Sông Nguồn có thể phát nguyên từ chỗ đấy.

Bà tôi kể: Cụ Tổ đời thứ tám của họ ta hưởng ứng Hịch Cần Vương xếp dao cầu thuyền tán đầu quân dưới trướng quan Hoàng giáp Phạm Văn Nghị. Các cụ huy động dân quân đắp đồn dựng lũy ròng rã mấy tháng trời. Lại quyên góp rựa cùn cuốc mẻ rèn thành sợi xích dài giăng ngang ngã ba sông chắn tầu sắt giặc Tây. Lại truyền dân khắp vùng hái hết ổi xanh, mơ mận còn xanh rải kín mặt đường. Lính Tây dận giầy, cột xà cạp da cao qua đầu gối đi lại thẳng đơ, các cụ cho là nó không có đầu gối. Hễ đạp phải trái ổi xanh lăn tròn thì mười mươi ngã chổng vó. Nào ngờ xích sắt nó nổ đoàng một phát đã đứt phựt. Còn ổi xanh, mơ xanh, đứa nhai ngồm ngoàm xì xồ bòong bòong. Đứa nhét đầy túi cóc. Mấy trận liền các cụ bị thua. Quan Hoàng Giáp tử nạn. Cụ tổ mày nuốt thuốc phiện quấn giấy bản tự vẫn. Sau dân làng lập đền thờ các quan ngài cạnh miếu Bà Nàng dưới tán cây muỗm đầu xóm gốc to chục người ôm không hết. Miếu Bà Nàng mỗi tháng đều có mấy cuộc hát văn lên đồng. Cuộc nào cũng bà đồng Tháp ngồi hầu bóng từ đầu chí cuối. Mà cái bà đồng ấy hầu bóng hay lắm. Lắc lư múa may, mặt mày thất sắc như là các ông hoàng bà chúa ngự về thật. Chỉ có điều hễ đến lúc vãn chầu phát lộc thì thánh toàn chia những thứ ngon vào tay con cháu mình. Người ngoài toàn đầu mấu mía và chuối lép. Thấy vậy, ông Hiếng thọt cớt nhả đòi mó máy cái ấy của bà chúa sơn lâm. Ông ấy bảo các cụ nói: Lạnh như l… ma. Nếu tôi thấy nóng hổi thì là đồng giả. Bà đồng Tháp quên cả mình đang ngồi đồng quay ra chửi: Cha tổ thằng thọt! Đã bị quan ôn vật suýt chết còn chưa kinh.

Ngày thứ hai, tôi ba lô trên vai đi bộ trên mặt con đê chạy hút phía thượng nguồn. Tới non trưa thì gặp một đoàn các bà các cô xúng xính trong những tà áo dài bay lướn phướn. Người xách làn, người đội đồ lễ. Họ bảo đi Hội đền ông Hoàng. Tôi bám theo sau. Cô trẻ nhất nói với bà già nhất: Cụ Tháp ơi sắp đến Hội chưa? Cha bố cô mới được một thôi đường đã mỏi chân. Tôi giật mình chả lẽ đây là bà đồng Tháp cùng thời với bà tôi còn sống? Tới lúc nghe rõ từng hồi trống long bong, bà Tháp dặn cô đi bên cạnh: Không được rời mắt hòm công đức đấy.  Khu vực làng mở Hội là quần thể đền và miếu gồm mấy ngôi quy tụ xung quanh một gốc cây gội cổ thụ loằng ngoằng bao nhiêu rễ nổi lên mặt đất tựa rắn bò. Tôi hỏi thì được biết đây không phải đền thờ các vị trung lương tử nạn thời chống Tây. Cây gội không phải là cây muỗm.

Vậy thì đền thờ ngài Hoàng giáp và cụ tổ tôi ở phương nào nhỉ? Đêm ấy tan Hội tôi xin ngủ ở đền với cụ từ coi đền. Cả đêm cụ rù rì kể tôi nghe về thần tích ngôi đền. Ngài xuất thân là anh đơm đó tép. Không vợ không con, ngài nuôi một ông hổ nhỏ. Sau bị ông hổ nhầm là kẻ đổ trộm đó tép tát chết. Rồi ngài hiển linh cứu dân làng thoát nạn dịch. Dân làng tôn ngài làm Thành Hoàng, lập đền này thờ từ bấy đến nay. Tôi hỏi sông Nguồn, cụ chỉ biết lơ mơ về một con sông Nguồn truyền tụng trong dân gian. Ngôi đền Trung Liệt và cây muỗm miếu Bà Nàng cụ cũng chỉ nghe đâu ở trên mạn ngược. Không chắc chắn nhưng cụ đinh ninh tất cả đều có thực.

Bà tôi bảo: Bố mày ra đời trong căn buồng ấm cúng, trên chiếc giường gỗ lim đen rưng rức, nặng chịch bốn người khiêng không nổi. Cụ nội cũng sinh ra ông nội mày trên chiếc giuờng bóng lưỡng nước thời gian ấy.  Ông cố, ông sơ các đời cũng đều mở mắt chào đời từ đấy. Người nào lần đầu tiên da thịt cũng được bao bọc bằng tấm áo cũ còn hôi hổi mồ hôi ông bà cha mẹ. Người nào cũng được tắm táp, được uống nước sông Nguồn. Nên người nào cũng thành người đáng kính. Chỉ có mày sinh ra trong bệnh viện. Chỗ nào cũng một màu trắng toát. Đến tấm tã lọt lòng cũng trắng tinh lạnh lẽo. Cha bố anh! Bà thương cái thằng cún con của bà lọt lòng chưa được tắm nước sông Nguồn, chưa được uống nước sông Nguồn quá!

Sáng sớm mai tôi lại đi tiếp về phía thượng nguồn. Chắc chắn có một con sông Nguồn đang đợi tôi nơi ấy. Bởi trong tôi luôn thì thào câu nói linh thiêng của bà tôi: Có một con sông Nguồn trên cõi đời này. Thật đấy! Và tôi tin tôi sẽ được tắm nước sông Nguồn. Tôi sẽ nên Người như cô tôi, như bố tôi, như các vị tổ tiên tôn kính của tôi.

Mùa hè của tôi còn nhiều ngày nghỉ. Tôi còn trẻ lắm, mới ngoài hai mươi tuổi.

Vũ Thiện Khái (vannghetre.com.vn)


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu