A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ðất bạc, đất vàng

Khu phía sau nhà vụ đông năm nào cũng ngập rạ. Hai bên bờ cỏ mọc um tùm lấp kín máng mương. Tháng mười một, thời tiết hanh hao tưởng chừng ruộng đồng toác ra từng mảng thì nơi đây vẫn sèo sèo bọt nước. Thói quen trồng màu, dọn rạ, cày bật đất phơi ải trước khi bước vào sản xuất vụ mới đã chẳng còn. Mùa đông, cả khu đồng rộng tới gần một trăm mẫu chỉ để dăm ba con bò nhởn nhơ ngoặm những lá éo non.

Nhà có ba nhân khẩu, ngoại trừ tôi đã thoát ly nên chỉ còn hơn hai sào. Mấy năm gần đây dịch bệnh liên tục, giá thức ăn chăn nuôi cao, bố đầu tư con gì cũng không có đồng lãi, tất cả chỉ trông chờ vào lúa. Vụ trước chẳng may được mùa thì rớt giá, vừa rồi ruộng đất loại ba bị xã viên trả ra nhiều, tiếc của bố làm đơn xin được chục mẫu. Bằng kinh nghiệm của một lão nông tri điền, bố canh tác đủ loại từ lúa, ngô, khoai, đậu đỗ đến ớt, dưa chuột, dưa lê... mỗi thứ khoảng dăm ba thước và ở một xứ đồng khác nhau. Chửa nói đến công cán thu hoạch, riêng thời kỳ cây trồng gặp dịch hại chỉ mỗi việc vác bình đi phun cũng mất nửa ngày...

- Mẹ cái Liên đã tưới được mấy luống ngô rồi, không nhanh xuống "mào" dưới làm nốt thước khoai và dưa chuột đi!

- Ông để tôi nghỉ một lát. Từ sáng đến giờ chưa được miếng cơm nào vào bụng đã phải chạy đôn chạy đáo mấy cánh đồng, cuồng hết cả cẳng... Tôi tính vụ sau ông trả bớt ruộng để đội phân công ai làm thì làm chứ mình sản xuất chăm chỉ, tích cực đến vậy mà cũng chẳng bõ bèn gì...

- Bà lại sợ mệt người chứ gì?

- Mệt thì rõ rồi. Ông xem: nơi thì không một giọt nước, nơi có cũng chỉ dính lòng máng, ai lại trồng cả chục mẫu mà ruộng nào cũng phải mang thùng đi cả trăm mét đường để gánh nước ở tận ngoài sông về. Ðấy, cứ bảo tại sao cây hay héo, chết, năng suất cuối vụ không cao?

- Tôi đã đề nghị với mấy ông "hợp tác" bơm nước xuống các khu đồng nhà mình rồi cơ mà?

- Ðề nghị là một chuyện, bây giờ cả làng không ai trồng màu chẳng lẽ họ phục vụ riêng ông?

Buông thúng lân xuống, bố nhìn mẹ gằn giọng:

- Thế đội cứ tuyên truyền vận động bà con mở rộng diện tích cây vụ đông làm gì?...

Mẹ không trả lời, lững thững vào nhà ngang lấy liềm và cái bao nhỏ đi cắt éo. éo là loại mọc lên từ mầm rạ, sau đó đâm bông như thóc thật. Vụ trước chuột phá hoại nhiều, năng suất lúa chính vụ chỉ được chín chục ki-lô-gam trên sào, ngẫm tưởng nhà thiếu ăn phải đong thêm nhưng may mắn thay, nhờ tích cực cắt éo mà mẹ đã mang về cho gia đình nguồn lương thực tương đối khá, nghe mẹ "kể công" với bố thì cũng đạt tới ba, bốn tạ. Mẹ bảo vụ sau cứ cấy bình thường nhưng không chăm bẵm làm gì cho mệt, để cuối vụ cắt đi nuôi éo... Nhìn mẹ, mắt bố ánh lên vẻ buồn và mệt. Câu nói vô tình lại như lát dao lam thía vào da thịt. Là người chèo lái con thuyền của gia đình, bố đã vượt qua biết bao gian khó cũng chỉ bởi nghị lực và sự tận tâm với nghề. Nhiều lúc cái nghề phản người, biết nhưng không bỏ được, mà bỏ thì chuyển sang làm gì, chẳng lẽ lại đi học sửa chữa ô-tô, mở cửa hàng tạp hóa hay kinh doanh thiết bị điển tử? Thấy tôi ngồi xem phim có vẻ rảnh rỗi, bố lên tiếng:

- Con lên đồng cắt rạ, vụ trước lúa bị nhiễm rầy nặng quá.

- Ý bố là...?

- ... Là cắt sớm cho bố cày bật đất tung lên sau đó sử dụng vôi bột rắc để khử trùng tiêu hết mầm bệnh.

- Nhưng phải làm cả cánh đồng mới hiệu quả bố ạ.

Ngồi phịch xuống ghế, bố với tay lấy bao thuốc và bật lửa châm hút. Cũng tại những câu chuyện giời ơi đất hỡi tưởng vu vơ như thế mà đã hơn bốn lần lên quyết tâm từ bỏ thứ gây độc hại cho sức khỏe ấy mà bố không làm nổi. Tôi nói bâng quơ:

- ... Mà giờ ai còn cắt rạ nữa đâu, các nơi họ đưa máy gặt đập liên hợp vào ruộng hết cả rồi.

Nhìn ra khu vườn phía xa bố nheo mắt:

- Ruộng rộng, bờ to còn đưa cơ giới hoá vào được chứ manh mún như ở mình thì vẫn con trâu đi trước cái cày theo sau.

- Sao mình không tiến hành dồn ô đổi thửa cho sản xuất dễ dàng hả bố?

- Khó lắm, thực tế thôn cũng nhiều lần bàn mà dân chưa thấu vì người ta sợ "gắp" phải đồng trũng, ruộng xa, cốt đất xấu. - Ngồi lau trứng vịt ngoài hè mẹ nói chen vào.

- Ối dào, bà con lạc hậu quá, lúc bấy giờ dồn ruộng xong xuôi đội sẽ phải quy hoạch lại diện tích theo các khu đồng: nơi thuận cho việc trồng lúa thì bố trí người trồng lúa, nơi hợp với trồng màu thì để cho những người có nhu cầu họ trồng, vùng trũng sản xuất kém hiệu quả ta quy hoạch thành nơi chuyên thả cá. Cũng diện tích ấy nhưng từ chỗ sản xuất sáu, bảy mảnh bà con chỉ còn có một hoặc cùng lắm là hai. - Tôi cố giải thích cho mẹ theo những gì đã được nghe biết.

-... Nhưng ruộng to vậy nhìn "hãi" lắm, cấy gặt biết đến mấy ngày mới xong, cứ bé bé con con mỗi mảnh bảy thước, một sào như cũ thế thôi, thay đổi làm gì cho mệt?

- Mẹ ơi, bây giờ máy móc hiện đại lắm: cấy có máy cấy (máy gieo sạ), gặt có máy gặt.

Mẹ vẫn chưa xuôi:

- Cơ mà máy móc làm hết thì chúng tôi chơi à? Hơn nữa cái gì cũng thuê thế lãi lời còn đáng bao nhiêu?

- Lúc ấy bà con không chơi mà sẽ tập trung vào công việc khác để có thu nhập cao hơn, còn giá cả thuê thì mẹ khỏi lo. Bây giờ thuê người gặt một công cũng phải mất hai trăm nghìn đồng trong khi sử dụng chiếc máy gặt đập liên hợp bao gồm cả công đoạn gặt và tuốt lúa mới chỉ có một trăm nghìn thôi...

Con đường phía sau nhà được bê tông hóa từ khá lâu nhưng mặt nền chỉ rộng hơn mét. Ngày mùa gánh gồng đã mệt, nhiều lúc bà con lại phải to tiếng với nhau chỉ vì không có chỗ đặt xe bò, nơi tập kết lúa. Từ nhà tới khu ruộng của mẹ chừng bảy trăm mét vậy mà có đến vài chục cái nổ tát. Nhìn nó tôi lại nhớ ngày còn bé thơ bọn trẻ chúng tôi thường rủ nhau chăn bò, cắt cỏ, tát cá bới trạch trong nổ; những chiều nổi gió chúng tôi lăn lê bò toài trên bờ, tập kịch, đóng Tôn Ngộ Không, Bao Công.... Dạo ấy ruộng đất thì manh mún, nhỏ lẻ quá rồi nhưng vì cả thôn đều làm nông nghiệp thành ra ai cũng chăm chút cho thước đất của mình. Giờ chuyển đổi ngành nghề nhiều, công ty doanh nghiệp mọc lên như nấm, thử hỏi cứ cái đà giá cả vật tư nông nghiệp cao, chuột phá hại mạnh... còn xã viên nào tha thiết bám đồng, bám ruộng? Ngay như làng tôi: bọn trẻ bây giờ biết cày cấy chỉ đếm trên đầu ngón tay, tốt nghiệp cấp ba xong nếu không học tiếp cũng ồ ạt vào công ty; ở tuổi như mẹ tưởng chừng sống chết với ruộng thì sau ba, bốn vụ liên tiếp mất mùa tâm lý cũng chán, nhiều bà "bỏ không" cả dăm, bảy sào rồi lũ lượt rủ nhau lên thành phố làm ô-sin, vừa nhàn lại chẳng phải chịu rủi ro. Nghĩ cũng buồn, ngày trước đấu tranh lên xuống hòng đòi được miếng đất mà cắm dùi, giờ người ta lại thi nhau làm đơn trả ruộng. Ðất ơi là đất. Chả hiểu đất bạc hay đất vàng nữa....

- Con tưới cho Ngô ít đạm để mẹ chạy sang ruộng bên tháo bớt nước ra không mấy luống hành lại chết thối hết...

- Sao ruộng tát vào không được, ruộng lại một mực tháo đi thế ạ?

Câu hỏi của tôi như chạm vào nỗi buồn bọc kín trong tâm hồn mẹ, chả là cùng trên một lô nhưng mỗi ruộng gieo trồng một loại khác nhau thành ra những khi thời tiết thay đổi bất thường việc chăm bón, phòng trừ sâu bệnh rất vất vả. Mẹ bảo đã lâu lắm rồi gia đình không có được một khoản thu nào bởi phát triển kinh tế nông nghiệp. Từ chuyện vun vén được đàn gà tốn kém không biết bao nhiêu thóc gạo vậy mà đến khi xuất không đủ vốn, đến vụ nuôi được hơn trăm con ngan đẻ, lẽ ra tầm ấy năm ngoái giá trứng phải trên mười nghìn đồng một quả nhưng lứa này vẫn đóng khung ở mức hai nghìn bảy trăm đồng. Bán chợ không được, gia đình đành để ăn cả tháng thay thịt, cá.... Chưa hết, vụ này bố tính tập trung đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt thì trước gặp dịch hại, mới đây lại bão. Vậy nên mẹ tôi thường vừa làm vừa lụng bụng một câu: làm lắm cũng chết...

Ði ăn cỗ cưới ở xã bên về, câu đầu tiên bố nói là: người ta đang dồn ô đổi thửa khí thế lắm. Mẹ lắc đầu:

- Họ tuyên truyền thế nào mà ở cái nơi toàn anh giỏi lý sự, người ta lại nghe theo gớm thế?

Bố thẳng thừng:

- Còn thế nào nữa- một khi chủ trương đã đúng, lợi ích thiết thực, sát sườn là bà con đồng thuận nhất trí cao thôi.

- Rồi các khoản đóng góp lại "bổ" theo đầu người chứ gì?

- Thì... mình làm, mình hưởng, nghĩ cho cùng điều ấy cũng hoàn toàn hợp lý thôi.

Nói rồi bố đưa chén nước lên môi. Trà pha đã đặc lại nước đầu, đắng thế mà bố vẫn uống ngon lành. Bố thường bảo cái gì có đắng, có chát rồi mới cho trái ngọt.

Mẹ lanh lợi:

- Ông làm ăn thua lỗ tới cả mấy mùa, chát chúa đủ cả mà đã thu về tí quả ngọt nào đâu?

- Bà cứ chờ đấy...

Bố gánh cho mẹ hai thúng bí ngô non lên bờ, đứng nghỉ một lát rồi lại liêu xiêu bước, vừa bước vừa phải tìm cách giữ thăng bằng bởi theo cách nói của mẹ thì đa số các bờ ruộng ở đây, bờ nào cũng chỉ đủ để đặt một bàn chân, cho nên có trồng màu, thời vụ thu hoạch nông sản cũng rất khổ. Gánh về thì xa mà gọi thương lái tới cân tại ruộng nó không trừ thêm năm, bảy giá mới lạ. Mẹ cằn nhằn lắm, bố quay ra gắt "để làm thức ăn cho gia súc gia cầm, không bán chác gì hết". Ðược thể mẹ cũng nói một thôi một hồi "nhà này không dư của để nuôi báo cô mấy con súc vật ấy. Ông gọi thợ vào rẻ đắt gì ngày mai bán hết. Tôi đi ô sin...".

Chở được mấy xe rơm, rạ về bố gọi tôi mang chế phẩm sinh học ra than thở thời buổi kinh tế khó khăn nên phải xử lý món này thành phân bón hữu cơ. Tôi chẳng am hiểu gì về sản xuất nông nghiệp, bố nói thế nào thì nghe và làm theo vậy. Có lần mẹ quát tôi được học mà ngu, không biết ngăn cản mỗi khi bố có ý định đầu tư tiền của vào những công chuyện lớn. Tôi cãi: ai lại cản trở ý nghĩ tốt đẹp, chí khí kiên cường trong một "dự án" kinh tế chứ? Mẹ xua tay "thì đấy, bố con nhà ông cứ ủng hộ nhau đi, để rồi đến lúc thất thu mới trắng mắt ra"... Ðến khổ, bố tôi quần quật với ruộng vườn cả ngày đã mệt, đêm hôm còn phải thức trông mấy sào ao đầm, mệt nhất là khi mưa gió phải tất tưởi cắm máy bơm sục nước. Làm nhiều, mệt, có bận ngủ quên, sáng ra thăm ao thấy cá nổi chềnh ềnh trên mặt nước. Mẹ trách bố cứ tham thả dày để nó thiếu hụt ô-xy mà chết. Bố cười, hàm răng nghiến chặt, khuôn mặt nheo thành những nếp dài. Ðúng là nông dân quê mình, vất vả bao mưa nắng nhưng trình độ có vậy thì chỉ làm được vậy chứ biết thế nào?

Ðang ngồi kẻ vẽ trong nhà, bố chạy phắt ra ngoài, dướn cái cổ lên phía cây bạch đàn trước ngõ. Mẹ thở dài, nhặt vội vàng những trái ớt xanh bị héo cho vào bao nhỏ nhìn theo nguýt lên nguýt xuống. Người ngoài nhìn dễ lầm tưởng bố mẹ tôi hay "cơm không lành canh chẳng ngọt", chứ ít ai biết họ thương nhau như thế nào. Nghe tiếng điện thoại leng teng trong thúng cà chua chín, tôi gọi câu mốt, câu hai vẫn không thấy bố ả ê gì. Mẹ chép miệng: người ta đang đọc thông báo kế hoạch dồn ô đổi thửa trên loa kia kìa. Ðừng nói là đứng đó gọi. Bây giờ con có mang điện thoại ra tận nơi bố cũng không nghe đâu.

- Thế là quê mình sắp...nông thôn mới rồi!

Bố quay ngoắt người, nhìn mẹ con chúng tôi cười - nụ cười thật hiền và rực sáng.

                                                Hoàng Nết ( Nhân dân cuối tuần )


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu