A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hạt giống (Phần 1)

Ba mươi năm trước, một hôm thầy trò sư Huệ Siêu đi giáo độ, ngang qua làng Nhân thì dừng lại ngồi nghỉ. Thấy đám đất đầu làng vuông vức thoáng rộng mà thả cơi cơi cho cỏ cú mọc. Rác rều trận lũ năm trước vướng lại cũng chẳng ai dọn dẹp. Một chỗ đất đẹp như thế mà bỏ hoang thật phí. Phải như đất nhà chùa, thì cũng được thêm chỗ cho thầy trò tăng gia, hoặc làm vườn thiền để quý Phật tử ghé chơi.

Thôi thì đất ở đâu cũng là đất. Pháp Phật gây dựng trên đất chứ đâu xa vời. Cứ coi như đất này cũng là đất của ta để làm chút công quả gieo duyên. Thầy bảo điệu Chân:

- Xắn tay áo lên con. Dọn mấy chỗ rác coi cho đỡ con mắt.

- Đất người ta. Hoài công chi thầy?

Điệu Chân có vẻ không ưa. Bộ áo quần mới may vừa đem ra mặc sáng nay mà dính phải vết rác xấu lắm.

- Coi như tạ ơn cái chỗ cho mình nghỉ ngơi mà con. Làm đi, chỉ nhoáng cái như tụng một hồi kinh là xong thôi.

Điệu Chân nghĩ thầm, kinh nhật tụng thì được, chớ kinh bộ có mà cả tháng chưa xong chứ một nhoáng. Thầy lắc đầu. Cái chú tiểu này lạ quá, việc trong vườn chùa thì lúc nào cũng xông xáo, chứ ra ngoài là đụng đâu nản đó. Nhưng chỉ là cái tính bướng của trẻ con, chứ xem ra chú cũng biết nghe lời.
Hai thầy trò tay bộ dọn dẹp. Thầy gom rác nhét vào bao. Cột chạc dây chuối khô vào miệng bao cho điệu Chân kéo đi đổ. Kéo được ba chuyến, Chân đã sinh nhác, bảo thầy.

- Coi về kẻo trưa thầy ơi. Đường còn dài.

Thầy cười.

- Đường thầy trò mình thì lúc nào chả dài. Nản chí là đi không tới được đâu con. Thôi gắng chút nữa.

Nói xong thầy tiếp tục nhặt rác. Nghe tiếng kêu nhỏ, thầy quay đầu lại, thấy điệu Chân tay chụp một con nhái.

- Thả ra con - thầy giục - biểu con dọn rác chứ ai cho phép hoang nghịch.

- Nhưng ngộ quá. Nó đang chấp tay này thầy.

Điệu Chân hí hửng đưa con nhái lên. Hai chi trước của con nhái khum lại như đang chắp tay thật.

- Nó vái con tha mạng đấy. Coi đó mà không động lòng trắc ẩn chút nào sao còn đày đọa nó nữa.

Điệu Chân thả tay, con nhái vọt nhảy ngay vào lùm cây.

- À, thầy ơi. Thế thầy với con chấp tay có ai động lòng không. Có phải như thế là mình cũng đang xin tha mạng không.

Một câu hỏi khó đây. Thầy khựng lại chốc lát rồi mỉm cười.

- Có đó con.

- Có thật sao. Ai động lòng vậy thầy.

- Đức Phật xót thương chúng sanh. Thầy và con, cả thảy quý đạo hữu nữa đều chấp tay để xin đức Bổn sư cứu giúp thoát khỏi bể khổ.

Tưởng nói đến đó là đệ tử đã thông để chú tâm vào nhặt rác, ai dè Chân lại hỏi.

- Bể khổ là gì vậy thầy. Con chưa nghe thầy nói bao giờ.

- Là như rác rều này đó con. Ở đâu cũng có.

Thầy định nói thêm một ý, rằng rác rều bể khổ còn là thứ không nhìn thấy được, nó nằm trong tâm ta. Người ta thường dọn rác vườn nhà mà ít khi dọn thứ nhơ bẩn trong tâm ý mình. Nhưng nghĩ lại, nói ra càng khiến chú tiểu thắc mắc mất thì giờ. Chân còn nhỏ quá, bày ra giáo lý nhồi nhét vào đầu chú cũng không hay.

Điệu Chân không hỏi nữa. Tay thoắt nhặt rác cho vào bao, miệng lẩm nhẩm: “Ta nhét bể khổ vào đây. Ta nhét vào đây”.

Chưa đầy giờ đồng hồ rác rều đã gom về hết một góc, mảnh đất dễ ngó hơn nhiều. Thầy tặc lưỡi, có xíu chừng thôi mà họ không chịu làm. Đời, khai quang chỗ mình sống đã khó, huống là khai minh cho tâm. Mà chỗ mình sống sờ sờ ra đấy, chứ cái tâm dễ mấy ai nắm được.

Thầy lấy từ trong tay nải ra một bọc giấy. Bóc mấy lớp mới lần ra được một hạt tròn nhỏ. Hạt giống bồ đề thầy nhặt ở vườn chùa trong Huế từ năm ngoái.

Chuyện kể rằng khoảng thế kỷ thứ III trước công nguyên, thời vua Asoka, thái tử Mahinda lấy giống từ cây bồ đề xứ Ấn nơi đức Phật chứng đạo đem về trồng ở Tích Lan. Năm 1939, đại đức Karada sang thăm Huế mang theo một mầm giống từ cây bồ đề Tích Lan trồng ở vườn chùa Từ Đàm. Một mầm giống khác xứ khác thời tiết mà sống được là hẳn nhờ đất lành. Đất có căn cơ hẳn hoi nên đến năm 1951 Tổng hội Phật giáo Việt Nam được thành lập ở đây. Một hạt giống lưu lạc mà nên chứng tích cho cả nền tâm linh.

Sư thầy cũng nhặt từ nền đó một “hạt” chánh pháp mở ra một con đường cho mình. Khi hội nghị thành lập Tổng hội diễn ra thầy chỉ mới là đứa trẻ lên mười. Đúng cái hôm họp quan trọng, cậu bé thấy đông đông ghé vào xem, rồi cầm chổi tự nguyện quét vườn chùa. Vị cao tăng thong thả bước ra xoa đầu bảo con có thiện duyên.

Và một “hạt” nữa, là điệu Chân. Sáng sớm thầy Huệ Siêu dậy quét vườn thấy cái giỏ mây là lạ bên vệ cỏ. Thầy vén khăn xem. Một khuôn mặt trắng hồng thánh thiện. Tóc chỉ một nhúm nhỏ như hình cái vá trên đầu các chú tiểu. Thầy nói: “Con còn một nhúm phiền não đấy, thôi ở lại đây với ta để cạo sạch nó đi”. Thầy đặt tên cho đứa bé là Chân.

Hôm ấy tiết Thanh minh. Dân gian bảo là ngày trời thuận, gieo trồng thứ gì cũng nên. Người cũng vậy.

Bữa thầy Huệ Siêu nhặt được chín hạt bồ đề đem về cất trong tay nải. Định bụng đi đâu thấy thích thì gây một hạt. Bồ đề gieo hạt không phải dễ nẩy mầm. Mà ở cái chốn xa xôi đất lạ này thầy không lui tới, nhỡ nó lên mầm khuất giữa cỏ rác người ta phá đi sao biết được. Nhưng nhà Phật nói sự thành hay không là tùy cái duyên. Gây một hạt như gieo một quẻ bói duyên.

Chỗ đất này đẹp quá, nếu ở đây có một ngôi chùa thì cũng hay. Thầy nghĩ. Nếu hạt bồ đề nảy mầm và sống được thì đây quả là đất lành.

Hai thầy trò đang xới đất thì một cụ già bước tới. Tóc cước vuốt về sau để lộ vầng trán rộng, chòm râu ngọn bút trông rất đẹp lão. Cụ cầm cây gậy trúc lần từng bước khoan thai rồi đưa tay phải lên vái chào.

- A di đà Phật. Vẻ như có ai vừa khai quang chỗ đất này.

Sư thầy thoáng nghĩ, ở đây người ta cũng biết đến Phật pháp chăng. Thầy cũng chắp tay vái chào cụ.

- Kính cụ. Thầy trò tôi qua đây, nghỉ nhờ giữa chặng, muốn góp chút công quả. Chắc không sao chứ cụ?

- Tốt quá. Hèn chi tối qua tôi nằm mơ, thấy con sáo nâu về đậu nơi bãi đất này. Sáng dậy nghĩ phải lần gậy đến xem có sự gì lạ.

Sư thầy định hỏi cụ xem sao cái vạt đất đẹp thế này lại chẳng ai phát cây rẫy cỏ trồng rau, nhưng sợ bất kính. Đất làng người ta, mình biết gì mà nói. Nhưng cụ già đã nói trước.

- Chẳng giấu gì thầy. Đây là bãi đất công của làng. Bỏ hoang bấy lâu nay. Trước, cũng có ba người lần lượt cuốc xới chăm nom. Trồng rau xanh lá, trồng sắn củ đầy, trồng đậu trái sây. Gì cũng tốt hết. Duy chỉ có gia cảnh gặp toàn rủi ro. Từ đó người làng nghĩ chắc do đất sang quá, thiêng quá, đụng tới thổ địa thánh thần quở phạt. Rồi bỏ hoang đấy. Đến cỏ rác cũng chẳng ai dám dọn dẹp. Ban hương sự của làng đã họp nhiều lần, nhưng đều không quyết được. Hôm nay quý thầy về đây, lại phiền tay giúp, âu cũng là điềm lành.

Đất mà có chỗ sang chỗ hèn nữa sao. Thầy thoáng nghĩ. Dân ở đây còn mê tín quá. Biết làm sao gỡ bỏ quan niệm cổ hủ ngay được. Nơi ánh sáng đạo Bụt chưa tới thì sân si nhiều như cỏ rác. Dọn dẹp xong mà không có người coi ngó thì cỏ rác lại đầy lên mấy hồi. Đất như tâm mình, không tu dưỡng quan sóc hằng ngày thì cũng tối tăm nhơ bẩn mà thôi.

- Giá ở đây có một người chăm vườn thì hay, cụ nhỉ?

- Ngày cây xanh lá có khi ta đã xanh mồ. Tiếc thay.

Nói xong cụ vái chào sư thầy, chống gậy trúc lắc đầu bỏ đi.

Hai thầy trò nhìn theo ông cụ. Trông dung mạo khoan thai, thầy đoán chắc cụ cũng là người từng tu. Tu là tu tâm dưỡng tánh thôi, chứ không nhất quyết gõ mõ tụng kinh mới là tu.

Điệu Chân khúc khích cười.

- Người đó giống ông Bụt quá thầy.

- Ờ. Mà con thấy Bụt rồi sao.

- À không. Giống ông tiên hơn.

- Con cũng thấy ông tiên rồi sao.

- Con nghĩ thế thôi. Trong sách tả ông Bụt ông tiên đều tóc trắng xóa.

Thầy bật cười với ý nghĩ ngộ nghĩnh của đệ tử.

- Thế thì thầy trò ta mãi không thành ông Bụt ông tiên được rồi.

Điệu Chân nghe xong đưa tay xoa đầu mình, lại ngước nhìn lên đầu thầy. Không một sợi tóc nào. Điệu bật cười theo.

Thầy xới nốt ô đất, nhủ điệu Chân đi múc một miếng nước. Lấp hạt xong thầy nhẩm đọc hai câu: Trục gốc tham sân chớ để tươi/ Vun cây phước huệ đừng cho héo.

Điệu Chân nói:

- Thầy lại vứt một hạt ở đây nữa à.

Thầy cười.

- Ta gây hạt này cho con.

Nghe tỉnh sắp đã có dự án đường tránh. Một con đường nối từ dưới thành phố chạy lên tít trên kia. Bản vẽ đường băng qua vùng đất cao, nơi có ngôi chùa sư Huệ Siêu trụ trì. Chà, cái này khó khăn đây. Lâu nay các cấp vẫn ngại đụng vào mấy chốn tôn giáo. Trên thảo luận rồi dự tính sẽ không vận động sư Huệ Siêu nữa. Đường thì bẻ cong đoạn nào chả được. Bao nhiêu con đường xứ này ngoằn ngoèo như dây ruột mà đâu thấy ai kêu ca khó đi. Đụng vào chốn chùa chiền hay nhà thờ nhà thánh chỉ thêm rắc rối. Thôi đành uốn đoạn đường cho chạy vòng qua trước mặt chùa, có khi lại tạo cảnh quan để khách thập phương về đây, phát triển thêm du lịch.

Hay tin, thầy Huệ Siêu tìm đến tận cơ quan chính quyền đề đạt:

- Các anh cứ làm như dự tính, sao thuận tiện cho dân thì làm, chùa có thể giải tỏa cũng được. 

Ông chủ tịch ủy ban bất ngờ. Dân chúng nghe tin giải tỏa kẻ mừng người lo, mà thầy lại nói nhẹ hều như không.

                                       ( Theo daibieunhandan.vn - còn tiếp ) 


 


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu