A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hoa Kỳ trong tôi

Tôi đã lần lại 245 năm qua của nước Mỹ qua những thời điểm lịch sử để tự lý giải cho mình hiểu vì sao nước Mỹ phát triển nhanh như vậy mặc dù chưa hoàn hảo. Nhưng có lẽ mọi thứ trên đời không bao giờ là hoàn hảo. Do vậy tôi vẫn luôn cảm thấy một quốc gia đa sắc tộc, đa văn hoá mà cùng chung một mái nhà thịnh vượng như vậy không hề dễ dàng... Chính từ những trải nghiệm thực tế và qua lịch sử cũng như văn học đã giúp tôi hiểu thêm về một nước Mỹ chưa hoàn hảo nhưng luôn tốt hơn.
 

Còn đúng 10 ngày nữa, ngày 4/7 nước Mỹ tròn 245 năm. 245 năm đã qua, một nước Mỹ chưa bao giờ hoàn hảo. Vì chưa hoàn hảo nên trong quá khứ và hiện tại, nước Mỹ đã luôn chứng minh trước nhân loại về sự cố gắng vượt lên để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.

Tôi không thể biết hết dòng chảy thời gian cho mỗi sự kiện làm nên nước Mỹ vĩ đại và những điều gì làm cho nước Mỹ chưa hoàn hảo. Nhưng có một điều tôi hiểu, đó là mọi bước phát triển của mỗi quốc gia đều trải qua những thăng trầm lịch sử mà ta thường gọi là đi lên theo đường xoáy trôn ốc. Nếu quốc gia nào phát triển thuận theo qui luật tự nhiên và qui luật xã hội thì sẽ giảm thiểu rủi ro để phát triển nhanh và bền vững hơn.

Cách đây vài hôm, một buổi sáng ngủ dậy tôi mở email xem thì thấy có thư của Hillary Clinton viết, bà ấy viết rằng: "Đây là một khởi đầu tuyệt vời. Khi nước Mỹ là tốt nhất. Đó là một sức mạnh vì những điều tốt đẹp trên thế giới". Bà ấy có cảm xúc thăng hoa khi Tổng thống Biden tuyên bố tặng cho các nước nghèo và đang phát triển 500 triệu liều vaccine. Tôi cũng mừng vì được biết Việt Nam cũng là nước được tặng. Đúng là Biden đang lái con tàu khổng lồ - nước Mỹ vào quỹ đạo theo chủ thuyết "trở lại tương lai" - "back to the future".

Qua những năm tháng sống và làm việc tại Mỹ, có nhiều cảm xúc đến với tôi và tôi luôn tự hỏi, tại sao ở xứ sở Cờ Hoa này - từ thành phố, thị trấn, đến thôn quê - ở đâu ô tô cũng đậu hàng lối chỉnh tề, phân ô kẻ vạch rõ ràng, xe của người tàn tật để riêng, tất cả ngăn nắp, gọn gàng.; làng mạc hay phố xá với những ngôi nhà không bờ rào, không cánh cổng, không khung sắt... nằm rải rác trên những khuôn viên cỏ xanh mướt, được cắt xén hàng tuần như thảm; hoa nở đủ sắc màu dọc vệ đường hay những khuôn viên; chim hót ríu ran khắp nơi, những chú sóc tinh nghịch đùa giỡn như chốn không người, những chú thỏ non ngơ ngác dạo chơi trên thảm cỏ. Không phải ở một vùng hay một tiểu bang mà khắp nước Mỹ, ở đâu cũng như vậy. Tại sao họ bảo vệ được môi trường thiên nhiên trong sạch và cuộc sống thanh bình như vậy?

Những trải nghiệm ấy cho tôi một ấn tượng sâu đậm là một nước Mỹ giàu tài nguyên thiên nhiên. Chưa nói đến tài nguyên hay khoáng sản, chỉ riêng 155 rừng quốc gia và cánh đồng cỏ mà Bộ Nông nghiệp nước này quản lý là 780.000 km2. Chỉ với diện tích rừng quốc gia bảo tồn cũng đã hơn gấp đôi diện tích nước ta. Với tài nguyên thiên nhiên phong phú, giàu có, đất rộng người thưa như vậy nhưng họ biết chắt chiu, tiết kiệm từng cành cây, ngọn cỏ, từng giọt nước phù sa... Một nước Mỹ được quản lý bởi một bộ máy hành chính và công vụ liêm chính, chuyên nghiệp. Chính vì vậy, GDP là tổng thu nhập quốc dân của Mỹ năm 2020 là gần 21 nghìn tỉ đô la Mỹ. Thu nhập bình quân theo đầu người hơn 63 nghìn đô la Mỹ. Một nước Mỹ chỉ 1% dân số trong tổng số 322 triệu người dân làm nông nghiệp, nếu tính ở phương diện lực lượng sản xuất thì số người làm nông nghiệp chỉ chiếm 0,7%, nhưng nhờ hiện đại hoá và áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi gia súc và trồng trọt nên sản lượng thịt, trứng, sữa..., lương thực như lúa mỳ, ngô và đậu tương luôn cao nhất thế giới. Ngày nay một nông dân Mỹ thu nhập bình quân 76 nghìn đô la Mỹ mỗi năm.

Trải qua 245 năm qua, ngày nay ngành nông nghiệp Mỹ đã đạt được thành tựu to lớn, đóng góp quan trọng trong nền kinh tế Mỹ. Thực phẩm dồi dào, phong phú, giá thành lại rẻ. Ngành nông nghiệp phát triển đã tạo ra nhiều công việc cho ngành chế biến sau thu hoạch, sản xuất máy và công nghệ sinh học, đặc biệt là dịch vụ xuất khẩu nông sản trên thế giới.

 Đường phố  ở Hoa Kỳ rất sạch đẹp

Một nước Mỹ có người dân luôn sống văn hoá và tôn trọng luật pháp. Một nước Mỹ qui hoạch chỉn chu, ngăn nắp, qui củ, sạch sẽ, đẹp đẽ và duyên dáng đến từng góc phố hay làng quê. Một nước Mỹ có cơ sở hạ tầng và giao thông hiện đại và tiện ích. Tôi chưa bao giờ nghĩ là con gái tôi tranh thủ kỳ nghỉ hè 2 tháng đi làm cho một công ty ở thành phố khác cách 300km mà sáng đi tối về bằng ô tô buýt hay tàu cao tốc. Cũng một điều lạ là tại sao một sinh viên như con gái tôi đi làm để nâng cao kinh nghiệm làm việc cho mình trước khi tốt nghiệp đại học lại được công ty phỏng vấn và chấp nhận bố trí làm việc trong hai tháng hè, và được trả lương cao như vậy?

Có lẽ đó cũng là một nước Mỹ có niềm tự hào về nền giáo dục và đào tạo đẳng cấp số 1 của thế giới. Nước Mỹ không phải chỉ có các trường đại học thuộc khối Ivy league (gồm các trường đại học hàng đầu tại Mỹ) mới có chất lượng đào tạo cao, mà hơn 4000 trường đại học ở Mỹ đều có thế mạnh riêng. Chính hệ thống giáo dục và đào tạo ấy đã tạo ra các thế hệ kế tiếp luôn tốt hơn để vượt qua những thách thức mang tính thời đại và lịch sử. Đại dịch COVID-19 là một minh chứng hùng hồn để chứng minh cho một nước Mỹ với nền công nghệ sinh, y học tiên tiến nhất thế giới. Năm 2020, khi nước Mỹ rơi vào vùng xoáy của tâm dịch COVID-19 của thế giới, không ai trên thế giới nghĩ rằng một năm sau, nước Mỹ lại nổi lên với vai trò nhân đạo dẫn đầu với ba hãng sản xuất vaccine cung cấp cho toàn liên bang và có vaccine cho các nước nghèo và phát triển mà không ra điều kiện ràng buộc. Kết quả ấy là nhờ hệ thống các trường đại học và viện nghiên cứu hiện đại và tiên tiến bậc nhất thế giới.

Một nước Mỹ có môi trường thiên nhiên trong sạch. Thiên nhiên trong sạch là nhờ cách xử lý rác thải và bảo vệ môi trường rất chuyên nghiệp. Chính vì xử lý rác thải rắn, rác thải công nghiệp, xử lý nước thải, xử lý nước mặt... tốt nên môi trường không bị ô nhiễm. Chỉ đơn cử việc xử lý rác thải sinh hoạt, đơn giản là từ mỗi nhà đã phân ra 2 loại rác: một là rác recycle như bao bì, hộp giấy, túi ni lông, chai nhựa... chở thẳng đến nhà máy để tái chế vật dụng sinh hoạt; hai là rác hữu cơ như hoa, vỏ trái cây, thực phẩm dư thừa... để đưa đến hệ thống nhà máy xử lý tạo ra phân bón, năng lượng và khí... Mỗi gia đình từ nông thôn đến thị thành, trong tủ bếp đã có 2 thùng để phân loại rác. Tuỳ theo khu vực dân sinh sống, công ty thu gom rác thải có lịch thu hồi mỗi tuần một lần. Riêng rác thải công nghiệp như các thiết bị điện và điện tử như tivi, tủ lạnh, ô-tô, xe máy, lò vi sóng, máy tính, pin các loại... đã qua sử dụng phải xử lý theo công nghệ ở nhà máy xử lý chất thải công nghiệp. Sở dĩ như vậy vì các thiết bị điện tử thường chứa nhiều kim loại nặng độc hại như chì, thủy ngân... Ở Mỹ hàng năm, lượng chất thải công nghiệp chỉ chiếm 2% nhưng tỷ lệ độc hại chiếm 70% tổng lượng các chất độc hại, vì  vậy rác thải công nghiệp ở Mỹ được xử lý theo qui trình đặc biệt.

Chỉ điều này thôi cũng đã cho tôi nhiều suy nghĩ. Kể từ năm 1986, đến nay đã 35 năm, nhiều thứ Việt Nam mình cũng đã vượt lên nhưng tại sao chất lượng môi trường sống và môi trường tự nhiên lại không cải thiện được nhiều? Hệ thống xử lý rác thải và phân loại rác vẫn còn là vấn đề để tranh cãi tại quốc hội năm qua. Qua thực tế triển khai trên toàn quốc thì hệ thống xử lý rác thải hữu cơ, chất thải rắn công nghiệp và xử lý nước thải sinh hoạt và nước mặt của ta chưa ngang tầm với phát triển chung của đất nước. Theo thiển nghĩ của tôi thì đó cũng là một điểm nghẽn trong quá trình hội nhập và phát triển của ta.

Bao nhiêu điều "Một nước Mỹ..." cũng không diễn tả hết sức mạnh cường quốc số 1 thế giới, nhưng cũng có một nước Mỹ với những điều chưa hoàn hảo. Còn nhiều thứ chưa hoàn hảo. Ngay lúc này đây, khi tôi đang viết bài này thì trên kênh NBC News đưa tin: "Biden lays out plan response to surge in gun violence"- nghĩa là "Biden đưa ra kế hoạch chống lại bạo lực súng đạn gia tăng".

Văn hoá súng đạn là tệ nạn giết nhiều người hàng năm ở Mỹ nhưng 245 năm qua, bao nhiêu lần đệ trình lên quốc hội về việc cấm dùng súng đạn bạo lực nhưng vì các đảng phái không thống nhất nên chưa thể bỏ. Đó là một tệ nạn làm cho nước Mỹ không hoàn hảo trong con mắt thế giới. Vừa rồi truyền thông có đưa tin về phân biệt đối xử với người gốc Á. Tôi có hỏi Tom, một người bạn của tôi. Ông ấy bảo đạo luật dân quyền năm 1964 của Mỹ là pháp luật cấm phân biệt chủng tộc, tôn giáo... Tuy nhiên đại dịch COVID-19 đã cướp đi nhiều người thân của họ. Họ uất ức không thể kìm nén. Họ chỉ biết đại dịch này đến từ China. Mà những ai da vàng, tóc đen là China. Đơn giản thế thôi. Mà đã lăng mạ và xúc phạm, hành xử thô bạo... cộng đồng khác chủng tộc là vi phạm pháp luật và không văn minh. Ông ấy cũng chia sẻ thêm rằng, ông làm trong tập đoàn siêu thị cho hãng ACME đã có tuổi đời 135 năm với hơn 20.000 người làm đã mấy chục năm. Kể từ khi mở giao thương với China thì mọi thứ khác trước, người dân Mỹ thường cấn cá khi muốn mua các loại hàng hoá của China. Họ bảo dễ bị ung thư vì hàng China sản xuất có nguồn gốc không đảm bảo. Và tệ hại hơn là đi đâu cũng thấy "Made in China". Đó cũng là điều khó thiện cảm cho họ. Có một số vụ việc xẩy ra cực đoan cũng là điều dễ hiểu nhưng làm cho xã hội Mỹ chưa hoàn hảo.

Tom bảo tôi rằng người Mỹ vốn trung thực và nhân ái. Tôi cũng cảm nhận như vậy. Ông ấy bảo với tôi rằng: Cái động lực chính để làm cho nước Mỹ luôn phát triển và hùng mạnh là nhờ những công dân chân chính được giáo dục tốt và giữ cho hệ thống pháp quyền minh bạch. Và chính những điều đó đã giúp cho người dân Mỹ được thụ hưởng một môi trường thiên nhiên và xã hội trong sạch. Họ không hiểu chuyện phong bì có tiền để biếu xén nhau trong hệ thống hành chính hay công vụ. Làm việc với họ tôi không thấy bất kỳ sự gian dối nào trong công việc. Trong siêu thị, hàng hoá tiêu dùng tươi sống cứ đúng hạn theo qui định mới phục vụ khách hàng, quá ngày là cho ô tô chở về nhà máy xử lý rác, từ thịt bò, gà, trứng, sữa, rau, quả... Các hàng hoá khác từ điện tử hay đồ gia dụng... mua về dùng không hợp thì mang ra trả nếu có hoá đơn kèm theo. Họ luôn giúp đỡ nhau và không xu nịnh hay tán dương sếp. Ai cũng lo hoàn thành công việc của mình. Còn sinh hoạt công cộng không ai xả rác ra đường hay vỉa hè. Trung tâm thể dục thì bao giờ tập xong họ cũng lau chùi bằng giấy khử trùng trước khi rời chỗ. Người đi trước bao giờ cũng mở cửa cho người đi sau. Trong cộng đồng thì từng cụm dân cư họ thường làm các tủ sách công cộng ở bên vỉa hè đường. Ai có nhu cầu đọc thì lấy về. Ai có sách không dùng thì cho vào tủ sách ấy để chia sẻ. Đường đi bộ hay đạp xe thể thao thì họ đặt ghế chắc, đẹp và sạch sẽ dọc đường cho mọi người ngồi nghỉ chân. Cách vài trăm mét họ để cái bơm xe đạp bằng thép không gỉ. Nếu xe đạp của ai không may bị xịt lốp thì bơm. Mọi thứ bền chặt nằm đó theo năm tháng. Một xã hội sống đúng nghĩa là văn minh, trật tự, kỷ cương. Đó là cuộc sống thường nhật của một cộng đồng dân cư trong xã hội văn minh.

Tôi đã lần lại 245 năm qua của nước Mỹ qua những thời điểm lịch sử để tự lý giải cho mình hiểu vì sao nước Mỹ phát triển nhanh như vậy mặc dù chưa hoàn hảo. Nhưng có lẽ mọi thứ trên đời không bao giờ là hoàn hảo. Do vậy tôi vẫn luôn cảm thấy một quốc gia đa sắc tộc, đa văn hoá mà cùng chung một mái nhà thịnh vượng như vậy không hề dễ dàng. Quả thực nước Mỹ cũng trải qua nhiều thăng trầm. Khi đất nước mong manh trong cuộc nội chiến Bắc Nam từ năm 1861 đến năm 1865, chỉ 4 năm nội chiến đã cướp đi 618.222 binh sỹ của quân đội liên bang phía Bắc và quân ly khai đòi độc lập cho các tiểu bang phía Nam Hoa Kỳ. Trước thử thách khắc nghiệt ấy, Bản Tuyên ngôn độc lập và Hiến pháp Hoa Kỳ vẫn trụ vững, làm điểm tựa và hy vọng cho tất cả các quốc gia và những con người khát khao dân chủ. Khi đọc tiểu thuyết nổi tiếng Cuốn theo chiều gió của Margaret Mitchell viết vào năm 1936 và chuyển thể thành phim năm 1937 nói về cuộc nội chiến ở miền Nam nước Mỹ những năm 1861, tôi được biết đó là 13 tiểu bang phía Nam nước Mỹ đòi ly khai khỏi nước Mỹ và chống lại chính phủ liên bang phía Bắc nước Mỹ. Tác phẩm ấy xoay quanh nhân vật chính là Scarlett O'Hara, một cô gái sinh ra tiểu bang Georgia, miền Nam Hoa Kỳ. Trong suốt 4 năm nội chiến và sau đó là thời tái thiết, cô gái ấy đã tìm mọi cách sống sót qua cuộc chiến để xây dựng cuộc sống thời hậu chiến. Tác phẩm ấy đã dựng lên một bức tranh xã hội Mỹ sau 85 năm kể từ 1776. Cuộc nội chiến khốc liệt làm cho các tiểu bang phía Nam hoang tàn và đổ nát. Sau khi chính phủ liên bang thắng thì bắt đầu tái thiết nước Mỹ. Trong thời kỳ này xảy ra tệ nạn tham nhũng và tranh giành nhau của các đảng phái. Tệ nạn xã hội tràn lan, các băng đảng xã hội kết hợp với chính quyền đã đẩy gia đình Scarlett vào phá sản. Tuy nhiên bằng nghị lực và bản lĩnh của một cô gái bị dồn vào bước đường cùng, cô đã thay bố - bố bị mất vì sốc trước sự tan nát trang trại của gia đình ông do thời cuộc đảo điên- để tự mình dựng lại cơ nghiệp từ trang trại đổ nát bởi cô có niềm tin: "Tomorrow is another day- Ngày mai là một ngày khác".

Không nói đâu xa, chỉ trước đây vài tháng thôi, vì sự tranh chấp quyền lực và đảng phái, ngày 6/1/2021, nóc nhà quốc hội bị lung lay bởi bạo lực, manh động. Một sự cố hy hữu bổ sung vào danh mục lịch sử nước Mỹ chưa hoàn hảo. Rồi những ngày này năm trước các phần tử cực đoan lợi dụng cái chết của Floyd để cướp phá, gây rối loạn xã hội.

Đó chính là những nét chấm phá màu đen vấy lên trên bức tranh nước Mỹ chưa hoàn hảo. Chính từ những trải nghiệm thực tế và qua lịch sử cũng như văn học đã giúp tôi hiểu thêm về một nước Mỹ chưa hoàn hảo nhưng luôn nỗ lực để tốt hơn.

Khi nghĩ về Quốc khánh nước Mỹ tròn 245 tuổi sắp tới, tôi lại nhớ đến Joe, người bạn của tôi đã nói trong bài: "Thăm tư gia Thomas Jefferson nhớ Bác Hồ" đăng trên quehuongonline.vn ngày 11/5/2021: "Hoa Kỳ ư? Joe nói, kể từ ngày ông ấy (Tổng thống Thomas Jefferson) khai sinh ra Bản Tuyên ngôn Độc lập cho Hoa Kỳ năm 1776, đó là cả chặng đường dài luôn phát triển cho quyền lợi của mỗi người dân Hoa Kỳ. Nó không phải là con đường tơ lụa, một con đường không dễ dàng từ thuở lập quốc và tái thiết phát triển, luôn có xung đột lợi ích giữa các đảng phái, nhưng đó là chuỗi đấu tranh bất tận đảm bảo cho mọi công dân Hoa Kỳ được thụ hưởng những giá trị như bản Tuyên ngôn Độc lập do Thomas Jefferson và Hiến pháp James Madison đã viết".

Hà An (Hoa Kỳ)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm